Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á khi căng thẳng thương mại leo thang
Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á trong phiên sáng 2/10 khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,31% xuống còn 24.245,45 điểm trong khi chỉ số Topix cũng giảm nhẹ 0,24%.
Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,49% dù số liệu công bố trước đó cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng kể từ tháng 3/2018.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0,58% khi hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều mất điểm. Cổ phiếu của công ty tài chính AMP trượt sâu hơn với mức 1,76%.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,38% ngay trong những giờ đầu giao dịch sau kỳ nghỉ lễ (Quốc khánh).
Tại thị trường Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 192,90 điểm và kết thúc giao dịch ở 26.651,21 điểm, trong khi S&P 500 tăng 0,4% lên mức 2.924,43 điểm.
Ngược chiều với hai chỉ số trên, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,1% xuống còn 8.037,30 điểm.
Video đang HOT
Biến động trên thị trường Mỹ diễn ra sau khi Mỹ và Canada tuyên bố đạt thỏa thuận mới thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hiện tại. Thỏa thuận mới dự kiến sẽ mang tên Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada.
Dự kiến thỏa thuận mới sẽ được ký trước cuối tháng 11 – trước thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ.
Liên quan đến diễn biến thương mại Mỹ – Trung, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox Business vào ngày 1/10, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là không có triển vọng và Tổng thống Donald Trump không hài lòng với tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dường như đã tác động đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương giữa hai nước khi Lầu Năm Góc mới đây đã hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến cuối tháng 10.
Trong giao dịch tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ (USD) giao dịch ở mức 95,275 điểm.
Đồng yên của Nhật Bản vẫn giao dịch ổn định ở mức 113,89 yên đổi được 1 USD trong khi đồng đô la Australia (AUD) tăng giá và giao dịch ở mức 1 AUD đổi được 0,7232 USD vào lúc 9h41 sáng 2/10 theo giờ Hong Kong/Singapore.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent kỳ hạn thế giới giảm ngọt nhẹ xuống còn 84,91USD/thùng, còn giá dầu West Texas Intermediate của Mỹ tăng 0,2% lên mức 75,45 USD/thùng./.
CTV Hồng Quang/VOV.VN
Theo CNBC
Đồng tiền châu Á rơi rụng
Các nền kinh tế mới nổi châu Á đang lo ngại bóng ma khủng hoảng 1997 sẽ quay lại trước đà lao dốc của đồng nội tệ.
"Điều khủng khiếp"
Có nhiều cách để bảo vệ đồng nội tệ. Ayam Geprek Juara, một chuỗi nhà hàng Indonesia phục vụ món gà rán, đã cung cấp các suất ăn miễn phí trong tháng 9.2018 cho những khách hàng chứng minh họ đã bán đồng USD đổi lấy rupiah trong ngày hôm đó. Nhà hàng này đã cung cấp hơn 80 suất ăn như vậy cho những "chiến binh bảo vệ đồng rupiah" này, theo Reuters.
Có lẽ, Ayam Geprek Juara cũng nên đưa ra đề xuất như vậy cho các nhân viên của Ngân hàng Trung ương Indonesia. Để bảo vệ đồng rupiah, cơ quan này đã và đang bán ra hàng tỉ USD dự trữ ngoại hối, vốn đã giảm từ mức hơn 125 tỉ USD trong tháng 1.2018 còn chưa tới 112 tỉ USD trong tháng 8.
Mặc cho đã bán ra hàng tỉ USD và đã có 4 lần tăng lãi suất kể từ tháng 5.2018, nhưng đồng rupiah vẫn đã mất gần 10% giá trị so với USD tính từ đầu năm đến nay, chạm mức thấp đã từng được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Đồng rupee của Ấn Độ còn rơi rụng mạnh hơn thế, đạt mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Thậm chí ở những quốc gia châu Á mà đồng nội tệ vẫn còn đứng vững thì các thị trường chứng khoán ở những nước đó cũng lao dốc. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm 20% từ cuối tháng 1 đến ngày 12.9.2018. Các thị trường chứng khoán ở đại lục Trung Quốc cũng loạng choạng.
Một người trở về từ sao Hỏa chắc hẳn sẽ cho rằng điều gì rất khủng khiếp đã xảy ra tại châu Á, theo đánh giá của Chris Wood thuộc hãng môi giới CLSA. Nhưng thực ra, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đang tận hưởng một thời kỳ vui vẻ với tăng trưởng cao và giá cả tiêu dùng ổn định (chỉ mỗi Pakistan vướng cả hai mối lo là thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khóa). Bằng chứng là GDP của Ấn Độ đã tăng trưởng hơn 8% trong quý vừa qua. Kinh tế Indonesia tăng trưởng hơn 5% và Trung Quốc cũng tăng trưởng hơn 6% như xưa nay vẫn thế.
Dù rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến cho các doanh nghiệp ở đại lục Trung Quốc và Hồng Kông cảm thấy bất an, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng trưởng hơn 13% trong tháng 8 và hội chợ thương mại Canton vẫn nhộn nhịp nhất trong 6 năm qua, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Nhiều khách hàng Mỹ rõ ràng rất hăm hở đi mua hàng trước khi các mức thuế quan bắt đầu được áp trên diện rộng hơn. Một số nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam tin rằng họ có thể hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng cách chào đón những nhà sản xuất muốn di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan.
Ấn Độ và Indonesia phần lớn được cách ly khỏi những tác động của cuộc chiến tranh thương mại, nhờ vào nhu cầu nội địa mạnh. Nhưng lợi thế sức cầu mạnh này lại khiến họ dễ bị tổn thương trước 2 mối nguy khác: giá dầu cao hơn và chính sách siết chặt tiền tệ không thương tiếc của Mỹ.
Hóa đơn nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ trong 5 tháng qua đã cao hơn 50% so với cách đây 1 năm. Thâm hụt tài khoản vãng lai có thể sẽ lên tới 3% GDP trong năm tài chính này (kết thúc vào tháng 3), theo một số dự báo. Indonesia cũng có thể rơi vào nguy cơ tương tự.
Những thiếu hụt này có thể dễ dàng được bù đắp nếu các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hứng thú với các thị trường mới nổi châu Á. Nhưng tiếc là họ đã không còn hào hứng như trước. Bởi lẽ, khi lãi suất ở Mỹ đã tăng lên, các thị trường mới nổi ngày càng trở nên kém sinh lợi và kém an toàn trong mắt họ.
Để đối phó, Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện nới lỏng các chính sách thuế và quy định pháp luật để thu hút vốn nước ngoài nhiều hơn và nhập ít hàng ngoại hơn. Chẳng hạn, Ấn Độ đã quyết định ngưng nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu.
Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước pha loãng nhiên liệu nhập khẩu với nhiên liệu sinh học, được chiết xuất từ dầu cọ trong nước. Indonesia cũng đã hoãn các dự án hạ tầng lớn và tăng thuế quan nhập khẩu đối với hơn 1.000 loại mặt hàng, trong đó có nước hoa, nước sốt cà chua.
Ký ức khủng hoảng 1997
Dẫu vậy, các mối nguy vẫn bủa vây. Indonesia lo ngại nợ bằng ngoại tệ sẽ khó kiềm chế hơn trong bối cảnh đồng rupia yếu hơn. Các món nợ này đã lên tới khoảng 28% GDP. Hơn nữa, khoảng 40% trái phiếu chính phủ bằng đồng rupiah được nắm giữ bởi khối ngoại, theo Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực ASEAN thuộc Ngân hàng HSBC. "Rủi ro tháo chạy dòng tiền là rất lớn", ông đúc kết. Và đó cũng là một lý do vì sao Indonesia đã tăng lãi suất nhanh hơn so với Ấn Độ.
Cả hai nước cũng lo ngại đồng tiền giảm giá sẽ càng kích thích đà giảm giá sâu hơn nữa. Sau khi chống đỡ đà lao dốc của đồng rupiah vào năm 2013, ông Chatib Basri, Bộ trưởng Tài chính của Indonesia khi đó, nhận định, đồng tiền lao dốc mạnh đã làm khơi dậy ký ức kinh hoàng của cuộc khủng hoảng năm 1997 và khiến cho nhà đầu tư hoảng loạn. Chắc chắn các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ không muốn ký ức này tái diễn trong tương lai
(Theo The Economist)
Phiên điều chỉnh đầu tuần Dù giữ vững sắc xanh trong phiên sáng nhưng áp lực bán tăng mạnh khiến hai chỉ số đảo chiều giảm điểm về cuối phiên chiều. Thị trường chứng khoán châu Á nhìn chung có phiên giao dịch tích cực theo sau thông tin Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận thương mại USMCA thay thế cho NAFTA. Theo đó, các chỉ...