Sabeco đã rút sạch vốn tại dự án nghìn tỷ trên “đất vàng” Sài Gòn
Tuy nhiên, báo cáo tài chính mới công bố của Sabeco không thể hiện rõ nội dung số tiền Sabeco thu về từ đợt thoái vốn này cũng như đối tác nào đã mua lại số cổ phần của Sabeco tại đây.
Sabeco Pearl chi gần 1.000 tỷ đồng nộp tiền đất của dự án “đất vàng” 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM).
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2016 của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khái Sài Gòn (Sabeco) cho biết, tại thời điểm 30/9/2016, Sabeco đã hoàn thành thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl.
Trước đó, hồi tháng 6, Sabeco đã công bố thông tin phê duyệt phương án thoái vốn tại Sabeco Pearl. Cụ thể, Sabeco sẽ bán đấu giá 14.733.342 cổ phần, tương đương 25% vốn của Đầu tư Sabeco Pearl với giá khởi điểm 13.247 đồng/cổ phần, tương đương với số tiền thu về tối thiểu dự kiến tại thời điểm đó hơn 195 tỷ đồng.
Theo phương án thoái vốn đã được thông qua ngày 30/5/2016, HĐQT của doanh nghiệp này đã thông qua việc bán toàn bộ vốn đầu tư của Sabeco tại Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thông qua hình thức bán đấu giá cạnh tranh cho các cổ đông sáng lập còn lại của Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl.
Tuy nhiên, báo cáo không thể hiện rõ nội dung số tiền Sabeco thu về từ đợt thoái vốn này cũng như cổ đông sáng lập nào của Sabeco Pearl đã mua lại số cổ phần của Sabeco tại đây.
Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl có vốn điều lệ gần 566,7 tỷ đồng mới được Sabeco góp vốn liên doanh thành lập từ đầu năm 2015 nhằm phục vụ triển khai dự án tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM. Theo dự kiến, khu đất này sẽ được quy hoạch xây dựng Khu phức hợp khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê có tên là Sabeco Tower có diện tích xây dựng khối đế là 2.520 m2, khối tháp 1.650 m2, chiều cao 48 tầng và 36 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 90.000 m2.
Trước khi thoái vốn, Sabeco là 1 trong 4 cổ đông sáng lập ban đầu của công ty bao gồm: Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An và Đầu tư Mê Linh sở hữu 26% vốn, Sabeco sở hữu 25% và Attland sở hữu 23%.
Video đang HOT
Theo BCTC đã kiểm toán năm 2015, tính đến thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của Đầu tư Sabeco Pearl đạt hơn 1018.3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thể hiện ở khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1,016.6 tỷ đồng (bao gồm quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TPHCM với giá trị 997,3 tỷ đồng và một số chi phí khác).
Sabeco Pearl có vốn điều lệ gần 566,7 tỷ đồng, Sabeco mới tham gia góp vốn liên doanh từ đầu năm 2015 để đầu tư dự án tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận I, TPHCM). Đây là khu “đất vàng” hiếm hoi có tới 4 mặt tiền gồm phố Đông Du, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Công trường Mê Linh và rộng hơn 6.000m2. Từ năm 2008, Sabeco được thuê đất dài hạn để khai thác sử dụng.
Để chi trả gần nghìn tỷ đồng để mua lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất vàng này, bên cạnh sử dụng nguồn vốn từ vốn góp của các cổ đông (566,67 tỷ đồng), Sabeco Pearl còn đang sử dụng nguồn vốn từ hợp đồng Hợp tác kinh doanh giữa Sabeco Pearl và Attland và từ khoản vay khế ước kỳ hạn 4 năm từ cổ đông CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An.
Tại thời điểm công bố sẽ rút khỏi khu đất vàng nghìn tỷ này, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc tại sao Sabeco lại bán cổ phần tại Sabeco Pearl khi dự án cao ốc này mới khởi động chưa lâu và ai trong số 3 cổ đông sáng lập còn lại sẽ mua lại số cổ phần trên để nắm quyền chi phối tại Sabeco Pearl?
Mức giá khởi điểm 13.247 đồng/cổ phần cũng được giới đầu tư cho là không quá hấp dẫn nếu so với quyền sở hữu, khai thác khu “đất vàng” hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn cho chủ đầu tư…
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông của Sabeco diễn ra hồi cuối tháng 5, trả lời chất vất một số cổ đông về khu đất vàng trên, lãnh đạo Sabeco giải trình rằng khu đất trên vốn được kỳ vọng làm trụ sở của tổng công ty nhưng những quy định về đầu tư ngoài ngành và một số quy định khác rất khó cho tổng công ty theo đuổi dự án này khi tiền sử dụng đất đã gần 1.000 tỷ đồng.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, nhu cầu sử dụng diện tích văn phòng của tổng công ty rất thấp so với tổng diện tích của dự án do vậy phần lớn diện tích phải cho thuê lại, mà việc cho thuê lại vướng quy định đầu tư ngoài ngành.
Phương Dung
Theo Dantri
Hai đại gia bia Nhật Bản "nhòm ngó" mua cổ phần Sabeco
Theo đánh giá của Nikkei, với dân số 90 triệu dân, Việt Nam có mức tiêu thụ bia đang tăng mạnh và là một trong số ít những thị trường bia đầy tiềm năng. Vì lý do này, nhiều hãng bia lớn của nước ngoài cũng đang quan tâm tới kế hoạch bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco.
Kể từ khi Chính phủ thông báo chủ trương cổ phần Sabeco, nhiều hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần.
Tờ Nikkei đưa tin, 2 hãng bia là Asahi Group và Kirin Holdings của Nhật Bản đang cân nhắc việc tham giá đấu giá mua cổ phần của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Phiên đấu giá có thể diễn ra sớm nhất trong tháng tới.
Chính phủ Việt Nam đang nắm giữ 89,6% cổ phần tại Sabeco và 82% tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Sabeco và Habeco đang chiếm tổng cộng khoảng 60% thị phần bia trong nước.
Trong nỗ lực cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ muốn thoái toàn bộ cổ phần nắm giữ tại 2 hãng bia này vào cuối năm 2017. Theo lộ trình, 53,6% cổ phần tại Sabeco sẽ được bán ngay vào cuối năm nay.
Theo đánh giá của Nikkei, với dân số 90 triệu dân, Việt Nam có mức tiêu thụ bia đang tăng mạnh và là một trong số ít những thị trường bia đầy tiềm năng. Vì lý do này, nhiều hãng bia lớn của nước ngoài cũng đang quan tâm tới kế hoạch bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco.
Tại Nhật Bản, do đang đối mặt với nhu cầu thị trường đang thu hẹp lại, Asahi và Kirin đã tăng cường mở rộng hoạt động ở nước ngoài trong thời gian qua. Trong đó, Kirin đang có chiến lược tập trung chủ yếu vào thị trường châu Á. Năm ngoái hãng bia này đã mua lại hãng bia Myanmar.
Trong khi đó, Asahi đang tìm kiếm cơ hội gia tăng sự hiện diện trên thị trường nước ngoài. Asahi đang xem xét mua hãng bia SABMiller của Anh.
Hiện Sabeco đang thực hiện các bước để niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trả lời một hãng thông tấn nước ngoài cách đây 2 tuần, ông Lê Hồng Xanh - Tổng Giám đốc Sabeco khẳng định, Sabeco có thể niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.
Ông Xanh cũng cho biết, về các kế hoạch thoái vốn cũng đang được Chính phủ xem xét và chưa "chốt" phương án cụ thể nào.
Theo kế hoạch, Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước trước khi xem xét bán cổ phần cho các nhà đầu tư quan tâm. Ước tính, Chính phủ có thể thu về khoảng 2,2 tỷ USD nếu thoái hết cổ phần tại Sabeco và Habeco.
Kể từ khi Chính phủ thông báo chủ trương cổ phần Sabeco, một số hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần. Ngoài Kirin, Asahi, Thai Bev và Heineken đều đã bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên ông Xanh nói rằng tiến trình cổ phần hóa đã được khởi động lại và các nhà đầu tư quan tâm sẽ phải tham gia đấu giá một lần nữa.
"Có rất nhiều nhà đầu tư gồm các định chế tài chính, các quỹ và các hãng bia ngoại muốn mua cổ phần nhưng chúng tôi vẫn chưa bắt đầu đàm phán cụ thể với bên nào cả. Tất cả đều phải chờ chủ trương từ Chính phủ", ông Xanh nói.
Về kế hoạch thoái 53,59% cổ phần tại Sabeco ngay trong năm nay để thu về 1 tỷ USD và bán phần còn lại trong năm 2017, mới đây, ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cũng cho biết, kế hoạch này đang được xem xét lại.
Phương Dung
Theo Dantri
Tăng thu 15 tỷ USD từ bán vốn Nhà nước nếu Thủ tướng "mạnh tay" cách chức, kỷ luật? VAFI cho rằng, với chế tài mạnh tay như thay người đại diện và áp hình thức kỷ luật với các lãnh đạo bộ ngành ngăn cản doanh nghiệp Nhà nước niêm yết sau khi cổ phần hóa thì ngân sách có thể thu thêm 15 tỷ USD từ tiến trình bán cổ phần Nhà nước. Sáng nay (5/10), Hiệp hội các nhà...