Sa Pa: Lần đầu phá băng thông đèo Ô Quý Hồ
Suốt 3 ngày qua, hàng trăm ô tô nối nhau đứng im lìm suốt 5km dưới mưa tuyết, xe máy cũng không thể di chuyển được, băng đã phủ kín mặt đường. Nhiều người phải dừng lại trên đèo Ô Quý Hồ. Lần đầu tiên, gần 100 công nhân của Công ty Cổ phần sửa chữa đường bộ Lào Cai cùng máy móc được huy động đột xuất lên đèo Ô Quý Hồ gạt tuyết, phá băng đảm bảo giao thông.
Mặc ngã xe, tắc đường vẫn lên xem tuyết
Mấy ngày nay, tuyết rơi trắng trời tại một số huyện ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. Đặc biệt tại đèo Ô Quý Hồ tiếp giáp 2 tỉnh Lai Châu – Lào Cai, tuyết rơi ngập đường từ 5 – 30cm. Mặt đường nhiều chỗ đóng băng, xe cộ xếp hàng dài không thể xuống đèo.
Mặc dù đường trơn, không đảm bảo an toàn nhưng trong mấy ngày qua người dân từ các nơi ùn ùn lên đèo Ô Quý Hồ để chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ thù. Anh Lê Thanh Hiền – Đội trưởng Đội TTGT số 3 Sở GTVT Lai Châu cho biết, chưa có thống kê về tai nạn nhưng đã có rất nhiều trường hợp người dân lên xem băng, tuyết bị ngã, phương tiện ùn tắc trên đường lên đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Công nhân dùng cuốc, xẻng phá băng trên mặt đường
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, băng tuyết lần đầu tiên xuất hiện với mật độ dày, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên QL4D, Sở GTVT Lào Cai và Lai Châu đã phải cấm đường để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện.
Thày Nguyễn Mạnh Quân – giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tạo kỹ thuật ô tô cho biết, nếu đi trên băng tuyết mà không có lốp đặc chủng, lái xe có thể dùng xích hoặc dây thừng to quấn quanh lốp để tạo ma sát, đi chậm. Khi vào cua không được lấy lái gấp, lên dốc số nào, xuống dốc số đó để đảm bảo an toàn. Không cố đi bằng mọi giá, khi dừng lại giữa băng tuyết, cần gọi điện cho lực lượng cứu hộ đến ứng cứu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Mạnh Quân giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tạo kỹ thuật ô tô 83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội – người đã có 10 năm lái xe tại Cộng hoà Dân chủ Đức cho biết, người dân thích thú khi lần đầu tiên chứng kiến băng tuyết.
Tuy nhiên, ẩn chứa trong đó là nguy cơ mất ATGT, nguy hiểm đến tính mạng mà không phải ai cũng biết. Vì đa số lái xe ở nước ta không biết rằng, lốp xe hiện nay không đảm bảo cho lưu thông trên địa hình băng tuyết. Do đó, khi đi trên băng sẽ rất nguy hiểm vì QL4D bên là vực, bên là núi cao. Nguy cơ xảy ra TNGT luôn thường trực vì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện băng đá trên mặt đường đèo. Để đi trên băng tuyết phương tiện phải có lốp đặc chủng, do đó đừng vì hiếu kỳ, đừng bất chấp đi bằng được mà đánh đổi sinh mạng của mình.
Video đang HOT
Phá băng từng centimet
Để đảm bảo giao thông, cũng như tìm phương án gạt tuyết, phá băng trên đường lên đèo Ô Quý Hồ, đích thân Giám đốc Sở GTVT Lào Cai Nguyễn Trọng Hài đã đứng trên máy ủi cùng với lái xe tìm cách gạt tuyết trên quãng đường hơn 12km. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trường Sơn – Phó Giám đốc Công ty đường bộ Lào Cai cho biết, do trải qua 2 đêm nhiệt độ xuống thấp, cộng với tuyết rơi dày trên mặt đường đã hình thành một lớp băng dày.
Dùng máy ủi gạt tuyết thông đường
Theo ông Trần Xuân Hiện – Phó trưởng Phòng quản lý hạ tầng Sở GTVT Lào Cai, do chưa có kinh nghiệm xử lý nên chúng tôi dùng máy san ủi tuyết, sau đó công nhân dùng xẻng, xà beng phá lớp băng trên mặt đường từ Km 89 – Km100.
Phía Lai Châu tuy không bị ảnh hưởng nhiều nhưng cũng có 2km bị băng đóng trên mặt đường. Ông Tạ Tấn Vĩnh – Giám đốc Sở GTVT Lai Châu cho biết, Sở GTVT đã quyết định cấm đường nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện. Tại những nơi tuyết dày, một xe xúc đã được huy động để xúc tuyết đổ sang lề đường, mở đường cho xe xuống đèo.
Đến 16h30 ngày 17/12, đường từ Lào Cai, Lai Châu lên đèo Ô Quý Hồ đều đã thông xe, tuy nhiên phương tiện vẫn phải đi chậm để đảm bảo an toàn. Ông Lê Trường Sơn khẳng định, đơn vị sẽ ứng trực 24/24h để xử lý nốt một số chỗ băng đóng dày và đảm bảo giao thông. Ông Sơn chia sẻ, đây là lần đầu tiên đơn vị phải đi ứng cứu với hiện tượng thời tiết bất thường này, đường trơn trượt rất khó đi, chỉ mong bà con đi xem tuyết không gặp tai nạn
Theo Khánh Hà (Giaothongvantai.com.vn)
Sa Pa: Sau mưa tuyết, nắng lên mới là lúc khóc
Đến chiều 17/12, các vườn rau, hoa ở Sapa (Lào Cai) vẫn ngập trong băng tuyết. Nhiều chủ vườn thật sự lo lắng, ngâm trong băng tuyết lâu, rau hoa không khác nào bị "luộc".
Thời điểm này các nhà vườn ở Sapa cũng đang trồng nhiều cho vụ rau, hoa Tết. Báo cáo về thiệt hại do mưa tuyết ở Sapa lúc 16 giờ chiều 17.12 của UBND huyện Sapa chưa thống kê được diện tích sản xuất cây trồng vụ đông trên địa bàn bị thiệt hại nhưng cũng khẳng định "thiệt hại do mưa tuyết là rất lớn".
Với đàn gia súc, theo thống kê chưa đầy đủ, trận mưa tuyết mới "quật" 54 con trâu bò ngựa của nông dân. Tác hại của đợt băng tuyết ở Sapa vẫn chưa thể dừng lại vì đến chiều tối 17.12 nhiều điểm băng vẫn còn dày tới nửa mét. Với người trồng rau, "nắng lên mới là lúc khóc".
Anh Hạng A Trùng thôn Suối Hồ, xã Sapa, bán thịt con bê bi chết vì rét trên QL 4D.
Vườn rau ngập trong tuyết của một gia đình ở tổ 12 thị trấn Sa Pa
Người chủ vườn rau ở tổ 11, TT Sapa đi kiểm tra vườn rau đang có dấu hiệu "nhũn".
Ông Vũ Đình Đông ở tổ 12, TT Sapa, cắt từng khối tuyết dày, hi vọng cứu rau
Người qua đường bảo nhau: Mua thịt trâu... chết, giúp nông dân.
Người dân xã Ô Quí Hồ gom su su bị hỏng về cho trâu ăn "chống rét".
Trâu về chuồng thì người ra đường, hai vợ chồng người Mông ở xã Trung Chải đi cắt cỏ về nuôi trâu trong giá lạnh.
Không chỉ rau bị thiệt hại mà rừng trồng cũng bị thiệt hại nặng nề do băng tuyết phủ nặng làm gẫy ngọn.
Một chủ rừng cây đang dọn lại những cành bị gẫy.
Đến chiều tối 17/12 băng vẫn đè nặng lên những ngôi nhà, nguy cơ sập vì băng vẫn chưa qua.
Theo Thanh Tú
Ngắm tuyết Sa Pa là có tội? Tổng thiệt hại do mưa tuyết gây ra ở Sa Pa tính đến nay đã khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng mỗi ngày Sa Pa cũng đón từ 5 nghìn đến 7 nghìn khách du lịch. Người đi ngắm tuyết có vô tâm? Hiện tượng tuyêt rơi day ở Sa Pa (Lào Cai) hôm 15/12 đã thu hút sự chú ý của nhiều người...