Rút ngắn thời hạn bắt buộc cung cấp thông tin cho báo chí
Mỗi cơ quan hành chính nhà nước có ba người có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thời hạn bắt buộc cung cấp cũng được rút ngắn.
Đó là những nội dung quan trọng của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được công bố trong buổi họp báo sáng 17/5 nay, do Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức. Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin – Truyền thông) cho biết, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg thay thế cho Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2007.
Quy chế mới quy định rõ quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn, cung cấp tin cho báo chí. Đặc biệt, trong Quy chế mới đã có một điều quy định về khung xử lý vi phạm mà Quy chế cũ không có như: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Quy chế mới thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật…
Tại Điều 2 quy chế mới quy định, mỗi cơ quan hành chính nhà nước có ba người có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bao gồm:Người đứng đầu cơ quan, người phát ngôn (NPN) thường xuyên và người được ủy quyền phát ngôn (khi NPN thường xuyên đi vắng hoặc được ủy quyền trong các trường hợp cần thiết). Như vậy, so với quy chế cũ thì đối tượng chịu trách nhiệm phát ngôn đã được quy định chi tiết hơn nhiều.
Video đang HOT
“Quy định mới không có nghĩa có người phát ngôn rồi thì khi được hỏi, cá nhân thuộc cơ quan hành chính sẽ ỷ lại người phát ngôn này để không cung cấp thông tin cho báo chí. Điểm mới ở quy định là mọi cá nhân đều được cung cấp thông tin cho báo chí nhưng chỉ khác người phát ngôn ở chỗ không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước, không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật… Ví dụ liên quan đến vụ việcphủ Thành Chương: đại diện TP Hà Nội là người phát ngôn chính thống, còn những cá nhân khác ở Hà Nội ở Sở Nông nghiệp, Sở TN-MT đều có thể cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng không đại diện cho cơ quan nhà nước, mà phải chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp” – ông Lượng nhấn mạnh.
Điểm mới nữa trong Quy chế là thời hạn bắt buộc cung cấp thông tin định kỳcho báo chí của các cơ quan nhà nước cũng đã được rút ngắn. Cụ thể, việc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí đã được rút ngắn từ ba tháng xuống còn một tháng, thời hạn tối đa phải tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cũng giảm từ sáu tháng xuống còn ba tháng. Còn thời gian mà NPN phải cung cấp thông tin ban đầu về các vấn đề đột xuất, quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình cho báo chí đã được rút ngắn từ hai ngày xuống còn một ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.
Quy chế mới cũng đã đưa ra các quy định khung về xử lý vi phạm trong công tác phát ngôn mà quy chế cũ chưa đề cập. Cụ thể, Điều 8 quy chế mới quy định: “Cơ quan, tổ chức có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý theo Luật Báo chí hoặc Luật Cán bộ, công chức.
Cục trưởng Cục Báo chí cho biết thêm, cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm đăng tải, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn, thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp; đồng thời ghi rõ họ tên, người phát ngôn, người được ủy quyền. Theo ông Lượng, đê quy chế mới thực sự phát huy hiệu quả, Bộ sẽ tổ chức tiếp 2 buổi tập huấn dành cho người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo Dantri
Hà Nội lập đoàn kiểm tra đột xuất các sở ngành
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra công vụ. Đoàn gồm 19 thành viên sẽ đi kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy chế làm việc ở những cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố.
Đoàn kiểm tra công vụ sẽ kiểm tra đột xuất các cơ quan hành chính của Hà Nội (Ảnh minh họa)
Đoàn kiểm tra công vụ do Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng làm Trưởng đoàn. Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy chế làm việc, quy trình công tác và sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên; việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện các quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hiệp quản thuộc thành phố Hà Nội theo phương thức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, không báo trước.
Thời hạn kiểm tra từ ngày 15/3 đến hết ngày 31/12/2013.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn kiểm tra công vụ thực hiện nhiệm vụ, tiếp thu và xử lý các kiến nghị của đoàn kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan quản lý cấp trên và Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Theo Dantri
Trình Chính phủ Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2013. Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình đô thị, đáp ứng yêu...