Ruộng đồng khô hạn, “biển nước” bị lãng phí vô tội vạ
Trong khi hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp ở nhiều biển ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thiếu nước sản xuất trầm trọng, thì hàng triệu mét khối nước tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang bị lãng phí một cách vô tội vạ.
Nghịch cảnh xót xa
Tháng 4 mới chỉ là khởi đầu của mùa khô hạn, vậy mà đi dọc suốt 6 xã bị ảnh hưởng của đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chúng tôi dễ dàng cảm nhận được khốn cảnh của người dân trong cơn quay quắt thiếu nước. Không thể đếm hết có bao nhiêu giếng nước sinh hoạt, bao nhiêu ao hồ, khe suối ở đây bị trơ đáy. Số chưa trơ đáy, cạn kiệt cũng không thể dùng được, do nhiễm phèn đến đậm đặc.
Băng qua những cánh đồng rộng lớn ở các xã này, một thảm cảnh sản xuất bị đình đốn do thiếu nước hiện ra trước mặt. Những cánh đồng bỏ không, bị cát vùi lấp, bị sa mạc hóa một cách rất nhanh khiến an ninh lương thực trên địa bàn bị đe dọa một cách trầm trọng. Một cán bộ tại UBND huyện Thạch Hà thông tin, thực trạng này xảy ra tại nhiều xã ở vùng biển ngang, nhưng nặng nhất là 4 xã Hải, Khê, Đỉnh, Bàn (Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Bàn- PV). Tại 4 xã này, 100% diện tích nước tưới phụ thuộc vào tự nhiên, nên khi dự án khai thác sắt Thạch Khê triển khai, mạch nước ngầm bị mong mỏ ở độ sâu gần 30m hút. Ao hồ, khe suối vì thế cạn kiệt, một diện tích lớn đất bị bỏ hoang xuất phát từ thực trạng này.
Hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp tại 6 xã ảnh hưởng trực tiếp Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất trầm trọng. Thực trạng này một phần do moong mỏ Dự án khai thác Sắt Thạch Khê gây ra.
Tại xóm 1 Thượng Hải, xã Thạch Hải, nơi có hơn 30 héc ta diện tích đất trồng rau màu và cây ăn quả vốn – là nguồn sống của 64 hộ dân trong xóm – bị bỏ hoang do thiếu nước. Không đất canh tác nên cuộc sống bà Nguyễn Thị Hoa và hàng chục hộ dân trong xóm rơi vào cảnh cùng cực. Vì miếng cơm, cọng rau họ vẫn ra sức sản xuất, nhưng càng sản xuất người dân càng thất bại vì cây cối, hoa màu vừa trồng đã héo, chết.
“Trước đây, khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa triển khai người dân chúng tôi còn tự sản xuất được màu, cây ăn quả. Nhưng giờ thì quá khó. Cây cối xuống giống không phát triển được, về mùa khô hạn này thì chỉ được thời gian là héo chết. Đất đai vì thế người dân bỏ hoang hết cả rồi”- bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Văn Ninh, xóm 1 Đại Hải, xã Thạch Hải, bỏ công dẫn chúng tôi thị sát một cánh đồng trong xã bị bỏ hoang do thiếu nguồn nước sản xuất. Giọng ông Ninh tiếc nuối: “Đã mấy năm nay rồi, do thiếu nước chúng tôi không thể sản xuất được gì nữa. Nước ở đây, nói không quá là giờ quý như bạc như vàng vì hầu hết các ao hồ bị cạn kiệt”. Ông Ninh thở dài nói rằng, không biết rồi người dân nơi đây sẽ sống ra sao khi mà tình trạng thiếu nước sản xuất cứ tiếp tục kéo dài.
Có một nghịch cảnh xót xa, trong khi những cánh đồng khô hạn, đất đai nứt nẻ, bỏ không, người dân phải quay quắt tìm nguồn nước sinh hoạt, thì cả một biển nước mênh mông ước lượng hàng trăm ngàn m4 trong moong mỏ sắt đang bị Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC-PV) xả thải một cách vô tội vạ.
Cả hồ nước mênh mông này đang bị lãng phí một cách vô tội vạ. Trung bình mỗi ngày, 2 máy hút có công suất 3.000m3 của Công ty CP Sắt Thạch Khê hút, xả thẳng ra biển hàng chục ngàn m3 nước.
Video đang HOT
Theo điều tra của Dân trí, từ cuối tháng 3 đến nay, để bảo vệ moong mỏ (chiều dài hơn 1km, rộng hàng trăm mét, độ âm 25m), TIC bố trí hai máy có công suất 3.000m3/h hút liên tục 24/24h mỗi ngày xả thải thẳng ra biển. Và để hút cạn toàn bộ nguồn nước trong moong mỏ này, TIC phải hút liên tục trong vòng 2 tháng. Như vậy, lượng nước xả thải của TIC phải đạt con số hàng triệu m3 nước ra biển. Đấy là một sự lãng phí nguồn nước, nếu không muốn nói là có tội với hàng ngàn người dân vốn đang quay quắt trong cơn thiếu nước.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê bắt đầu triển khai từ tháng 9/2009 và được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Lãng phí đến bao giờ?
Làm việc với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà – cho biết, việc đời sống sản cuất của người dân 6 xã bị ảnh hương khi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê triển khai là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực trạng thiếu nước sản xuất như hiện nay có thể phần nào được hạn chế nếu tận dụng được nguồn nước rất lớn từ mong mỏ của dự án này.
“Việc chủ đầu tư cho thải nguồn nước lớn từ moong mỏ như thế ra biển là lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên nước của quốc gia, bởi nguồn nước này đủ để phục vụ cho đời sống sản xuất của người dân 6 xã bị ảnh hưởng bởi dự án này”- ông Hương nói.
Theo ông Hương, việc tận dụng nguồn nước từ moong mỏ sắt Thạch Khê phục vụ sản xuất nông nghiệp là không quá khó, chỉ cần TIC triển khai đúng cam kết việc thi công các tiểu dự án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, cũng như nước sản xuất khi điều chỉnh dự án. Cụ thể, TIC phải chi tiền, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà thi công một số hồ lắng, hệ thống kênh dẫn dòng, dẫn nước từ moong mỏ về tận các cánh đồng cho người dân.
Chưa biết bao giờ nguồn nước bơm xả ra biển này sẽ được tái sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp?
“Các tiểu dự án dẫn dòng này đã được đề cập, được TIC cam kết khi điều chỉnh dự án. Tuy nhiên đến nay như chúng tôi được biết, do thiếu vốn đầu tư nên chủ đầu tư chưa thể triển khai”- ông Hương nói thêm.
Có thể nói, việc hàng triệu m3 nước tại khu vực hạn hán, khô cằn, nghèo khó bậc nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện được chủ đầu tư dự án khai thác sắt Thạch Khê bơm, xả thẳng ra biển là một sự lãng phí đầy xót xa. Người dân ở vùng đất này không biết bao giờ sự lãng phí này sẽ được chấm dứt, sẽ được tận dụng để giúp họ phần nào gây dựng lại đời sống nông nghiệp vốn đã bị đình trệ suốt nhiều năm nay?
Văn Dũng – Huy Thái
Theo Dantri
Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ
Thị xã Hoàng Mai của Nghệ An và huyện Tĩnh Gia của Thanh Hóa với hàng ngàn nhà dân hôm qua đã ngập chìm trong biển nước do vỡ đập và xả nước hồ thủy lợi.
Hồ Đồng Đáng ở huyện Tĩnh Gia bị vỡ - Ảnh: Ngọc Minh
Thanh Hóa vỡ đập hàng loạt
Liên tiếp 2 đập thủy lợi trên địa bàn H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vỡ toang hôm qua nhấn chìm hơn 1.000 hộ dân của các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Tùng Lâm và Hải Thượng.
Đường sắt tê liệt Sáng 1.10, tại Km 233 900 đến 234 075 (thuộc địa phận H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nước lũ chảy qua đường sắt làm ngập mặt ray nhiều đoạn. Đồng thời nước chảy xiết đã làm trôi đá vai nhiều đoạn trên tuyến, khiến nhiều chuyến tàu bị dừng hoạt động, đến chiều tối qua vẫn chưa khắc phục xong. Tàu NA1 với 252 khách đang phải nằm lại tại ga Khoa Trường, tàu SE3 có 210 khách đang phải tạm dừng tại ga Trường Lâm. Tại Nghệ An, QL1A đoạn qua thị xã Hoàng Mai bị ngập sâu trong nước. Đến 15 giờ hôm qua, giao thông hoàn toàn tê liệt. Cơ quan chức năng đã lập trạm chốt chặn tại thị trấn Diễn Châu để hướng dẫn xe ô tô chạy từ nam ra bắc ngoặt lên tuyến QL7. Hai tàu khách chở hàng trăm hành khách cũng bị kẹt tại đây.
Mãi đến đầu giờ chiều qua, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng CSGT đường thủy, PV Thanh Niên mới tiếp cận được thôn Trường Sơn, xã Trường Lâm. Để vào được, phải vượt qua 3 điểm ngập dài khoảng 4 km, có điểm sâu tới hơn 1 m trên QL1A, sau đó đi ca nô vượt qua cánh đồng Nhòn. "Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng, gia đình tôi đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng nước đổ ầm ầm bên hông nhà. Vợ chồng mở cửa nhìn ra thì toàn bộ chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà bị lũ cuốn mất. Mất hết rồi các bác ạ", chị Cao Thị Thúy, mếu máo kể lại giây phút kinh hoàng khi đập Đồng Đáng bị vỡ. Anh Hoàng Quốc Tuấn có trang trại chăn nuôi ở khu vực gần đập Đồng Đáng cho biết: "Toàn bộ chuồng trại chăn nuôi của gia đình tôi bị cuốn phăng kéo theo hơn 400 con gà, 3 con lợn và 1 con bò".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, cho rằng đây là cơn lũ lớn nhất trong khoảng 40 năm qua trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có 7/13 thôn bị ngập với hơn 500 hộ dân bị nhấn chìm trong nước, trong đó có 200 hộ bị ngập nặng nhất phải di dân. Suốt từ sáng đến chiều 1.10, lực lượng bộ đội, công an và các cơ quan chức năng đã điều động phương tiện di dời hơn 800 người ra khỏi vùng ngập. "Rất may đập vỡ lúc rạng sáng, nên người dân đã kịp thời sơ tán lên chỗ cao tránh lũ".
Trước đó, vào khoảng 1 giờ ngày 1.10, hồ Thung Cối có dung tích khoảng 200.000 m3 trên địa bàn xã Phú Lâm, H.Tĩnh Gia cũng bị vỡ; hồ Khe Tuần, xã Tân Trường bị tràn khiến toàn bộ các xã phía hạ lưu như Phú Lâm, Mai Lâm, Tùng Lâm, Hải Thượng... bị ngập. Anh Hoàng Văn Sơn, ở thôn Tùng Sơn, xã Mai Lâm, thất thần nhìn căn nhà bị cơn lũ cuốn sập trong đêm. "Cứ tưởng nhà sát đường QL1A thì không bị lũ, ai ngờ nước từ trên nguồn trút xuống mạnh quá khiến vợ chồng tôi lâm vào cảnh trắng tay", vợ anh Sơn vừa khóc vừa kể.
Tại H.Nông Cống, sáng qua 2 em Nguyễn Lương Nguyên và Mai Kim Quang (12 tuổi, ngụ xã Công Bình) trên đường đi học về thì bị lũ cuốn trôi.
Người dân vùng lũ được di chuyển đến nơi tránh lũ an toàn - Ảnh: Ngọc Minh
Nghệ An xả lũ, 2.000 nhà dân bị nhấn chìm
Việc hồ thủy lợi Vực Mấu bất ngờ mở 5 cửa tràn để xả lũ đã khiến thị xã Hoàng Mai, Nghệ An bị nhấn chìm trong biển nước. Lũ lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp, nhiều tài sản đã bị nước lũ nhấn chìm.
Hôm qua Thủ tướng đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão phải khẩn trương tổ chức ngay việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại để xử lý kịp thời: cứu chữa người bị thương, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ hư hỏng; huy động mọi nguồn lực để xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân.
Chiều qua, mưa vẫn tiếp tục trút xuống, trong khi nước từ thượng nguồn vẫn đổ về rất mạnh khiến nước lũ lên nhanh. Gần 2.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước, hàng chục khối, xóm bị lũ cô lập hoàn toàn. UBND tỉnh đã huy động xuồng cao tốc của Bộ Chỉ huy quân sự cùng đông đảo lực lượng bộ đội, công an đến các xóm ở phường Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang, Quỳnh Thiện sơ tán những người dân còn mắc kẹt trong lũ. Đến chiều tối qua mới sơ tán được 495 hộ đến nơi an toàn. "Nước lên quá nhanh khiến gia đình tui không kịp trở tay, hơn tấn thóc bị nước làm hỏng hết rồi, bầy lợn nuôi trong chuồng đã bị trôi mất", ông Đậu Viết Vinh, P.Mai Hùng, nói. Lũ đã cuốn trôi hai mẹ con ở khu tập thể xi măng Hoàng Mai, đến tối qua chưa tìm thấy.
Chiều tối qua, trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Thủy Lợi Bắc (đơn vị quản lý và khai thác hồ thủy lợi Vực Mấu), cho biết tối 30.9, khi mực nước trong hồ đạt cao trình 20,5 m, dưới mức báo động 1, công ty đã bắt đầu cho mở một cửa để xả lũ. Sau đó, thấy mưa quá to và nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh nên công ty đã chỉ đạo cho xả toàn bộ 5 cửa. "Chiều 30.9, chúng tôi đã có thông báo gửi các phường, xã biết việc xả lũ để dân đối phó. Tuy nhiên do lượng mưa quá lớn cộng với thủy triều dâng cao, nước thoát chậm nên đã gây ngập lụt", ông Mai nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, cho rằng việc tính toán mức nước xả lũ là chưa chính xác. Đây là một hồ thủy lợi lớn, với dung tích phòng lũ đạt 110 triệu m3 nước, nằm ngay trên "đầu" thị xã nên rất nguy hiểm.
31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn Theo thông tin tổng hợp từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đến chiều 1.10, các hồ chứa ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đang tích nước phổ biến từ 70 - 100% so với công suất thiết kế. Trong đó, một số hồ đang được xả tràn, gồm hồ Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá ở Nghệ An và hồ Sông Mực, Yên Mỹ tại Thanh Hóa. Sau mưa bão số 10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi hiện có 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, gồm: Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế); An Long (Quảng Nam); Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi). Ở các công trình này, đơn vị quản lý phải có lực lượng theo dõi thường trực 24/24, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó trong tình huống xảy ra sự cố. P.Hậu
Hà Tĩnh chưa thống kê được thiệt hại Đến chiều tối qua, các cơ quan chức năng của tỉnh này vẫn chưa thể thống kê được chính xác con số thiệt hại do bão. Tuy nhiên thông tin ban đầu cho biết trên địa bàn đã có 18 người bị thương, hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái. Mưa bão cũng làm 60 cây cầu, 243 cột điện bị đổ gãy. Nguyên Dũng Vĩnh Linh thiệt hại nặng nhất Vĩnh Linh, huyện đầu phía bắc của tỉnh Quảng Trị là địa phương thiệt hại nặng nề nhất sau bão. Sáng 1.10, PV Thanh Niên đã chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát hiện hữu ở nhiều nơi, đặc biệt tại xã cực đông bắc - Vĩnh Thái. Tại đây, có đến 650 ngôi nhà mất nóc. Cao su tại địa phương này cũng bị thiệt hại nặng với hơn 4.000 ha trong tổng số 6.000 ha của toàn huyện bị thiệt hại, ước tính con số lên tới khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, lớn hơn tổng thu ngân sách tỉnh năm 2012. UBND tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ người bị thương 1,5 triệu đồng, gia đình có nhà bị sập 6 triệu đồng, nhà bị tốc mái 1 triệu đồng. Theo thống kê ban đầu, bão đã gây thương tích cho 20 người dân, 11 ngôi nhà sập, 3.600 ngôi nhà tốc mái, hàng chục trường học, bệnh viện, công sở bị hư hại...
Nguyễn Phúc
Theo TNO
Vỡ bờ kè, hàng trăm hộ dân ngập trong nước Sáng nay 2.10, nguồn tin từ UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết các cơ quan chức năng đang phối hợp với UBND ba xã Thạch Hải, Thạch Bàn và Thạch Khê ứng cứu, di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm sau khi bờ kè Chung Dân, Trung Miệu (qua xã Thạch Bàn) bị vỡ vào rạng...