Ruộng bậc thang Bình Liêu vào mùa hút khách
Nhiều du khách về H. Bình Liêu ( Quảng Ninh) check-in trên những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, khám phá những con suối kỳ thú, ’sống lưng khủng long’, thảm cỏ lau, theo dõi những trận cầu sôi động do những phụ nữ Sản Chí mặc váy đá bóng…
Theo UBND H.Bình Liêu, khoảng 2 tuần nay đông đúc du khách khắp nơi đã về địa phương để trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên đang vào mùa đẹp nhất trong năm.
Bình Liêu đang bắt đầu vào mùa lúa chín tuyệt đẹp. Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU |
Bắt đầu từ tháng 10, ruộng bậc thang Bình Liêu vào mùa lúa chín. Những thửa ruộng bậc thang nằm khá gần đường quốc lộ, từ cửa kính ô tô hoặc dừng chân bên đường, du khách có thể cảm nhận mùi thơm lúa mới. Những thửa ruộng đẹp nhất ở Bình Liêu tập trung ở bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) khiến du khách không thể cưỡng lại.
Ruộng bậc thang Bình Liêu nhiều nơi lúa đang chín vàng, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: T.Q |
Ruộng bậc thang được người dân địa phương gieo cấy từ lâu đời, gắn liền với cộng đồng các dân tộc tại đây. Ruộng bậc thang còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa độc đáo. Đặc biệt, tháng 11.2020, ruộng bậc thang đẹp nhất ở Lục Hồn (xã Lục Hồn) được công nhận là Di tích, danh thắng cấp tỉnh.
|
Bản làng Bình Liêu với những thửa ruộng bậc thang vàng óng đẹp như bức tranh. Ảnh: N.H |
Từ năm 2020, H.Bình Liêu đã tiến hành bảo tồn nguyên trạng khu vực vùng lõi di tích, tiếp tục mở rộng diện tích ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện phù hợp; lập quy hoạch bảo vệ di tích, danh thắng. Cụ thể hơn, huyện khoanh vùng, bảo vệ, gắn bia di tích; xây dựng quy chế bảo vệ, ký cam kết với địa phương, thôn bản, cam kết không xâm lấn, phá hoại; thành lập các tổ, đội tự quản bảo vệ khu vực di tích…
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, về với Bình Liêu dịp này, du khách còn hòa mình vào nhiều hoạt động nghệ thuật hấp dẫn trong lễ hội mùa vàng xuyên suốt tháng 10 tới đầu tháng 11 như trải nghiệm lễ mừng cơm mới tại nhà một số hộ dân ở các thôn bản người Tày trên địa bàn; cắm trại trên núi Cao Xiêm; tham gia các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian: đánh quay, đẩy gậy, kéo co, tung còn; trình diễn trang phục dân tộc tại các khu ruộng bậc thang; chụp ảnh check-in mùa lúa chín vàng; biểu diễn dù lượn bay trên mùa vàng; giải leo núi “chinh phục sống lưng khủng long”…
Video đang HOT
Những thửa ruộng bậc thang tại Bình Liêu đang vào mùa đẹp nhất trong năm, có những thửa ruộng chín muộn vẫn còn xanh non. Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU |
Ruộng bậc thang được người dân địa phương trồng khá nhiều, từ cửa kính ô tô du khách được ngắm nhìn khung cảnh núi rừng Bình Liêu tuyệt đẹp khi vào mùa lúa chín. Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU |
|
Theo UBND H.Bình Liêu, ruộng bậc thang tại đây đẹp nhất là vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU |
|
Ruộng bậc thang tại Bình Liêu nhiều nơi còn chưa chín rộ nhưng cũng đủ làm du khách thích thú trải nghiệm. Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU |
|
Những cánh đồng lúa chín khiến du khách thích thú. Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU |
Bình Liêu: Đến là... yêu
Không nhộn nhịp như Sa Pa, cũng không có núi đá cao sừng sững hay ruộng bậc thang trải dài trùng điệp như Hà Giang, Bình Liêu ẩn chứa nét đẹp riêng, níu chân ai chẳng muốn về...
Sống lưng khủng long ở Bình Liêu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ba năm trước, tôi và những người bạn có dịp đến Bình Liêu, nơi còn nguyên nét đẹp hoang sơ, mộc mạc. Chuyến đi cho chúng tôi kỷ niệm đáng nhớ, quen thêm những người bạn dễ mến, ngắm thêm vẻ đẹp của Tổ quốc và làm được điều vượt qua giới hạn của bản thân.
"Ngôi nhà" của các cột mốc
Cách thành phố Hà Nội gần 300 km, Bình Liêu là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh. Là vùng biên viễn, Bình Liêu có 43,168km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Địa phương này có năm dân tộc đang sinh sống gồm Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa và người Kinh, được xem là "dân tộc thiểu số" khi chỉ chiếm dưới 4% tỷ lệ dân số nơi đây.
Ngoài phong cảnh hùng vĩ, Bình Liêu như "ngôi nhà" của các cột mốc với hơn 60 cột, nhiều điểm nằm rải rác trên đường tuần tra biên giới. Nổi bật là cột mốc 1305 với "sống lưng khủng long" và con đường tuần biên đẹp nhất Việt Nam, mốc 1307 là nơi ngắm nhìn những dãy núi trùng trùng điệp điệp, mốc 1317 (2) ngay cạnh cửa khẩu Hoành Mô nhộn nhịp, mốc 1327 được mệnh danh là "cột mốc thiên đường" bởi con đường với những bậc thang dẫn lên đỉnh núi mù sương, mốc 1300 là "đồi hạnh phúc" ngoằn ngoèo uốn lượn, cách đó không xa là cột mốc 1297 thuộc Lạng Sơn, nơi được gọi là "thiên đường cỏ lau".
Vì nằm ở vùng núi Đông Bắc, Bình Liêu được thiên nhiên ưu ái với khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Mỗi mùa, nơi đây lại khoác lên mình những bộ cánh khác nhau, hấp dẫn những tín đồ ưa xê dịch.
Mùa Xuân, không khí nơi đây se se lạnh, khắp nơi là màu hồng của hoa đào, điểm xuyết thêm màu trắng của hoa mận. Mùa Xuân cũng là mùa của các lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng ở Bình Liêu được cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn gìn giữ bao đời nay. Đến Bình Liêu vào tháng Ba, bạn sẽ được thưởng thức món đặc sản trứng kiến cuộn lá sau sau (cây phong hương), cùng nhiều món ăn truyền thống đặc sắc khác.
CNN: 23 điểm đến tốt nhất để du lịch năm 2023
Mùa Hè, bạn có thể đắm chìm trong khung cảnh xanh mướt của ruộng bậc thang và ngâm mình dưới dòng nước trong lành, mát lạnh chảy từ các thác nước tự nhiên giữa núi rừng, hay tại những con suối đẹp như tranh. Đây cũng là mùa hoa Trẩu rực rỡ nhất. Đối với người Bình Liêu, hoa Trẩu không chỉ làm đẹp cho núi rừng mà còn gắn bó rất nhiều với cuộc sống.
Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm ở Bình Liêu với thời tiết mát mẻ. Thời gian này, Bình Liêu tràn ngập sắc trắng của những bông cỏ lau nở rộ, trải dài hai bên cung đường tuần biên, hay vẻ đẹp cổ tích của cỏ lau hồng trên dãy núi Cao Ba Lanh. Ngoài ra, trên những thửa ruộng bậc thang lại tràn ngập sắc vàng của lúa chín của mùa màng bội thu. Lúc này, vùng biên viễn khoác lên vẻ đẹp hoang sơ với màu vàng cỏ cháy, phóng mắt xa xa, xen giữa những cánh rừng xanh ngát là những "khoảng trời" màu đỏ của cây phong hương.
Mùa Đông là mùa lạnh nhất trong năm ở Bình Liêu, là thời điểm để "săn" băng tuyết, là mùa thu hoạch hoa Sở ở địa phương này, cũng là dịp check-in yêu thích của nhiều người. Vào đầu tháng 12, hoa Sở nở trắng đồi, men theo các con đường vào khắp thôn bản. Lễ hội hoa Sở cũng là một trong những dịp lễ hội đặc sắc của vùng cao biên giới Quảng Ninh, tái hiện những nét văn hóa đa dạng của đồng bào nơi đây. Vào dịp này, đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu nô nức đi hội, khoe trang phục truyền thống rực rỡ đầy màu sắc.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Sau khi mải mê tìm kiếm thông tin trên các diễn đàn và có cuộc trò chuyện với Hùng, quản trị viên một hội nhóm về du lịch Bình Liêu và được tư vấn kỹ càng, chúng tôi quyết định đến đấy vào đầu tháng 12, khi thời tiết đang se se lạnh.
Chặng đầu tiên, chúng tôi được chú Tuất, một cựu chiến binh về hưu, đưa đến điểm leo mốc 1305, là cột mốc cao nhất không chỉ ở Bình Liêu mà còn cả tỉnh Quảng Ninh. Đường lên mốc dài hun hút với nhiều đoạn dốc khiến chúng tôi "chùn chân, mỏi gối", muốn... quay về vạch xuất phát. Thế rồi, cứ nhiều lần tự động viên nhau "chỉ còn đoạn ngắn như mấy con dao quăng thôi", chúng tôi đã chinh phục được cột mốc 1305. Tuy vất vả, cả quãng đường, chúng tôi lại thu được vào tầm mắt cảnh quan hùng vĩ miền biên ải của Tổ quốc với những dãy núi đồi trùng điệp, được ngắm nhìn "sống lưng khủng long" phủ màu vàng cỏ cháy và cả những tiếng cười rộn rã cùng cảm giác "thật đã" khi đến đích.
Kết thúc hành trình leo cột mốc 1305, chúng tôi lại đến đỉnh Cô Đơn ở dãy núi Cao Ly để đến điểm cắm trại qua đêm. Tại đây, chúng tôi gặp những người bạn mới dễ mến. Kể về cơ duyên mở dịch vụ cắm trại, chị Minh Lô chia sẻ, chị đơn giản là thích cắm trại vì thích đắm chìm trong không khí trong lành và ngắm nhìn núi rừng, sông suối... hay thích ngồi bên đống lửa tám chuyện nhâm nhi rượu, trà với bạn bè. Cuối cùng, sau một chuyến đi cắm trại với nhóm bạn ở khu vực mốc 1297 (thuộc Lạng Sơn) thì chị được các bạn khuyến khích làm dịch vụ cắm trại ở Bình Liêu.
Phụ nữ Dao Thanh Y trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Hùng Trương)
Chị kể về chuyến đi đến huyện A Lưới ở Huế chỉ để nhìn xem cách quản lý homestay nhỏ của một gia đình, đi Pù Luông chơi nghỉ ở resort để xem cách phục vụ đối với khách như thế nào... Xuyên suốt từ năm 2011 cho đến 2018, chị đi phượt nhiều nơi ở phía Bắc, Trung, Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm làm dịch vụ. Mới đầu, công việc còn rất vất vả, có những lúc rất oải vì không có khách, nhưng đến mùa Thu năm 2019, từ khi đón đoàn khách trải nghiệm dịch vụ cắm trại trọn gói, từ đó, người này rỉ tai người kia, nhiều đoàn khách mới đã biết đến Bình Liêu, nhóm chị lại có thêm động lực để vận hành khu trại của mình, đồng thời còn giúp những hộ dân xung quanh có thêm phần thu nhập nhỏ qua dịch vụ tắm lá người Dao...
Tối đến, ngồi quanh đống lửa bập bùng, thưởng thức đặc sản của vùng đất Bình Liêu, chúng tôi cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, trải nghiệm của bản thân. Mỹ Hạnh và Phương, hai cô gái cùng học y nhưng người học Hà Nội còn người học ở Huế, vì có cùng đam mê với nghề bác sĩ và sở thích đi du lịch, họ đã quen nhau và tổ chức buổi đầu gặp mặt ngay tại Bình Liêu, sau đó tiếp tục hành trình lên Tây Bắc. Hay bốn chàng sinh viên Đại học Xây dựng, Bách Khoa, đam mê du lịch "bụi", đã đồng hành qua những cung đường của Tổ quốc, Bình Liêu là điểm đến không thể bỏ ngoài "bản đồ phượt" của họ. Cặp đôi Minh Hương và Dũng, vừa tốt nghiệp đại học lại phải yêu xa khi người Hà Nội, kẻ ở Hải Dương, vì cuộc sống, họ hẹn nhau cùng phấn đấu vì tương lai, cố gắng dành thời gian để cùng nhau trải nghiệm những vùng đất mới....
Chuyện trò rôm rả đến nửa đêm, chúng tôi về lều ngủ, cả khu trại yên tĩnh hòa vào không gian núi rừng rộng lớn, gần đó bếp lửa than hồng vẫn còn sáng le lói, mang lại cảm giác an yên. Sáng sớm, chúng tôi dậy đón bình minh, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang nằm xen kẽ với các bản làng thanh bình dưới thung lũng. Khu trại vỏn vẹn hơn chục cái lều nằm giữa núi đồi hoang sơ lại mang đến những trải nghiệm khó quên...
Sau đó, chúng tôi được chú Tuất lái xe đến khám phá các cột mốc 1300 và 1297 ngắm đồi cỏ lau và những ngọn đồi nhấp nhô, đều tăm tắp như những viên sô cô la truffle. Trong chuyến đi, chúng tôi được trò chuyện và tham gia live stream của chú Tuất. Chú kể, về hưu, chú làm lái xe để kiếm thêm thu nhập, còn mở live stream chỉ để giao lưu với bạn bè, dần dà, hoạt động này thu hút nhiều người xem hơn, khiến nhiều người biết đến Bình Liêu hơn, khiến chú càng có động lực với công việc này.
Kết thúc hành trình, chúng tôi quay về Hà Nội với cuộc sống vội vã thường ngày. Thời gian dần trôi, một Bình Liêu mộc mạc, đầy sức sống, hấp dẫn như nàng sơn nữ vùng biên viễn luôn để lại cho chúng tối những hồi ức không thể nào quên. Hai ngày một đêm dường như không đủ để chúng tôi "thẩm thấu" hết nét hấp dẫn của Bình Liêu.
Hẹn Bình Liêu một ngày không xa với mùa lau ngập tràn sắc trắng trữ tình và màu vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang mùa bội thu.
Du Xuân... ở Bình Liêu! Đến Bình Liêu mùa nào cũng đẹp và ấn tượng. Nếu mùa Xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong các cung đường xanh mướt của cỏ cây. Mùa Hè là những thửa ruộng bậc thang vàng ngọt như những tấm thảm. Mùa Thu Đông là sắc trắng bạt ngàn của cánh đồng cỏ lau, những rừng hoa sở trắng muốt tỏa hương...