Rừng tràm dân trồng bất ngờ bị chặt hạ: Chủ rừng nói do sơ suất!
Liên quan đến vụ thanh lý rừng tràm hàng chục năm tại Quảng Trị vấp phải sự phản ứng của người dân, đại diện chủ rừng thừa nhận có sự sơ suất, sẽ rà soát lại hồ sơ, đánh giá trữ lượng gỗ đã khai thác.
Trước những phản ứng gay gắt của người dân thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trong vụ việc thanh lý rừng tràm phòng hộ hàng chục năm tuổi trên địa bàn, để lấy đất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu tràm năm gân, chính quyền địa phương đang đình chỉ dự án để xử lý.
Trao đổi liên quan đến vụ việc, ông Lê Văn Mẫn – Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong – đơn vị chủ rừng cho biết, chính quyền đang tập trung xử lý, tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự hài hòa của đơn vị thực hiện dự án.
Đại diện chính quyền thừa nhận, trải qua thời gian khá lâu nên hồ sơ liên quan đến dự án trồng rừng bị thất lạc. Mặt khác, UBND xã chưa xem xét kỹ nên có sự nhầm lẫn khiến người dân phản ứng.
Người dân phản ứng vì rừng tràm bất ngờ bị khai thác nhưng không được thông báo.
Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch khẳng định, quá trình rà soát lại hồ sơ liên quan đến 19,8 ha rừng và đất rừng phòng hộ sẽ thu hồi giao cho doanh nghiệp có 2 loại rừng thuộc dự án 773 (trồng năm 1994) và rừng thuộc dự án 661 (trồng năm 2002). Tuy nhiên, do UBND xã Triệu Trạch chưa rà soát kỹ dẫn đến thiếu sót và chỉ đề cập đến một loại rừng thuộc dự án 661 vào hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.
Đối với những sai sót trong quá trình đánh giá cây rừng trên đất, mặc dù cây tràm được trồng có tuổi thọ trên dưới 20 năm, nhưng qua thẩm định cây có đường kính trung bình lớn nhất chỉ 8,6cm, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho hay, vừa qua Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã đánh giá lại, xã cũng lập đoàn kiểm tra để đánh giá lại trữ lượng gỗ.
Chủ tịch UBND xã cho biết, UBND xã Triệu Trạch sẽ liên hệ với UBND huyện Triệu Phong tìm lại hồ sơ liên quan đến dự án rừng 773 để xem quy định quá trình thực hiện trồng rừng, người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào.
“Nếu quy định cho dân hưởng, thì chúng tôi làm lại hồ sơ để cho người dân hưởng. Trữ lượng gỗ cũng sẽ được đánh giá lại. Với số lượng cây đã bị khai thác, nếu thiệt hại cho người dân, nhưng doanh nghiệp không đồng ý đền bù, thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Mẫn khẳng định.
Video đang HOT
Theo lãnh đạo xã Triệu Trạch, sắp tới UBND xã sẽ tổ chức họp dân để thống nhất cụ thể, ghi nhận ý kiến của người dân để có hướng tháo gỡ vướng mắc.
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị cưa hạ.
Như Dân trí đã thông tin, vào đầu tháng 1/2022, người dân thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch bất ngờ khi phát hiện một số người đến chặt hạ toàn bộ số cây tràm mà người dân cho rằng đã trồng và chăm sóc 25 năm nay, nhưng không được thông báo trước.
Theo ông Nguyễn Đình Hoàng (trú tại thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch) – nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Lệ Xuyên, vào năm 1996, huyện Triệu Phong giao cho Hợp tác xã Lệ Xuyên thực hiện dự án vườn hộ, vườn đồi, nhằm mục đích cải tạo đất, xây dựng vườn hộ để đưa dân ra định cư. Tham gia dự án có 40 hộ dân, thực hiện trên diện tích 10 ha đất.
Tháng 6/2020, Công ty Đầu tư và Phát triển Tâm Xanh lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu tràm năm gân tại tiểu khu 791T, 792, thuộc rừng phòng hộ xã Triệu Trạch với diện tích 19,8 ha. Trong diện tích 19,8 ha, có 9,6 ha có rừng và toàn bộ nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Chính quyền xã thừa nhận sơ suất trong việc xác định loại rừng.
Sau khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thanh lý, tận thu số gỗ ở diện tích 9,6 ha có rừng, UBND xã Triệu Trạch (cũng là đơn vị chủ rừng) đã giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển Tâm Xanh làm hồ sơ đấu giá và khai thác. Khi người dân có đơn kiến nghị, ngày 12/1, lãnh đạo huyện Triệu Phong và lãnh đạo xã Triệu Trạch đã tổ chức họp dân để làm rõ những thắc mắc nói trên.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong đề nghị các đơn vị liên quan và UBND xã Triệu Trạch xác minh nguồn gốc diện tích đất đang khai thác rừng để giao cho doanh nghiệp.
Rừng tràm Trà Sư sẽ là điểm du lịch đẳng cấp quốc tế?
Đề án được thực hiện trong phạm vi diện tích 845 ha thuộc Khu bảo vệ cảnh quang rừng tràm (BVCQRT) Trà Sư.
Chiến lược phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở An Giang đến năm 2030 là từng bước nâng tầm Khu bảo vệ cảnh quan rừng Tràm Trà Sư trở thành điểm du lịch có đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
UBND tỉnh An Giang vừa có quyết định phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó có 159 ha đã cho Công ty Cổ phần du lịch An Giang thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái (chiếm 18,8%) từ năm 2017. Trong giai đoạn năm 2021 - 2030 không cho thuê môi trường rừng và không tăng diện tích môi trường rừng đã cho thuê.
Theo Đề án này, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ đi xuồng tham quan rừng và đất ngập nước; nghe trình bày trên tuyến du lịch ở hiện trường. Trong khu nhà diễn giải môi trường, khách du lịch trải nghiệm về tự nấu các món ăn truyền thống bằng nguyên liệu đặc sản của tỉnh An Giang để hiểu được giá trị văn hóa thông qua nghe giới thiệu về nguồn gốc thực phẩm, văn hóa ẩm thực, giá trị dinh dưỡng.
Ngoài ra, Đề án cho phép Ban Quản lý rừng Phòng hộ và đặc dụng (PH&ĐD) tỉnh xây dựng, nâng cấp đường dẫn từ Trạm bảo vệ rừng Trà Sư trên tuyến đê Nhơn Thới đến Khoảnh 6a phục vụ cho du lịch sinh thái. Xây dựng bến thuyền xuất phát từ Khoảnh 6a để đưa khách tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái.
Đồng thời đơn vị xây dựng một bãi cắm trại để làm nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, có tháp vọng cảnh, các quầy giải khát, nơi tổ chức trò chơi hỏi đáp về những điều khách thu nhận được trên tuyến du lịch như giải pháp tuyên truyền, giáo dục môi trường.
Khu bến thuyền hiện tại ở khu du lịch rừng tràm Trà Sư.
Trải nghiệm đi vỏ lãi tham quan hệ sinh thái đất ngập nước Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Bằng việc đầu tư các sản phẩm du lịch của đề án nhằm tạo ra phong cách và thương hiệu mang đẳng cấp cao, vừa thể hiện ở tính hiện đại trong kiến trúc xây dựng, vừa thể hiện ý thức tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, hệ sinh thái và môi trường của nhà đầu tư và khách du lịch; góp phần duy trì thương hiệu du lịch Trà Sư một cách lâu dài, bền vững.
Đề án cũng đặt ra các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái là không đánh đổi hệ sinh thái rừng Tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên lấy giá trị kinh tế. Song song song đó phải duy trì được nét hoang sơ, mang đậm tính "thiên nhiên" của khu rừng ngập nước; lượng khách phải hợp lý, không làm quá tải gây tác động đến hệ sinh thái. Phải đảm bảo sự hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa nhà đầu tư với chủ rừng và cộng đồng dân cư trên địa bàn
Rừng Trà Sư hướng đến thành điểm du lịch đẳng cấp quốc tế
Trong giai đoạn 10 năm tới, việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Khu BVCQRT Trà Sư được xem là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Quản lý rừng PH&ĐD tỉnh An Giang nhằm góp phần bảo tồn rừng đặc dụng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương một cách bền vững.
Chiến lược này hướng đến từng bước nâng tầm Khu BVCQRT Trà Sư trở thành một điểm du lịch có đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Khu BVCQRT Trà Sư là hệ sinh thái đất ngập nước, việc quản lý phải theo cách tiếp cận hệ sinh thái, nghĩa là sử dụng một cách bền vững, khôn khéo tài nguyên đất ngập nước trong khi vẫn duy trì được các chức năng, giá trị, đặc điểm của hệ sinh thái và tài nguyên đất ngập nước, đặc biệt là rừng tràm, thủy sản, các loài chim nước và cảnh quan thiên nhiên.
Việc sử dụng các tài nguyên này và việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cần theo hướng hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được giá trị thiên nhiên vô cùng quý giá bởi nét hoang sơ, nguyên vẹn.
Rừng tràm Trà Sư: Từ vùng trũng hoang hóa đến điểm du lịch lý tưởng Đến An Giang vào mùa nước nổi bạn hãy một lần du ngoạn trong rừng tràm Trà Sư (thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên). Được đánh giá là điểm tham quan thú vị và hấp dẫn nhất của mảnh đất phương Nam này. Bức tranh rừng Tràm Trà Sư xanh bất tận. Rừng tràm Trà Sư là tên gọi cánh rừng có...