Rừng tạm giao bị đốn hạ không thương tiếc
Nhiều diện tích rừng tại Tiểu khu 438A và 439 tạm bàn giao cho cộng đồng dân cư thôn 4 vào ngày 5/4/2011 đã bị đốn hạ không thương tiếc!
Những sai phạm trong việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú ( huyện Bảo Lâm) theo Quyết định 22 ngày 5/7/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng đang chờ các đơn vị chức năng của huyện Bảo Lâm xem xét, giải quyết, thì nhiều diện tích rừng tại Tiểu khu 438A và 439 tạm bàn giao cho cộng đồng dân cư thôn 4 vào ngày 5/4/2011 đã bị đốn hạ không thương tiếc!
Những gốc thông to đã bị đốn hạ hoặc cưa lớp vỏ ngoài
RỪNG “KÊU CỨU”!
Những gốc thông to trên nhiều khoảnh rừng rộng đã bị ngã xuống. Thay vào đó là những hố cà phê vừa mới đào hay những cây trà, cây cà phê vừa mới trồng chỉ cao bằng gang tay. Đó là thực tế đã và đang diễn ra tại diện tích rừng tạm bàn giao cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú. Theo chân anh H – nguyên cán bộ Công ty TNHH Mỹ Hồng (đơn vị trước đây nhận diện tích rừng Tiểu khu 438A và 439) và một số người dân “xót” rừng vào Tiểu khu 439, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều thủ đoạn tàn sát rừng.
Dọc theo tuyến đường đất từ xã Lộc Phú vào xã Lộc Lâm, hầu như rẽ vào bất cứ tuyến đường nhánh nào cũng có thể dễ dàng thấy những cánh rừng thông bị đốn hạ, “ken” gốc. Theo nhận định của anh H, những khoảnh rừng này chỉ mới bị đốn hạ vài ba tháng trở lại đây. Hàng trăm cây thông cả to lẫn nhỏ bị đốn ngã, cưa thành từng đoạn và đốt cháy xém. Những nhát cuốc tạo đường ranh mong manh phân định giữa rừng và “vườn” rộng vài ba héc ta vừa mới đào hố hoặc trồng cây cà phê.
Ở một khoảnh khác, hàng trăm gốc thông đã bị ken gốc “chờ” chết. Một vài gốc thông to hơn ôm tay đã bị cưa lớp vỏ ngoài, chỉ còn phần lõi đứng “chờ” đổ ngã. Bác Tư (người dân xã Lộc Phú) vừa dùng gang tay đo gốc thông vừa lắc đầu ngao ngán: “Giao rừng để giữ rừng tốt hơn, chứ giao rừng mà phá rừng như thế này thì chẳng mấy chốc là hết rừng! Người dân chúng tôi rất bất bình khi rừng bị tàn phá”. Xác định trên bản đồ, anh H cho biết: Diện tích rừng bị phá thuộc khoảnh 3 và khoảnh 4 (Tiểu khu 439). Đây là diện tích rừng thông trung niên, rừng thông gần thành thục và thành thục. Trong một buổi chiều “lội” rừng, chúng tôi cũng ngao ngán hình ảnh tan hoang ở đây.
TRÁCH NHIỆM CỦA AI?
Theo nhiều người dân xã Lộc Phú, cộng đồng dân cư trực tiếp nhận rừng đã “chia rừng” và chặt hạ để trồng cây nông nghiệp. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Dạo – người đại diện cho cộng đồng dân cư thôn 4 (gồm 10 hộ dân), lại khẳng định trong đơn phản hồi cho Báo Lâm Đồng: “Kể từ khi tạm nhận bàn giao đến nay, cộng đồng dân cư quản lý chặt chẽ, các đối tượng phá rừng không thể thực hiện được mục đích của mình, nên đã làm đơn kiện vì đưa tin sai lệch sự thật, cho rằng cộng đồng dân cư phá rừng!”. Dù khẳng định rừng không bị phá nhưng sau đó, ông Dạo lại mâu thuẫn: “Do chưa được bàn giao chính thức nên cộng đồng dù có nỗ lực đến đâu thì cũng không có đầy đủ tư cách pháp nhân nên vẫn bị lâm tặc phá rừng, trách nhiệm đó vẫn thuộc về các cơ quan chức năng của huyện” (!?)
Theo biên bản tạm bàn giao, trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục chính thức, cộng đồng dân cư không được tự ý tác động làm thay đổi hiện trạng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Mọi hiện tượng vi phạm lâm luật xảy ra trên diện tích được giao thì cộng đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, việc ông Dạo “đổ” trách nhiệm cho cơ quan chức năng của huyện là không đúng và muốn rũ bỏ trách nhiệm của cộng đồng nhận rừng mà ông Dạo là người đứng đầu.
Theo ông Vũ Hồng Hiếu – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi diện tích đất tại Tiểu khu 438A và 439 giao lại cho UBND huyện để triển khai giao rừng cho cộng đồng. Từ khi diện tích này tạm bàn giao cho cộng đồng đã xảy ra một số vụ phá rừng. Tuy nhiên, để xác định và bắt các đối tượng phá rừng là rất khó, đến nay chưa thực hiện được. Với tư cách là đơn vị chủ rừng, Ban không buông lỏng công tác quản lý khi đã giao rừng cho cộng đồng mà vẫn phối hợp với các đơn vị chức năng trong huyện, cùng với cộng đồng bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trước hết phải thuộc cộng đồng nhận rừng; khi phát hiện các vi phạm thì phải báo với các đơn vị liên quan để phối hợp giải quyết.
Hiện chưa thể khẳng định đối tượng tàn phá rừng là ai, nhưng diện tích rừng bị phá ngày một lan rộng là sự thật không thể phủ nhận. Liệu rằng, khi rừng đến tay cộng đồng dân cư thực sự thì rừng có còn là rừng? Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh việc giao rừng cộng đồng sai đối tượng và ai là người “đứng sau” việc giao rừng tại xã Lộc Phú!
Theo ANTD