Rừng quốc gia thiệt hại vì đường tuần tra
Để làm đường xuyên đảo Trà Ngọ, thuộc vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long, Quảng Ninh, người ta đã đốn hàng loạt cây gỗ quý. Đây cũng là con đường mà lâm tặc dễ lợi dụng để phá rừng.
Từ biển nhìn lên, đảo Trà Ngọ (thuộc H.Vân Đồn, Quảng Ninh) phủ một màu xanh mướt của những cây lim, cây táu trăm tuổi. Giữa màu xanh ấy, một con đường đỏ quạch như con trăn lửa khổng lồ đâm thẳng từ đỉnh núi xuống sát mép nước, được gọi là đường tuần tra bảo vệ rừng.
Cây lim cổ thụ này có thể sắp thành “mồi ngon” cho lâm tặc – Ảnh T.S
Theo một người địa phương, chúng tôi tiến vào con đường dài 4,3 km đoạn Trà Ngọ – Cái Lim xuyên đảo. Bên rìa đường, hàng loạt gốc cây lớn đã bị đánh bật gốc, cả những thân cây to bằng người ôm, trong đó có cả lim xanh, táu mặt quỷ cũng vùi dưới đất đá, lá cây.
Con đường rộng tới hơn 5 m, có những chỗ máy xúc đã múc đất khiến những cây gỗ quý cổ thụ trơ gốc bên đường. Theo thống kê, người ta đã chặt 280 cây có đường kính từ 10 cm trở lên, trong đó có 3 cây đường kính gần nửa mét, hơn 40 cây từ 30 cm trở lên. Trong số cây bị đốn hạ có 11 cây táu mặt quỷ, 2 cây lim xanh là những cây quý hiếm.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, giám đốc Ban quản lý VQG Bái Tử Long, con đường này được đầu tư 6,4 tỉ đồng từ ngân sách, trước mắt phục vụ cho các kiểm lâm viên và cán bộ của BQL vườn đi tuần tra chống lâm tặc.
Đường chỉ thiết kế để cho cán bộ của vườn đi bộ nhưng điều khó hiểu là chủ đầu tư lại phải thuê máy xúc, xe ủi vào làm đường quá rộng để rồi phải chặt cả cây quý, cây cổ thụ. Trong khi nếu chỉ để đi bộ đi tuần, người ta hoàn toàn có thể mở đường rộng 1 m, chạy luồn qua các cây cổ thụ, thậm chí có thể làm đường, làm cầu bằng các thân cây gỗ vừa đẹp, vừa hài hòa với tự nhiên.
Anh Lê Đức Long, Giám đốc một khu du lịch trên đảo Trà Ngọ bày tỏ: “Không chỉ phải phá rừng, chặt cây để làm đường, chúng tôi rất lo ngại khi có con đường này, lâm tặc sẽ cho xe cơ giới hoặc trâu vào kéo gỗ, chở đá cảnh, cây cảnh ra khỏi rừng. Khu rừng cổ thụ này còn được đến bây giờ cũng là nhờ địa hình hiểm trở, lâm tặc khó vận chuyển gỗ nên chưa tấn công đến đây. Bây giờ lãnh đạo vườn làm đường lớn thế này khác gì mở đường cho lâm tặc vào lấy gỗ”.
Một điều đáng lưu ý là dù nằm trong vườn quốc gia Bái Tử Long nhưng hơn 400 ha rừng trên đảo Trà Ngọ đã được giao cho hộ ông Nguyễn Văn Tích ở Vân Đồn quản lý từ năm 1993. Toàn bộ tuyến đường Trà Ngọ – Cái Lim do lãnh đạo vườn quốc gia vừa đầu tư nằm trên đất đã được giao cho người dân nhưng đến nay, vườn quốc gia vẫn chưa làm thủ tục bồi thường cho chủ rừng.
Về nguy cơ lâm tặc mượn đường, ông Phương khẳng định: “Tôi đảm bảo sẽ không để cho lâm tặc vào lấy gỗ hay lâm sản trong rừng. Nếu họ đưa xe cơ giới lên đảo chở gỗ, tôi sẽ từ chức ngay lập tức”.
Những cây lim, cây táu cổ thụ đang nằm chơ vơ bên bờ đường lớn đã trở thành miếng mồi ngon cho lâm tặc. Rồi đây ông Phương sẽ phải tăng cường cán bộ để đi tuần ngày đêm trên chính con đường mà ông mới cho mở. Người dân địa phương và du khách hy vọng lời hứa của ông giám đốc VQG sẽ được thực hiện để không có thêm những cây quý cổ thụ sẽ bị mất đi trong thời gian tới.
Theo Thanh Niên
Thả hơn 210 cá thể động vật quý hiếm về thiên nhiên
Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) phối hợp với các chi cục Kiểm lâm TP.HCM, Kiên Giang, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát và Cát Tiên đã cứu hộ hơn 210 cá thể thuộc 26 loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, trong 6 tháng đầu năm 2012.
Những loài được cứu hộ là cá sấu xiêm, gấu ngựa, vượn đen má vàng, cu li nhỏ, rái cá, mèo rừng, hồng hoàng, trĩ đỏ, hổ mang chúa, rùa biển và rùa cạn các loại...
Phần lớn những cá thể này là tang vật của các vụ buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD trái phép.
Một số cá thể do người dân giao nộp.
Động vật hoang dã được thả về thiên nhiên - Ảnh do WAR cung cấp
Khi được đưa về trạm, đa số cá thể ĐVHD quý hiếm này đều ở tình trạng kiệt sức, hoặc bị thương, cụt chi. Tại các trạm cứu hộ ĐVHD, các cá thể này được kiểm tra sức khỏe, chăm sóc và phục hồi bản năng hoang dã, sẵn sàng trở về thiên nhiên.
Trước đó, hơn 150 cá thể thuộc 14 loài ĐVHD quý hiếm như mèo rừng, vượn đen má vàng, rắn hổ mang chúa, rắn hổ đất, rùa núi vàng và rùa đất lớn cũng đã được thả về thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Lò Gò Xa Mát, Chư Mom Ray...
Theo Thanh Niên
Phá rừng Quốc gia để khai thác vàng Gần một năm qua tại khu vực khe Tro xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (sát vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh) vàng tặc đã đào hầm khai thác vàng trái phép ồ ạt. Với máy móc họ cày nát lòng suối để khai thác vàng, xả tải đục ngầu về tận nhà máy nước sinh hoạt của thị trấn Vũ Quang....