Rừng Phú Quốc bị chặt phá tan hoang
Du khách đến đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) luôn có cảm giác dễ chịu khi xuyên trên hai tuyến đường chính nối nam-bắc của đảo vì phần lớn là đi xuyên qua màn rừng chằng chịt.
Song ít ai ngờ đằng sau những tán cây xanh mát ấy, rừng đang bị băm vằm. Hàng loạt cánh rừng bị triệt hạ, nhiều hecta đất rừng bị người dân bao chiếm…
Với đà phá rừng, chiếm đất này mà không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, đảo Phú Quốc sẽ không còn rừng.
Gần đây, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã có công văn gửi lãnh đạo huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang cảnh báo nạn phá rừng, bao chiếm đất khu vực rừng trồng, rừng đệm và rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc. Trong đó địa bàn thị trấn An Thới, nạn phá rừng, bao chiếm đất rừng ngày càng nghiêm trọng. “Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì một vài năm tới diện tích rừng trên địa bàn sẽ không còn” – công văn cảnh báo.
Hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị chặt
Theo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, khu vực rừng tràm bông vàng ở An Thới do Vùng 5 Hải quân trồng và bảo vệ đã bị các hộ dân gần đó vào chặt phá, khai thác khoảng 50 ha. Sau đó người dân cất nhà, trồng hoa màu. Khu rừng phòng hộ ở phía nam Bãi Sao kéo dài về phía mũi Ông Đội cũng bị dân lén lút đốt, chặt hạ và bao chiếm đất với khoảng 40 ha.
Ngoài ra, ở khu vực vùng đệm rừng phòng hộ phía sau Nhà thiếu nhi thị trấn An Thới đã bị ông Nguyễn Trọng Toan (ấp 3) vào phát dọn, dùng máy xúc để đào đất, san ủi mặt bằng. Đây là khu đất do Vùng 5 Hải quân quản lý và cơ quan này đã tuyên truyền cho ông Toan ngưng san ủi giao trả đất rừng, có công văn gửi UBND thị trấn An Thới, Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Phú Quốc nhưng đến nay vẫn chưa xử lý. Không những không chấp hành mà ngày 26-4, ông Toan đã dựng nhà trên khu đất.
Một khu rừng hỗn hợp rộng chừng 20 ha ở ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn bị triệt hạ. Ảnh: V.SƠN
Ở xã Cửa Cạn, có trên 30 ha rừng thuộc ấp 2 và ấp Lê Bát bị chặt phá. Ngoài ra, hàng chục cây rừng cổ thụ trong vùng lõi Vườn quốc gia Phú Quốc (VQGPQ) tại xã cũng bị cưa hạ xác xơ.
Đội mưa băng rừng vào vùng lõi VQGPQ, chúng tôi quặn lòng khi nhìn hàng loạt cây lớn bị hạ còn trơ lại gốc.
Video đang HOT
… Đến móc ruột rừng vùng lõi
Người dẫn đường chỉ phần còn lại của hàng loạt gốc cây bị cưa hạ nói: “Toàn là gỗ quý. Địa bàn này là vùng lõi VQGPQ thuộc ấp 4, xã Cửa Cạn. Phi vụ móc ruột rừng vùng lõi này được thực hiện khoảng đầu năm nay. Dân gần đó hầu như ai cũng thấy nhưng không dám tố cáo vì ngại đụng chạm! Chục năm trước, trên đảo này có ai đó chặt một cây rừng bằng bắp tay là bị kiểm lâm bắt giữ ngay. Bây giờ, kiểm lâm đông hơn, thiết bị quan sát tối tân hơn mà hàng chục cây rừng to lớn bị đốn hạ họ không hay biết. Lạ thiệt!” – người này nói.
Anh đưa chúng tôi luồn sâu vào rừng của VQGPQ, chỉ cho chúng tôi những gốc cây đã bị người ta lấy gỗ, nói: “Từ đoạn này trở vô là ranh vùng lõi VQGPQ. Toàn bộ số cây bị cưa đều nằm trong mốc ranh này trở vô rừng già là khu vực cấm nghiêm ngặt. Vậy mà mình đi hàng giờ rồi, có kiểm lâm nào đến “hỏi thăm” đâu?”. Anh lật mảnh giấy ra ghi chép cẩn thận từng loại gỗ đã bị cưa hạ. “Trong vùng này đếm sơ sơ đã có hơn 30 gốc gỗ quý, đường kính cây nhỏ nhất cũng 60 cm, còn cây lớn đường kính đến 1,2 m. Nhiều nhất là trâm đỏ, dầu, kiền kiền, kim cang… Trong đó có nhiều cây cổ thụ như kim cang, cầy, cám. Gỗ những loại cây này không dưới chục triệu đồng/m3 và có đến hàng trăm m3 gỗ đã bị lấy đi” – anh nhận định.
Gốc cây khổng lồ này nằm trong vùng lõi VQGPQ đã bị “làm thịt”. Ảnh: V.SƠN
Nghỉ chân trên gốc cây cám có đường kính chừng 1 m đã bị hạ bên con suối, anh chỉ tay xuống suối: “Nhìn kìa, thấy gì dưới đó không?”. Nhìn theo tay anh chỉ chúng tôi thấy nhiều lóng gỗ nằm ngâm mình dưới suối. Anh giải thích: Khoảng năm tháng trước, lâm tặc vào cưa cây thì có người đến chụp ảnh nên chúng sợ, bỏ lại mấy lóng. Cây rừng vùng lõi vườn quốc gia mà bị cưa hạ tàn sát như vậy thì còn gì là rừng. Cứ để tình trạng này diễn ra thì không bao lâu Phú Quốc sẽ chẳng còn rừng nguyên sinh. Các loài động vật quý hiếm sẽ không còn đất sống” – anh nói theo làn khói thuốc.
Anh cho biết các tuyến đường bao quanh khu vực có nhiều cây cổ thụ bị hạ dày đặc chốt, trạm kiểm lâm nhưng không hiểu sao gỗ vẫn ra khỏi rừng. Có khi xe chở gỗ chạy nhong nhong về thị trấn Dương Đông nhưng chẳng thấy ai kiểm tra. Cứ đà tàn phá rừng thế này, Phú Quốc sẽ không còn rừng.
Khi chúng tôi hỏi về tình trạng chặt phá cây rừng cổ thụ, ông Trà Tho, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQGPQ, nói: “Tôi bận công chuyện, hẹn khi khác”. Chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề: “Việc phá rừng thuộc thẩm quyền xử lý của Hạt”. Ông Tho thoái thác: “Tôi không có thẩm quyền phát ngôn”?!
Dân tố cáo chủ tịch xã
Ngoài chuyện phá rừng, trên Phú Quốc tình trạng người dân bao chiếm đất rừng tràn lan và được xã hợp thức hóa. Cụ thể, trong một dự án du lịch ở xã Cửa Cạn, có hộ đất bị thu hồi sau thanh tra thì xuất hiện người khác và lãnh tiền tỉ bồi thường. Có hộ lại nhận tiền bồi thường ngay trên mảnh đất còn rừng cây cổ thụ, người ôm không giáp… Việc bồi thường đất bằng ngân sách này có nhiều dấu hiệu cho thấy xã có sai phạm. Chẳng hạn, trong một tờ trình do phó chủ tịch UBND xã Cửa Cạn ký, đóng dấu (về việc chi trả tiền bồi thường cho ba hộ dân) thì lúc này huyện Phú Quốc chưa có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên UBND xã Cửa Cạn (nhiệm kỳ 2011-2016).
Chưa hết, trên đảo Phú Quốc xuất hiện một tờ rơi, nói nhiều những tiêu cực về ông bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Cửa Cạn Nhan Văn Truyền trong việc bồi thường đất đai và người dân đã làm đơn tố cáo ông Truyền.
Theo PLTP
Cuộc sống các cô gái đẻ thuê ở Thái sau một năm về nước
Trở về từ đường dây đẻ thuê giữa năm ngoái, Trâm thú thật với chồng để được tha thứ. Cuộc sống của cô đang trôi qua từng ngày ở quê lúa Kiên Giang với món nợ gần trăm triệu đồng.
Cả tuần mưa liên tiếp, tiệm bách hóa ế ẩm, chẳng ai ghé mua thứ gì nên thu nhập chính của gia đình Trâm mấy hôm nay chủ yếu từ nghề mua bán vịt con của chồng. Một năm qua, người đàn ông ngoài 30 tuổi cố quên đi hình ảnh vợ đáp chuyến bay sang Thái Lan để đẻ thuê, mong kiếm được trên 100 triệu đồng mang về quê trả nợ.
Đây là món nợ khổng lồ đối với một gia đình không đất đai, quanh năm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Mong sớm thoát nghèo, 4 năm trước chồng Trâm đánh liều rời Tân Hiệp (Kiên Giang) lên Hà Tiên thuê đất làm ruộng trong vùng nước mặn, phèn chua. Đến khi lúa trổ đòng thì gặp phải bão lớn đánh gục. Vài vạt lúa trụ lại sau bão chờ ngày chín cũng bị chuột cắn phá. Chồng Trâm quay về quê với món nợ lớn.
Thương hai con nhỏ dại phải chịu cảnh rau cháo qua ngày, Trâm lên TP HCM giúp việc nhà rồi có người mách sang Thái Lan đẻ thuê trót lọt sẽ được 5.000 USD nên quyết định đến xứ người.
"Cuộc sống khốn cùng nên tôi mới nói dối chồng sang nhà đứa cháu bên Đài Loan tìm việc nhưng thực ra là đi Thái Lan đẻ thuê. Chờ hơn một tháng mà chưa được mang bầu thì bị cảnh sát phát hiện. Theo tôi biết, trong 15 người bị phát hiện, có 3 cô chưa kịp mang bầu như tôi", Trâm kể.
Trở về quê với hai bàn tay trắng, Trâm ôm hai con gái vào lòng khóc suốt. Người chồng cũng khóc khi thấy vợ quay về giữa cơn mưa tầm tã một chiều tháng sáu năm ngoái. Anh cứ tưởng cuộc sống nghèo khó nên Trâm tìm vui duyên mới, nào ngờ người vợ thú thật rằng muốn sớm trả nợ giúp chồng nên liều mình một chuyến sang Thái Lan đẻ thuê.
Một góc thị trấn Giá Rai (Giá Rai, Bạc Liêu), nơi có 3 cô gái từng sang Thái Lan đẻ thuê nhưng hiện nay chỉ có một quay về xứ. Ảnh: Duy Khang.
Giận nhưng thương, nên người chồng bỏ qua lỗi lầm của vợ. Anh khuyên Trâm bỏ qua chuyện không vui, vợ chồng chí thú làm ăn để tích cóp trả nợ, nuôi hai con ăn học thành tài.
"Con gái lớn 12 tuổi học rất giỏi, đứa nhỏ 10 tuổi cũng học giỏi như chị. Một năm qua vợ chồng tôi ráng làm trả nợ nên bây giờ còn thiếu hàng xóm, bạn bè trên 80 triệu đồng. Lo nhất là một số chủ nợ cho vay lãi cao nên hàng tháng phải đóng lãi trên 3 triệu đồng", Trâm thở dài.
Cũng như Trâm, năm ấy người phụ nữ góa chồng tên Huệ quê Bạc Liêu chưa kịp mang bầu thuê thì giới chức Thái Lan phát hiện và trả về Việt Nam. Ở cái xóm nhà đan xen mồ mã này, hỏi nhà Huệ, con ông Tư xe lôi thì nhiều người biết bởi trước khi đi Thái Lan, cô có mở quán nhậu tại nhà.
Chồng mất, Huệ buồn bã khăn gói qua Đông Hải bán quán nhậu rồi được người quen giới thiệu lên TP HCM tham gia đường dây đẻ thuê. Sau khi về nước, Huệ lại tiếp tục phụ chị bán quán nhậu rồi quen với ông chủ trại tôm sú giống.
Huệ kể rằng tuổi thơ chứng kiến cảnh cha mẹ chạy gạo từng lon, lấy chồng không lâu đã trở nên góa bụa, sau đó là chuyến xuất ngoại với hy vọng đổi đời với 5.000 USD phí đẻ thuê thành công. Thế nhưng chờ 5 tháng vẫn chưa được mang bầu, cuối tháng 2/2011 cô bị nhà chức trách địa phương phát hiện là một trong số nhiều cô gái tuổi từ 19 đến 26 từ miền Nam Việt Nam sang đây đẻ thuê. Huệ về nước mà chẳng nhận được đồng nào. Cuộc sống của cô hiện vẫn tiếp tục khốn khó như trước.
Gần nhà Huệ còn có một cô gái cũng đẻ thuê thành công ở Thái Lan mà không bị cảnh sát sở tại phát hiện. Không chờ đủ chín tháng mười ngày mang thai, cô được được mổ bắt con, sau đó bay về Việt Nam với khoản vốn 100 triệu đồng.
Với số tiền này, Thúy trả nợ giúp cha 18,5 triệu đồng vay từ 7 năm trước khi em trai cô bị vỡ ruột thừa vào viện. Cô gái trẻ cũng mua cho em trai chiếc xe máy để chạy xe ôm và dùng 6 triệu mua tôn lợp mái nhà cha mẹ. Số vốn còn lại cô mang lên Sài Gòn mở quán nhậu vỉa hè.
Ngôi nhà ở Bạc Liêu của cha mẹ một cô gái đẻ thuê đã được bán cho người khác, gia đình bỏ xứ đến nơi khác làm lại cuộc đời mới. Ảnh: Duy Khang.
Còn Huỳnh, con diêm dân Nguyễn Văn Năm ở Long Điền (Đông Hải, Bạc Liêu) một mực không chịu về quê sau ngày bị phát hiện đi đẻ thuê. Ngay cả ngày giỗ ông bà, Huỳnh tránh về nhà gặp mặt bà con thân tộc.
Cha cô gái cho biết, giờ đây Huỳnh yên bề gia thất với một thanh niên làm công nhân, trọ ở Bình Dương. Huỳnh là một trong số các cô gái đẻ được con thuê cho người Đài Loan, giao con nhận tiền rồi về Việt Nam. "Lúc nghe Huỳnh sinh em bé, vợ chồng tôi nghĩ nếu cơ quan chức năng cho bồng về nuôi thì tôi xem như cháu ngoại. Giờ có người bên Đài Loan nhận nuôi thì gia đình tôi không còn luyến tiếc gì. Hãy để con tôi làm lại cuộc đời từ đầu", người cha chia sẻ.
Vượt qua con sông gần cửa biển Cái Cùng, bên kia đê Trường Sơn thuộc ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, cũng có một phận nghèo đẻ thuê. Thế nhưng sau khi vụ việc vỡ lở, gia đình này âm thầm bán nhà bỏ đi xứ khác mà không từ giã hàng xóm. Dân làng cho rằng cha mẹ cô gái xấu hổ và mặc cảm về việc con đi đẻ thuê ở xứ người nên bỏ xứ mà đi.
Nỗi niềm này cũng được Trâm chia sẻ với VnExpress.net. Cô nói rằng những người như cô rất mặc cảm vì chuyện đi đẻ thuê, nhưng vì thương hai con với người chồng tần tảo sớm hôm nên cố quay về. Hàng xóm với bà con mỗi khi gặp mặt đều hỏi nhiều tháng liền Trâm đã đi đâu, cô trả lời "đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan nhưng thấy công việc không phù hợp nên sớm quay về nước".
Theo VNExpress
SAN ỦI ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ: Trung đoàn Không quân 910 bị đề nghị phạt 400 triệu đồng Ngày 2-7, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, cho biết Sở đã đề nghị chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Trung đoàn Không quân 910 (thuộc Trường Sĩ quan Không quân) tổng cộng 400 triệu đồng do đã có các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, môi trường. Trong đó,...