Rủi ro khi Nga thay đổi chiến thuật tăng cường chiến đấu trên không tại Ukraine
Suốt hai năm qua, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chủ yếu diễn ra trên mặt đất. Các cuộc giao tranh thường xuyên xảy ra với sự yểm trợ của pháo hạng nặng và máy bay không người lái.
Theo tờ Straits Times, lực lượng không quân của cả Nga và Ukraine đều ở tình thế bị phụ thuộc bởi các phi đội hạn chế của Kiev và việc Moskva chưa thể giành ưu thế trên không như kỳ vọng. Nhưng khi quân đội Nga tiếp tục tấn công ở phía đông, lực lượng không quân của nước này đã đảm nhận vai trò lớn hơn.
Các nhà phân tích quân sự cho hay Nga ngày càng tăng cường sử dụng máy bay chiến đấu gần tiền tuyến để thả bom dẫn đường vào các vị trí của Ukraine và dọn đường cho bộ binh.
Giới chuyên gia nói rằng chiến thuật từng được áp dụng ở Avdiivka – thành phố chiến lược phía đông Nga vừa giành kiểm soát hồi tháng trước – đã mang đến kết quả đáng chú ý.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng đi kèm với rủi ro.
Ông Serhiy Hrabskyi, đại tá quân đội Ukraine đã nghỉ hưu, cho biết đây là công cụ tốn kém nhưng khá hiệu quả mà Nga đang sử dụng trong cuộc xung đột. Theo ông, việc Nga đưa các chiến đấu cơ đến gần tiền tuyến là vô cùng nguy hiểm, nhưng nó có thể tác động đến các vị trí của Ukraine một cách hiệu quả.
Quân đội Ukraine tuần trước cho biết họ đã bắn hạ 7 máy bay chiến đấu Su-34, gần như tất cả đều hoạt động ở phía đông, chỉ vài ngày sau khi bắn rơi máy bay trinh sát radar tầm xa A-50.
Video đang HOT
Theo các quan chức Ukraine, đây là một phần trong chuỗi cuộc tấn công thành công nhằm vào lực lượng không quân Nga, trong đó Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 15 máy bay trong nhiều ngày.
Phần lớn các vụ bắn hạ này không thể được xác minh độc lập. Một quan chức cấp cao Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về con số đó.
Trang phân tích quân sự Oryx và các blogger quân sự Nga đều xác nhận Moskva mất 2 máy bay chiến đấu Su-35. Cơ quan tình báo quân sự Anh cũng xác nhận máy bay A-50 bị phá huỷ.
Ông Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết tổn thất của Nga có thể liên quan đến việc Ukraine thu thập thông tin tình báo về hoạt động di chuyển của máy bay và việc triển khai các hệ thống phòng không “để tiêu diệt chúng”.
Sau khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022, Ukraine đã nỗ lực ngăn Nga kiểm soát không phận qua không chiến và sử dụng các tên lửa phòng không.
Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) cho biết trong một báo cáo rằng chỉ sau một tháng, Nga đã ngừng triển khai máy bay chiến đấu ra tiền tuyến, thay vào đó chuyển sang tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo từ xa. Song điều đó khiến Nga không thể triển khai hiệu quả hỏa lực trên không từ các chiến đấu cơ ném bom để tấn công các vị trí của Ukraine trên tiền tuyến.
Một hệ thống phòng không của Nga. Ảnh: TASS
Điều này bắt đầu thay đổi khi vào đầu năm 2023, khi Nga bắt đầu sử dụng bom lượn, loại đạn dẫn đường được thả từ máy bay và có thể bay quãng đường dài tới tiền tuyến, hạn chế rủi ro cho máy bay từ tên lửa phòng không.
Mang theo hàng trăm kg thuốc nổ, bom lượn có thể xuyên thủng các hầm ngầm bảo vệ chiến sĩ ở mặt trận.
Ông Egor Sugar, binh sĩ Ukraine từng chiến đấu ở Avdiivka, viết trên mạng xã hội: “Những quả bom này phá hủy hoàn toàn mọi vị trí. Tất cả các tòa nhà và công trình kiến trúc đã bị san phẳng thành một cái hố chỉ bằng một quả bom”.
Quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự cho biết lực lượng không quân Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát Avdiivka, khu vực đòi hỏi các chiến đấu cơ của Moskva phải “bay gần hơn” đến tiền tuyến để phát huy tối đa hiệu quả của bom lượn. Tuy nhiên, điều đó khiến chúng có nguy cơ bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.
Vào cuối tháng 12/2023, quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy 3 chiếc máy bay Su-34 gần bờ phía đông sông Dnieper do Nga kiểm soát ở phía nam, nơi quân đội Ukraine đã bảo vệ các vị trí nhỏ. Sau đó là các cuộc bắn hạ ở phía đông.
Hiện vẫn chưa rõ Ukraine đã triển khai hệ thống phòng không nào. Tuy nhiên, một số quan chức quân đội và nhà phân tích cho rằng Kiev đã sử dụng hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất – hệ thống phòng không phóng từ mặt đất tiên tiến nhất của Washington.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định: “Các lực lượng Nga dường như đã chấp nhận tỷ lệ tổn thất ngày càng nhiều phương tiện trên không trong những tuần gần đây, để tiến hành các cuộc tấn công bằng bom lượn nhằm hỗ trợ chiến dịch tấn công ở miền đông Ukraine”.
Một trong những thành công lớn nhất của Ukraine trong trận không chiến là phá hủy một trong những chiếc “radar bay” A-50 của Nga vào tuần trước – chiếc thứ hai trong năm nay – vốn có vai trò quan trọng trong việc phối hợp các cuộc oanh tạc trên không vào các vị trí của Ukraine trên tiền tuyến.
Tình báo quân sự Anh cho biết Nga có 7 máy bay A-50 nhưng khả năng cao chúng đã tạm dừng hỗ trợ các chiến dịch quân sự để tránh tổn thất thêm. Không quân Ukraine cũng nói rằng, các hoạt động trên không của Nga ở phía Đông Ukraine đã giảm đáng kể vào tối 2/3.
Không rõ Nga có thể chịu mức độ tổn thất trên không trong bao lâu. Song hãng thông tấn Tass của Nga cho biết Tập đoàn quốc phòng Rostec sẽ tiếp tục sản xuất A-50 “vì lực lượng vũ trang Nga cần nó”.
Ukraine thừa nhận 'rắc rối' với chiến đấu cơ phương Tây, tập trung vào F-16
Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat thừa nhận nước này sẽ không thể vận hành nhiều loại chiến đấu cơ của phương Tây do các vấn đề hậu cần và cần tập trung vào tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.
Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Yury Ignat đưa ra thông tin trên khi phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 19/2. Khi đó, phóng viên đặt câu hỏi với ông Yury Ignat rằng liệu Kiev có thể bắt đầu sử dụng chiến đấu cơ của Pháp sau khi ký hiệp ước an ninh song phương với Paris vào tuần trước hay không. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hiệp ước này không có nội dung về việc chuyển giao chiến đấu cơ và người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine đã dội một gáo nước lạnh vào bất kỳ kỳ vọng nào như vậy.
Ông Ignat chia sẻ: "Tất cả những gì tôi có thể nói ở đây là không thể đưa nhiều loại chiến đấu cơ khác nhau vào sử dụng. Chúng tôi sẽ không thể bảo trì và đào tạo phi công". Ông bổ sung rằng đây sẽ là một quy trình phức tạp. Ông Ignat nhấn mạnh trong bối cảnh này, việc vận hành tiêm kích F-16 đã trở thành mục tiêu số một đối với Ukraine.
Tuy nhiên, ông Ignat không cung cấp thông tin cụ thể về thời điểm Kiev sẽ nhận được F-16. Ông nói: "Điều duy nhất tôi có thể xác nhận là đã có một kế hoạch hành động và nó đang được thực hiện. Các đối tác sẵn sàng bàn giao máy bay cho Ukraine".
Theo người phát ngôn này, cả Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Kiev sẽ phải cân nhắc về việc chuyển giao chiến đấu cơ và bảo trì, đào tạo phi công, nhân viên mặt đất cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết.
Liên minh hỗ trợ Ukraine mua F-16 đã được công bố vào mùa Hè năm ngoái, sau đó Mỹ tạo điều kiện để Đan Mạch và Hà Lan giao tới 61 máy bay chiến đấu cho Kiev. Hôm 17/2, tờ Foreign Policy dẫn lời hai quan chức châu Âu đưa tin rằng Kiev có thể nhận lô F-16 đầu tiên vào tháng 6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vào tháng 12/2023 cảnh báo rằng Moskva sẽ coi những chiếc F-16 do Ukraine vận hành là "mục tiêu hợp pháp".
Thất thủ ở Avdiivka đẩy Ukraine vào tình thế nguy hiểm đến mức nào Để mất thành trì Avdiivka vào tay Nga, chiến tuyến phía Ukraine đã thay đổi đáng kể, tạo tiền đề cho một chương mệt mỏi tiếp theo của cuộc xung đột. Chiến đấu cơ S-27 và Su-34 của Không quân Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/X Theo tờ New York Times, sau khi để mất Avdiivka, lực lượng Ukraine sẽ cần một tuyến...