Rủi ro chết người khi tiêm giả dược
Tình nguyện viên tiêm giả dược trong thử nghiệm vaccine Covid-19 có thể có cảm giác “an toàn giả”, tử vong do nCoV mà không nhận được bồi thường.
Ngày 21/10, Cơ quan Giám sát Y tế Quốc gia Brazil (NHSA) thông báo một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine do Đại học Oxford nghiên cứu tử vong. Song người này qua đời do Covid-19 vì không được tiêm vaccine, mà sử dụng giả dược đối chứng.
Thông thường, trong giai đoạn cuối của thử nghiệm, các nhà khoa học chia hàng chục nghìn tình nguyện viên thành hai nhóm: tiêm vaccine và dùng giả dược. Sau khi tiêm chủng, họ trở về địa điểm sinh sống, nơi Covid-19 vẫn còn lây lan mạnh mẽ. Nhóm nghiên cứu sẽ so sánh số người nhiễm nCoV của hai nhóm để đánh giá liệu vaccine có giảm tần suất lây nhiễm hay không.
Kiểm soát giả dược vốn là tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu lâm sàng, song nó cũng gây rủi ro nhất định cho tình nguyện viên, đặc biệt khi Covid-19 chưa có phương pháp điều trị chính thức. Người không tiêm vaccine sẽ trở về vùng dịch, sinh sống bình thường, đôi khi chủ quan và bỏ qua biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn,… Đây được gọi là cảm giác “an toàn giả”, hậu quả tương tự việc tiêm một loại vaccine không hiệu quả vào cơ thể.
Cơ sở nghiên cứu của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca tại Australia. Ảnh: NY Times
Đến nay, Covid-19 chưa có cách điều trị chính thức. Cơ quan quản lý của các nước đã phê duyệt một số loại thuốc, song chúng chỉ hiệu quả với từng đối tượng, ở từng thời điểm nhất định. Mối nguy hoàn toàn có thể xảy ra nếu các tình nguyện viên cao tuổi hoặc có bệnh nền tiêm giả dược và nhiễm bệnh.
Việc đưa một chất “không xác định” vào cơ thể cũng gây ra những rủi ro nhất định. Thông thường, các nhà nghiên cứu không tiết lộ thành phần của giả dược. Trong một số thử nghiệm vaccine Covid-19, người ở nhóm đối chứng được tiêm dung dịch muối.
Tuy nhiên, ở nghiên cứu của Đại học Oxford, các chuyên gia đã tiên phong sử dụng giả dược là vaccine viêm màng não và nhiễm trùng huyết, thay vì nước muối. Liều tiêm sẽ gây ra phản ứng phụ tương tự vaccine Covid-19, chẳng hạn đau cơ và nhức bắp ở vùng tiêm, đảm bảo tuyệt đối tính ngẫu nhiên của thử nghiệm. Song các nhà nhà khoa học hiếm khi giải thích thông tin của về tác dụng phụ và thành phần của giả dược. Một số tình nguyện viên có thể dị ứng với chính giả dược là vaccine.
Tại Mỹ, mỗi tình nguyện viên tham gia thử nghiệm có thể được trả hàng trăm hoặc vài nghìn đô la, tùy thuộc vào từng loại nghiên cứu. Tiến sĩ Daniel Hoft, giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine của Đại học Saint Louis, cho biết: “Đây là chi phí đền bù cho thời gian và những rủi ro bạn có thể gặp phải”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhà phát triển sẽ không đài thọ chi phí chăm sóc sức khỏe của những người chịu tác dụng phụ khi tiêm loại vaccine đang thử nghiệm. Họ chỉ cam kết hoàn lại tiền cho công ty bảo hiểm của tình nguyện viên.
“Các công ty bảo hiểm cũng hiếm khi đền bù nếu bạn bị tổn hại thể chất trong thử nghiệm vaccine”, tiến sĩ Larry Corey, chuyên gia virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, giải thích.
Những tình nguyện viên nằm trong nhóm đối chứng, không tiêm vaccine, như bệnh nhân 28 tuổi ở Brazil, rất có thể sẽ không được bồi thường sau khi tử vong.
Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 tại Viện Y tế Quốc gia, Mỹ. Ảnh: Associated Press
Hiện nay, chưa có hướng dẫn đầy đủ và nhất quán về việc sử dụng giả dược đối chứng trong các thử nghiệm vaccine. Hầu hết, cơ quan quản lý ban hành quy định về đạo đức nói chung khi nghiên cứu lâm sàng. Nhiều quy định thậm chí mâu thuẫn với nhau. Một số loại trừ hoàn toàn phương pháp giả dược. Số khác cho phép sử dụng với điều kiện rủi ro không đáng kể.
Tình trạng thiếu nhất quán trong khâu quản lý làm tăng mối quan ngại về vấn đề đạo đức. Một mặt, nó khiến các chuyên gia ngần ngại khi nhắc đến giả dược trong nghiên cứu vaccine, dù đây là phương pháp hiệu quả và giúp rút ngắn thời gian phát triển. Mặt khác, một số đơn vị có thể tiến hành thử nghiệm phi đạo đức mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Đến nay, thế giới có 44 loại vaccine đang được nghiên cứu lâm sàng. Trong đó, 11 “ứng viên” đã tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối, đến từ Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức. Bên cạnh nhóm AstraZeneca-Oxford, Johnson & Johnson cũng đang dừng dự án để điều tra về tính an toàn của vaccine.
Triệu chứng sau tiêm vaccine 'như trận cúm nặng'
Elle Hardy phải đến nhiều điểm nóng trong đại dịch, cô thử nghiệm vaccine Covid-19 và trải qua những khó chịu như bị cúm, nhưng không ảnh hưởng nhiều.
Hardy hiện là tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn ba cho vaccine Covid-19 của hãng dược Moderna. Cô ước rằng mình có thể nói quyết định này xuất phát từ ý thức phục vụ cộng đồng. Song phóng viên tại tờ Business Insider có lý do thực tế hơn nhiều để đăng ký tiêm thử vaccine.
"Tôi muốn có cơ hội được bảo vệ khỏi nCoV càng sớm càng tốt", cô thành thật chia sẻ.
Là một phóng viên, Hardy thường xuyên phải di chuyển giữa nhiều nơi trên thế giới. Hồi tháng 2, cô đến Hàn Quốc để nghiên cứu về nhóm tôn giáo Tân Thiên Địa đã làm bùng phát dịch bệnh ở nước này. Trong thời gian đó, cô tìm mọi cách để tránh nhiễm nCoV. Cô trở về Australia trong thời gian đầu phong tỏa, vài tháng sau quay lại Mỹ để làm việc.
"Trong tất cả chuyến đi, bằng cách này hay cách khác, tôi đều cố gắng không bị ốm. Nhưng tôi không muốn tiếp tục sự may rủi này nữa. Đến từ một đất nước có dịch vụ chăm sóc sức khỏe được bảo hiểm hoàn toàn, hóa đơn viện phí ở Mỹ khiến tôi kinh hãi không kém gì việc nhiễm virus", cô nói.
Vaccine của Moderna mà Hardy đang tham gia thử nghiệm không được điều chế dựa trên nCoV sống, mà tái tạo một phản ứng miễn dịch tương tự nhiễm virus. Các nhà khoa học sử dụng mRNA (vật liệu di truyền của virus), mang thông tin di truyền, hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein gai giống với virus. Theo thời gian, hệ miễn dịch sẽ nhận biết được cấu trúc của mầm bệnh, sản sinh kháng thể để tự bảo vệ và tiêu diệt chúng. Mục đích của thử nghiệm là xác định liệu vaccine có hiệu quả ngừa nhiễm trùng hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của người mắc bệnh hay không.
Elle Hardy, phóng viên tờ Business Insider, là một trong số 30.000 tình nguyện viên thử nghiệm vaccine nCoV. Ảnh: Elle Hardy
Hardy cho biết cô không lo ngại khi phải tiêm một sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm. Cô biết rằng các nhà khoa học đã nghiên cứu về loại virus kể từ khi dịch SARS bùng phát năm 2002.
"Bất chấp áp lực chính trị, tôi không tin rằng các hãng dược tự thổi bay danh tiếng của mình bằng cách thúc đẩy sản xuất một loại vaccine nguy hiểm cho con người", cô nói.
Trước khi nhận mũi tiêm đầu tiên, Hardy trải qua rất nhiều cuộc kiểm tra sức khỏe, đảm bảo đủ thể lực cho quá trình thử nghiệm. Các chuyên gia tiến hành xem xét bệnh sử của cô, những loại thuốc cô từng sử dụng, đo huyết áp, thử thai và lấy máu. Họ theo dõi ảnh hưởng của vaccine thông qua mẫu máu suốt quá trình thử nghiệm. Hardy được trả 150 USD cho sự tham gia của mình.
Quy trình tiêm mũi vaccine đầu tiên kéo dài tới ba giờ. Một tuần sau đó, cô phải tự theo dõi các chỉ số sức khỏe, bao gồm nhiệt độ, triệu chứng và điền vào mẫu khảo sát. Cảm giác của Hardy sau khi tiêm chủng "giống như mắc một trận cúm nặng", song không ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống.
"Cánh tay trái tôi sưng tấy, đau nhức trong nhiều ngày. Tôi không thể nằm nghiêng hoặc thậm chí cầm cà phê bằng tay đó. Phản ứng tương tự với lần tiêm phòng sởi, quai bị, rubella ở trường trung học. Vì vậy tôi bắt đầu nghĩ mình chắc chắn được tiêm vaccine Covid-19 chứ không nằm trong nhóm dùng giả dược", cô nói.
Sau khoảng 4 ngày, tất cả các triệu chứng biến mất. Lần tiêm nhắc lại cách gần một tháng cũng để tại tác dụng phụ tương tự, nhưng chúng biến mất nhanh hơn, trong khoảng 48 giờ.
"Tôi càng tò mò hơn và quyết định đi xét nghiệm kháng thể xem liệu những phỏng đoán của mình có đúng không. Kết quả cho ra dương tính", Hardy kể lại.
Dù rất vui mừng khi biết mình có miễn dịch với Covid-19, cô vẫn thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thông thường, đặc biệt là đeo khẩu trang và tránh ở trong không gian kín. "Biết nghĩ cho những người xung quanh là phép lịch sự cơ bản", cô nói.
Hardy nhận thức được sự hiện diện của kháng thể không có nghĩa người dùng vaccine hoàn toàn "bất bại" trước virus. Mục đích chính của các cuộc thử nghiệm vẫn là tìm hiểu xem "ứng viên" có thực sự hiệu quả hay không. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Bản thân chúng cũng không phải rào cảnh tuyệt đối đối với nhiễm trùng.
Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Moderna, tháng 7/2020. Ảnh: Moderna
Là một phóng viên, Hardy lo ngại một số phương tiện truyền thông sẽ phóng tại các tin tức về vaccine Covid-19. Cô nhắc tới trường hợp của vaccine do Đại học Oxford phát triển trong thời gian gần đây. Các cuộc thử nghiệm đã bị dừng lại do hai tình nguyện viên gặp phản ứng phụ nghiêm trọng.
"Mọi người nên được thông báo về tình hình. Nhưng hãy nhớ bất cứ câu chuyện nào về vaccine cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm. Và chúng ta đang sống trong thời kỳ mà thông tin sai lệch lan truyền nhanh như Covid-19", cô nói.
Khảo sát hồi tháng 9 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ ra rằng một phần ba người Mỹ không muốn dùng vaccine. Kết quả này cũng trùng khớp với nghiên cứu của Marist Poll và Gallup trước đó. "Tôi có những người bạn không chống vaccine, nhưng họ lo ngại về phương pháp thử nghiệm gấp rút trước cuộc bầu cử", Hardy chia sẻ.
3 người đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19: Có người bị ngất, nhưng "đầy hy vọng" Nhiều loại vắc-xin COVID-19 trên thế giới đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trước khi đăng ký và được sử dụng rộng rãi. Để hoàn thành những giai đoạn thử nghiệm thì một số người đã được tiêm vắc-xin rồi, vậy họ đã có những trải nghiệm thế nào? Một số nhà sản xuất vắc-xin đang tìm kiếm các tình...