Rủi ro án oan từ lời khai của nhân chứng
Jennifer Thompson (22 tuổi) kể nhớ như in khuôn mặt của kẻ hiếp dâm, nhưng xét nghiệm ADN cho thấy cô đã nhớ nhầm.
Một tối tháng 7/1984, nữ sinh viên Jennifer Thompson bị kẻ lạ mặt cầm dao đe dọa và hiếp dâm tại căn hộ riêng thuộc thành phố Burlington, bang North Carolina. Thompson nói chí trả thù đã thôi thúc cô bình tĩnh ghi nhớ mọi chi tiết trên khuôn mặt kẻ tấn công để đảm bảo hắn sẽ “sống mục ruỗng trong tù”.
May mắn sống sót, Thompson giúp cảnh sát phác họa chân dung hung thủ. Vài ngày sau, Thompson “chọn” Ronald Cotton (22 tuổi) qua hai lần nhận dạng qua ảnh và nhận dạng trực tiếp.
Trước tòa, năm 1985, Thompson trở thành nhân chứng mấu chốt, bên cạnh các chứng cứ gián tiếp như đèn pin và giày tìm thấy tại nhà Cotton giống của hung thủ. Không có chứng cứ pháp y, nhưng lời khai và sự tự tin của Thompson đã thuyết phục được tòa án kết án Cotton phạm tội Hiếp dâm và Đột nhập, hình phạt 54 năm tù. Thompson cuối cùng cũng thực hiện được lời hứa với bản thân.
10 năm sau, khi được yêu cầu cung cấp mẫu máu để xét nghiệm ADN, Thompson đồng ý vì cho rằng chứng cứ này sẽ càng thêm củng cố tội trạng của Cotton. Tuy nhiên, cô gái ngạc nhiên khi biết kết quả xét nghiệm cho thấy Cotton không phải chủ nhân của mẫu tinh trùng lạ. Hung thủ thật sự được xác định là Bobby Poole – người mà Thompson từng khẳng định trước tòa “chắc chắn chưa bao giờ gặp mặt”.
Ronald Cotton (trái) và Bobby Poole. Ảnh: Burlington Police Department.
Cotton không phải người đầu tiên bị kết án oan ở Mỹ vì nhân chứng nhận dạng sai. Theo Dự án Vô tội – tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp người bị oan sai tại Mỹ, 69% số người được minh oan bằng ADN (252 vụ) từng bị kết án oan một phần do nhận dạng sai. Ngoài ra, việc nhân chứng nhận dạng sai cũng góp phần trong ít nhất 450 vụ án oan được giải quyết không thông qua ADN, theo Danh sách Người được giải oan quốc gia.
Alexis Agathocleous, luật sư làm việc tại dự án, cho biết trí nhớ của con người rất mong manh do não bộ có thể ghi nhớ không đầy đủ hoặc sai sót. Ký ức cũng có thể giảm sút hoặc bị tác động làm cho sai lệch, khiến mỗi lần hồi tưởng ký ức lại thay đổi.
Chiếc váy từng gây tranh cãi về màu sắc. Ảnh: Cecilia Bleasdale.
Agathocleous lấy ví dụ về bức ảnh chiếc váy từng khiến người dùng internet tranh luận kịch liệt. Có người nhìn thấy chiếc váy sọc đen và xanh dương, cũng có người nhìn thấy váy màu vàng kim và trắng. Điều này cho thấy não bộ mỗi người xử lý hình ảnh theo cách khác nhau tùy vào độ chiếu sáng nền và sự diễn giải của bộ não.
Ký ức cũng xuống cấp khi được lưu trữ trong não bộ. Nghiên cứu từ thế kỷ 19 tới nay cho thấy con người có thể mau chóng quên đi những điều vừa nhìn hoặc nghe thấy. Ký ức cũng không cải thiện theo thời gian mà chỉ mất đi nếu không được trau dồi thường xuyên.
Ngoài ra, ký ức cũng rất dễ bị thay đổi trong lúc lưu trữ và hồi tưởng. Cách đặt câu hỏi, cũng như thông tin mà nhân chứng nhận được từ điều tra viên, báo chí, hoặc nhân chứng khác sau khi sự việc đã xảy ra, đều có thể tác động tới ký ức của họ.
Video đang HOT
Ví dụ, khi nhận dạng, cảnh sát có thể đặt nghi can cùng nhóm với những người không có đặc điểm tương tự, hoặc trong nhóm chỉ có nghi can có đặc điểm khớp với mô tả nạn nhân,… Những kỹ thuật mang tính gợi ý này đều có thể khiến nghi can nổi bật lên trong mắt nhân chứng. Ngoài ra, cảnh sát còn có thể vô tình nói những câu mang tính gợi ý như “hãy chọn ra hung thủ”, từ đó khiến nhân chứng giả định rằng có nghi can ở trong nhóm nên bị áp lực chọn người có ngoại hình giống nhất.
Như trong vụ án của Ronald Cotton, luật sư bào chữa đã phát hiện cô Thompson phải mất vài phút mới có thể chọn ra Cotton trong hai lần nhận dạng. Nhưng Thompson rất có thể đã càng vững tin vào lựa chọn của mình sau khi điều tra viên nói lời nhận xét có tính dẫn dắt. Chính sự tự tin sai lầm ấy thuyết phục được bồi thẩm đoàn kết tội Ronald Cotton.
Tuy vậy, rủi ro trong quá trình nhận dạng nghi can không phải không có cách khắc phục. Năm 2014, Học viện Khoa học Quốc gia (Mỹ) đã ra báo cáo đề xuất cải cách quy trình nhận dạng, trong đó khuyến nghị cảnh sát viên tổ chức buổi nhận dạng phải là người không biết danh tính nghi can để tránh vô tình để lộ cho nhân chứng qua lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể. Cảnh sát cũng nên để nhân chứng ghi lại mức độ chắc chắn vào lựa chọn của mình để giúp bồi thẩm đoàn đánh giá độ tin cậy của kết quả nhận dạng.
Hiện, 24 tiểu bang tại Mỹ đã thực thi các khuyến cáo trên dưới nhiều hình thức như ban hành pháp luật, quyết định tòa án, hoặc tự nguyện tuân thủ, theo Innocence Project. Gần nhất, bang Louisiana ban hành Luật Nhân chứng nhận dạng vào năm 2018.
Cựu đặc vụ FBI đoạt mạng con rể lúc nửa đêm
Một cựu đặc vụ FBI sát hại con rể bằng gậy bóng chày lúc nửa đêm và khẳng định ông làm vậy để bảo vệ tính mạng con gái. Song tòa án không tin đó là hành động tự vệ.
Ngày 2/8/2015, cảnh sát ở thành phố Winston-Salem, bang North Carolina (Mỹ) nhận một cuộc gọi báo án. Người gọi là Tom Martens, một cựu đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Tom nói rằng ông đã dùng gậy bóng chày đánh con rể, khiến anh ta tử vong.
Khi cảnh sát tới hiện trường vào lúc nửa đêm, họ thấy Jason Corbett, con rể của Tom, tử vong với 12 vết đánh trên đầu. Nhiều vết máu văng trên tường.
Vụ án mạng lúc nửa đêm
Theo lời khai của Tom, ngày 2/8/2015, khi ông thăm nhà Jason Corbett và Molly, anh chàng người Ireland lại đánh vợ. Khi cựu đặc vụ chạy lên tầng trên, ông thấy Jason đang bóp cổ Molly trên giường trong trạng thái điên cuồng. Lo ngại con gái có thể chết, Tom yêu cầu Jason bỏ tay khỏi cổ Molly, song Jason vẫn tiếp tục siết. Vì thế, Tom dùng gậy bóng chày mà ông mới mua cho đứa con trai của Jason để đập anh ta. Sau đó, ông gọi điện thoại cho cảnh sát.
Bi kịch bắt nguồn từ việc Molly Martens, con gái của Tom có ngoại hình khả ái, thấy một quảng cáo tuyển bảo mẫu trên mạng. Một người đàn ông ở Limerick, Ireland muốn tìm một bảo mẫu để chăm sóc hai con sau khi người vợ qua đời.
Molly sống ở thành phố Knoxville, Tennessee, Mỹ, nhưng nếu muốn nhận công việc ấy, cô phải bay tới thành phố Dublin, Ireland.
Quyết định tới Ireland để làm bảo mẫu của Molly khiến mọi người bất ngờ, bởi cô đang làm nghề người mẫu, và công việc mới không hề liên quan hay hỗ trợ cho sự nghiệp của cô. Ngoài ra, Molly đang có quan hệ tình ái với một chàng trai.
Nhưng có lẽ Molly muốn trải nghiệm cuộc sống ở một quốc gia khác, và thử nghiệm một công việc khác. Có thể cuộc sống mới sẽ giúp cô điều trị chứng rối loạn lưỡng cực. Căn bệnh thần kinh này khiến cô có xu hướng nói dối và không thể theo đuổi một công việc quá lâu. Molly nói dối bạn trai là cô chỉ sang Ireland vài tuần, rồi rời nước Mỹ.
Khi nhận việc, Molly nhận thấy người thuê cô, Jason Corbett, là một nam giới cao lớn có tính cách khá độc đoán và có khuynh hướng bạo lực. Anh ta quảng giao và rất thích uống bia, tiệc tùng. Hai đứa con (một trai và một gái) của Jason rất sợ bố, nhưng chúng khá đáng yêu.
Chuyện tình của Jason Corbett và Molly Martens bắt đầu với việc cô bay tới Ireland để làm bảo mẫu, và kết thúc với vụ án mạng. Ảnh: CBS.
Điều bất ngờ thứ hai xảy ra với Molly: Cô phải lòng Jason bất chấp ấn tượng tiêu cực ban đầu.
Rồi công ty của Jason quyết định điều anh ta tới bang North Carolina, Mỹ để làm việc ở đó. Ngay sau khi Jason tới nơi ở mới trong thành phố Winsotn-Salem thuộc bang North Carolina, Molly và anh ta kết hôn. Đột nhiên Molly có chồng và con sau chuyến đi xa, và cha, mẹ cô ở không quá xa nên cô có thể thăm họ thường xuyên. Molly làm huấn luyện viên bơi và dành thời gian rảnh để chăm sóc hai con.
Song quan hệ giữa Molly và Jason vẫn có những góc khuất. Với khuynh hướng bạo lực, thỉnh thoảng Jason đánh Molly và cô từng kể cho cha về những trận đòn ấy. Tom Martens không phải là mẫu người nghe con gái kể chuyện bất bình rồi chỉ an ủi chứ không hành động.
Hành động tự vệ hay vụ giết người có chủ ý?
Molly kể với nhóm điều tra rằng vào đêm mà án mạng xảy ra, con gái của họ gặp ác mộng nên cô đánh thức chồng giữa đêm để trấn an con bé.
Jason rất ghét việc bị đánh thức khi đang ngủ, nên anh ta làu bàu mấy câu. Molly cãi lại và hành động đó khiến Jason nổi giận.
Anh ta bóp cổ vợ khiến Molly phải kêu cứu. Sau đó Tom chạy lên phòng ngủ và kêu Jason thả tay. Khi anh ta không nghe và còn dọa giết cả ông, cựu đặc vụ nện gậy bóng chày vào đầu con rể.
Sau cú đánh đầu tiên, Jason tóm gậy và vật Tom xuống nền nhà. Lúc ấy cựu đặc vụ chạm vào gậy và dùng nó đánh liên tiếp vào đầu Jason. Và Molly cũng nhặt một viên gạch đá hoa lát nền và đập vào đầu chồng.
Điều tra viên hỏi lí do Molly để gạch lát nền trong buồng ngủ. Cô trả lời rằng cô và hai đứa trẻ nhặt mấy viên gạch để vẽ lên chúng.
Tom Martens và con gái Molly Martens trong ngày cưới của cô. Ảnh: Independent.
Câu chuyện của Tom cũng giống câu chuyện của Molly, và ông không nhớ ông đã đập gậy mấy lần. Cả Molly và Tom đều khẳng định Jason say vào thời điểm án mạng xảy ra.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Jason tử vong vì 12 nhát đập vào đầu khiến hộp sọ rạn nứt nhiều chỗ. Nhưng nồng độ cồn trong máu nạn nhân chỉ ở mức 0,02% máu - nghĩa là không đủ lớn để gây nên tình trạng say. Mặc dù vậy, các nhà khoa học khẳng định nồng độ cồn có thể giảm mạnh và nhanh sau khi con người tử vong.
Những tình tiết khó hiểu
Vấn đề mà nhóm điều tra phải giải quyết là: Tom Martens đánh Jason Corbett để tự vệ hay giết người có chủ ý? Chỉ Tom Martens hành động hay Molly cũng tham gia?
Nhóm điều tra nhận thấy máu văng lên mặt Molly, nhưng tay và bộ đồ ngủ của cô lại không dính máu. Áo sơ mi và quần sooc mà Tom mặc cũng không dính máu. Cổ Molly không có dấu hiệu tác động của ngoại lực. Vậy tại sao cả Tom và Molly đều khai Jason bóp cổ cô?
Quá trình điều tra sâu hơn cho thấy thi thể nạn nhân có vẻ lạnh hơn nhiều so với một cái xác mới chết. Ngoài ra, các chuyên gia xác nhận 4 phát đập xuất hiện trước khi nạn nhân tử vong, còn 8 phát đập xuất hiện sau khi anh ta chết. Vì thế, nhóm điều tra nghi ngờ hành động của hai cha con nhà Martens không phải để tự vệ chính đáng.
Jack, đứa con đầu của nạn nhân, ban đầu thừa nhận với nhóm điều tra rằng Jason thường xuyên đánh mẹ kế. Nhưng khi trở về Ireland với người thân, Jack lại nói rằng thực tế không phải vậy và Molly đã dặn dò cần khai với cảnh sát rằng cha là người thích bạo hàn và thường xuyên đánh mẹ kế.
Nếu vụ án mạng không phải là hậu quả của hành động tự vệ, nó chắc chắn là vụ giết người. Vậy động cơ giết Jason là gì?
Vài người thân của Jason kể với nhóm điều tra rằng anh ta có ý định trở lại Ireland và mang theo hai con. Nhóm điều tra tin nhận định có thể Molly và Tom quá yêu hai đứa trẻ nên không muốn Jason hồi hương, và họ sát hại anh ta để ngăn việc đó xảy ra.
Cuối cùng, cảnh sát quyết định bắt Tom Martens và Molly Martens với cáo buộc giết người cấp độ hai. Hai nghi phạm khẳng định họ không cố ý giết Jason.
Phiên xử hai cha con diễn ra vào mùa hè năm 2017. Bồi thẩm đoàn kết luận hai bị cáo phạm tội giết người cấp độ hai và mỗi người chịu mức án 20 năm tù.
Sau khi tòa tuyên án, Molly Martens quay về phía mẹ và nói: "Con xin lỗi. Lẽ ra con nên để anh ta giết con".
Theo news.zing.vn
Cái chết của các hotgirl và tội ác của tên sát nhân đẹp trai: Tiếng rên lúc mờ sáng Trong khi cảnh sát vẫn chưa có thêm thông tin gì về những vụ án mạng thì những nạn nhân tiếp theo lại xuất hiện. Ted Bundy có vẻ ngoài khá bảnh bao và thân thiện. Tuy nhiên, đằng sau khuôn mặt đó lại là một tên sát nhân bệnh hoạn giết người không ghê tay của nước Mỹ trong khoảng thời gian...