Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh
Chạc quạch – cái từ nghe ra chẳng chút mĩ miều lại cứ như dằn dỗi một điều gì. Ấy thế mà lại là tên của một loài hoa của miền núi rừng Hà Tĩnh. Có lẽ sắc đỏ rực rỡ của hoa cùng cái tên đặc biệt ấy đã khiến tôi, dù có phiêu dạt phương nào cũng không bao giờ lãng quên…
Hoa chạc quạch thường nở rộ vào tháng 2, tháng 3 và được người miền núi coi như sự khởi đầu tốt đẹp trong năm (Ảnh: Khánh Thành)
Cuối tháng 1, khi mưa xuân rây rây, những dây chạc quạch khô queo bắt đầu sinh chuyển, ươm nụ. Và tháng 2, tháng 3, khi trời đầy nắng, hoa chạc quạch cũng bắt đầu nở rộ tạo nên những mảng màu rực rỡ, sinh động trên những sườn núi miên man xanh. Màu đỏ ấy là lửa cháy trong tâm tư những người con xứ núi. Để dẫu có đi đâu về đâu, hình ảnh hoa chạc quạch luôn là hòn than hồng nồng đượm, ủ giữ những ký ức quê nhà.
Hoa chạc quạch có hình hài rất giống hoa phượng nên còn được gọi là phượng núi (Ảnh: Khánh Thành)
Hoa chạc quạch cũng như cây, như suối… có mặt trong đời sống của người miền núi một cách rất tự nhiên. Khi chúng tôi lớn lên đã thấy chạc quạch ở đó, trên những sườn núi, trong những rặng cây đường. Hoa lẫn vào người và người lẫn vào hoa. Bởi vậy, hoa có mặt trong rất nhiều ước lượng đời sống. Nhớ những đứa con ly hương, mẹ hiền đưa tay nhẩm đếm con đi xa đã bấy nhiêu mùa chạc quạch. Hàng cau trước ngõ cũng được cha được tính tuổi bằng những mùa hoa rực lửa. Bạn bè xa nhau lâu ngày gặp lại ngồi nhắc nhớ kỷ niệm rồi à ồ “đã mấy mùa hoa”… Tôi cũng thế, cũng luôn dành cho chạc quạch một “sổ đỏ” trong tâm tư mà không loài hoa nào có thể thay thế được…
Những rặng hoa chạc quạch đỏ rực ven đường luôn gợi về những ký ức tuổi thơ (Ảnh: Khánh Thành)
Video đang HOT
Bây giờ, mỗi lần về ngang qua dãy núi Mồng Gà, nơi có một rặng hoa chạc quạch đỏ rực bên sườn đông mái núi, tôi vẫn chưa thôi tự hỏi mình về tên gọi của hoa. Tôi nhớ, bạn bè tôi hồi ấy còn gọi chạc quạch là hoa phượng núi bởi ngoài thân và lá không giống cây phượng, còn lại cánh hoa và nhị hoa đều mang hình hài của hoa phượng. Thuở xưa, mỗi mùa hoa nở, lũ học trò chúng tôi lại cùng nhau lên núi hái hoa mang về ép trong vở và bắt đầu đợi mong kỳ nghỉ hè thơ ấu. Với chúng tôi, đó cũng là loài hoa học trò đặc biệt riêng có.
Hoa chạc quạch khi rụng xuống vương trên rặng cây tựa như những cánh bướm mùa xuân dập dờn (Ảnh: Khánh Thành)
Chạc quạch là loài thân dây, sống bán tầm gửi trên những rặng cây cổ thụ hoặc chen lẫn trong bụi dẻ, chạc chìu, cánh bướm… Không e ấp giấu mình vào thân lá như hoa dẻ, không tinh khôi, dịu dàng như chạc chìu, hoa chạc quạch là hình ảnh của một sơn nữ bạo liệt. Màu đỏ rực như lửa của hoa luôn gợi lên cho người ra nghĩ tới một sơn nữ dám nghĩ, dám tỏ bày và dám cháy cho điều mình theo đuổi.
Những rặng hoa chạc quạch đỏ rực tựa như những chấm đỏ định vị dẫn lối quay về (Ảnh: Khánh Thành)
Hoa chạc quạch có một sự gắn bó đặc biệt đối với những người được sinh ra ở núi, lớn lên ở núi, sống bằng những công việc gắn liền với núi. Những bông hoa đỏ rực như lửa ấy, trong quan niệm của người dân quê tôi là sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho năm mới. Bởi thế, nếu trong nương rẫy, trong vườn của gia đình, có một rặng chạc quạch là điều may mắn. Người dân dẫu có lấy thân cây chạc quạch làm nông cụ cũng chỉ chọn những thân xấu nhất chứ không bao giờ phá bỏ rặng cây. Chính vì vậy, những rặng hoa chạc quạch hầu như chưa bao giờ thay đổi vị trí.
Và, mỗi mùa xuân đến, hoa lại cùng nhau thắp lửa. Với những đứa con xa quê, những đám hoa đỏ rực ấy chính là chấm đỏ định vị dẫn lối trở về…
Theo baohatinh.vn
Thư giãn cuối tuần ở vùng ven thành phố Hà Tĩnh
Cuộc sống chật chội nơi phố xá đã khiến nhu cầu thư giãn ở ngoại ô vào mỗi cuối tuần ngày càng tăng.
Cùng với việc tự tìm đến những điểm giải trí tự nhiên, người thành phố Hà Tĩnh cũng lựa chọn nhiều loại hình dịch vụ giải trí, ăn uống do những nông dân năng động vùng ven kinh doanh.
1. Câu cá trên bara Đò Điệm (Thạch Sơn - Thạch Hà)
Nhiều loại cá có giá trị như cá vược, cá chẽm... khiến bara Đò Điệm trở thành một địa chỉ hấp dẫn, nhất là đối với cần thủ.
Là công trình ngăn mặn, giữ ngọt giữa ngã ba sông, đến bara Đò Điệm, bạn không chỉ có những bức hình ấn tượng mà còn kết hợp câu cá giải trí. Tuy chỉ là một điểm câu cá tự phát nhưng với không gian rộng, thoáng mát lại có nhiều loại cá có giá trị như cá vược, cá chẽm..., bara Đò Điệm trở thành một địa chỉ hấp dẫn, nhất là đối với cần thủ. Tuy nhiên, do hoàn toàn tự nhiên nên các cần thủ cần trang bị biện pháp đảm bảo an toàn khi đến buông cần tại đây.
2. Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi (thị trấn Thiên Cầm - Cẩm Xuyên)
Những cánh đồng hoa mặt trời rực rỡ ở Đồng Nôi thu hút du khách với muôn nghìn góc ảnh
Cách TP Hà Tĩnh khoảng 23 km và thị trấn Cẩm Xuyên chừng 10 km, Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi đang là điểm đến lý tưởng của nhiều bạn trẻ. Đồng Nôi được xây dựng trên diện tích hơn 40 ha đất. Trước kia, nơi đây là một bãi cát hoang nhưng từ sau khi được quy hoạch đã biến thành khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách. Đến với Đồng Nôi, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên tươi mát cùng các loại hoa, những vườn dưa chuột, bí, bầu, rau thủy canh xanh mơn mởn. Bên cạnh đó, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị như khám phá vùng đồi núi đầy sim mua; đi cầu tre, cầu khỉ; câu cá trên các đầm hồ...
3. Hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên)
Hồ Kẻ Gỗ với vẻ đẹp thiên nhiên bao la, thơ mộng luôn là điểm hấp dẫn du khách ( Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
Nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh chưa đầy 20 km về phía Tây Nam, hồ Kẻ Gỗ nằm giữa trời xanh bao la của núi rừng, mang vẻ đẹp thơ mộng. Vào những ngày hè nắng nóng, những lúc cần được yên bình, du khách có thể đến đây hòa mình vào không gian bao la của núi rừng, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn mặt hồ mênh mông cùng với lắng nghe tiếng gió trời, xua tan mọi muộn phiền. Để chuyến du lịch thêm trọn vẹn, ý nghĩa, du khách có thể đi tham quan Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Không khí thanh tịnh nơi rừng núi sẽ mang tới cho du khách cảm giác tĩnh tại khó quên.
4. Hải sản ở Hộ Độ (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh)
Vào mỗi buổi chiều tà, tại các quán hải sản dọc bờ đê Hộ Độ thu hút khá đông khách hàng
Những con cua, con tôm tươi ngon nhất sau khi đánh bắt trong đêm của bà con Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Long (Thạch Hà), Thạch Hạ được "ưu tiên" nhập vào các nhà hàng hải sản Hộ Độ. Sau đó, chủ nhà hàng sẽ giữ độ tươi sống của hải sản bằng nhiều cách như sục khí, thả lồng... Ngoài chế biến món ăn tươi ngon theo yêu cầu, điểm cộng ở các quán ăn này còn nằm ở khu vực gần sông nên mùa hè mát mẻ, dân dã, thoáng đãng mà giá cả lại hợp lý.
5. Đặc sản Vịt Thạch Tân (Thạch Hà)
Những món đặc sản làm từ vịt đã trở thành một dấu ấn khó quên của du khách khi tới Thạch Tân (huyện Thạch Hà)
Với nguồn thực phẩm được cung cấp chủ yếu từ các gia trại chăn nuôi trên địa bàn, sạch, tươi sống cùng bí quyết ẩm thực độc đáo, làng vịt Thạch Tân đã thu hút hàng trăm du khách đến đây mỗi ngày. Du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản được chế biến từ vịt như: Quay, hấp, chua ngọt, om sấu, nấu chao, rang muối, rang me, mề vịt om tiêu mẻ, lưỡi vịt chiên, tiết canh... Vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ, trung bình mỗi nhà hàng đón hàng trăm lượt khách. Chính nguồn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng cùng với bí quyết chế biến độc đáo đã biến những món ăn từ vịt trở thành "thương hiệu" rất đặc trưng và nổi tiếng của xã Thạch Tân trong lòng du khách.
Theo baohatinh.vn
Huyền thoại về dãy núi Nam Giới Nhắc đến trầm tích văn hóa miền hạ lưu Thạch Hà (Hà Tĩnh) hàng trăm du khách xa gần không thể quên vẻ đẹp dãy núi Nam Giới. Dãy núi dấu trong lòng bao pho sử thi huyền thoại mà con người càng khám phá càng ngưỡng mộ. Từ bến cảng Cửa Sót (huyện Thạch Hà) đi thuyền máy chưa đầy mười phút,...