Ruby Yang: Tôi rất quan tâm đến bản sắc
Nếu so với số lượng phim truyện kinh dị và phim hành động mà điện ảnh Hồng Kông sản xuất mỗi năm thì phim tài liệu chỉ là một lát cắt nhỏ nhưng có một tên tuổi lớn trong thể loại này mà mọi người Hồng Kông đều biết. Đó là Ruby Yang. Nhà làm phim sinh ra ở Hồng Kông đã đoạt giải Oscar 2007 cho phim tài liệu ngắn hay nhất với bộ phim The Blood of Yingzhou District, kể về những đứa trẻ bị nhiễm Aids ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Không ngừng khám phá khái niệm về bản sắc, các tác phẩm của Yang đang được công chiếu lại tại Liên hoan phim Cuộc sống là Nghệ thuật ( Life is Art film festival) năm nay.
Cũng như các bộ phim như My Voice, My Life và Tongzhi in Love, người hâm mộ có thể tham dự buổi công chiếu tác phẩm mới nhất của cô, Ritoma. Trong bộ phim tài liệu này, Yang đưa người xem tham gia vào một cuộc hành trình đến Cao nguyên Tây Tạng. Sử dụng bóng rổ như một phép ẩn dụ cho sự va chạm của truyền thống và hiện đại, bộ phim mang thông điệp về sự chuyển tiếp đang diễn ra từ lối sống truyền thống sang đời sống hiện đại của người Tây Tạng. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Yang về tác phẩm mới của cô và suy nghĩ về toàn bộ sự nghiệp của cô trước ngày phát hành bộ phim tài liệu mới, Ritoma.
Làm thế nào mà cô có thể đến để tìm hiểu về nhóm người chơi bóng rổ đặc biệt này trong số những người du mục Tây Tạng?
Vâng, tôi đã đến Ritoma vào năm 2012 và thực hiện một phim ngắn ở đây. Vào thời điểm đó, tôi đã làm một video về tính bền vững, vì vậy tôi có biết về Ritoma và hội thảo du mục. Trò tiêu khiển yêu thích của người dân địa phương là chơi bóng rổ vì họ không có chỗ để làm sân bóng đá. Tôi giữ liên lạc với họ. Khi tôi trở lại thăm nơi này vào năm 2016, nhiều thứ đã thay đổi. Lúc này, tôi gặp Bill, huấn luyện viên của đội bóng rổ địa phương. Họ nói với tôi về một giải đấu sắp diễn ra và tôi hỏi liệu tôi có thể quay lại để ghi hình các trận đấu hay không. Họ nói được và đó là cách tôi bắt đầu bộ phim.
Cảnh trong phim Ritoma
Video đang HOT
Cuộc sống của người du mục đã thay đổi như thế nào từ năm 2012 đến năm 2016?
Khi tôi lần đầu tiên đến thăm họ vào năm 2012, họ đã bắt đầu tìm hiểu về internet. Và đối với một vùng xa xôi, đó là một sự kiện lớn bởi vì khi bạn mô tả thế giới bên ngoài với họ, họ không thể hình dung ra được. Nhưng thông qua tài liệu tham khảo trên internet, như hình ảnh và các video, họ có thể thấy mọi người ở phần còn lại của thế giới sống như thế nào. Đó chỉ là sự khởi đầu. Tất nhiên, mọi thứ không thay đổi nhanh như ở một thành phố lớn, nhưng bạn có thể thấy rằng lối sống truyền thống – chăn thả du mục – cuối cùng sẽ được thay thế bằng một thứ khác.
Mặc dù những người du mục được trao đặc quyền thông qua giáo dục và học các kỹ năng mới, trong việc từ bỏ chăn gia súc, họ phải chiến đấu để bảo tồn văn hóa và truyền thống của họ. Cô có rút ra kết luận nào quan trọng hơn, độc lập về kinh tế hay văn hóa của họ không?
Tôi không nghĩ rằng bạn hay tôi lại có thể đi đến kết luận nào. Bạn chỉ có thể quan sát và chứng kiến sự chuyển tiếp. Trong quan sát của mình, tôi nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ phải thay đổi cách sống của họ bởi vì những người trẻ đã không còn chăn gia súc nữa. Trẻ em sẽ không tiếp tục là những người du mục. Tôi nghĩ cuối cùng họ sẽ tìm cách khác để sống. Số lượng người du mục đã bắt đầu thu hẹp dần.
Nhà báo, Đạo diễn phim Tài liệu Ruby Yang
Cô sinh ra ở Hồng Kông và chuyển đến Mỹ năm 1977. Sau đó, cô trở về Hồng Kông để dạy phim tài liệu tại Đại học Hồng Kông . Cô nghĩ nền tảng đã ảnh hưởng đến cô như thế nào với tư cách là một nhà làm phim tài liệu?
Tôi là người ngoài cuộc. Và tôi nghĩ đó là một lợi thế bởi vì bạn thấy mọi thứ khác biệt. Bạn nhìn vào những thứ mà mọi người sống trong cộng đồng của họ đã quen thuộc. Đối với tôi, đó là những sự khác biệt mà mọi người không biết rằng tôi cảm thấy rất thích thú. Ngoài việc là người ngoài cuộc, tôi cũng là một người rất tò mò, nên điều đó rất có ích khi làm phim. Và cũng có thể còn là câu hỏi về bản sắc. Tôi rất quan tâm đến bản sắc vì được sinh ra ở Hồng Kông. Câu hỏi về danh tính luôn luôn xuất hiện – cho dù bạn là người Hồng Kông gốc Trung Quốc hay người Anh gốc Trung Quốc thì bạn luôn hỏi Bạn là ai?
Cô có thể giới thiệu cho độc giả của chúng tôi biết về các bộ phim tài liệu trước đây của cô đã chiếu ở Life is Art không?
Hãy để tôi nói về Tongzi in Love vì nó đã được thực hiện cách đây 10 năm ở Bắc Kinh. Có một điều thú vị về những người đồng tính nam ở Trung Quốc là hầu hết họ là con một theo chính sách một con, vì vậy áp lực khiến họ phải kết hôn và có con là rất lớn. Một điều nữa là vùng nông thôn và thành phố. Rất nhiều người đàn ông đang sống một cuộc đời “kép”. Tức là trong thành phố, họ có thể rũ bỏ lớp vỏ ngoài và sống một cuộc sống tự do như một người đồng tính. Nhưng ở nông thôn, họ là người đã kết hôn và có con, vì vậy họ phải trở về nông thôn mỗi năm một lần.
Điều đó rất rõ ràng ở Trung Quốc và nó vẫn xảy ra cho tới hôm nay. Tôi thấy rất thú vị, đó là lý do tại sao tôi làm một bộ phim về nó. My Voice, My Life là bộ phim đầu tiên của tôi, kể về một nhóm thanh niên. Họ đặt rất nhiều tâm huyết của mình vào một vở nhạc kịch. Trong một mùa hè, cuộc sống của họ có chút bị biến đổi bởi vở nhạc kịch đó. Tôi làm phim vì tôi thích âm nhạc và tôi thích làm việc với những người trẻ tuổi. Bộ phim khá có ảnh hưởng và đạt hiệu quả cao, khiến tôi ngạc nhiên.
Vài nét về Rubby Yang
Sinh ra ở Hồng Kông, Yang đã thực hiện một loạt phim tài liệu khám phá chủ đề đặc trưng về Trung Quốc với tư cách là đạo diễn và biên tập viên. Cùng với nhà làm phim Thomas Lennon, Yang đã tổ chức một chiến dịch phòng chống AIDS trong nhiều năm với hơn 900 triệu người xem trên truyền hình Trung Quốc. Họ đã cùng nhau thực hiện bộ ba bộ phim tài liệu ngắn về Trung Quốc hiện đại, trong đó có The Blood of Yingzhou District, đoạt giải Oscar năm 2007; Tongzhi in Love, được lọt vào danh sách đề cử vào năm 2009; và The Warriors of Qiugang, được đề cử vào năm 2011.
Yang cũng đã sống và làm việc tại San Francisco trong nhiều năm và chuyển đến Bắc Kinh vào năm 2004. Cô được bổ nhiệm là Thành viên xuất sắc trong lĩnh vực Nhân văn tại Đại học Hồng Kông vào năm 2013. Phim tài liệu gần đây nhất của cô My Voice, My Life công chiếu ở 13 rạp ở Hồng Kông và Ma Cao và được tờ Wall Street Journal (ấn bản Trung Quốc) xếp vào danh sách “5 bộ phim đáng chú ý nhất của Hồng Kông năm 2014.”
Cảnh trong phim My Voice, My Life
Yang là thành viên của The Directors Guild of America and the Academy of Motion Picture Arts and Sciences (Hiệp hội Đạo diễn Mỹ và Viện Hàn Lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh). Cô hiện đang đứng đầu Tổ chức Sáng kiến Phim Tài liệu Hồng Kông tại Đại học Hồng Kông để hỗ trợ các nhà làm phim tài liệu mới nổi trong khu vực. Cô đã nhận các giải thưởng khác bao gồm giải Emmy, giải Báo chí DuPont-Columbia, Giải thưởng nhân đạo của FilmAid Asia, Giải thưởng truyền thông của Tổ chức sức khỏe toàn cầu…
Theo Thegioidienanh.vn