Rùa vàng, Hồ Gươm, Kong, Tạ Hồng Quân, Dương Trung Quốc
Sau Kong, ý tưởng đúc rùa vàng nặng 10 tấn làm biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội đã làm dậy sóng dư luận!
Đó là đề xuất của một công dân Hà Nội, cùng đứng tên là người rất quen thuộc với truyền thông: Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Chiều ngày 28.3, công dân Tạ Hồng Quân cho biết theo ý tưởng ông đề xuất, tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng.
Ông cũng đề xuất hai phương án đặt tượng rùa vàng là tại chỗ đang đặt đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay (ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng) hoặc đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và UBND TP.Hà Nội.
Dự kiến thời gian thực hiện tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm mất khoảng 2 năm. Kinh phí thực hiện sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước mà sẽ huy động bằng hình thức xã hội hoá.
Ông Tạ Hồng Quân cho biết, ông đã ấp ủ ý tưởng thực hiện tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm từ năm 2011 và đã bỏ công sức đi tham khảo xin ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu khoa học để hoàn thiện dần.
Lý do mà ông Quân muốn có “rùa vàng” giữa lòng Hà Nội là vì mong muốn Hà Nội có biểu tượng nhận diện, cũng như các nước khác.
“Hiện tại Việt Nam đang thiếu một biểu tượng nhận diện. Nếu bạn sang Singapore thì sẽ bắt gặp biểu tượng sư tử hoá rồng, đến Pháp sẽ thấy có biểu tượng tháp Eiffel, đến Mỹ sẽ thấy tượng nữ thần tự do… Vậy còn biểu tượng nhận diện của Việt Nam là gì?” – ông Quân nói.
Thật ra Hà Nội từ lâu đã ấp ủ ý tưởng làm một cái gì đó để trở thành biểu tượng nhận diện cho Hà Nội mà mới đây nhất là Kong, từ hiệu ứng của bộ phim Kong đảo đầu lâu với bối cảnh quay chủ yếu tại Việt Nam.
Video đang HOT
Hà Nội từng bác đề xuất xây mô hình Kong tại Hồ Gươm.
Nhưng ý tưởng này đã bị chết non vì sự phản ứng của người dân và từ chính quyền.
Trao đổi tại giao ban báo chí Thành ủy chiều ngày 14.3, ông Trương Minh Tiến – PGĐ Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết, khu vực hồ Gươm đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cần hết sức thận trọng xem xét khi tổ chức các hoạt động.
Rốt cuộc Kong, chỉ mang tính giải trí không xứng tầm với biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Thật vất vả cho Hà Nội khi muốn có biểu tượng nhận diện, ý tưởng về Con đường danh vọng rồi cũng bị xếp vào hộc tủ “nghiên cứu”, hay công trình đã thực hiện như đài hoa “rau muống” đã làm xong đưa vào sử dụng cũng phải nhanh chóng tháo gỡ vì bị chính dân Hà Nội phản ứng.
Đó là dịp trước dịp Tết Nguyên đán 2016, Hà Nội trang trí đường phố bằng những thiết kế hoa đèn rực rỡ. Tuy nhiên, kiểu trang trí của thủ đô bị chê tạo hình quê, đèn màu lòe loẹt, nhức mắt, không tạo thêm vẻ đẹp cho đường phố mà còn gây ô nhiễm màu sắc.
Đặc biệt, thiết kế đài hoa khung thép trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gặp nhiều ý kiến bức xúc vì tạo hình thô, màu sắc kém sang, khó xác định tên loài hoa. Nhiều người dân còn chế giễu rằng đây là đài hoa rau muống hay cây ăn thịt người trong truyện cổ tích.
Thái độ khó tính, kén chọn của công chúng thật ra là điều lành mạnh vì nó thể hiện sự quan tâm, yêu mến thật sự Hà Nội.
Phác thảo mô hình rùa vàng tại Hồ Gươm.
Trở lại ý tưởng đúc rùa vàng, tôi đọc hàng trăm ý kiến phản ứng trên mạng xã hội và từ bình luận bạn đọc của các báo thì thấy thật ra người dân lo ngại ở chỗ có lãng phí hay không chứ không phải là bác bỏ việc Hà Nội tìm kiếm biểu tượng.
Chính phát ngôn không thật chi tiết rùa vàng đúc bằng đồng nguyên chất và vàng đã làm dư luận lo ngại về tính tốn kém. Mà đâu nhất thiết phải bằng vàng (?)
Về việc này người trong cuộc nói gì?
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Ý tưởng này ông Tạ Hồng Quân có nói đến từ trước thời điểm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong bối cảnh đó, chúng tôi nói rằng đó là ý tưởng cũng hay, còn nó làm ở đâu, ý tưởng to nhỏ thế nào…thì chúng tôi không can thiệp vào và cần phải công khai ra để mọi người đóng góp ý kiến. Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Còn bây giờ khi xây dựng bất cứ một công trình nào trong khu vực hồ Gươm cũng phải thận trọng, nhất là những công trình mang tính biểu tượng tâm linh như tượng rùa vàng thì càng phải thận trọng hơn”.
Vâng, người dân không phản ứng việc Hà Nội tìm kiếm biểu tượng mà rất ủng hộ nữa là đằng khác. Tuy nhiên, công chúng yêu cầu nhà chức trách phải hết sức thận trọng, tránh lãng phí và phải có ý kiến đóng góp của người dân.
Theo Danviet
Sở Văn hóa Hà Nội: 'Tượng rùa vàng không phải biểu tượng Thủ đô'
Lãnh đạo Hà Nội cho biết chưa nhận được đề án dựng tượng rùa vàng 10 tấn bên Hồ Gươm do công dân Tạ Hồng Quân đề xuất.
Ngày 29/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho hay, ông chưa nhận được đề án đúc tượng rùa vàng bên Hồ Gươm của công dân Tạ Hồng Quân. "Nếu ông Quân có đề xuất này thì nên gửi đến Sở Văn hóa là cơ quan chuyên ngành sẽ nghiên cứu chi tiết về vấn đề này", ông Quý nói.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cũng cho biết, cơ quan này chưa nhận được đề án đúc tượng rùa vàng và chỉ đạo của thành phố về việc này, nên chưa có động thái xem xét. Nếu được thành phố giao xem xét, Sở Văn hóa sẽ lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và dư luận, sau đó trình Cục Di sản và Bộ Văn hóa thẩm định.
"Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, là di sản quý bàu của người dân Hà Nội và cả nước nên mọi công trình đưa vào đều phải rất cẩn thận", ông Tiến nói.
Về đề xuất rùa vàng là biểu tượng Hà Nội, ông Trương Minh Tiến thông tin, Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các và biểu tượng này được Quốc hội quy định trong Luật Thủ đô.
Phối cảnh tượng rùa vàng được đặt bên Hồ Gươm, gần ngã ba Tràng Tiền - Hàng Khay.
Đề xuất đặt tượng rùa vàng bên Hồ Gươm đã nhận được ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia văn hóa. Theo GS Trần Lâm Biền, hiện đã có con rùa Hồ Gươm thật được ướp trong tủ kính tại đền Ngọc Sơn, nên không cần thiết phải đúc tượng một con rùa đá hay rùa vàng để trưng bày thêm.
"Rùa đá thường đội bia ở các đền chùa, chưa có con rùa nào được đề cao làm hình tượng tâm linh của người Việt", ông Biền nói.
GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá quốc gia cho biết, ông không ủng hộ ý tưởng đúc tượng rùa vàng tại Hồ Gươm. Theo ông, khu vực hồ Gươm không nên đưa thêm bất cứ công trình nào vì không gian này đã hài hòa, cần để Hồ Gươm có cảnh quan tự nhiên hơn là công trình nhân tạo.
Là người sồng gần Hồ Gươm, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, ý tưởng lịch sử với rùa Hồ Gươm là rất hay song không nên đúc một con rùa to đặt bên Hồ Gươm, vì sẽ làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên của hồ cũng như phá vỡ quy hoạch đền vua Lê hiện nay.
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, hình ảnh rùa như đề xuất của ông Tạ Hồng Quân không đẹp và rất lớn. Thay vì đặt tượng rùa vàng to như vậy, có thể đặt một con rùa đá nhỏ như một tác phầm điêu khắc bên Hồ để không ảnh hưởng cảnh quan.
Trước đó ngày 28/3, ông Tạ Hồng Quân, một công dân Hà Nội cho biết đã trình UBND TP Hà Nội đề án đúc tượng rùa vàng đặt bên Hồ Gươm. Tượng rùa vàng sẽ được đúc bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và nặng khoảng 6-10 tấn đồng.
Đoàn Loan
Theo VNE
Hà Nội: Tác giả lên tiếng về ý tưởng đúc rùa vàng nặng 10 tấn ở Hồ Gươm Ông Tạ Hồng Quân cho biết, lý do đề xuất ý tưởng đúc "Biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm" từ mong muốn "Thần Kim Quy" trở thành một giá trị văn hóa, tinh thần hàng nghìn năm sau... Công dân Tạ Hồng Quân vừa gửi UBND TP Hà Nội - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các đơn vị liên quan...