Rùa Hồ Gươm trốn thoát vì lưới là hàng “phế phẩm”
Một thành viên hội đồng cứu rùa hồ Gươm cho biết, lưới để bắt rùa là hàng phế phẩm, không đảm bảo chất lượng. Hà Nội đã giao cho đơn vị khác làm lưới để sử dụng bắt cụ Rùa lên cứu chữa thời gian tới.
Sau cuộc vây lưới bắt rùa không thành công, chiều 8/3, giới chức và các nhà khoa học có cuộc họp rút kinh nghiệm, đưa ra phương án đưa cụ lên chữa thương.
“Tại cuộc họp, bên làm lưới đã nhận khuyết điểm rằng họ đã mua lưới ở chợ, là hàng phế phẩm, chứ không phải lưới thành phẩm chất liệu tốt”, ông Nguyễn Ngọc Khôi, thành viên Hội đồng chữa trị cụ Rùa, đội trưởng đội lai dắt rùa hồ Gươm, cho biết. “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận đây là lần đầu nên chưa có kinh nghiệm đánh giá lưới thế nào”.
Tấm lưới bị rách là do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục thủy sản Hà Nội đặt làm tại Hải Phòng, địa phương có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội giao cho Tập đoàn Thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang (KAT), công ty có kinh nghiệm trong chăm sóc loài rùa, đứng ra làm lưới thay cho lưới đã rách.
Ông Khôi tiết lộ: “Tấm lưới mới lớn gấp 5 lần lưới cũ, dự kiến trong 3 ngày KAT sẽ hoàn thành, việc làm lưới bắt đầu ngay trong ngày 9/3″.
Video đang HOT
Tấm lưới bị rách không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà.
Giải thích về việc 36 dân quân tự vệ, lực lượng không có chuyên môn trong đánh bắt, đã xuống hồ để kéo cụ Rùa lên, ông Khôi cho hay trong kế hoạch, thành phố để 20 người của công ty KAT lai dẫn rùa hồ Gươm. Sau đó nhiều người cho rằng do bùn dầy, lưới nặng, cần huy động thêm người”, ông Khôi cho biết thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, thì cho rằng, nếu bắt lần một không thành, thì khó nghĩ đến lần hai. Ông Khôi đồng tình là bắt lần sau sẽ rất khó, nhưng vẫn khẳng định: “Chúng tôi sẽ bắt được”.
Thời gian thực hiện bắt rùa hồ Gươm sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau, ông Khôi cho biết.
Cuộc giải cứu cụ Rùa thu hút hàng nghìn người dân đến xem. Anh Nguyễn Văn Biên, nhân viên đội cứu hộ rùa chia sẻ: “Tất cả vì cụ Rùa, chúng tôi muốn cứu cụ Rùa khỏi vết thương trên mình. Với người dân thủ đô, cụ Rùa hồ Gươm rất quan trọng trong đời sống tâm linh”.
Sau cuộc vây bắt không thành này, nhiều người dân cho rằng nên tính phương án khác hữu hiệu hơn. Ông Trần Văn Thành, ở Hàng Bông nêu ý kiến, nên để cụ Rùa tự trèo lên tháp theo tập tính sinh hoạt. “Tôi thấy lực lượng kéo lưới quá mỏng, lại kéo bằng tay, không có áo chuyên dụng, thì làm sao bắt thành công được”, ông Thành tỏ vẻ không hài lòng.
Theo VnExpress
Đề xuất dùng lưới bắt cá ngừ để "vây bắt" cụ Rùa
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, GĐ Tập đoàn Thương mại KAT, Đội trưởng đội lai dắt rùa Hồ Gươm đưa ra phương án, dùng lưới đánh bắt cá ngừ để lai dắt cụ Rùa về nơi chữa trị. Lưới này sẽ được thiết kế tốt nhất có thể để không bị cụ Rùa "đục" thủng.
Sáng nay 9/3, nhóm chuyên gia "lai dắt" cụ Rùa về nơi chữa trị đã họp và đưa ra giải pháp thay thế tấm lưới bị rách do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục thủy sản Hà Nội đặt làm tại Hải Phòng. Phương pháp được ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Tập đoàn Thương mại KAT (đơn vị được Phó Chủ tịch UBND thành Phố Nguyễn Văn Khôi giao thiết kế lưới dẫn dắt cụ Rùa lần hai) đưa ra trong cuộc họp là phải thiết kế lưới hoàn toàn mới, thời gian làm lưới kéo dài khoảng 7 ngày. Kinh phí làm dưới sẽ do Tập đoàn KAT ủng hộ thành phố.
Tấm lưới dắt cụ Rùa ngày 8/3 đã bị chọc thủng
Tấm lưới dùng để "lai dắt" cụ Rùa lần này sẽ do Tập đoàn KAT tự thiết kế. Theo ông Khôi, đó sẽ là loại lưới chuyên dùng đánh bắt cá ngừ đại dương. "Lưới mới sẽ được thiết kế tốt nhất có thể để đảm bảo cụ Rùa không thể "đục" thủng trong bất kỳ tình huống nào" - ông Khôi nói.
Cũng theo ông Khôi, tấm lưới dùng để dẫn dắt cụ Rùa lần này sẽ có túi dài 20m, chiều rộng miệng túi là 3m và chiều cao 4m. Ngoài ra, túi lưới sẽ có 2 lớp (đảm bảo không bị cụ Rùa "đục" thủng), lớp ngoài thưa, còn lớp trong được đan mau hơn chiều dài của lưới sẽ do thành phố quyết định. "Đáy túi sẽ để hở (khi "lai dắt" sẽ buộc lại) cần thiết sẽ để cụ Rùa bò ra cả hai đầu của túi", ông Khôi cho biết.
Đề cập đến quá trình vây bắt cụ Rùa lần 2, ông Khôi cho biết khi phát hiện phải khép nhanh hai đầu lưới lại với nhau để cụ Rùa bơi vào trong túi. Trong quá trình kéo phải đảm bảo cho tấm lưới tạo thành vòng cung. "Khi cụ Rùa đã nằm gọn trong túi thì di chuyển về hướng nào cũng được. Nhưng phải để dưới nước, còn nếu mang lên trên cạn cụ sẽ phá lưới ra ngay lập tức", ông Khôi nói.
Để đảm bảo sao cho cụ Rùa không thoát ra ngoài như ngày 8/3, các chuyên gia cho biết khi cụ Rùa đã vào trong tấm lưới có thể dùng thêm lưới thép B40 để quây ở vòng ngoài, chân lưới này sẽ ghìm sâu xuống dưới đất. "Nếu rùa thoát ra vòng lưới vây bắt, thì cũng không thể thoát ra khỏi tấm lưới B40", ông Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên Hội đồng chữa trị Rùa hồ Gươm cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Để, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho rằng, việc thiết kế lưới phải bảo đảm tiết kiệm. Phương án được ông Để đưa ra là tận dụng một tấm lưới khác Chi cục đang có sẵn nhưng chưa đưa vào sử dụng. Chính vì vậy phương án làm lưới mới phải gửi trình thành phố quyết định.
Nhân viên công ty thoát nước phấn khích khi "tóm" vào cụ Rùa - một trong những nguyên nhân khiến cụ Rùa kinh động. (ảnh: VNN)
Đề cập đến nguyên nhân thất bại trong việc vây bắt cụ Rùa ngày 8/3, các chuyên gia đều cho rằng do thao tác kỹ thuật vây bắt không đảm bảo nên cụ Rùa mới thoát ra ngoài và lưới không đảm bảo chất lượng. "Nhiều lần cụ Rùa bị nhân viên Công ty thoát nước đè lên, làm cho cụ bị kinh động từ đó mới dẫn đến việc thoát ra ngoài", ông Nguyễn Viết Để nói.
"Vấn đề là ở ngư cụ. Nếu để lưới trên mặt đất thì sợ cụ Rùa thoát ra ngoài. Do vậy, phương án để chì ghìm xuống lớp bùn thì không kéo được lên. Vì vậy, nhiều người bị lúng túng, bí vì không còn gì trong tay nữa để vây bắt", ông Để nói.
Ông Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên Hội đồng chữa trị Rùa hồ Gươm cho rằng, cụ Rùa có thể "đục" thủng lưới thoát ra ngoài dễ dàng như vậy là do lưới quá mỏng, chất lượng lưới không đảm bảo.
Cũng trong cuộc họp khẩn cấp rút kinh nghiệm về quá trình vây bắt cụ Rùa nhưng thất bại vào chiều ngày 8/3, đại diện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (đơn vị mua lưới) cho biết, do việc dẫn dắt cụ Rùa về nơi chữa trị quá gấp nên đơn vị này đã ra chợ Sắt (Hải Phòng) mua lưới về Hà Nội để dẫn dắt cụ Rùa. Loại lưới này không có chất lượng lưới như trong bản thiết kế của Sở Nông nghiệp đưa ra ngày 5/3.
Theo Dân Trí
Ngày mai phải dẫn được cụ Rùa về nơi chữa trị Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN & PTNT) trong ngày mai, 4/3, phải bố trí 3 ca tổ chức bắt và dẫn bằng được cụ Rùa về nơi chữa trị. Việc dẫn cụ rùa về nơi chữa trị phải đảm bảo an toàn Việc thi công, lắp đặt bể...