Rốt ráo xử lý nợ thuế không có khả năng thu hồi
Xác định việc xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội là một nhiệm vụ trọng tâm trong 3 năm tới (khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành), ngành Thuế cả nước đã nhanh chóng “ra quân” triển khai các bước cần thiết để có thể nhanh chóng bắt tay vào xử lý những khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Tổng cục Thuế đảm bảo việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, tránh trục lợi, thất thoát cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Thùy Linh
Nợ thuế diễn biến phức tạp
Thống kê của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan Thuế cả nước đã đôn đốc thu hồi nợ được 15.222 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 44,6% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế, tình hình thu hồi nợ thuế năm 2020 bị chậm hơn so với năm 2019 bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và việc thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như tạm ngừng hoạt động, từ đó chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài ra, theo nhận định của Tổng cục Thuế, hiện công tác quản lý và xử lý số nợ khó thu vẫn còn nhiều khó khăn. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 6/2020, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 46.120 tỷ đồng. Số nợ này chiếm tỷ trọng 44,9% tổng tiền thuế nợ, tăng 4,7% so với thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Với nhóm đối tượng nợ khó thu này, cơ quan Thuế phải phối hợp với chính quyền địa phương, phối hợp với các sở, ban, ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định, đồng thời vẫn quản lý theo dõi số tiền nợ thuế và tính tiền chậm nộp. Do vậy, số nợ này đang cản trở mục tiêu giảm nợ của cơ quan Thuế do các khoản nợ không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng để thu hoặc đối tượng thu không còn tài sản, không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Các địa phương nhanh chóng hành động
Video đang HOT
Kể từ ngày 1/7/2020, Nghị quyết 94/2019/QH14 về việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành. Mới đây, Thông tư 69/2020/TT-BTC về hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội cũng ra đời với việc quy định chi tiết, cụ thể các bước để khoanh và xóa nợ thuế.
Thông tin từ các địa phương cho thấy, không chờ đến khi Nghị quyết 94 có hiệu lực, ngay từ những tháng đầu năm, các cục thuế trên cả nước đã “bắt tay” vào công tác xử lý nợ thuế theo tinh thần của Quốc hội đã đề ra. Đơn cử như tại Cục Thuế Hà Nội, thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2019, số nợ không có khả năng thu tại đơn vị này tăng 225% lên mức 6.052 tỷ đồng và chiếm hơn 1/3 tổng số nợ tại đây. Chính vì vậy, để đảm bảo chủ động triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, chính xác, đúng đối tượng ngay khi Nghị quyết 94 có hiệu lực, trong tháng 4/2020, Cục Thuế Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 do Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đơn vị này cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành và các UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Hiện Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, đã tập trung rà soát dữ liệu, lập danh sách người nộp thuế thuộc diện khoanh nợ, xóa nợ, xác định số tiền nợ thuế thuộc diện xóa nợ, khoanh nợ đồng thời xây dựng quy trình các bước thực hiện theo quy định của Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Còn tại Cục Thuế Bắc Ninh, thống kê cho thấy tại đơn vị này vẫn còn hơn 200 tỷ đồng tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi. Để có thể triển khai các nội dung Nghị quyết 94, từ tháng 6/2020, cơ quan Thuế đã rà soát hệ thống, xác định đúng số thuế còn nợ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Từ đó phân loại số nợ, nợ cũ tồn đọng hay nợ mới phát sinh, các nguyên nhân phát sinh nợ… và đề ra phương án khoanh nợ, hay xóa nợ cho từng đối tượng.
Một địa phương khác cũng rất nhanh nhạy trong công tác xử lý nợ thuế đó chính là Phú Thọ. Ngay từ cuối tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành văn bản về việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94. Theo đó, Cục Thuế Phú Thọ đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ; thực hiện rà soát, phân loại và hoàn thiện hồ sơ, điều kiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020. Đồng thời lập danh sách người nộp thuế thuộc đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, điều kiện để đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp phối hợp xác nhận và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ làm căn cứ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính trong toàn ngành Thuế, từ đó đảm bảo việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, tránh trục lợi, thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, đến thời điểm này, qua rà soát sơ bộ cho thấy số lượng người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là 843.000 trường hợp, số nợ thuế khoanh là 22.000 tỷ đồng, số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp xóa là 16.000 tỷ đồng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện xử lý nợ thuế. Đồng thời hướng dẫn các cục thuế thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ tại địa phương và phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên triển khai lập hồ sơ, xác minh tình trạng của người nộp thuế để xử lý nợ thuế.
Bùng nổ thanh lý ô tô trả góp mùa COVID-19
Ô tô xiết nợ được các ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu.
Cách đây hơn một năm, nhiều người có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xế hộp để đi lại, kinh doanh dịch vụ khi ngân hàng cho vay tới 80%-90% giá trị chiếc xe cùng lãi suất ưu đãi. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người bán tháo xe vì không trả nổi nợ hoặc bị ngân hàng ồ ạt thanh lý để thu hồi nợ.
Đủ kiểu ô tô thanh lý
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng thông báo thanh lý nhiều loại ô tô với giá rẻ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Trong đó nhiều nhất là xe chạy dịch vụ, xe khách, xe tải, xe con... Lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh doanh khó khăn, người vay không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng vay mua xe nên bị thu hồi bán thanh lý.
Đơn cử, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa mới đây thông báo thanh lý 10 chiếc ô tô con năm chỗ hiệu Kia màu bạc, sản xuất năm 2008-2011. Theo nội dung rao bán, những mẫu xe này giá chỉ 60-70 triệu đồng mỗi chiếc. Tương tự, TPBank cũng thông báo bán đấu giá năm ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ tại ngân hàng này. Các mẫu xe được rao bán đợt này có giá khởi điểm từ 207 triệu đến 502 triệu đồng, tùy thương hiệu, năm sản xuất và dòng xe.
Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là chiếc xe hạng sang Mercedes-Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng, hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng. Techcombank thông báo tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ô tô gồm nhiều thương hiệu, dòng xe...
Theo các ngân hàng, phần lớn xe thanh lý là của khách hàng vay mua xe trả góp đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ nên thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ. Trả lời báo chí, đại diện một số ngân hàng giải thích ô tô là nhóm tài sản có thanh khoản khá tốt và thường được xử lý dễ dàng khi đã thu giữ. Song tâm lý của người mua tài sản đảm bảo xe hơi thường lo ngại về các giấy tờ đi kèm vì liên quan nợ xấu, nên nếu đưa ra giá tương đương thị trường sẽ khó cạnh tranh. Vì vậy, một số ngân hàng phải hạ giá ô tô thanh lý.
Ngoài xe do các ngân hàng thanh lý, trước đây nhiều người đua nhau mua xe trả góp kiểu phong trào để vừa phục vụ gia đình đi lại, vừa kinh doanh nhưng hiện nay thu nhập giảm, kinh doanh cũng bết bát nên không trả nợ ngân hàng đúng hạn, bị ngân hàng thu nợ. Anh NQĐ, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ: "Tôi mua ô tô trả góp, mỗi tháng phải trả gốc và lãi lên tới 15 triệu đồng. Tiền chi phí cho chiếc xe mỗi tháng cũng tốn 5-6 triệu đồng nữa, chưa kể mấy lần sửa chữa này nọ. Từ đầu năm đến nay, kinh doanh khó khăn, thu nhập vợ chồng giảm, tôi chạy dịch vụ nhưng ít khách, không đủ sức gánh nợ nữa...".
Khách hàng mua xe thanh lý cần nhờ người có chuyên môn kiểm tra kỹ chất lượng, khảo sát so sánh với giá thị trường. Ảnh: QUANG HUY
Giá rẻ nhưng hãy cẩn thận
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, ô tô thanh lý có rất nhiều dạng khác nhau và khá đa dạng: Xe có thể đã bị đâm, đụng nặng hoặc rất đẹp, chạy rất ít kilômet. Vì vậy, phía ngân hàng thông thường nhờ một đơn vị thứ ba thực hiện định giá rồi mới đưa ra mức giá cụ thể. Giá xe thanh lý có khi rẻ hơn giá xe cũ cùng dòng, phân khúc... trên thị trường để thanh lý thu hồi nợ nhanh.
Vị chuyên gia ô tô này cũng cho rằng người mua xe thanh lý có thể tiết kiệm được khoản tiền lớn so với mua xe mới nhưng xe rẻ chưa chắc đã "ngon", do vậy cần kiểm tra kỹ nếu không tưởng mua được xe rẻ mà hóa đắt. "Nếu mua phải xe quá cũ, hỏng hóc liên tục ... thì chi phí sửa chữa rất nhiều. Tốt nhất là người mua nên nhờ những người có chuyên môn kiểm tra ô tô xem có bị ngâm nước, thủy kích, bị lỗi gì không... trước khi xuống tiền" - ông Đồng khuyến nghị.
Chủ một đại lý ô tô cũng nhìn nhận ô tô thanh lý thường rẻ hơn thị trường khoảng 10%-15%. Tuy vậy, trong một số trường hợp giá ô tô thanh lý không rẻ hơn so với giá ngoài thị trường. Lý do là các đại lý ô tô cũ sau khi mua xe thanh lý còn phải chịu phí sang tên, bị truy thu phí bảo trì đường bộ, phí sửa chữa...Các chi phí này khiến giá xe thanh lý bị đội lên.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho biết trường hợp xét thấy khách hàng không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn..., ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ. Ô tô thanh lý thường được các đại lý chuyên kinh doanh xe cũ thu mua vì họ rành về chất lượng xe và nắm rõ về các thủ tục. Trong khi các cá nhân lại e ngại về thủ tục và không rành kiểm tra chất lượng xe nên ngại mua ô tô thanh lý.
"Thực tế cho thấy ô tô xiết nợ được ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu. Song khi muốn mua xe thanh lý, khách hàng phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, kiểm tra, so sánh giá xe trên thị trường. Còn thủ tục thì rất đơn giản, khách hàng ký hợp đồng mua xe rồi làm thủ tục sang tên" - ông Hiếu nói.
Cẩn thận với xe mới bên ngoài, hỏng bên trong
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng mua xe cũ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thậm chí có thể mua được chiếc xe chất lượng như mới, đầy đủ phụ kiện với giá hời. Nhưng để mua được xe cũ với giá hợp lý, trước hết khách hàng phải chọn các đại lý kinh doanh ô tô cũ uy tín hoặc chọn mua xe chính hãng đã qua sử dụng còn bảo hành theo tiêu chuẩn của hãng trong thời hạn một năm hoặc 20.000 km cho động cơ và hộp số.
"Người mua nên ưu tiên chọn lựa kỹ lịch sử xe, điểm kỹ thuật, sử dụng không quá 4-5 năm hoặc chạy trên 50.000 km" - ông Đồng khuyến nghị.
Đồng quan điểm, đại diện một số đại lý ô tô cho rằng xe thanh lý thường được các đại lý mua bán xe cũ gom về, tân trang lại rồi bán ra thị trường. Mặt khác, không ít xe dạng thế chấp ngân hàng là xe dịch vụ, xe cho thuê, xe chạy đường dài... chạy liên tục nên đã xuống cấp nhưng được đại tu lại. Những xe này nhìn bên ngoài đẹp nhưng máy móc bên trong đã rệu rã. Do vậy, khách hàng cần hết sức cẩn trọng.
Té nước theo... dịch 6 tháng đầu năm, có đến gần 80.000 doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, qua rà soát của ngành thuế, không ít doanh nghiệp dù không bị ảnh hưởng nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ, nợ thuế. Tổng cục Thuế đề nghị phải vừa tìm cách tháo gỡ, tuyên truyền, vừa "rắn...