Rong chơi với thanh xuân
Ngắm những bức ảnh phong cảnh và các món ngon bạn vừa chia sẻ qua inbox, bất giác tôi mỉm cười. Ừ thì, sẽ lập lại thời khóa biểu của thanh xuân, cứ rong chơi đi, biết bao điều thú vị đang chờ…
Đã nhiều năm nay, tiếng dép lẹp kẹp, tiếng xe nổ rền một lúc mới dời đi mỗi sáng đã mặc định trong tôi thời khắc 6g30 phút. Người phụ nữ đơn thân ở cùng dãy trọ đưa các con đi học. Tiếng càm ràm, hối thúc của chị nghe thân thuộc như là “đặc sản”: “Nhanh nào, muộn rồi đấy con”; “cột dây giày vào”, “gài mũ bảo hiểm chưa?”… Chị không kiêu hãnh bước ra khỏi cuộc hôn nhân với tiềm lực tài chính tốt, mà đi vì quá ngột ngạt và bất lực.
Có những ngày phải đi đám xá, giỗ chạp hay công tác ngoại tỉnh, chị nhờ hàng xóm đưa rước con. Con gái chị học lớp Tám, được tôi đón về từ lớp học năng khiếu, nằm vật xuống giường, uể oải: “Cháu không đi học thêm toán nữa đâu. Sáng giờ phải học ba ca rồi, cháu mệt quá”. Tôi gọi cho chị, nghe chị cố nén tiếng thở dài: “Chị kỳ vọng vào con quá nhiều, nhưng chị… không có nhiều lựa chọn”.
Ảnh minh họa
Thời của chị, không phải nhà nào cũng có điều kiện cho tất cả các con đi học. Trường học gần cũng vài ba cây số, đám trẻ chân trần đi bộ, che nắng mưa bằng lá chuối. Lên cấp III, có chiếc xe Phượng Hoàng tới trường là cả một gia tài. Ngày học lớp Hai, chị đã cắp rổ đi chợ, biết chọn lựa, trả giá, nấu cơm… Một buổi đi học, một buổi đi bãi nhặt rau, cắt cỏ, chăn trâu… cơm độn khoai, ăn với muối, canh mẻ lá lốt… Ngày ấy cực, nhưng đi học không áp lực, không đua thành tích như bọn trẻ bây giờ mà được chơi thỏa thuê, tắm sông, lăn lộn trận giả… Nay cuộc sống đã khác, càng đọc, càng hiểu nhiều, chị càng lo sợ. Chị không dám để con tự đạp xe đi học, vì sợ tai nạn, sợ con bị lừa gạt. Chị không cho con xem ti vi, YouTube, vì sợ văn hóa phẩm độc hại, sợ con học đòi…
Đồng lương viên chức ít ỏi, chị cố tích lũy, chịu vất vả, mong dành hết những gì tốt đẹp cho con, khiến xuân sắc hao mòn. Lúc nào cũng thấy chị nhăn nhó, to tiếng. Con gái chị chúa lười chuyện nhà cửa. 14 tuổi mà chưa biết nấu cơm, không biết giặt đồ. Cậu con trai nghịch ngợm, khiến cô giáo gọi điện phàn nàn đủ thứ. Vòng quay cuộc sống của chị, ngày qua ngày, là những phiền lo nối dài…
Video đang HOT
Mấy ngày trước, anh bạn tôi, làm việc trong một đoàn nghệ thuật, đã đưa đơn nghỉ việc, sau nhiều năm công tác, rồi tưng bừng khai trương shop bán nhạc cụ. Cả cơ quan xôn xao, ai cũng bảo anh dại dột. Biên chế nhà nước rồi, công việc có hơi vất vả, nhưng đều, thu nhập cũng khá. Bây giờ ra ngoài kinh doanh đâu dễ. Anh hát hay, chơi được nhiều loại nhạc cụ, vậy mà được phân vào khâu lắp đặt âm thanh, ánh sáng.
Đi sớm về trễ, một năm phục vụ gần 200 đêm diễn, nên gần 35 tuổi mà chuyện yêu đương, vợ con tính mãi chẳng xong. Không phải anh nghỉ việc vì sợ khó, sợ khổ, mà sợ không được là mình, không được làm điều mình muốn. Anh bảo, bấy lâu đã sống và lo nghĩ về những điều người khác nghĩ về mình nhiều quá, cứ nhàn nhạt trong một môi trường đồng hóa lẫn nhau.
Ảnh minh họa
Những ngày cuối tuần ngắn ngủi luôn là thời gian cô bạn cùng cơ quan tôi chọn để xê dịch. Mới hôm qua, bạn chạy xe gần 300 cây số, chỉ để đêm ngủ nhà sàn homestay, ăn rau rừng và cá suối; trong tiết gió rét lẫn mưa bụi, ngồi thuyền thong dong ngắm cảnh sơn thủy. Len vào bản, ngồi bên bếp lửa, nhấp ngụm trà thảo mộc, vừa sưởi vừa thưởng thức cá tươi chín thơm trên than đỏ, mãi chẳng muốn dời đi. Bạn dí dỏm bảo, đi là tốn kém vật chất, mệt mỏi thể xác; nhưng nếu không đi, sẽ thấy lòng mình khô cỗi – vẫn hít thở, vẫn quay cuồng làm việc, vẫn cười vui đấy nhưng thấy đời nhạt nhẽo.
Những ai nghĩ đi du lịch một mình nhàm chán hẳn là người chưa bao giờ dám đi đâu một mình. Này nhé, tìm và đặt vé tàu bay, một tuyến xe, hành trình một mình sẽ có chút sợ hãi, chút cô đơn, chút hào hứng, liều lĩnh… Chúng mang đến cảm xúc rất đặc biệt. Nghĩ ít và đơn giản thôi, rong chơi với thanh xuân của mình đi, lòng sẽ rộng rãi ra nhiều.
Tôi chợt nhớ chuyến công tác của mình cách đây ít ngày, rồi nhiều chuyến công tác kết hợp du lịch như thế, trong nhiều năm qua. Cứ vừa đi vừa tranh thủ hoàn thành công việc. Đi mà chẳng cảm nhận được hành trình ấy thiên nhiên đẹp ra sao, món ăn ngon thế nào… Đi mà mỏi mệt, chỉ muốn về nhà. Đang quay cuồng với cơm, áo, tưởng như chỉ cần dừng lại một chút là sẽ bị bỏ lại phía sau mà sợ. Từ bao giờ ta đã lập trình mình xoay vần như một cái máy? Ừ thì, cũng có lúc trong nhịp sống hối hả, ta đã ngừng lại, ngoái nhìn dấu chân mình. Nhiều lúc thấy bất ổn, nhưng không dễ dàng buông và thay đổi. Không dám sống chậm lại hay dưỡng nuôi ý muốn của mình.
Đã thấy xung quanh ngày càng nhiều người như chị, như tôi – ngập ngừng và sợ hãi không dám bước khỏi guồng quay quen thuộc, không dám bình thản nhìn người ta hối hả. Ngắm những bức ảnh phong cảnh và các món ngon bạn vừa chia sẻ qua inbox, bất giác tôi mỉm cười. Ừ thì, sẽ lập lại thời khóa biểu của thanh xuân, cứ rong chơi đi, biết bao điều thú vị đang chờ…
Mai Đình
Thoe phunuonline.com.vn
Bày tỏ bức xúc, 500 học sinh cùng trường đồng loạt nghỉ học
Trong cùng một ngày (25.3), gần như tất cả học sinh (trên 500 em) của Trường THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) đã đồng loạt tự ý nghỉ học. Nguyên nhân ban đầu được các em đưa ra là do bức xúc phải chuyển sang cơ sở học mới.
Vào cả 2 ca học sáng và chiều nay (25.3), nhiều phụ huynh học sinh của Trường THPT Tiên Yên thấy con mình sách cặp trở về, không theo giờ học ở lớp như thời khóa biểu. Nhiều học sinh tỏ ra chán nản, lo lắng khi kỳ thi học kỳ và tốt nghiệp sắp tới gần.
Thông tin với Dân Việt, một học sinh lớp 10A1 Trường THPT Tiên Yên, cho biết: "Hôm nay, lớp em chỉ còn 10 bạn ở lại lớp học (sĩ số 37). Lý do chúng em bức xúc là vì mất rất nhiều công sức để thi được vào một trường công lập, nhưng bây giờ bỗng dưng chúng em bị bắt gộp làm một với trường dân lập là Trường THPT Nguyễn Trãi. Trong khi ở trường cũ, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, học tập đều tốt hơn trường mới, rồi còn vấn đề mâu thuẫn, xô xát đã từng xảy ra giữa học sinh 2 trường... Thực sự chúng em thấy rất chán nản!".
Cô giáo bộ môn Ngữ văn của Trường THPT Tiên Yên lên lớp, nhưng tất cả học sinh vắng mặt.
Một học sinh khối 12 cho biết thêm: "Bọn em học ca chính vào buổi sáng, bên Trường THPT Nguyễn Trãi lại học ca chính vào buổi chiều. Bọn em đang học thì bên đó lại ra chơi và ngược lại. Chỉ còn ít thời gian nữa chúng em bước vào thi tốt nghiệp, sự thay đổi như thế này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của chúng em".
Trước đó, vào đầu tháng 2.2018, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh của Trường THPT Tiên Yên đã tỏ ra bức xúc, hoang mang khi biết thông tin UBND huyện Tiên Yên đang nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình của Trường THPT Tiên Yên - một trường công lập sang mô hình dân lập, do doanh nghiệp quản lý.
Trường THPT Tiên Yên có bề dày lịch sử hơn 50 năm.
Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng, Trường THPT Nguyễn Trãi đã tồn tại ở huyện Tiên Yên 13 năm. Chất lượng dạy học ở ngôi trường này kém, học sinh nghịch ngợm, hay đánh nhau. Trong khi đó, Trường THPT Tiên Yên có bề dày lịch sử hơn 50 năm với nhiều thành tích học tập. Các thầy, cô giảng dạy tốt, học sinh chăm ngoan. Nếu chuyển đổi như vậy, phụ huynh học sinh lo lắng con em mình sẽ chán nản bỏ học.
Nhằm tìm hiểu rõ sự việc, PV Dân Việt đã liên hệ với ông Trương Công Ngàn - Chủ tịch UBND huyện Tiên. Ông Ngàn cho hay: "Việc chuyển trường nhằm đảm bảo cho cả 2 trường chất lượng dạy và học được tốt hơn. Còn về bản chất, nhà trường không có gì thay đổi. Vẫn là trường công, vẫn giáo viên công, vẫn là học sinh đó, chỉ là chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác để đảm bảo cho chuẩn quốc gia. Có thể một nhóm nào đó vì lợi ích riêng hoặc có thể có những người không theo xu hướng tiến bộ nên đã có những phản ứng trái chiều. Ngày mai, huyện Tiên Yên cùng Sở Giáo dục sẽ có một cuộc họp với các phụ huynh, học sinh về vấn đề này".
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Theo Danviet
Thợ dạy, anh là ai? Có những giáo viên sử dụng giáo án "nhuần nhuyễn" nhiều năm, vẫn cuốn giáo án ấy đều đều lên lớp từ năm này qua năm khác. LTS: Chia sẻ những suy nghĩ về nghề dạy học, thầy giáo Hồng Lam Sơn vẽ ra chân dung những "thợ dạy" khiến công cuộc đổi mới giáo dục thêm khó khăn. Toà soạn trân trọng...