Ronaldo có phải số 7 vĩ đại nhất lịch sử MU?
Cristiano Ronaldo sưu tập đầy đủ danh hiệu cá nhân và tập thể khi còn khoác áo Man United, với điểm nhấn là Quả bóng Vàng thế giới năm 2008.
George Best cùng Sir Bobby Charlton và Denis Law được dựng tượng trước sân Old Trafford, chừng đó để thấy tầm ảnh hưởng của ông đối với lịch sử CLB Man United quan trọng ra sao. Best thời đỉnh cao phong độ được ví như chiếc “F1″ trên sân. Không chỉ nhanh, phẩm chất kỹ thuật của Best khiến đối thủ ngao ngán khi theo kèm.
Best cùng MU vô địch Football League First Division (tiền thân của Premier League) vào các mùa giải 1964/65 và 1966/67. Ở mùa giải 1967/68, Best thể hiện phong độ xuất thần với 32 bàn thắng ghi trên mọi đấu trường. Ông giúp MU vô địch European Cup (tiền thân của Champions League), sau đó được vinh danh ở giải thưởng Quả bóng Vàng 1968.
Bryan Robson có 7 mùa giải thi đấu ấn tượng trong màu áo West Bromwich Albion, trước khi gia nhập MU vào hè 1981. “Quỷ đỏ” đã chi 1,5 triệu bảng, mức giá kỷ lục thời đó để sở hữu cầu thủ “không biết sợ ai”, theo đánh giá của Sir Alex Ferguson. Robson ngay lập tức để lại dấu ấn ở MU và trở thành biểu tượng của sân Old Trafford sau 13 mùa giải cống hiến.
Robson cùng MU vô địch Premier League vào các mùa giải 1992/93 và 1993/94. Trước đó, ông cùng MU vô địch UEFA Cup Winners’ Cup 1991. Robson chia tay MU vào hè 1994, sau đó gia nhập Middlesbrough trong vai trò cầu thủ kiêm trợ lý HLV.
Video đang HOT
Hè 1992, Eric Cantona rời Leeds United gia nhập MU với giá 1,2 triệu bảng. Tiền đạo người Pháp ngay lập tức được trao áo số 7, trong khi Robson phải đổi sang áo số 12. Sự xuất hiện của Cantona là bước ngoặt quan trọng để MU lấy lại vị thế “ông vua” của Premier League. Cantona giúp MU giải quyết bài toán ghi bàn, đồng thời truyền cảm hứng cho đồng đội bởi sự ngông cuồng của ông.
“King Eric” là biệt danh CĐV MU trao cho Cantona nhằm ghi nhận đóng góp to lớn của ông cho sân Old Trafford. Huyền thoại người Pháp dẫn dắt MU giành ngôi vương Premier League ở các mùa giải 1992/93, 1993/94, 1995/96 và 1996/97. Hình ảnh Cantone bẻ ngược cổ áo mỗi khi ra sân đã là một phần trong lịch sử của Man United. Cantona từng về thứ 3 trong cuộc bình chọn Quả bóng Vàng 1993.
Năm 1991, David Beckham gia nhập lò đào tạo trẻ MU. Becks sát cánh cùng Ryan Giggs, Paul Scholes, anh em nhà Neville và Nicky Butt dưới sự dẫn dắt của Eric Harrison giành chức vô địch FA Cup cho cấp độ trẻ năm 1992. Hai năm sau, Beckham ra mắt đội một MU, khoác áo số 24. Sau khi Cantona giải nghệ năm 1997, HLV Sir Alex trao chiếc áo số 7 huyền thoại cho Beckham.
Beckham đáp lại niềm tin của Sir Alex bằng màn trình diễn bùng nổ bên cánh phải. Becks có những phẩm chất trái ngược Cantona khi là cầu thủ thuần chạy cánh, có kỹ năng tạt bóng tuyệt vời. Mùa giải 1998/99 là đỉnh cao sự nghiệp của Beckham khi MU giành cú ăn 3, trong đó có màn ngược dòng cảm xúc trước Bayern Munich. Sau sự cố “chiếc giày bay” năm 2002″, Beckham rời MU khoác áo Real Madrid ở kỳ chuyển nhượng hè 2003. Trong thời gian khoác áo MU, Beckham từng một lần giành Quả bóng Bạc năm 1999.
Sau khi Beckham rời Old Trafford, HLV Sir Alex Ferguson đưa Cristiano Ronaldo cập bến Old Trafford từ CLB Sporting Lisbon. “Quỷ đỏ” đã chi 12,24 triệu bảng để đánh bại nhiều đối thủ khác và sở hữu tài năng người Bồ Đào Nha. Ronaldo được trao chiếc áo số 7 huyền thoại ngay ở mùa giải đầu tiên khoác áo MU.
CR7 gây thất vọng trong năm đầu tiên tại Premier League với lối chơi rườm rà. Dưới sự tác động của Sir Alex, Ronaldo tiết chế hơn và vươn tầm thành ngôi sao thật sự tại MU. Ronaldo là nguồn cảm hứng lớn nhất đưa MU vô địch Premier League 3 mùa giải liên tiếp (2006-2009). Trong mùa giải 2007/08, Ronaldo ghi 42 bàn trên mọi đấu trường và cùng MU vô địch Champions League. Anh là chủ nhân của danh hiệu Quả bóng Vàng 2008.
20 năm qua, bóng đá thế giới tranh cãi về chuyện ai là số 7 vĩ đại nhất trong lịch sử MU. Ronaldo và Best là 2 cầu thủ giành đầy đủ vinh quang ở cấp CLB và cá nhân tại MU, trong đó nổi bật là danh hiệu Quả bóng Vàng thế giới. Về hiệu suất ghi bàn, Cantona là số một với thành tích 2,21 trận/bàn, trong khi của Best và Ronaldo lần lượt là 2,62 trận/bàn và 2,47 trận/bàn. Ảnh: Manutd.com.
Viết Tuệ
Bí ẩn từ những số áo cầu thủ: "Bất tử" hay... "bức tử"?
Trào lưu "cất" vĩnh viễn một số áo nào đó trong đội bóng thật ra chỉ là sự bắt chước thô thiển từ vài môn thể thao khác.
Đó vốn không phải là ý tưởng của bóng đá, nên cũng chẳng có gì lạ khi không ít nhà nghiên cứu bóng đá cực lực phản đối trào lưu "ngoại lai" này.
Ajax cất hẳn áo số 14 của Johan Cruyff và Brecia cũng không muốn ai mặc số 10 huyền thoại của Roberto Baggio - ảnh: AFP
Rất nhiều số áo ở các CLB không còn tồn tại nữa, như AC Milan không có áo số 3 và số 6. Số 6 cũng đã không còn ở West Ham. Inter không còn số 3 và số 4. Napoli, Brescia, Honved Budapest, Legia Warsaw... không còn số 10. Ajax Amsterdam không còn số áo 14. Lý do vì quá nhiều danh thủ có nhiều công trạng và ảnh hưởng lớn dùng số áo này, và khi họ chia tay đội bóng thì số áo ấy biến mất. Như Diego Maradona, Roberto Baggio, Ferenc Puskas, Kazimierz Deyna chắc chắn không bao giờ có "truyền nhân" ở Napoli, Brescia, Honved, Legia nữa, khi các đội này bỏ hẳn áo số 10 để tôn vinh cầu thủ hay nhất trong lịch sử CLB.
Nhưng cũng có ý tưởng giữ niềm kiêu hãnh qua số áo lẫy lừng của các ngôi sao từ các CLB khác. Như nói đến M.U là phải nói đến truyền thống của những người đã mặc áo số 7, làm giới hâm mộ Old Trafford say đắm qua bao thế hệ. George Best, Bryan Robson, Eric Cantona, David Beckham, Cristiano Ronaldo! Ai được M.U trao cho chiếc áo số 7 cũng phải nhìn lại các bậc tiền bối lừng danh và cố gắng không để cho truyền thống hào hùng bị mai một. Hoặc Juventus không bao giờ bỏ đi chiếc áo số 10, vì tài năng của Roberto Baggio. Nhưng thật trái khoáy khi đội bóng nhỏ Brescia, nơi mà danh thủ này thi đấu, lại khai tử chính chiếc áo số 10 của Baggio!
Cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ hẳn số áo của một ngôi sao lớn làm cho mọi cầu thủ sau này (chơi cùng vị trí) luôn có mặc cảm rằng họ có xuất sắc đến mấy cũng chẳng bao giờ được đánh giá tài năng một cách công bằng. Ở đây, có một sự ngược đời: trong môn bóng đá thì thế hệ sau luôn hay hơn thế hệ trước. Ai cũng thấy rõ Pele mà chơi bóng trong thời buổi này thì khó cạnh tranh nổi với các cầu thủ trung bình!
Lần đầu tiên người ta tuyên bố bỏ hẳn một số áo trong thể thao là năm 1933, khi cầu thủ Ace Bailey của đội khúc côn cầu trên băng Toronto Maple Leafs chấn thương nghiêm trọng (rạn nứt xương sọ) tại giải NHL. Ông may mắn sống sót, nhưng chẳng bao giờ thi đấu được nữa. Và Maple Leafs tuyên bố từ đó sẽ không bao giờ trao lại chiếc áo số 6 của ông cho cầu thủ khác. Nghĩa cử của Maple Leafs lan nhanh trong làng thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ, rồi sang tới châu Âu.
Cũng với ý nghĩa tương tự, CLB Man.City cất vĩnh viễn số áo 23 của Marc-Vivien Foe, tuyển thủ Cameroon đã qua đời ngay trên sân cỏ khi thi đấu ở giải Confeds Cup 2003. Ngoài Man.City thì Foe còn chơi cho CLB Lens, và Lens cũng đã bỏ hẳn chiếc áo số 17 để tưởng nhớ cầu thủ này. Espanyol bỏ vĩnh viễn chiếc áo số 21 để tưởng nhớ Daniel Jarque. Anh bị đột quỵ vào năm 2009, trong một chuyến tập huấn trước mùa bóng mới. Đội QPR ở Anh bỏ áo số 31 của Ray Jones, Wycombe bỏ áo số 14 của Mark Philo, đều vì các cầu thủ không nổi tiếng ấy đột tử trong sự thương tiếc của đồng đội.
Nhiều người hỏi cắc cớ: khi một đội bóng bỏ hẳn số áo của ngôi sao nào đó, thì việc làm ấy có khác gì... trù ẻo người hùng vốn đang còn sờ sờ ra đấy? Milan khai tử áo số 6 vì Franco Baresi. Ajax làm vậy với số áo 14 của Johan Cruyff. Khi Inter bỏ hẳn chiếc áo số 4 của Javier Zanetti, có người bình luận: nên cấm luôn các cầu thủ sau này để tóc "kiểu Zanetti"!
Hồi Argentina tham dự World Cup 2002, họ vẫn đăng ký danh sách 23 cầu thủ theo quy định, nhưng số áo thì lại lên đến 24. Vì Argentina tuyên bố không ai được mặc chiếc áo số 10 của Diego Maradona nữa. Không hề bình luận,
FIFA chỉ đưa ra hai giải pháp cho Argentina lựa chọn: đăng ký số áo đúng quy định, hoặc bỏ đi một cầu thủ nếu vẫn muốn tôn vinh chiếc áo số 10 (dĩ nhiên Argentina chọn giải pháp đầu)!
Man Utd thật sự đã có 'Andrei Kanchelskis mới' Trong một tập thể toàn các ngôi sao của Man Utd những năm 1990, Andrei Kanchelskis vẫn cứ lầm lũi thi đấu, chấp nhận làm nền cho các đồng đội. So với những Bryan Robson, Paul Ince, Mark Hughes, Roy Keane, Irwin, Eric Cantona thì Kanchelskis chẳng thể sánh bằng, dù ông cũng có không ít khoảnh khắc tỏa sáng rực rỡ. Nhưng...