Rộn ràng mùa cá cơm
Chiều nay ngang qua chợ, đâu đâu cũng thấy những sọt cá cơm tươi rói mới biết mùa cá cơm lại bắt đầu. Trong thời buổi vật giá leo thang mỗi ngày, có thêm một rổ cá cơm bữa ăn gia đình càng trở nên phong phú.
Này nhé, cá cơm rim cay ngọt, gỏi cá cơm, cá cơm nấu canh …và cả mắm cái cá cơm đậm đà. Những món này khá quen thuộc với người dân xứ biển miền Trung quê tôi nhưng ăn hoài vẫn không chán. Cá cơm rất lành, hàm lượng đạm cao, chứa nhiều vitamin, có thể làm món ăn cho người đau ốm hay mới sinh dậy. Mỗi lần về quê thăm nhà, gặp mùa cá cơm thế nào tôi cũng được mẹ đãi món cá cơm kho rim. Những con cá tươi mẹ để nguyên con, chỉ móc ruột, ướp gia vị cho vào chiếc om đã khử dầu, bắc lên bếp để lửa riu riu rồi thêm một ít nước. Cá cơm mẹ kho rim chẳng khác gì cá bống kho tộ.
Quyến rũ nồi cá cơm kho
Nói đến cá cơm, không thể không kể đến món gỏi – một món tuy dân dã nhưng rất độc đáo. Muốn làm gỏi ngon phải bắt đầu từ khâu chọn lựa cá. Cá phải còn tươi, nếu cá to thường ngắt đầu và phần bụng cá, bỏ ruột, rửa sạch. Tước cá thành hai mảnh, bỏ xương. Ngâm cá vào nước dấm hay phèn chua, một lát sau vớt ra, ép ráo nước, cho vào bát to. Nêm gia vị mắm, muối, tiêu, vắt chút nước chanh tươi và không quên trộn thêm đậu phụng giã nhỏ; khế, chuối chát xắt mỏng. Vậy là được món gỏi cá cơm thật hấp dẫn. Gỏi cá cơm tụ đủ các vị béo, ngọt, bùi, chua không những là một món nhậu hấp dẫn mà còn có tác dụng kích thích dạ dày, dễ tiêu, có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Ngoài ra, mẹ cũng thường nấu canh chua với cá cơm để giải nhiệt vào những ngày tiết trời nóng nực. Đợi cho nồi nước canh sôi lên, mẹ thả cá vào rồi bỏ rau thơm hay lá giang, đợi nước canh sôi bùng lên là nhanh tay nhắc xuống, như vậy cá sẽ không bị nát. Thời tiết nắng nóng chỉ cần nồi canh chua cá cơm cũng đủ giải nhiệt. Thỉnh thoảng mẹ nấu canh cùng với rau má hoặc dưa hường vừa ngon vừa mát lại lạ miệng. Đấy là chưa kể món cá cơm hấp cuốn bánh tráng với rau muống, chấm ngập trong nước xốt, cắn miếng ớt sừng xanh …. thật không còn gì đã cho bằng.
Vào những ngày cá cơm rộ lên, sản lượng đánh bắt nhiều vô kể. Những lúc này cá cơm rẻ hơn ngày thường. Vì vậy, thế nào mẹ tôi cũng mua vài ký về muối mắm. Cái tên “mắm cái” hình như quá quen thuộc, nhất là với người sinh ra và lớn lên ở nơi vùng ven biển như tôi. Cách muối mắm cũng khá đơn giản. Chọn những con cá thịt chắc, ướp từng lớp cá với muối theo tỷ lệ vừa phải, đựng trong thẩu, chỉ độ mươi ngày sau là có thể lấy ra ăn được.
Từ lâu, cá cơm đã trở thành sản vật của quê hương tôi. Vào mùa cá cơm có dịp ra bến thuyền nhìn những rổ cá đầu vụ đầy ắp, bóng nhẩy, lấp lóa ánh bạc chợt thấy lòng rộn vui.
Video đang HOT
Theo Lao động
Ngon như bánh bèo tôm chấy Đồng Hới
Một đĩa với những chiếc bánh tròn đều tăm tắp được xếp thành hình bông hoa, với thịt tôm rải vàng ươm và vài miếng tóp mỡ sẽ khiến bất kỳ ai cũng nhớ mãi khi đến với thành phố nắng gió của miền Trung.
Mỗi lần trở về thành phố nhỏ bé của Quảng Bình, món ăn đầu tiên mà tôi nhớ đến chính là bánh bèo. Người thân của tôi thường cười khi tôi ăn sáng bằng bánh bèo, chiều ngủ dậy cũng bánh bèo, tối lượn lờ với bạn bè cũng có thể "chiến" thêm hai đĩa rồi đến hôm sau mở mắt lại buột miệng "đi ăn bánh bèo".
Sự "quá khích" này có thể một phần do tôi "đam mê" bánh bèo, nhưng bản thân những người Đồng Hới vẫn thường tự hào rằng, đây chính là quê hương của món bánh này và đi đâu ăn cũng không thấy ngon bằng.
Tại Đồng Hới, bạn sẽ bắt gặp những quán bánh bèo nho nhỏ ở khắp nơi. Quán không sang trọng, không hoành tráng, đơn giản là một không gian rộng khoảng 15-10 m2, có thể nằm ở mặt đường, có thể ở trong ngõ sâu, có thể treo biển hoặc không.
Cũng như nhịp sống nhẹ nhàng của Đồng Hới, dù là quán ngon nổi tiếng thì lượng khách thường rải rác chứ không có cảnh đông đúc, chen chúc như những nơi khác. Người ăn, đa số là khách quen, nên có thể vừa "buôn dưa lê" với chủ quán, vừa thưởng thức món ăn dân dã này.
Bánh bèo chính gốc Đồng Hới.
Đó là những đĩa bánh tràn đầy từng chiếc mỏng, trắng đến tinh khôi, với tôm chấy vàng rải đều cùng một ít tóp mỡ nằm trên. 20 chiếc bánh tròn, đều tăm tắp được xếp rất khéo léo trên chiếc đĩa, với cách bài trí đơn giản mà đẹp mắt. Bên cạnh đó là hai bát nước mắt được pha loãng, một bát không ớt và một bát có ớt. Khi ăn, bạn dùng thìa cho nước mắm rải đều trên bánh,
Thưởng thức rồi bạn sẽ cảm nhận vị mát dịu của chiếc bánh, cùng với vị thơm bùi của tôm, cảm giác giòn tan của tóp mỡ, và sự đậm đà của nước mắm.
Để làm chiếc bánh đều tăm tắp như thế, chủ quán có vài chiếc khuôn bằng nhôm, mỗi khuôn có rất nhiều ô tròn. Sau khi hòa bột vào nước, cho khuôn lên bếp và xúc hỗn hợp bột gạo vào khuôn, đun lửa vừa nhỏ đến lúc bánh chín thì nhấc ra.
Để có những chiếc bánh tròn trịa như nhau, chủ quán phải dùng khuôn.
Tại các nhà hàng ở Hà Nội, TP HCM, hay các quán xá bình dân ở Huế, Đà Nẵng, bạn cũng ăn bánh bèo với tôm chấy. Nhưng thường, ở đó họ sẽ cho từng chiếc bánh vào chén nhỏ, với ít tôm lên trên, thậm chí tại một số nhà hàng ở TP HCM, nhân của bánh bèo được thay bằng đậu xanh vị ngọt cho hợp khẩu vị người miền Nam.
Trong khi ở Đồng Hới, bên cạnh bánh mỏng, tôm được rắc đầy đặn hơn, dậy mùi hơn. Bởi Đồng Hới là thành phố biển, tôm tươi và rẻ nên chủ quán không hề "kẹo kéo". Tôm chấy được chế biến từ loại tôm biển tươi, luộc qua bóc vỏ, sau đó giã nhỏ rồi cho lên chảo xào lại để thấm với gia vị, cho vào một bát lớn, sau khi xếp bánh lên đĩa thì rải đều tôm lên.
Tôm chấy.
Ở đây, tôm được rải đầy trên bánh.
Những năm gần đây, người Đồng Hới còn "biến tấu" thêm loại bánh bèo dày. Cũng tôm, cũng tóp mỡ, cũng làm từ bột gạo, nhưng bánh được đúc từ khuôn có hoa văn và độ dày gấp khoảng 6 lần so với chiếc bánh thông thường.
Bánh bèo loại dày hơn, với nguyên liệu và hương vị không khác gì bánh mỏng, nhưng cảm giác ăn "béo" hơn.
Những người thích ăn kiểu "ngầy ngậy" thì "bồ kết" bánh bèo dày. Tuy nhiên, nếu lựa chọn đĩa bánh này, sau một phần ăn bạn sẽ cảm thấy quá no, trong khi với loại bánh mỏng, vào "cơn đói" bạn có thể nhâm nhi được tới 3 đĩa, còn thông thường, hai đĩa là vừa đủ nhất.
Cũng vì là "món gốc", cho nên về Đồng Hới ăn bánh bèo, bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên khi mỗi đĩa đầy ắp bánh giá chỉ 5.000 -7.000 đồng.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Canh chua rau sắn Đậm đà vị quê hương Nếu ai đã từng về mảnh đất trung du Phú Thọ hẳn sẽ có cơ hội được thưởng thức một đôi lần bát canh chua rau sắn. Màu rau nồng ấm như màu đất trung du, vị rau ngọt bùi tựa tình người đất Tổ sẽ khiến ai đó ăn một lần để rồi nhớ mãi không quên. Rau sắn phải là món...