Rộn ràng bánh gấc đón năm mới
Từng chiếc bánh gấc đỏ au, hấp dẫn là một thức quà quý giá trong năm mới.
Đây là món được mẹ làm nhiều vào dịp năm mới mời mọi người, mong cho may mắn, hạnh phúc sẽ đến trọn vẹn trong cả một năm.
Nhà tôi trồng nhiều gấc. Lạ kỳ giống quả, trồng chơi nhưng ăn thật, có khi dây gấc leo tít lên ngọn tre vẫn cho quả chín đỏ rực. Nhiều quả chín quá, chưa kịp nấu hết, bà tôi cắt gấc về, treo ở gác bếp, từng chùm quả lớp vỏ khô quắt lại nhưng ruột vẫn đỏ tươi.
Bánh gấc được chúng tôi yêu thích sau món xôi gấc. Xôi gấc đỏ rực, thơm phưng phức, được mẹ đóng vào chiếc khuôn gỗ có khắc bông hoa hồng, cứ một lớp xôi trắng lại xen cùng một lớp đậu xanh, một lớp xôi gấc, món xôi ba tầng quyến rũ này nhìn thôi đã muốn ăn đến no nê…
Từng chiếc bánh gấc đỏ au, hấp dẫn là một thức quà quý giá trong năm mới – Ảnh: bepgiadinh.vn
Video đang HOT
Để làm bánh gấc, cần có bột gạo được xay thật mịn, 7 phần gạo nếp trộn với 3 phần gạo tẻ, nhồi thật dẻo cùng nước. Sau khi bột dẻo, cho phần thịt gấc đã được lấy ra nhồi cùng bột nếp đến khi thành một khối bột phơn phớt hồng.
Nhân bánh gấc có đậu xanh được hấp chín, cán nhuyễn, trộn cùng đường trắng, dừa tươi bào sợi, mứt bí, hạt sen. Viên nhân lại thành từng phần tròn rồi nhồi vào giữa từng phần bột dẻo.
Mẹ tôi thường gói bánh gấc bằng lá chuối khô, cách gói như gói bánh gai. Phết một lớp dầu ăn lên tấm lá chuối, cho bánh vào, gói lại bằng sợi lạt. Bánh được cho vào một chiếc xửng và hấp cách thủy, chốc lát đã chín. Vớt bánh để cho ráo nước rồi từ từ bóc lớp vỏ lá chuối ra, ngỡ ngàng trước sự hấp dẫn bất ngờ của bánh gấc.
Bánh gấc được làm ở làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (Hà Nội) còn được gọi là bánh bác – Ảnh: Thúy Hằng
Lớp bột bánh đã chuyển thành màu đỏ au, đậu xanh, dừa tươi thơm lừng cùng mùi hạt sen. Cắn một miếng bánh, lớp bột dẻo mềm hòa trong cái bùi, thơm của đậu, của dừa, mùi vani thoang thoảng hương, thi thoảng nhai đúng một miếng mứt bí giòn sần sật. Thú thật, tôi chưa bao giờ ăn chỉ một chiếc bánh gấc một lúc, mẹ tôi trêu, thức bánh này quả thật thần kỳ, “ăn một lại muốn ăn hai, ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm…”
Tuần trước, đi ngang qua vỉa hè đường Xuân Thủy (Hà Nội), tôi vô tình gặp một hàng bánh rong, trên đó là cả một thế giới quà bánh dân tộc: chè lam, chè con ong, chè kho, bánh gai, bánh khảo và một thức bánh nhìn thôi tôi đã muốn bảo cô hàng xén, gói cho tôi 5-10 chiếc: bánh gấc.
Bánh gấc không gói vào lá chuối mà được bọc trong một lớp giấy bóng trong suốt. Đậu xanh không được nhồi vào giữa bánh mà được xếp thành lớp đan xen nhau cùng bột gấc, chiếc bánh gấc nhỏ xinh trên tay tôi nở đỏ rực như một bông hoa, có nhị vàng tươi. Có người gọi đây là bánh bác, được làm ở một làng tên Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Sắp đến Tết nguyên đán, nhà không trồng gấc nữa, mẹ tôi đã đi khắp xóm xem vườn nhà ai có giàn, bảo để dành cho mấy quả chín cây. Gấc chín bây giờ không cần treo gác bếp, mà có thể bỏ thịt gấc vào một chiếc hộp lớn, để trong ngăn đá tủ lạnh ăn cả năm. Tuy nhiên, gấc tươi vẫn là thứ nguyên liệu trời cho, khiến miếng bánh gấc thật tươi, thật thơm.
Bánh gấc làm chiều 30, sáng mồng 1 Tết thì chia cho cháu con trong nhà như một cách mừng tuổi, mong sang một năm mới nhiều điều may sẽ đến. Cảm giác cả nhà quây quần quanh mâm bột, cùng trộn bột nếp, cùng gói lá cũng là những kỷ niệm tuyệt vời, theo mỗi người con đến suốt cuộc đời…
Theo Thúy Hằng (ihay)
Thơm giòn bánh chuối chiên
Trời lạnh, cùng bạn bè ngồi thưởng thức chiếc bánh chuối giòn thơm thật thú vị.
Khi còn là học sinh, mỗi khi tan trường, chúng tôi rất khoái lân la đến quán bánh chuối chiên của bà Cai. Lý do đơn giản là giá một cái bánh lúc đó vừa in số tiền mà mẹ cho ăn vặt.
Hình ảnh cái bếp lò đỏ rực với chảo dầu nóng vang lên âm thanh xèo xèo của những chiếc bánh chuối chiên vàng ruộm trở nên thân quen không biết tự bao giờ.
Cứ hễ tan trường là chúng tôi rủ rê nhau dừng chân bên những chiếc bàn cóc ở vệ đường để hít hà mùi thơm bánh chuối chiên nóng hôi hổi của bà Cai. Bánh chuối chiên được làm từ nguyên liệu chủ yếu là chuối mốc chín.
Để bánh thêm béo ngậy, người ta còn cho thêm vài lát dừa tươi thái mỏng kiểu như thái mứt dừa. Ảnh: Hòa Nhơn
Chuối xắt mỏng theo chiều dọc, cùng với đó là khoai lang đỏ cắt sợi. Để bánh thêm béo ngậy, người ta còn cho thêm vài lát dừa tươi thái mỏng kiểu như thái mứt dừa. Bột mì trút ra thau, cho nước lọc vào khuấy đều.
Sau khi có hỗn hợp sền sệt, cho chuối, khoai lang và dừa vào trộn chung. Gắp lát chuối, vài lát khoai lang, vài lát dừa xếp gọn ghẽ trong một cái vá rồi từ từ thả vào chảo dầu đang sôi. Khi chín, tất cả sẽ kết dính thành một chiếc bánh chuối chiên hoàn hảo, vớt ra đặt lên cái vỉ cho ráo hết dầu là có thể dùng ngay.
Ăn bánh chuối chiên còn nóng mới ngon. Trong cái se lạnh của đất trời với những hạt mưa lất phất trên vỉa hè, cùng bạn bè ngồi bên quán cóc thưởng thức hương vị giòn thơm của chiếc bánh chuối, cảm giác rất thú vị.
Theo Hòa Nhơn (ihay)
[Chế biến] - Tôm bông sữa Sự kết hợp giữa hai phong cách Á -Âu, sự phá cách trong việc kết hợp vị mang đến cho bạn cảm nhận khác về nguyên liệu quen thuộc này. Nguyên liệu Tôm sú: 400gr Dừa tươi: 1 trái Sữa tươi: 100ml Kem béo: 50gr Hành tây: 1 củ Cà rốt: 1 củ Rượu: 40ml Gừng: 1 củ nhỏ Nấm hải sản: 100gr...