Rợn người đi qua cầu treo, dây cáp
Tại miền Trung và Tây Nguyên, hàng loạt cầu tạm, cầu treo, dây cáp được người dân qua lại hằng ngày đang là mối đe dọa thường trực tới tính mạng của họ.
Hai ngày qua, người dân thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam không khỏi bàng hoàng trước cái chết của bà Nguyễn Thị Đồi, SN 1972. Bà Đồi là nạn nhân mới nhất của cây cầu “vĩnh biệt” bắc qua sông Trường Giang ở địa phương này.
Thót tim qua cầu “vĩnh biệt”
Ông Mai Xuân Hùng, trưởng thôn Tiến Thành, cho biết, bà Đồi có con trai học lớp 11 nhưng đã nghỉ vì không có tiền, phải lên Tây Nguyên làm thuê để phụ giúp gia đình. Một mình bà Đồi ở nhà làm nông và đi mua lá chuối về gói bánh bán. Sáng 19/8, khi đi mua lá chuối, bà chạy xe gắn máy đến đoạn giữa cầu Máng thì bị ngã văng xuống sông chết đuối.
Theo ông Hùng, cầu Máng dài gần 300m, thực chất là máng thủy lợi xây vào năm 1985 nhằm đưa nước về tưới tiêu cho 30ha lúa. Từ khi đưa vào sử dụng, người dân xem máng thủy lợi này như một cây cầu để lưu thông ra quốc lộ. Từ đó đến nay, đã có 16 người chết, gồm 10 người ngã từ trên cầu xuống và 6 người bị chìm thuyền do va đập với cầu. Chính vì có nhiều cái chết thương tâm nên người dân gọi cầu Máng là cầu “vĩnh biệt” hay cầu “tử thần”.
Cầu treo ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Tử Trực.
Ông Hùng cho biết, sau nhiều vụ chết người liên tiếp, Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng trụ và kéo dây cáp hai bên thành cầu Máng. Tại 2 đầu cầu, công ty cắm bảng khuyến cáo: “Công trình thủy lợi không kết hợp giao thông, nguy hiểm, cấm đi xe máy”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đi qua cầu.
Đi bộ qua cầu, nhìn dòng nước xiết cuồn cuộn chảy bên dưới, chúng tôi nổi da gà nhưng nhiều người dân vẫn chạy xe máy bon bon. Ông Trần Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại, trong đó có rất nhiều học sinh. Xã nhiều lần kiến nghị mở rộng diện tích, tu bổ cầu. Cơ quan chức năng huyện, tỉnh cũng về khảo sát rồi nói… thiếu kinh phí.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cho biết, sẽ kiểm tra thực trạng cây cầu này để xem xét, bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp. Không chỉ cầu “vĩnh biệt”, tỉnh Quảng Nam còn có rất nhiều cầu treo, cầu khỉ xuống cấp, nguy hiểm cần tu bổ. Nhu cầu rất lớn trong khi khó khăn về vốn nên buộc phải làm từng bước, nơi nào cấp bách thì làm trước.
Video đang HOT
Điệp khúc không tiền
Trong những ngày này, dù nắng ráo, nước sông Re ở Quảng Ngãi không quá hung dữ nhưng chúng tôi vẫn rợn người khi đi qua cây cầu treo lơ lửng giữa lưng chừng đồi. Cầu này là con đường duy nhất nối thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với bên ngoài để hàng trăm hộ dân đi lại.
Cây cầu được người dân địa phương dùng dây thép, dây kẽm buộc vào thân cây giữa hai đầu vách núi, vắt vẻo qua sông Re. Người qua lại phải nắm thật chặt dây kẽm được dùng làm thành cầu, dò dẫm từng bước trên những tấm ván gỗ lồ ô.
Bà Võ Thị Bích Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa, lo ngại: “Mùa mưa, nước sông chảy xiết, dân chịu cảnh cô lập. Hằng ngày, học sinh qua cầu hết sức nguy hiểm. Cũng có nhiều vụ rơi xuống cầu nhưng may mà chưa gây thương vong”. Theo bà Lê, hiện cầu xuống cấp nghiêm trọng nhưng địa phương không có tiền nên chưa sửa chữa.
Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết, nhiều nơi khác cũng qua lại trên những chiếc cầu tạm xuống cấp, hư hỏng. “Muốn xây cây cầu kiên cố cũng cần ít nhất 15-20 tỉ đồng. Nhiều lần huyện kiến nghị tỉnh cấp kinh phí nhưng nguồn kinh phí eo hẹp nên chưa thể bố trí được” – ông Phong băn khoăn.
Sống cảnh “Tarzan”
Gần chục năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn và xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vẫn bất chấp nguy hiểm, vượt các con sông để đến nương rẫy bằng dây cáp chằng néo vào 2 thân cây trên bờ và một chiếc lồng sắt. Việc cáp đứt hay tuột chân rơi xuống sông xảy ra thường xuyên nhưng không còn cách nào khác, họ đành đánh cược mạng sống của mình để đi lại mưu sinh, học hành.
Cách đây mấy ngày, gia đình anh Nguyễn Văn Tiêu (ngụ thôn 7, xã Ea Huar) đã gặp nạn khi dây cáp đứt. Hôm đó, anh Tiêu cho vợ và đứa con 7 tuổi qua sông trước. Khi ròng rọc đang lao vun vút thì bất ngờ dây sắt đứt, vợ và con anh Tiêu rơi xuống lòng sông chảy xiết.
Việc đứt dây kiểu này không phải là chuyện hiếm. Mới đây, ngày 15/8, bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1962, ngụ xã Hòa Lễ) đu dây qua sông để đi làm thì bị rơi xuống mép sông Krông Ana từ độ cao khoảng 10 m. Do lúc này vắng người qua lại nên phải khoảng 1 giờ sau, người dân mới phát hiện bà Thọ nằm bất tỉnh và đưa đi bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương ở vai, cổ, chệch quai hàm, mẻ đốt sống…
Chứng kiến cảnh người dân qua sông mà chúng tôi không khỏi rùng mình, lo lắng bởi sợi dây sắt mỏng manh và sợi cua-roa có thể bị đứt bất cứ lúc nào, trong khi bên dưới là dòng sông nước chảy cuồn cuộn…
Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh ở 28 địa phương đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, thời gian hoàn thành trong năm 2015 nhưng không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế.
Theo Khampha
Lật cầu Chu Va 6: Đoàn đưa tang được giải oan
Nguyên nhân lật cầu Chu Va 6 không phải do đoàn đưa tang như một số thông tin trước đó, tổ điều tra vụ lật cầu cho biết.
Hôm nay (6/3), báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Tổ điều tra độc lập cho biết, nguyên nhân lật cầu Chu Va 6 (ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) không phải do quá tải.
Trước đó, trả lời báo chí, chính quyền địa phương tại Lại Châu cho rằng, cầu lật là do đoàn người đưa tang quá đông, gây quá tải. Một số lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, cầu chỉ có tải trọng 1,5 tấn nhưng gần 50 người đi đám ma đứng trên câu khiến sức nặng vượt quá chỉ số này.
Theo Tổ điều tra của Bộ, bộ phận ắc neo tăng đơ bị gãy đã được chế tạo sai so với thiết kế. Ắc neo này phải được thiết kế với tiết diện 50cm2, nhưng thực tế tại hiện trường chỉ khoảng 24cm2. Bản thiết kế lưu ý, ắc neo phải được chế tạo bằng phương pháp khoan tạo lỗ, không được dùng phương pháp gia nhiệt, để đảm bảo không bị biến dạng vật liệu.
Nhưng qua kiểm tra, Tổ điều tra phát hiện, ắc neo đã được chế tạo bằng phương pháp gia nhiệt thổi xuyên chiều dày. Điều này dẫn đến biến đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực, gây đứt đột ngột.
Cây cầu đứt cách mặt suối gần 10m
Tổ điều tra cũng cho hay, cầu có thể chịu được tải trọng hơn 11 tấn. Đoàn người đi đưa đám ma cũng không đi đều nên không thể tạo ra lực cộng hưởng. Vì vậy, tổ điều tra loại bỏ nguyên nhân lật cầu do đoàn người đi trên cầu gây quá tải.
Trả lời chúng tôi, kỹ sư Phan Xuân Đại (giảng viên về cầu - Đại học Dân lập Phương Đông) cho biết: Theo tiêu chuẩn, tải trọng cầu bộ hành phải đạt khoảng 3 kN/m2. Nghĩa là, cứ 1m2 cầu có thể chịu tải trọng của khoảng 4 người. Trong khi đó cầu Chu Va dài 54m và rộng 2m. Tổng diện tích cầu là 108m2. Vậy số người đi trên cầu có thể rất nhiều. Theo kỹ sư này, lấy lý do tải trọng ghi trên cầu 1,5 tấn rồi cho rằng số người qua cầu quá đông, gây quá tải là không đúng.
ThS. Chu Viết Bình (Phó trưởng Bộ môn Cầu hầm - Đại học GTVT Hà Nội) cho biết, tải trọng cầu bộ hành phải được tính trên mét vuông mặt cầu. Tính tương đối, cầu đi bộ phải đạt tiêu chuẩn 300kg/m2.
Theo ông Bình, cầu Chu Va 6 không thiết kế cho xe đi lại nên tất nhiên phải ghi giới hạn tải trọng xe qua. Ông Bình không đánh giá sự cố lật cầu Chu Va 6 có phải do quá tải trọng hay không. Bởi ngoài số người đi trên cầu còn có thể có những vật nặng mang theo. Việc này do cơ quan chức năng giám định.
"Với người đi không, tải trọng cầu bộ hành không bao giờ hạn chế số người. Cứ dắt tay nhau mà đi!" - ThS. Bình nói.
Một vấn đề khác đang được xem xét là công nghệ chế tạo dẫn đến suy giảm vật liệu của ắc neo. Tổ điều tra của Bộ GTVT cho hay, phải giám định bằng phân tích quang phổ để xác định độ cứng của ắc neo.
Tại cuộc họp với Tổ điều tra sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng, sẽ đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án lật cầu Chu Va 6.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan.
"Chúng ta đang nợ người dân Chu Va một lời xin lỗi, một kết luận nguyên nhân rõ ràng vụ lật cầu. " - Bộ trưởng Thăng nói tại cuộc họp.
Trước đó, trong thông cáo báo chí của Bộ GTVT sau 10 ngày xảy ra vụ lật cầu, Tổ công tác kỹ thuật cũng đã nói đến việc ắc neo cầu Chu Va 6 bị giảm khả năng chịu lực so với thiết kế.
Thông cáo nêu rõ: Theo thiết kế, bộ phận ắc neo tăng đơ làm bằng vật liệu thép đúc có khả năng chịu lực 100 tấn/1 bên, tổng khả năng chịu lực là 200 tấn, lớn hơn khả năng chịu lực yêu cầu 6,1 lần. Tuy nhiên qua kiểm tra, Tổ công tác kỹ thuật của Bộ nhận thấy, ắc neo nói trên có hiện tượng phá hoại giòn, đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, có biểu hiện được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực.
Sáng 24/2, khi đoàn đưa tang một người dân qua cầu Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thì cầu bị lật , khiến 8 người chết và 38 người bị thương. Trong khi cơ quan chức năng đang đặt nghi vấn về chất lượng của ắc neo bị đứt, người dân lại phát hiện trụ cầu Chu Va 6 có gạch bên trong chứ không phải bê tông. Sau đó, Sở GTVT Lai Châu giải thích rằng, đã kiểm tra và xác định đó chỉ là lớp gạch bao ngoài để đảm bảo mỹ quan.
Theo Khampha
"Rợn người" khi qua cầu treo rệu rã hơn Chu Va 6 Ngay sau vụ sập cầu treo tại tỉnh Lai Châu làm nhiều người chết và bị thương, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho Sở GTVT Quảng Ngãi và chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các cầu treo. Ngày hôm nay 4/3, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã đi kiểm tra cầu treo. Tại...