RÒM đã chạy về đích, phim Việt còn đợi gì mà không thừa thắng xông lên?
Thành công của Ròm chính là cú “tiếp sức” đề các bom tấn Việt mạnh dạn ra rạp sau đó.
Sau 3 ngày công chiếu đầu tiên, Ròm thu về hơn 28 tỉ đồng. Con số này còn nhiều hơn cả Peninsula, “bom tấn” ngoại quốc duy nhất oanh tạc phòng vé trong suốt mùa dịch. Nhưng có lẽ chính ekip sản xuất, phát hành đều bất ngờ với thành công này của Ròm ở mặt doanh thu. Khắp các diễn đàn điện ảnh đều đang nói về Ròm, tự thân bộ phim đã phát ra những tiếng nổ giòn giã ngay từ trước khi công chiếu mà chẳng cần một lời kêu gọi giải cứu nào cả.
Nhắc đến Ròm, là nhắc đến một bộ phim nói-về-số-phận có số phận đặc biệt bậc nhất của điện ảnh Việt. Những tác phẩm indie, không hoặc không thể chiếu cho chính khán giả trong nước thưởng thức từ trước đến nay không hề ít. Ròm cũng đã từng “bước cả hai chân” vào vùng nước đen này, bị bắt phải “huỷ tiêu tang vật” và xử phạt hành chính kể cả khi phim đang tranh giải ở LHP Busan. Nhưng cuối cùng, Ròm đã mạnh mẽ lội ngược dòng, còn chạy thẳng đến các rạp chiếu Việt Nam, thưởng đãi đồng bào một tác phẩm có sức nặng về nội dung lẫn hình thức. Dù trong quá trình chạy về đích ấy, Ròm cũng gặp không ít khó khăn, từ rất nhiều phía. Nhưng không sao cả, cuối cùng cũng về đích rồi.
Một tác phẩm lấy đề tài “số đề” và sự bí bách, ẩn ức đằng sau cuộc sống phập phồng như bong bóng của tầng lớp lao động vốn chưa bao giờ được kì vọng sẽ mang về những thông tin kiểu oanh tạc phòng vé. Bởi đây thực sự không phải là tác phẩm thương mại, hay được làm ra để chiều lòng số đông, từ đầu đã như thế. Vậy mà Ròm lại làm được điều ngược lại. Suất chiếu Ròm ở một số cụm rạp vượt qua con số 30 suất/ngày, ngay ngày đầu công chiếu đã thu về hơn 11 tỷ đồng – điều mà rất nhiều phim thương mại Việt Nam khao khát có được. Ròm đã khiến các rạp phim được hâm nóng, thậm chí là tạo ra sự háo hức lẫn thèm thuồng cho những nhà phát hành, những nhà sản xuất đang “ém phim” chưa dám ra mắt. Cùng ngồi xuống luận bàn xem, liệu rằng sau Ròm, các phim Việt khác có nên thừa thắng xông lên?
Thời cơ đã đến: 3 tháng cuối năm không có bom tấn Hollywood
Câu chuyện “phim Hollywood tương hỗ thế nào cho phim Việt” từ lâu đã là một chủ đề trong giới yêu phim. Phim Hollywood đè chết phim Việt. Nhờ có phim Hollywood mà phim Việt được “hưởng ké” khán giả ở rạp. Nhận định nào cũng đúng cả. Ở thị trường điện ảnh non trẻ và đang phát triển như Việt Nam hay bất kì nước nào trong khu vực Đông Nam Á thì phim Hollywood cũng là một “biến số” quan trọng. Nền điện ảnh nội địa của chúng ta chưa đủ sức để khiến ngành phim “sống khoẻ” mà không cần phim ngoại. Nhưng phải thấy may mắn vì người Việt vẫn còn quan tâm đến phim Việt, chỉ cần là phim hay.
Chỉ cần hay, khán giả vẫn sẽ ra rạp ủng hộ các sản phẩm nội địa
“Phim hay” – hai chữ này quan trọng lắm, và cũng không hề dễ dàng để mổ xẻ. Hay hay dở vốn đã là những nhận định cảm tính, không có quy chuẩn để đúc kết, và thị trường buộc phải chiếu theo góc nhìn của số đông mà đánh giá. Đã có không ít phim Việt vượt qua các bom tấn Hollywood chiếu cùng thời điểm về suất chiếu, doanh thu và mang về cả trăm tỉ đồng. Với kết quả này mà bảo khán giả quay lưng với phim nội địa thì thực sự là không đúng. Phim Việt không cần giải cứu, chỉ cần là phim hay.
Có lẽ nên lấy ví dụ một chút về Bằng Chứng Vô Hình, phim Việt được rất nhiều người trong giới “kỳ vọng” sẽ làm phòng vé sống lại sau khi hết dịch đợt một nhưng cuối cùng doanh thu còn thua cả một phim hài chất lượng bình bình từ Thái Lan. Kết quả đó khiến nhiều nhà làm phim, nhà phát hành, thậm chí là những chuyên gia phân tích thị trường cảm thấy sốc. Ta đọc được những ý kiến quy kết rằng “khán giả Việt vẫn đam mê xem hài nhảm hơn phim đàng hoàng”, hay “không có phim Hollywood thì phim Việt chết chắc”. Các ý kiến đa số đều xoay quanh tình hình thị trường và những nguyên do khách quan mà không bàn đến nguyên do chủ quan, và cũng là nguyên do quan trọng nhất: Bằng Chứng Vô Hình không phải phim hay.
Bằng Chứng Vô Hình không thể hồi sinh phòng vé trong bối cảnh dịch bệnh
Như đã nói, phim hay hay dở là do đánh giá của mỗi người. Và với công chúng, rõ ràng Bằng Chứng Vô Hình là phim không hay, thông qua các bài bình luận, sự bàn tán lẫn doanh thu. Tất nhiên chất lượng phim thuộc mức khá, thể hiện được tay nghề của đạo diễn nhưng ở bản thân bộ phim vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập để có thể chạm đến được khán giả từ khâu sản xuất đến phát hành và quảng bá. Thành thử ra, nếu cứ lấy Bằng Chứng Vô Hình làm ví dụ cho việc “phim Việt lép vế so với phim ngoại”, “khán giả Việt chê phim Việt” là rất khiên cưỡng. Tin rằng trong 3 năm trở lại đây, tất cả những phim doanh thu cao đều đều có chất lượng từ khá trở lên. Thế nên hãy thôi nghĩ rằng phim Việt cần phải “ký sinh” vào phim ngoại thì mới sống tốt. Chí ít, hãy xem đó là một sự “cộng sinh” có lợi cho đôi bên. Và với những “cá thể” vượt trội, vẫn có thể sinh trưởng hoàn hảo một mình.
Quay lại với Ròm, hiện tại cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng phim không hay. Nhiều khán giả háo hức đến với Ròm mà không biết rằng mình sẽ xem một phim không có tính giải trí. Những thông tin về thành tích như việc Ròm thành công ở nước ngoài, thắng giải New Currents ở LHP Busan đã khiến bộ phim được chú ý. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác, ví dụ như sự cộng hưởng về thời điểm phát hành giữa độ “viral” của Wowy, Rap Việt và lịch chiếu. Sự yêu thương của rất nhiều anh em đồng nghiệp trong nghề dành cho bộ phim, cho đạo diễn mà những lời kêu gọi, khen ngợi này phần nhiêu sẽ trở thành định hướng cho công chúng. Ở Ròm đang có một sự ngược đời về cách khán giả lựa chọn phim để xem: với phần đông khán giả chỉ xem phim giải trí thị chọn Ròm là sai lầm, nhưng với rạp phim và cả ngành phim ở thời điểm này thì lựa chọn Ròm để xem lại một điều rất đáng trân trọng.
Ròm đang làm tốt vai trò “cứu tinh phòng vé” với những con số doanh thu ấn tượng
Ròm đã về đích, đến lúc phim Việt thừa thắng xông lên?
Mới đây, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã tổ chức một cuộc toạ đàm với các nhà phát hành, nhà sản xuất phim để tính đường kêu gọi khán giả quay lại rạp phim. Nhất là sau khi đợt bùng dịch thứ 2 chính quyền và nhân dân cũng đã phối hợp kiểm soát, khống chế rất tốt. Điện ảnh thuộc một phần của giải trí – nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng phục hồi sau chót khi có dịch bệnh. Thế nên, việc các đơn vị sản xuất, nhà phát hành, cụm rạp nôn nóng muốn khán giả quay lại rạp là điều dễ hiểu.
Đáng lý ra chúng ta đã có một lộ trình những tháng cuối năm khá là nhộn nhịp với những phim Việt được quan tâm, chờ đợi như Tiệc Trăng Máu, Trái Tim Quái Vật, Song Song, Tà Năng – Phan Dũng, Chị Mười Ba 2,… nhưng hiện tại, gần như chỉ còn mỗi Chị Mười Ba 2 là vẫn còn giữ lịch công chiếu vào tháng 12. Các bộ phim khác đã có kế hoạch dời lịch sang năm, hoặc chưa có lịch mới, ngay từ khi Bằng Chứng Vô Hình “ngã ngựa” và đợt dịch thứ 2 bùng phát.
Tiệc Trăng Máu, Chị Mười Ba 2, Song Song là những phim phải dời lịch hoặc hoãn chiếu do dịch
Nếu đứng ở vị trí của những nhà sản xuất, phần nào có thể hiểu được quyết định “nằm chờ” này. Ra rạp lúc này có thể là một canh bạc mang nhiều rủi ro về kinh tế, đặc biệt là khi các “bom tấn” ngoại quốc cũng đã rút hết lịch chiếu trong năm, không còn ai “chống lưng”. Nhưng, cũng chỉ có những nhà sản xuất biết được chất lượng bộ phim của họ ở đâu. Thế nên thiết nghĩ, nếu tự tin vào sản phẩm của mình thì hãy thừa cơ hội này mà ra luôn phim. Bởi vì rạp đang không có phim ngoại mạnh tranh suất, và không khí ở rạp đang nhộn nhịp trở lại.
Đằng sau mỗi quá trình phát hành một bộ phim luôn có nhiều vấn đề lo ngại mà khán giả sẽ không bao giờ được biết. Thành thử ra nếu giai đoạn này – khi bên nào cũng muốn kích cầu doanh thu thì chính là cơ hội để những nhà sản xuất, nhà phát hành cùng tạo điều kiện cho nhau. Thậm chí, chính rạp phim cũng nên có nhiều chương trình khuyến mãi hơn để kích cầu số đông bây giờ đã quen với việc ngồi nhà xem Netflix.
Chúng ta sẽ chẳng thể nào “giải cứu” được bất kì bộ phim nào nếu không có những hành động thiết thực thay vì chỉ lên tiếng. Khán giả chắc chắn sẽ không đổ xô ra rạp nếu như không có phim gây chú ý được với họ. Muốn như vậy, những người trong ngành phải cùng nhau hành động để có những giải pháp thiết thực. Nói nôm na là sau Ròm, phải có ai đó tiếp tục chạy nhưng phải là chạy một cách bài bản, gắn kết với nhau, thì hẳn nhiên sẽ có được kết quả tốt.
Còn một vấn đề khác cũng đáng suy ngẫm đó là lượng phim của các nhà phát hành. Trong số những phim Việt đã công bố trước và đang đợi ra rạp, ta có những phim dù chưa biết chất lượng nhưng có thể dự đoán được doanh thu sẽ tốt nhờ vào những yếu tố liên quan như dàn cast, chủ đề và độ phủ sóng từ trước. Bên cạnh Tiệc Trăng Máu hay Chị Mười Ba 2 thì vẫn có Trạng Tí, Lật Mặt 48h và Gái Già Lắm Chiêu V. Có thể thấy, các nhà phát hành đều đã thủ sẵn “con bài” cho mình trong tay nhưng các phim này đều đang có lịch phát hành khá xa hiện tại, hoặc chưa có lịch mới. Đáng tiếc nhất trong số đó phải kể đến Tiệc Trăng Máu, bộ phim quy tụ dàn cast hùng hậu và được kỳ vọng rất nhiều về doanh thu nhưng đã ngậm ngùi lùi lịch chiếu khi dịch bùng phát đợt 2. Hai tháng sắp tới không có phim Việt, cũng không có “bom tấn” ngoại, Disney cũng đã lùi Black Widow sang năm sau, phải chăng đây là cơ hội rất lớn cho bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng?
Đây là cơ hội lớn để phim Việt lấy lại “sân nhà” sau khi loạt bom tấn Hollywood hoãn chiếu
Tiệc Trăng Máu vốn đã gây được chú ý từ trước, cộng thêm dàn cast đông đảo và thực lực hoàn toàn có thể bán vé, nhất là khi Ròm đang hâm nóng rạp chiếu. Các nhà rạp, nhà phát hành đều biết để khán giả chịu quay lại rạp chiếu đều đặn như trước dịch là rất khó, nhất là khi chúng ta chưa có vaccine. Nhưng, một khi có phim đang khiến khán giả không thể ở nhà thì đó chính là thời điểm vàng để quảng bá và câu kéo cho những phim khác. Chính lúc khán giả đang đến rạp vì Ròm này, hãy chiếu trailer nhiều hơn, treo nhiều poster hơn, thậm chí là tăng thêm các chương trình khuyến mãi để giữ chân khán giả ở rạp trước khi họ lại quay về với tivi hay điện thoại.
Giả sử sau khi Ròm rời rạp mà không có phim Việt nào tự tin ra mắt sau đó, chắc chắn tình hình ở rạp chiếu sẽ lại “xìu xìu ểnh ểnh”. Thay vì vậy, hãy nhân lúc các yếu tố xâm lăng chưa đến thời điểm quay lại, ta hãy kiến tạo nên thành công phòng vé bằng chính các tác phẩm nội địa. Tất nhiên, phải là phim hay. Và tin rằng khán giả Việt Nam vẫn rất quan tâm đến phim Việt, kể cả khi đó là ý kiến tiêu cực thì cũng là đang được quan tâm. Khán giả hoàn toàn có quyền nhận xét, đánh giá từ góc nhìn của mỗi người, không có một ý kiến nào là sai cả. Vì thế nhiệm vụ của các nhà làm phim là làm hết sức mình để tạo ra một bộ phim ít nhất bản thân mình phải thấy nó hay trước đã. Hãy như Ròm, “cậu bé” vốn còi cọc đã miệt mài chạy từ 8 năm trước bằng tất cả đam mê và sự quyết liệt để chứng tỏ bản thân. Chẳng ai mong bộ phim mình được “giải cứu” hết, hãy khiến người ta phải đứng lên và ra rạp. Và đây chính là thời điểm để “ra rạp”, chiến thôi!
Xem qua trailer chính thức của RÒM
Ròm đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Loạt phim Việt ra rạp trong mùa hè 2020
Trong lúc Hollywood vẫn còn "đóng băng" vì dịch bệnh, điện ảnh Việt có nhiều cơ hội để lấy lại niềm tin nơi khán giả sau quãng thời gian đầu năm để lại nhiều tiếc nuối.
Trailer Sky Tour The Movie
Sky Tour The Movie (12/6): Sơn Tùng M-TP hiện thuộc nhóm ca sĩ đình đám nhất của nền âm nhạc nước nhà. Năm 2019, anh đã tổ chức chuỗi sự kiện âm nhạc Sky Tour thành công tại TP.HCM, Đà Nẵng, và Hà Nội . Sky Tour The Movie là bộ phim tài liệu ghi lại những khoảnh khắc chuẩn bị, cũng như bùng cháy hết mình cùng người hâm mộ trên toàn quốc, của giọng ca gốc Thái Bình.
Trailer Những cô vợ hành động
Những cô vợ hành động (26/6): Fap TV là nhóm hài thành công trên mạng xã hội với nhiều clip đạt hàng triệu lượt xem. Năm nay, nhóm quyết định lấn sân lên màn ảnh rộng với Những cô vợ hành động. Phim xoay quanh cuộc sống của ba cặp vợ chồng trẻ gồm Đạt (Vinh Râu) - Hân (Phan Minh Huyền), Thái (Thái Vũ) - Vy (Mai Thúy Vy), và Tùng (Huỳnh Phương) - Thư (Phan Hoàng Kim). Sau khi kết hôn, những ông chồng vẫn quen với cuộc sống độc thân, thường ăn chơi xuyên đêm không chịu về nhà. Điều này khiến các bà vợ buộc phải "xuất chiêu" để nửa kia không đi quá giới hạn.
Trailer Bằng chứng vô hình
Bằng chứng vô hình (10/7): Bằng chứng vô hình là tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sau Thưa mẹ con đi (2019). Phim được làm lại từ Blind (2011) của điện ảnh Hàn Quốc. Tác phẩm xoay quanh Thu (Phương Anh Đào) - nhân chứng duy nhất của một vụ án mạng người hàng loạt. Nhưng do là người khiếm thị, cô không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục nhằm buộc tội hung thủ. Đồng thời, nữ nhân vật cũng dần trở thành mục tiêu của tên ác nhân máu lạnh. Bằng chứng vô hình có sự góp mặt của Phương Anh Đào, Ái Phương, Quang Tuấn.
Trailer Đỉnh mù sương
Đỉnh mù sương (24/7): Đỉnh mù sương là bộ phim hành động mới của điện ảnh Việt với sự góp mặt của nhiều tên tuổi võ thuật trong nước lẫn quốc tế. Nhân vật chính của tác phẩm là Phi do Peter Phạm thủ vai. Anh vốn được biết đến là một trong những võ sư Vịnh Xuân Quyền nổi tiếng. Ngoài ra, tác phẩm còn có sự xuất hiện của Simon Kook - người từng đối đầu với Chân Tử Đan trong Diệp Vấn 3 (2015), và đương kim vô địch Boxing châu Á 2019 Trương Đình Hoàng.
Trailer Ròm
Ròm (31/7) : Sau hành trình dài gian truân, dự án điện ảnh Ròm rốt cuộc cũng có thể ra mắt khán giả nước nhà. Tác phẩm được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn 1 6h30 (2012). Năm 2019, Ròm đã giành giải New Currents tại Liên hoan phim Quốc tế Busan. Phim xoay quanh những thân phận nghèo tại một chung cư đang chờ giải tỏa ở TP.HCM. Họ đều vướng vào những tệ nạn, đặc biệt là lô đề, với mong muốn kiếm một khoản tiền lớn để đổi đời.
Trailer Tiệc trăng máu
Tiệc trăng máu (28/8) : Tiệc trăng máu được làm lại từ Perfect Strangers (2016) của người Italy. Phim từng được nhiều quốc gia chuyển thể, trong đó phiên bản Hàn Quốc Intimate Strangers đã ra rạp tại Việt Nam hồi 2018. Trong buổi họp mặt, một nhóm bạn thân bắt đầu chơi trò chơi kỳ lạ: công khai toàn bộ tin nhắn lẫn cuộc gọi xuyên suốt bữa tiệc. Từ đây, những bí mật thầm kín và đen tối nhất của từng người dần bị hé lộ. Có thể nói, Tiệc trăng máu là dự án đầy tham vọng với sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi như Hồng Ánh, Đức Thịnh, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Thái Hòa...
Những phim Việt đã hoàn tất, chỉ chờ ngày ra rạp trong năm 2020 và Tết 2021 Nếu không có gì thay đổi, các tác phẩm phim Việt này sẽ được ra mắt vào nửa cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm nghỉ, hệ thống rạp chiếu đang lâm vào trạng thái ảm đạm do không có nhiều tác phẩm mới đặc sắc để trình chiếu phục vụ khán giả. Không...