Rolls-Royce tự chế của người Việt lên báo Tây
Rolls-Royce tự chế từ chiếc Lada đời cũ xuất hiện trên trang chuyên về xe cộ ở Rumani.
Hôm qua (24/8), trang Autoevolution có trụ sở tại Rumani đã đăng tải một bài viết về chiếc Rolls-Royce tự chế của người Việt. Xe do một xưởng cơ khí ở Bắc Giang thực hiện vào đầu năm 2015 từ chiếc Lada 2107 đã hơn 40 năm tuổi.
Chiếc Rolls-Royce tự chế sau 2 năm hoàn thiện đã xuống cấp rõ rệt.
Trang Autoevolution viết: “Chiếc xe có lưới tản nhiệt crôm khổng lồ giống như Rolls-Royce nhưng không có biểu tượng Spirit of Ecstasy, cũng có thể nó quá tinh xảo để sao chép”.
“Chúng tôi không có nhiều hình ảnh, nhưng có thể nhìn thấy khoang cabin cũng được tùy biến sang trọng hơn. Tuy nhiên, có vẻ như nó không dễ dàng với người thực hiện. Dẫu sao, chúng ta nên thể hiện lòng tôn trọng với chiếc xe vì thực tế chiếc Lada có tuổi đời đã quá cao”.
Từng gây xôn xao hồi đầu 2015, chiếc Lada đời cũ được chủ nhân mua lại giá 10 triệu đồng, và mang đi “phẫu thuật thẩm mỹ” theo phong cách Rolls-Royce Phantom với chi phí 30 triệu đồng, bao gồm làm lại ngoại hình, nội thất ốp gỗ và hệ thống điện. Phía trước có lưới tản nhiệt cỡ lớn, đèn pha chữ nhật và đèn sương mù tròn đặc trưng của Rolls-Royce Phantom.
Video đang HOT
Tuy nhiên, từ ngày hoàn thiện cách đây hơn 2 năm, chiếc xe hiếm khi xuất hiện trên đường phố. Đầu 2017, một người dân bắt gặp chiếc xe và đã chụp hình lại, cho thấy tình trạng xuống cấp rõ rệt. Phần cản trước và nhiều vị trí trên thân xe bong tróc sơn, và mất một bên gương chiếu hậu.
Phúc Cường
Theo Zing
Nơi lưu giữ siêu xe bí mật ở London
Tầng hầm của Windrush không đơn thuần là một bãi đỗ. Siêu xe ở đây được chăm sóc để luôn ở tình trạng tốt nhất, dù chủ nhân đã lâu không lái chúng ra đường.
Ở ngay trung tâm thành phố London có một hầm gửi siêu xe bí mật ít ai biết. Nơi đây được che phủ bởi những bức tường dày, nếu muốn bước vào chỉ có cách nhập đúng mật mã. Nhưng một khi cánh cửa mở ra, ngay trước mặt là một kho báu.
Tầng hầm của Windrush là nơi lưu giữ hàng trăm siêu xe ở ngay trung tâm London. Ảnh: SWNS.
Bên trong là những hàng siêu xe dài xếp ngay ngắn, chúng được che phủ bằng tấm vải màu xanh dương giống hệt nhau dưới ánh sáng trắng của bóng đèn. Nhiệt độ trong tầng hầm luôn được kiểm soát ở mức 15 độ C nhằm tạo môi trường tốt nhất cho những chiếc xe.
Danh sách siêu xe đang nằm trong tầng hầm đều là những cái tên đình đám. Đơn cử như McLaren P1, một vài chiếc Porsche 918, Koenigsegg Agera, Ferrari LaFerrari, Bugatti Veyron, Rolls-Royce, Bentley, 7 chiếc Porsche 911 GT3 RS, một loạt Aston Martin và Jaguar. Thậm chí có cả sự hiện diện của những chiếc Ferrari và Bugatti đời cổ có giá trị hàng triệu bảng Anh. Tiếc rằng, việc kéo tấm vải che phủ để nhìn thấy chúng là không được phép ở đây.
Trên thực tế, tầng hầm có tên là Windrush, nơi trông giữ những siêu xe của giới nhà giàu. Họ có thể không có chỗ gửi xe, muốn chiếc xe được an toàn, được bảo quản cẩn thận, hay thậm chí là giấu chiếc xe khỏi người vợ của mình.
Công việc kinh doanh của Windrush đang bùng nổ do lượng siêu xe tăng cao. Hiện công ty có 2 cơ sở, một ở London hiện có 300 xe và một ở Cotswolds hiện có 100 xe. Chi phí cho mỗi tháng là 480 bảng Anh ở London, và 270 bảng Anh đối với Cotswolds.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi ai đó mang chiếc siêu xe của họ đến, nhân viên của Windrush chụp hình và kiểm tra kỹ tình hình chiếc xe rồi báo lại với chủ nhân. Tiếp đến là công đoạn làm sạch nội ngoại thất và đưa chiếc xe vào vị trí đỗ trong tầng hầm. Lúc này, họ bơm lốp lên áp suất 50 psi, cắm điện sạc ắc quy và trùm vải che kín mít cho đến khi chủ nhân muốn lấy chiếc xe ra ngoài.
Với những chủ nhân bỏ bê chiếc xe quá lâu, nhân viên sẽ kiểm tra ắc quy đều đặn hàng tuần, và cứ mỗi 60 ngày lại kiểm tra dung dịch, hệ thống điện, động cơ và chạy một đoạn ngắn trong tầng hầm để chiếc xe được hoạt động.
Nhưng khi lấy xe, chủ nhân không chỉ đơn thuần đến lái xe đi. Đầu tiên, chiếc xe phải trải qua quá trình gọi là "nghi lễ khởi hành", bao gồm việc kiểm tra đèn, nội ngoại thất và một số bộ phận khác, thậm chí là cả thời hạn thuế đường bộ của chiếc xe. Nếu thiếu dù chỉ một điều kiện, Windrush sẽ làm việc đó thay cho chủ xe và toàn bộ quá trình được ghi lại bằng hình ảnh. Sau khi hoàn tất, chiếc xe mới được giao lại cho chủ nhân.
Khách hàng của Windrush đa phần là người giàu có tiền bạc, nhưng nghèo nàn về thời gian. Rất nhiều siêu xe đã ở đây từ rất lâu, ví dụ như một chiếc Jaguar XK120 chưa từng xuất hiện trở lại đường phố từ 2010. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp như vậy là do chủ nhân coi chiếc xe như một khoản đầu tư, họ biết chắc giá trị sẽ tăng theo tuổi đời của nó.
Mọi siêu xe được chăm sóc cẩn thận dù đã lâu chủ nhân của chúng chưa tới. Ảnh: Autocar.
Chủ nhân của Windrush là ông Earnshaw, người từng làm việc trong đội đua Ferrari F1. "Chúng tôi phục vụ dù chiếc xe là Ford hay Ferrari. Khách hàng của chúng tôi không có nhiều thời gian, và đa phần họ có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả để chiếc xe của họ ở trạng thái tốt nhất", ông nói.
"Tôi không hề muốn dịch vụ của Windrush đơn thuần là trông giữ xe thường thấy", Earnshaw bày tỏ. "Tôi muốn chăm sóc chúng, kiểm tra thường xuyên, thu thập và gửi chiếc xe đến chủ nhân bất cứ khi nào họ muốn".
Khách hàng của Windrush đa phần sử dụng những chiếc xe thông thường để đi lại hàng ngày, ví dụ như Volkswagen Golf. Và cứ đến tối thứ 6, họ gửi lại chiếc Golf và lấy siêu xe để tận hưởng 2 ngày cuối tuần, rồi sau đó trở lại vào đêm Chủ nhật.
Thế Anh
Theo Zing
Arabian Gazelles - câu lạc bộ siêu xe cho chị em giàu có Câu lạc bộ Arabian Gazelles là nơi quy tụ những phụ nữ thuộc giới thượng lưu, yêu thích lái và sở hữu siêu xe ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Không khó để bắt gặp siêu xe ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Thậm chí, lực lượng cảnh sát nơi đây cũng sở hữu một loạt siêu xe...