Rối ren thoái vốn nhà nước tại Xuất nhập khẩu Hưng Yên
Đã cổ phần hóa từ nhiều năm trước, nhưng đến nay các cổ đông vẫn tranh cãi về khoản chuyển nhượng 36% cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Hưng Yên tại CTCP Thương mại và tiếp vận Hưng Yên.
CTCP Xuất nhập khẩu Hưng Yên tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được hợp nhất bởi Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên và Công ty Thủ công mỹ nghệ Hưng Yên.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 17 tỷ đồng, cổ phần hóa vào năm 2005 và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 90% vốn. Doanh nghiệp có 2 công ty con và 1 công ty liên kết là Công ty Tiếp vận Hưng Yên.
Ông Hà Kim Long, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên cho biết, khi Nhà nước thoái vốn có 3 nhà đầu tư tham gia, trong đó ông Trịnh Khắc Triệu nhận chuyển nhượng 39% vốn điều lệ (lần đấu giá thứ 2). Do có sự xuất hiện các cổ đông mới, nên Công ty tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) để bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát mới.
Theo bản công bố thông tin năm 2012, Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên đang sử dụng và quản lý 5 khu đất có tổng diện tích là 20.005 m2 tại tỉnh Hưng Yên và Lào Cai để làm trụ sở, nhà kho…
Tại cuộc họp ngày 30/6/2015, Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên ban hành nghị quyết, trong đó có nội dung “trao đổi 540.000 cổ phần ký quỹ tại Công ty Tiếp vận Hưng Yên (tương ứng 36% vốn điều lệ) để lấy 540.000 cổ phần của ông Trịnh Khắc Triệu”.
Việc chuyển nhượng nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ biểu quyết 75%. Ông Hà Mạnh Cường đại diện Công ty Tiếp vận Hưng Yên ký chuyển nhượng cổ phần.
Giao dịch trên xảy ra tranh chấp trong các năm 2016, 2017. Bản án có hiệu lực pháp luật năm 2017 đã tuyên hủy một phần nghị quyết ngày 30/6/2015 liên quan đến nội dung trao đổi cổ phần. Ngày 27/7/2017, Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên đã họp ĐHCĐ thường niên để thi hành bản án.
Video đang HOT
Tranh chấp tiếp tục phát sinh khi nhóm cổ đông của Công ty Tiếp vận Hưng Yên nắm giữ 818.500 cổ phần (tương đương 54,6% vốn điều lệ) tiến hành ĐHCĐ bất thường vào ngày 2/8/2018 với nội dung bãi nhiệm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cũ để bầu mới.
Nhóm cổ đông này cho rằng, lãnh đạo đương nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ dẫn đến kinh doanh thua lỗ nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
Nhóm cổ đông khởi kiện ra tòa án yêu cầu công nhận nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 2/8/2018. Đồng thời yêu cầu Hội đồng quản trị cũ bàn giao tài sản, con dấu, sổ sách kế toán của Công ty. Năm 2019, tòa sơ thẩm đã chấp thuận yêu cầu của nhóm cổ đông.
Các bị đơn là ông Hà Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Tiếp vận Hưng Yên) và ông Hà Kim Long (Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên) kháng cáo bản án trên. Các bị đơn cho rằng, việc triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường ngày 2/8/2018 không đúng trình tự, ông Cường là cổ đông nhưng không được mời họp…
Luật sư Lê Trọng Thêm nhận định, nguyên đơn không có tư cách khởi kiện. Danh sách cổ đông của Công ty Tiếp vận Hưng Yên không ghi nhận Công ty Xuất nhập khẩu Hưng Yên là cổ đông.
Hiện nay, không có phán quyết nào khẳng định giao dịch chuyển nhượng giữa ông Hà Mạnh Cường và ông Trịnh Khắc Triệu là vô hiệu. Hai bên đã hoàn tất việc chuyển nhượng, ông Cường mới là cổ đông công ty.
Mặt khác, danh sách họp ĐHCĐ bất thường được lập không dựa trên căn cứ sổ đăng ký cổ đông… Do vi phạm trình tự, thủ tục, nên nghị quyết ngày 2/8/2018 không có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, mới đây, khi giải quyết theo trình tự phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, trình tự và thủ tục họp ĐHCĐ bất thường là đúng quy định. Nhóm cổ đông nắm giữ 54,6% vốn Công ty Tiếp vận Hưng Yên đã yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cũ tổ chức ĐHCĐ, nhưng bất thành.
Điều 114 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền triệu tập ĐHCĐ. Nghị quyết ngày 2/8/2018 được ban hành và không bị khiếu nại, khiếu kiện, nên hết thời hạn 90 ngày đương nhiên có hiệu lực thi hành.
Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT): Kiện tụng chưa dứt, khó khăn kéo dài
Liên quan tới vụ kiện tại CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã STT), mới đây, cổ đông Nguyễn Văn Hồng - người nắm giữ 21,8% vốn, đã gửi đơn kháng cáo về quyết định không mở thủ tục phá sản đối với STT của tòa án.
Trước đó, cổ đông lớn này đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với STT khi cho rằng Công ty hoạt động không hiệu quả, dẫn tới thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán. Căn cứ vào Luật Phá sản, Tòa án nhân dân TP.HCM đã thụ lý yêu cầu này. Nhưng sau đó (ngày 22/6/2020), tòa ra quyết định không mở thủ tục phá sản vì xét thấy STT chưa mất khả năng thanh toán.
Vì thế, ông Hồng có đơn đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xem xét lại quyết định trên. Đơn của ông Hồng đề cập đến khoản lỗ lũy kế 93 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ; công nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 32 tỷ đồng. Nội dung đơn còn cho biết, phía yêu cầu đã cung cấp tài liệu chứng minh STT không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong 3 tháng kể từ ngày đến hạn...
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2019, tính đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn của STT là 32,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 13,2 tỷ đồng do có nợ phải trả lớn hơn, đạt 45,9 tỷ đồng. STT có tổng tài sản là 32,7 tỷ đồng, bao gồm 14,5 tỷ đồng tài sản cố định; 8,5 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang; 6,3 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn; 1,6 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn ngắn.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính, STT ghi nhận phải trả người bán 2,7 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 13,6 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác 16,8 tỷ đồng; doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 3,2 tỷ đồng; vay ngắn hạn và dài hạn là 5,8 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ này là 42,1 tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản. Ngoài ra, STT còn phải trích lập dự phòng 30,9 tỷ đồng do có các khoản phải thu lớn, trong đó có khoản phải thu khác ghi giá gốc là 33,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ khi chưa nhận được các biên bản xác nhận nợ phải thu khách hàng ngắn hạn (9,6 tỷ đồng), phải thu ngắn hạn khác (30,2 tỷ đồng) và phải thu về cho vay dài hạn (5,8 tỷ đồng) tại thời điểm phát hành tại báo cáo tài chính kiểm toán 2019.
Được biết, năm 2013, Nhà nước đã thoái hết vốn tại STT. Tại ĐHCĐ thường niên 2014, STT "trình làng" nhóm cổ đông lớn người Nhật với gương mặt đại diện là ông Kakazu Shogo. HĐQT STT có 3 thành viên người Nhật và 2 thành viên người Việt, ông Kakazu Shogo kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc Công ty.
Quá trình điều hành doanh nghiệp, giữa 2 nhóm cổ đông lớn Việt - Nhật xuất hiện những bất đồng dẫn đến kiện tụng. Phía cổ đông người Việt, ông Nguyễn Văn Hồng khởi kiện ông Kakazu Shogo yêu cầu bồi thường trách nhiệm người quản lý, khởi kiện về việc ngăn cản Ban Kiểm soát thực hiện nhiệm vụ. Ông Hồng cũng đệ đơn khởi kiện các thành viên lãnh đạo người Nhật yêu cầu bồi thường hơn 42 tỷ đồng vì thanh lý tài sản trái luật.
Đáng chú ý, vào tháng 11/2014, tức ngay sau khi nhóm cổ đông Nhật tham gia điều hành, STT đã ký hợp đồng "chuyển nhượng lợi thế kinh doanh" khu đất số 25 Pasteur, quận I, TP.HCM (trụ sở cũ) cho ông H.Tomiya (quốc tịch Nhật Bản) với giá 15 tỷ đồng. Sau đó, STT chuyển trụ sở về một tòa nhà khác và bỏ trống trụ sở cũ.
Tháng 7/2017, STT đã thanh lý hợp đồng chuyển nhượng với ông H.Tomiya. Tuy nhiên, sự việc theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là chuyển nhượng trái phép và kiến nghị lập thủ tục thu hồi.
Ở phía bên kia, ông Kakazu Shogo cũng khởi kiện nguyên Tổng giám đốc STT giai đoạn trước năm 2014 để đòi bồi thường gần 3 tỷ đồng. Nhóm cổ đông Nhật cho rằng, STT chịu tổn thất do hậu quả của hệ thống điều hành cũ và lợi ích nhóm.
Cùng với đó, các cuộc họp HĐQT của STT nhiều lần bất thành do các cổ đông lớn người Việt bỏ phiếu phản đối. Tại các kỳ đại hội, các cổ đông này cũng phủ quyết các tờ trình.
Từ khoảng cuối năm 2019, ông Kakazu Shogo bắt đầu thoái vốn. Ghi nhận từ báo cáo tài chính năm 2020, ông Hồng nắm trên 21% vốn và Tổng giám đốc Kakazu Shogo còn sở hữu 3,93%. Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư Upraise nắm giữ 22,8%; Công ty TNHH Du lịch Thủy Thiên Tấn nắm giữ 12%.
Vào ngày 23/5/2020, STT đã tổ chức ĐHCĐ thường niên. Với quy chế bầu cử có quy định người trúng cử phải đạt tỷ lệ từ 65% trở lên, không ứng viên nào đạt được yêu cầu này. Việc bầu HĐQT, Ban Kiểm soát mới cho nhiệm kỳ 2020-2025 đã thất bại và STT tiếp tục được điều hành bởi ban lãnh đạo cũ với cơ cấu 3 người Nhật và 2 người Việt.
Thực tế, mâu thuẫn nội bộ cổ đông đã kéo dài nhiều năm, nếu không có một phương án giải quyết hài hòa, rất khó để STT có thể cải thiện tình hình hiện tại.
STT tiền thân là đội xe vận chuyển du lịch của Công ty Du lịch TP.HCM (Saigon Tourist), được tiếp quản từ tháng 7/1976. Lĩnh vực kinh doanh chính của STT là taxi với thương hiệu vang bóng một thời Taxi Saigontourist. STT cũng cung cấp dịch vụ bảo vệ, đào tạo. Năm 2004, STT tiến hành cổ phần hóa, sau đó tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng và giữ nguyên mức vốn này cho tới nay.
STT từng giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE, nhưng do thua lỗ nhiều năm liên tiếp dẫn tới âm vốn chủ sở hữu nên bị hủy niêm yết buộc và chuyển sang giao dịch trên thị trường UCPoM.
Bác sĩ TQ được tuyên vô tội trong vụ sản phụ tử vong 8 năm trước Một bác sĩ Trung Quốc được tuyên vô tội trong vụ án liên quan đến cái chết của một sản phụ 8 năm trước, sự việc từng gây phẫn nộ trong giới nhân viên y tế. Tòa án Nhân dân Trung cấp Phúc Châu, ở tỉnh Phúc Kiến, đầu tháng này đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên bố bác sĩ khoa sản...