Rơi nước mắt cảnh cha bị ung thư từ bỏ điều trị để nhường hi vọng sống cho con trai 11 tuổi
Biết tin con trai 11 tuổi bị mắc bệnh ung thư giáp dạng tủy, người cha cũng đang lâm bạo bệnh quyết định dừng điều trị để dành tiền cứu con.
Đó là hoàn cảnh ngặt nghèo của cha con bé Huỳnh Hoài Sang (11 tuổi) và anh Huỳnh Văn Lết (39 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Từ khi phát hiện bản thân bị ung thư giáp và đa u nội tiết hơn một năm trước, anh Lết đã phải liên tục di chuyển bệnh viện (BV), từ tuyến huyện đến tỉnh rồi đến TP.HCM để điều trị.
Tháng 7/2019, tại BV Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM, bác sĩ nghi ngờ căn bệnh ung thư của anh có yếu tố di truyền, đề nghị anh đưa con trai đến bệnh viện để tầm soát.
BV ĐHYD TP.HCM, nơi đang điều trị cho hai cha con anh Lết và bé Sang.
Bất hạnh ập đến với người đàn ông làm nghề biển khi biết tin cậu con trai 11 tuổi của mình cũng mắc bệnh ung thư giáp dạng tủy.
“Nếu biết trước gia đình chúng tôi như vầy, thì tôi đâu có sinh con để cho nó cùng chịu khổ.”- bằng giọng nghẹn ngào, anh Lết kể hoàn cảnh gia đình mình.
Căn bệnh ung thư có yếu tố di truyền quái ác không chỉ tước đoạt sự sống của hai người chị gái, khiến anh trai anh vất vả ngược xuôi để điều trị, giờ đây nó còn khiến anh và cậu con trai nhỏ phải cùng đối mặt với bệnh tật.
Kể từ ngày phát hiện bệnh, bé Sang nhập viện tại khoa Tai Mũi Họng, BV ĐHYD TPHCM để thực hiện cuộc phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo vét hạch cổ khoang giữa và khoang bên phải.
Ngày 20/11, em nhập viện một lần nữa để nạo hạch cổ 2 bên đã bị di căn.
Video đang HOT
Trong khi đó, khối u trung thất ác tính khiến anh Lết không thể đi biển để kiếm tiền chữa bệnh nữa.
Cảnh nghèo đeo bám dai dẳng, toàn bộ số tiền tích cóp, vay mượn bao năm qua đã dành hết cho việc điều trị của hai cha con, giờ đây, gánh nặng kinh tế dồn ép lên đôi vai của người vợ.
“Bả thấy con bệnh, ráng về quê nhận đan thêm lưới, nhưng tiền cũng không thấm vô đâu” – anh Lết ngậm ngùi.
Quá túng quẫn, người cha quyết định ngừng điều trị để dồn hết hi vọng sống cho đứa con trai bé bỏng.
Anh Lết mong dừng điều trị dể dồn cơ hội sống cho con.
ThS.BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu của BV thông tin, khối u trung thất gây chèn ép đường thở anh Lết, bắt buộc phải phẫu thuật. Nếu không loại bỏ khối u để giải phóng chèn ép sẽ dẫn đến người bệnh bị ngộp thở, suy hô hấp.
Đại diện phòng Công tác xã hội của BV cho biết đang tìm cách để hỗ trợ viện phí cho cả hai cha con cùng chữa bệnh. Chặng đường đấu tranh với bệnh tật của cha con anh còn dài, mong cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ gia đình anh Lết vượt qua cơn hiểm nghèo.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả cho hoàn cảnh của gia đình anh Lết xin gửi về:
Tên tài khoản: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Số tài khoản: 0511000787878
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Sài Thành, TPHCM
Nội dung: Hỗ trợ người bệnh Huỳnh Văn Lết
Hoặc liên hệ trực tiếp với Chị Huỳnh Thị Phương Linh, Phòng Công tác xã hội. Điện thoại: 028 3952 5422.
Theo Helino
Ung thư gan - Mối nguy tiềm ẩn
Ung thư gan (UTG) được đánh giá là bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay cũng như nhiều nước trên thế giới, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày.
Bệnh thường xuất hiện trên nền gan xơ có nguyên nhân do virus viêm gan B, virus viêm gan C, nghiện rượu... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh mới phát hiện UTG tương đương với tỷ lệ tử vong vì đa số các trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn quá muộn, người bệnh ít có cơ hội được điều trị hiệu quả.
Biết bệnh khi quá trễ
Tại khu điều trị bệnh nhân viêm gan, UTG ở Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM luôn đông nghẹt người bệnh với nhiều trường hợp nhập viện điều trị muộn, có nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Nằm mệt mỏi tại giường bệnh, ông Trần Văn Chính (63 tuổi, ngụ quận 7) cho biết, trước khi được phát hiện UTG, ông Chính có biểu hiện đau tức hạ sườn phải và sút cân nên đã đến BV Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ đang thăm khám, động viên bệnh nhân ung thư gan
Sau khi khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm gan mật đã phát hiện khối u gan phải kích thước 40mm. Sinh thiết u gan chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tế bào gan trên nền gan xơ. "Cách đây mấy năm tôi lây virus viêm gan B từ vợ, do không chủ động phòng ngừa và điều trị nên giờ ra nông nỗi này. Giờ thì phải ráng thôi, chứ biết sao được", ông Chính buồn bã nói.
Cũng phát hiện bệnh khi đã quá muộn, ông Nguyễn Văn Kiên (56 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) được chẩn đoán bị xơ gan do rượu. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, các bác sĩ phát hiện trong gan của ông Kiên có một khối u bất thường khoảng 1cm. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm AFP, chụp CT scan, các bác sĩ xác định đây là khối u ác tính. Hiện ông Kiên phải thực hiện phương pháp dùng sóng cao tần phá hủy khối u.
Theo PGS-TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Đại học Y Dược TPHCM), hàng năm, BV này tiếp nhận điều trị cho gần 2.000 trường hợp UTG. Thông thường, đối với các trường hợp bệnh nặng, ở giai đoạn cuối có nhiều biến chứng, người bệnh chỉ có thể sống không quá 3 tháng, cho nên người bệnh thường không quan tâm việc đi khám bệnh hoặc không hề biết mình đã mắc bệnh, đến khi bắt đầu có các triệu chứng như ăn uống kém, sụt cân, đau tức vùng dưới sườn phải, vàng mắt, phù chân, bụng to... thì đã quá muộn", PGS-TS Bùi Hữu Hoàng cho hay.
Tầm soát, phòng ngừa sớm
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, việc điều trị UTG chỉ là nâng đỡ thể trạng, giảm đau đớn cho người bệnh. Do vậy, vai trò của việc tầm soát sớm UTG là rất quan trọng, càng phát hiện sớm thì người bệnh càng có cơ hội điều trị hiệu quả và triệt để hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa của việc phải có chiến lược tầm soát UTG nhằm phát hiện sớm để có thể điều trị bệnh một cách triệt để, kéo dài sự sống cho người bệnh. Việc tầm soát UTG cần được thực hiện tập trung vào những đối tượng có nguy cơ mắc UTG cao, đặc biệt là người bệnh viêm gan mạn tính do virus (viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C) và người bệnh bị xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2018, số ca UTG được phát hiện mới trên thế giới là 841.080 ca, trong đó tại Đông Nam Á là 89.010 ca và riêng tại Việt Nam là 25.335 ca. Tỷ lệ tử vong do UTG phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phát hiện trong giai đoạn trễ, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khác nhau ở mỗi khu vực. Độ tuổi mắc UTG tập trung ở lứa tuổi 50 - 60 tuổi, với tỷ lệ nam/nữ là 3 - 4/1.
Các chuyên gia y tế cho biết, nước ta có tỷ lệ nhiễm siêu vi viêm gan B rất cao, chiếm hơn 10% dân số. Do vậy, những đối tượng dễ mắc UTG bao gồm người bệnh viêm gan siêu vi B và C mạn tính, xơ gan cần được theo dõi, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần, thực hiện siêu âm bụng, các xét nghiệm phát hiện UTG như AFP, PIVKAII... Khi phát hiện có khối u bất thường trong gan, người bệnh phải được kiểm chứng chính xác bằng phương pháp chụp X-quang cắt lớp điện toán (CT scan), cộng hưởng từ (MRI) hoặc sinh thiết gan...
PGS-TS Bùi Hữu Hoàng cho rằng, trên thực tế, qua việc tầm soát UTG sớm các bác sĩ có thể phát hiện kịp thời khối ung thư mới xuất hiện, nhờ vậy có thể áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả, triệt để cho người bệnh như: phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị ung thư, dùng nhiệt, sóng cao tần phá hủy khối u, nút tắc mạch máu nuôi khối u, hoặc ghép gan...
"Đối với những người chưa mắc bệnh viêm gan siêu vi B thì nên đi chủng ngừa, khi đã có kháng thể bảo vệ thì khả năng ung thư rất thấp. Còn đối với người đã mắc các bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan, việc tầm soát là hết sức quan trọng, giúp phát hiện kịp thời và điều trị triệt để UTG. Bên cạnh đó, người dân cần ý thức đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa trị tốt bệnh gan, nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, không để thừa cân béo phì để bảo vệ tốt lá gan của mình trước các nguy cơ dẫn tới ung thư gan", PGS-TS Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo.
THÀNH AN
Theo SGGP
Cách nhận biết sớm bệnh viêm khớp dạng thấp Viêm khớp dạng thấp hiện là bệnh thường gặp ở nữ giới từ 30-60 tuổi, ở nam giới thường khởi phát muộn hơn. Bệnh gây ra những cơn đau, sưng, nóng khớp, nếu không điều trị sớm có thể biến dạng, phá hủy khớp,... và tàn phế. Các biến chứng do viêm khớp dạng thấp - BVCC Chủ quan không khám, biến chứng...