Rời Hà Nội về vùng cao, chàng trai tìm thấy cuộc sống như mơ giữa đại ngàn cực bắc
Từ bỏ công việc lương tháng hàng chục triệu ở Thủ đô, vợ chồng Dư đưa các con về vùng cao sinh sống. Ở đây, anh tìm thấy cuộc sống như mơ mà lâu nay vẫn thầm mơ ước.
Nằm bên bờ suối giữa đại ngàn, Dư nhẩm tính lại mình đã rời Thủ đô về vùng cao được hơn 9 tháng…
Sau 9 tháng rời bỏ Hà Nội về với mảnh đất Hà Giang để sinh sống. Phạm Xuân Dư đã thích nghi được công việc lao động chân tay để cùng gia đình ổn định nơi vùng đất mới.
Có lẽ đối với Dư – Hà Giang mới chính là nơi anh ấy thuộc về. Từ một người đã sống và làm việc ở Hà Nội từ nhỏ, bây giờ Dư đã xác định cùng gia đình định cư hẳn tại mảnh đất này.
Sau những ngày làm việc tại nhà, cuối tuần là Dư lại dành cho mình những khoảng thời gian riêng để đắm chìm vào cảnh vật núi rừng cực bắc. Anh chuẩn bị mọi dụng cụ để đi cắm trại: Lều trại, bếp ga mini, túi ngủ, lương thực cùng nước uống để chuẩn bị cho ngày cắm trại xuyên đêm của mình.
Mộc mạc vùng cao níu giữ cả tâm hồn
Những nơi đi tới có khi là cánh rừng nguyên sơ ở tận sâu trong những bản hẻo lánh. Có lúc thì ven bờ suối nơi mà không phủ sóng điện thoại. Nhiều khi Dư còn được tham dự những lễ cưới thật độc đáo của những dân tộc bản địa ở đây khi đang đi cắm trại một mình.
Dư không biết tại sao mình lại có sở thích như thế? Đơn giản có lẽ đó là sự tò mò, muốn khám phá bản thân cũng như tình cảm của Dư giành cho con người và thiên nhiên nơi đây.
Vợ Dư – chị Hậu hiểu được tính cách và sở thích của chồng mình chị cố gắng tạo điều kiện hết sức để anh có những chuyến đi như thế. Mỗi lần đi xa nhà chị đều dặn dò và chuẩn bị thuốc men cũng như lương thực chu đáo và đầy đủ để chuyến đi được đảm bảo an toàn nhất.
Và cũng không quên dặn anh mỗi khi cắm trại ở đâu phải báo địa điểm cho mình được biết để yên tâm hơn. Mỗi chuyến đi của chồng, Hậu thường hay liên lạc hỏi han qua tin nhắn hoặc gọi điện. Có những nơi Dư đến vì không có sóng điện thoại khiến cô rất lo lắng. Nhưng khi thấy cậu ấy trở về với nụ cười thật tươi cô cảm thấy mọi lo âu đều tan biến.
“Mỗi chuyến đi của mình ba lô được sắp xếp rất gọn gàng ngăn nắp. Mỗi khi hạ trại mình cần tính toán những dụng cụ gì cần lấy ra trước cho thuận tiện. Tính ra trọng lượng mỗi chuyến đi trung bình từ 25-30kg cho nên sức khỏe rất quan trọng vì có những nơi xe máy không thể đi được, mình phải đi bộ vượt qua rừng, qua suối, leo núi…” Dư tâm sự
Dư nói một trong những kỷ niệm đáng nhớ của mình, đó chính là ngày đầu tiên khi đi bắt đầu cuộc hành trình cắm trại của mình. Cậu ấy đến đó là dòng suối cạn khá lớn tại Cao Bồ, Vị Xuyên, Hà Giang.
Hôm đó Dư bắt đầu đi là 13h chiều, thời tiết nắng đẹp. Băng qua những ngọn đồi, những cánh rừng rậm xung quanh chỉ toàn mầu xanh với những thân cây khá lớn. Không khí thật trong lành, những tia nắng xuyên qua khẽ lá cùng với những tiếng chim hót khiến cậu ấy rất hứng khởi.
Đến nơi là lúc 15h, Dư thấy ngoài giữa dòng suối cạn có bãi đất và sỏi rất cao và không gian để cắm trại rất phù hợp. Nhưng cậu cũng băn khoăn vì lo sợ có lũ quét nên đi tìm những người dân ở đây để hỏi xem ở đó cắm trại có an toàn không.
Vì đây là nơi ít người dân ở, Dư phải mất hơn 30 phút mới thấy một chị dân tộc khoảng 40 tuổi có chăn trâu và hỏi chị về sự nguy hiểm ở đây. Chị có nói nếu mưa thật lớn thì nước mới dâng cao thôi chứ bình thường thì nước không đến chỗ đó được.
Video đang HOT
Khá yên tâm vì hôm nay xem thời tiết khá thuận lợi không hề có mưa. Thế là Dư quyết định hạ trại tại đó. Nắng và gió thời điểm này rất đẹp và mát. Khi hạ trại gần xong thì bất chợt cơn giông và mưa rất lớn kéo tới. Lúc này tâm trạng rất bối rối, kèm chút lo sợ.
Một tay vừa giữ lều khỏi gió thổi bay vì chưa kịp cố định, một tay thì giữ chiếc ba lô nhỏ trong đó có điện thoại, máy ảnh, đèn pin, sạc dự phòng… để ôm vào người để khỏi bị ướt tránh bị hỏng.
Lúc đó cậu ấy lo lắng vô cùng vì mình đang ở giữa dòng suối chỉ tiếng mưa, tiếng gió thổi và âm thanh rất lớn do nước ở con suối đang chảy và dồn rất mạnh. Trong đầu Dư nghĩ trường hợp bất đắc dĩ là bỏ của chạy lấy người để thoát thân đảm bảo an toàn. Nhớ lại lúc này đến giờ Dư vẫn thấy hơi sợ và nghĩ mình cũng rất gan lì.
May thay trong lúc đang cắm trại thì gây sự tò mò cho các bạn nhỏ đang chăn trâu gần đó. Các bạn theo cậu ấy từ bên bờ suối. Nhìn thấy Dư chống chọi với cơn mưa giông, các bạn hét lên thật lớn bằng tiếng dân tộc báo hiệu cho cậu sự nguy hiểm sắp tới.
Dư đành phải thu lều trại của mình sang địa điểm khác an toàn hơn. Cậu chuyển đồ của mình sang bờ suối bên kia để tránh lũ về bất ngờ. Tuy là người trưởng thành nhưng khi lội qua dòng suối chảy xiết phải đi rất chậm rãi từng bước một.
Hôm đó cậu ấy vẫn quyết hạ trại ở lại, đêm nghe tiếng mưa rơi rồi cậu ngủ lúc nào không hay.
Thả hồn vào với những ánh bình minh và hoàng hôn nơi cực bắc
Sáng sớm bình minh đón cậu bên dòng suối, không khí thật trong lành sau cơn mưa ngày hôm trước.
Ngồi nhâm nhi tách trà ở một nơi thật tuyệt như này rất thư giãn. Cậu nhắm mắt thả hồn nghe tiếng núi rừng, tiếng muôn loài gọi nhau sớm bình bình. Ở nơi đó, những giọt mưa còn đọng trên lá soi mình qua tia nắng ban mai lung linh như những sắc cầu vồng.
Những đứa trẻ chăn trâu hôm trước đang hò nhau và ra chơi cùng với Dư. Cậu nói chuyện cùng tụi nhỏ, cùng nhau ăn mỳ gói và những miếng lương khô mang đi cùng. Lũ trẻ trên này chắc cũng lạ lắm khi thấy có mình Dư cắm trại nơi này chứ không đi từng đoàn như tụi nó vẫn thường hay gặp.
Theo chân tụi nhỏ đến dòng thác nằm sâu trong rừng già, Dư leo dốc cao và đường mòn bị phủ kín bởi cây của rừng nhiệt đới. Nơi có dòng suối chảy qua, cả nhóm nhanh nhảu bắt được toàn con cua đá lớn có con to hơn bàn tay của người trưởng thành.
Vừa đi vừa được học thêm tiếng dân tộc và được khám phá những nơi thật đẹp chưa từng bị thương mại hóa càng làm cho Dư muốn có được nhiều chuyến đi thú vị như này nữa.
Trở về lều khi trời đã chạng vạng tối, Cậu lại lắng mình nghe những tiếng chim rừng rủ nhau về tổ, tiếng muông thú gọi bầy… Bên đống lửa giữa đêm tĩnh mịch, Dư tìm thấy cho mình những giá trị sống mà suốt bao năm qua cậu không thể có được ở nơi thủ đô ồn ào và náo nhiệt.
Nhưng cái quan trọng nhất cậu tìm kiếm được đó là giá trị cuộc sống qua những người dân bản – những tình cảm người với người của đồng bào dân tộc nơi vùng cao. Chỉ cần đi ngang qua môt đám cưới, bạn sẽ được mời vào như một vị khách quý, lạc đường bạn sẽ được cho miếng ăn và nơi ngủ. Tuy còn nghèo nhưng tình cảm của đồng bào nơi đây thì giàu không kém bất cứ ở đâu.
“Đó niềm vui được đi cắm trại đơn giản lắm! Được khám phá khả năng bản thân, được hòa mình cùng thiên nhiên. Được ngủ giữa những cơn mưa rừng, nghe những âm thanh côn trùng và thú rừng nó thích lắm. Sáng sớm được mây lùa vào tận lều, nghe tiếng chim rừng báo thức. Được gặp gỡ bà con dân bản. Cảm giác mọi thứ thật nhẹ nhàng thanh bình cuộc sống trở lên tươi đẹp biết bao.”
Những khoảng thời gian cuối tuần đã hết, Dư lại gói ghém đồ đạc, thu dọn lều rồi dành tặng tụi nhỏ một vài gói kẹo – chào tạm biệt, cậu lại quay trở lại với cuộc sống thường nhật cùng gia đình ở nơi đây.
Dư bảo, khi con người ta đã quá quen thuộc với bộn bề cao ốc, khói bụi xe cộ… thì trong sâu thẳm trong thâm tâm đều mong muốn được về với thiên nhiên – một nơi không có khói bụi, ồn ào mà chỉ có ánh nắng ban mai rọi xuống chồi non đang hé mở, giọt sương đêm còn đọng lại trên mặt lá long lanh, gió vi vu thổi nhẹ trong lành khiến tâm hồn ta như được buông bỏ muộn phiền, đem đến cảm giác bình yên đến lạ!
Sau mỗi mỗi chuyến đi, bạn sẽ biết thêm điều gì đó mà đọc trên sách báo cũng khó cảm nhận hết được. Tuyệt vời nhất: “Nụ cười vùng cao hồn nhiên như chính nét giản dị vốn có từ những người con của núi”.
Chàng trai không chân lên mạng nhờ tìm việc: Từng mơ ước làm IT, nuối tiếc vì nghỉ học sớm
Từng vì sự mặc cảm, mất phương hướng mà đánh mất nhiều cơ hội, Tâm tự nhủ lần này sẽ nỗ lực, trân trọng những điều may mắn đến với mình.
Học hết cấp 2 thì bỏ dở vì mặc cảm
"Em bị mất 2 chân đến đầu gối, nhưng em vẫn đi lại, hoạt động, bưng bê nặng như người bình thường. Em chạy xe máy có thể chở nhiều đồ, mong mọi người có ai tuyển cho em xin một chân ship hoặc có ai có công việc gì thì cho em đi làm trang trải cuộc sống với ạ. Em thật sự rất muốn đi làm", dòng chia sẻ của chàng trai trẻ Nguyễn Minh Tâm (SN 1996, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) đã khiến nhiều người vô cùng xúc động.
Tâm lớn lên trong một gia đình có 3 anh em trai, cậu là lớn. Bố mẹ cậu vất vả, làm nghề vác gạch thuê trang trải cuộc sống. Bố mẹ và hai người em trai của Tâm đều khỏe mạnh, lành lặn, còn cậu không may bị dị tật bẩm sinh.
Tâm mong muốn tìm được một công việc phù hợp, ổn định trong tương lai.
Chàng trai được nghe kể lại rằng, ngày Tâm chào đời, cả gia đình đã giấu mẹ cậu suốt một tuần. Khi biết con bị khuyết tật, mẹ Tâm rất sốc. Bố Tâm vốn ít nói nên ông chọn im lặng. Gia cảnh nhà Tâm thuộc hàng trung bình, dưới Tâm có một em trai sinh năm 2000 đã đi làm, cậu em út đang học lớp 5.
" Điều khiến em tiếc nuối nhất là em đã bỏ học", Tâm trầm ngâm nói. Cậu từng là một học sinh có lực học giỏi, được nguyên phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng bằng khen. Ngày còn đi học, bạn bè rất quý mến, đối xử tốt, không kỳ thị Tâm. Tuy nhiên, chính bản thân cậu lại luôn luôn cảm thấy tủi thân, mặc cảm, không có mục tiêu, mất định hướng tương lai.
Hết cấp 2, Tâm quyết định nghỉ học để đi học làm nghề mộc. Công việc này cho Tâm thu nhập tương đối tốt, khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng. Dẫu vậy, nghề mộc tương đối vất vả, hay phải bê máy móc nặng. Đi làm về là Tâm thấy mệt mỏi, hay bị đau lưng. Làm mộc khoảng 10 năm thì Tâm nghỉ việc, lên Hà Nội đi làm.
Tâm ngày nhỏ, cậu bé khôi ngô từng có lực học giỏi.
"Em lên Hà Nội không có người thân, người quen nào cả. Có câu chuyện là em từng nhận được thư của một cô tên là Trang. Thông qua một trung tâm người khuyết tật, cô biết được hoàn cảnh của em nên đã gửi thư, sách, quà và động viên em rất nhiều trong cuộc sống. Những dòng thư của cô đã cho em nhiều động lực để cố gắng, song em lại không làm được những điều như kỳ vọng của cô. Em rất hối hận vì điều đó.
Thế nên khi quyết định lên Hà Nội, mục tiêu đầu tiên của em là để kiếm sống. Và thứ hai là em muốn thay đổi bản thân, trải nghiệm sự khắc nghiệt của xã hội để trưởng thành hơn, để quyết tâm vươn lên. Tiếc là sau này em cũng đã mất liên lạc với cô Trang, viết thư cho cô mà không nhận được hồi âm, đi tìm cũng không có tin tức gì", Tâm bộc bạch.
Công việc đầu tiên của Tâm khi lên Hà Nội là đi bán hàng rong. Hàng ngày, cậu ngồi trên xe lăn, đi bán ở nhiều tuyến phố, phố đi bộ. Tâm thuê trọ ở Hà Nội với mức chi phí là 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được, cậu cố gắng chi trả sinh hoạt phí, đồng thời tiết kiệm một khoản nhỏ để phòng thân.
Những bức thư của một người phụ nữ tên Trang đã giúp Tâm có thêm động lực. Nhưng sự mặc cảm, mất định hướng đã khiến Tâm không thực hiện được ước mơ, dự định của mình.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Tâm mắc kẹt lại ở Hà Nội, không thể đi làm và không có thu nhập, cuộc sống của cậu vô cùng khó khăn. Nhưng may mắn, cậu được nhiều người giúp đỡ, cho đồ ăn, tiền bạc để trang trải.
Hết dịch, Tâm xin đi làm tại một quán game. Công việc trông quán game từ sáng đến tối cho Tâm mức thu nhập là 5 triệu đồng. Chủ quán tạo điều kiện cho cậu ngủ tại quán nên Tâm đỡ được tiền thuê trọ. Chàng trai nhỏ nhắn với đôi chân không lành lặn nhưng rất nhanh nhẹn, cậu vẫn phục vụ nước uống cho khách, quét dọn quán như bình thường.
Hết giờ làm ở quán game, Tâm tranh thủ ăn uống, tắm rửa rồi đi chạy ship thêm bằng chiếc xe máy 3 bánh. Cuối tuần được nghỉ sớm, Tâm lại lên phố đi bộ bán hàng rong. Khi đi lại, Tâm chỉ dùng tất để xỏ vào chân thay vì đi giày vì như vậy sẽ thoải mái hơn, thỉnh thoảng nếu đi vào đường có đá, sỏi thì chân hơi đau. Trước đây Tâm có dùng chân giả nhưng hiện tại đôi chân giả đã hỏng.
Chỉ mong có công việc ổn định, không xin hỗ trợ tiền bạc
Nhận thấy những công việc hiện tại đều không thể làm lâu dài, nên Tâm mong muốn tìm được một công việc ổn định hơn, tìm hướng phát triển khác. Khi bài đăng nhờ tìm việc của Tâm được chia sẻ trên mạng xã hội, chàng trai trẻ đã nhận được hàng trăm cuộc gọi, rất nhiều người ngỏ ý muốn giúp đỡ Tâm.
Trước đây Tâm sử dụng chân giả để đi lại nhưng hiện tại đôi chân giả này đã hỏng.
"Mọi thứ đến quá nhanh, em thực sự không ngờ tới, ngỡ ngàng. Hiện tại em đã xin nghỉ và chỉ làm ở quán game đến ngày 10/7. Em đang nghiêm túc suy nghĩ về những sự lựa chọn như: Làm Marketing, Telesale,... Nhiều người cũng muốn đầu tư cho em đi học làm phim hoạt hình 2D, 3D, photoshop. Em sẽ vừa đi học, vừa đi làm, học đến khi nào làm được thì người ra sẽ tuyển vào công ty để làm. Em từng rất thích công việc liên quan đến công nghệ thông tin, máy tính nhưng chưa có cơ hội được học, cơ hội lần này thực sự quá tốt với em", Tâm chia sẻ thêm.
Khi được hỏi về chuyện tình cảm, Tâm có chút ngượng ngùng. Cậu cũng đã từng có mối tình kéo dài 4-5 năm với một cô gái bình thường, ở cùng quê. Tuy nhiên, chuyện tình cảm sau đó đã bị phía nhà bạn gái phản đối. Tâm rất hiểu suy nghĩ của người lớn nên cũng không nghĩ ngợi nhiều.
Sau bài đăng tìm việc, Tâm nhận được nhiều sự hỗ trợ. Cậu tâm sự sẽ không bỏ qua những cơ hội lần này.
Tâm thổ lộ, hiện cậu đang tìm hiểu một cô gái, là giáo viên mầm non. Cả hai chưa chính thức hẹn hò nhưng cũng đang có những tín hiệu tốt. Tình yêu cho Tâm cảm giác yêu đời, năng lượng tích cực và động lực để phấn đấu. Tâm bảo, nếu sau này trong bất cứ chuyện tình cảm nào, với ai, nếu bị phản đối cậu cũng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc nữa. Thay vào đó, Tâm sẽ cố gắng để cho người lớn thấy được sự nỗ lực của bản thân, để phụ huynh thấy rằng cậu có thể che chở được cho con gái của họ.
Nói là vậy nhưng Tâm vẫn còn rất nhiều trăn trở. Mỗi ngày, cậu đều nỗ lực làm việc để kiếm tiền, không cho bản thân có thời gian rảnh bởi mỗi khi rảnh rỗi, Tâm lại suy nghĩ nhiều về tương lai.
" Em lo lắng không biết cuộc sống sau này của mình sẽ thế nào, bố mẹ và các em ra sao, rồi tình yêu của mình sẽ đi về đâu, mình sống vì mục đích gì, lý do gì?... nhiều lắm. Nhưng đó cũng là động lực để em cố gắng. Em biết mình tuy bị khuyết tật nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người. Hy vọng em sẽ có công việc ổn định, thu nhập ổn định và có tương lai tốt đẹp hơn.
Cũng có nhiều người gọi điện muốn hỗ trợ em về tiền bạc. Nhưng em đăng lên chỉ với mục đích tìm việc, chứ không xin hỗ trợ tiền bạc. Em mong ai muốn quyên góp tiền giúp em thì hãy giúp các em bé có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao. Em cảm ơn mọi người rất nhiều" , Tâm nói thêm.
Anh Tây balo và đêm lụt nhớ đời ở Hà Nội: Mất 1,5 triệu sửa xe, dắt bộ 1 tiếng mới đến nhà Chàng trai người Brazil đã có buổi tối đáng nhớ khi phải lội bì bõm trong làn nước ngập với chiếc xe hỏng.Trải nghiệm lần đầu lội nước của anh Tây Mặc dù đã ở Việt Nam hơn 3 năm nhưng đây là lần đầu tiên, Artur Dietrich (26 tuổi, quốc tịch Brazil) có những trải nghiệm khó quên với cơn mưa to...