“Rôbinsơn” trên Đảo Ngư
Chỉ cách bãi tắm Cửa Lò gần 3 hải lý theo đường chim bay, có những người hàng ngày tỉ mẩn ghi chép những thay đổi của mực nước, hướng gió… để kịp thời thông báo về đất liền, góp phần tránh được thiên tai, hiểm họa ập đến bất ngờ. Họ lặng thầm soi “mắt bão” ở Trạm khí tượng hải văn Đảo Ngư.
Một góc đảo Ngư.
“Nơi anh đến là đảo xa”
Theo chân đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Nghệ An ra thăm Đảo Ngư, chúng tôi đã đến với những người làm công tác khí tượng hải văn. Dưới khoảng trời xanh sậm màu nước biển và cây rừng, từ vị trí đơn vị Đại đội 33 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, Trạm khí tượng hải văn Đảo Ngư nằm nép mình bên phía đông của hòn đảo này. Theo các đồng chí bộ đội ở đây giới thiệu, trước kia để ra trạm khí tượng phải vạch cây rừng rất vất vả nhưng nay đã được mở hẳn con đường bằng bê tông.
Đưa hàng lên đảo.
Nếu từ đất liền nhìn ra theo hướng Đảo Ngư, khó có thể nhận biết được trên đảo có trạm khí tượng hải văn. Nằm khuất mình phía trời đông, trải qua mấy chục năm nay, những người đo gió, đo nước ở đây vẫn lặng lẽ làm làm phần việc của mình. Họ không trực tiếp cầm súng canh giữ bầu trời của Tổ quốc nhưng lại là người nhìn “thấu trời cao, biển cả”.
“Ở đây chỉ biết làm bạn với biển, với chim thú quanh năm. Trạm được biên chế 6 đồng chí nhưng hiện nay chỉ có 5 người bám trụ lại với đảo. Nhiệm vụ của chúng tôi hàng ngày, hàng giờ vẫn lặp lại như nhau. Lên núi đo gió rồi xuống biển đo nước sau đó báo qua bộ đàm, điện thoại về Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ. Nhiều lúc công việc cứ lặp lại như vậy thấy nhàm chán nhưng khi nghĩ đến biến cố của thời tiết rồi biết bao mạng sống của con người, chúng tôi lại tự động viên nhau phải canh, phải trực biển trời của Tổ quốc” – trạm phó Trạm Khí tượng Hải văn Đảo Ngư, Hoàng Văn Kiên tâm sự.
Anh Kiên năm nay đã 31 tuổi, có thâm niên ở Đảo Ngư gần chục năm nay, chưa lúc nào anh em trong trạm rời bỏ những công cụ hàng ngày mình vẫn sử dụng để đo gió, đo mưa. Nói rồi anh Kiên dẫn chúng tôi ra tận mép biển để thuật lại công việc hàng ngày của mình.
Đảo là nhà, biển cả là quê hương.
Anh Kiên nói: “Nếu trời quang mây tạnh như hôm nay thì công việc đo mức nước, nhiệt độ, độ mặn…của biển đỡ vất vả hơn. Còn hôm nào trời xấu, sóng biển dâng cao, gió dữ dội thì việc đo biển nguy hiểm lắm. Trời mưa bão thì khỏi phải kể. Lúc đó, mọi người đều đi trú ngụ tránh bão thì anh em lại trân mình ra giữa trời để đo đạc”.
Cũng là công việc như vậy, 5 con người ở đây thay phiên nhau túc trực theo giờ để ghi chép, quan sát và tổng hợp các diễn biễn của thời tiết để báo về trung tâm. Cứ theo lịch trình định vị sẵn, dù trong bất kể hoàn cảnh nào, người làm công tác khí tượng hải văn ở đây vẫn không được rời “trận địa” của mình. Từ đây, những số liệu về mức gió, mức nước, độ mặn của biển…sẽ được trạm truyền đi các nơi thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.
“Lính canh trời”
Mỗi người một việc, những người “lính canh trời” ở đây chẳng nề hà nắng mưa, gió bão, ngày, đêm…họ vẫn túc trực, bám trụ để làm tốt công việc của mình. Ở Đảo Ngư này, cả 5 người như anh Kiên phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, đất liền để ra đây sống cuộc sống như “Rô bin sơn” để thực hiện nhiệm vụ. Với họ, bao năm nay vẫn coi nhau như anh em một nhà. Biết bao câu chuyện, biết bao tâm sự đều trao nhau trong những tháng ngày xa cách đất liền.
Video đang HOT
Anh Kiên đo nước biển.
Anh Kiên bảo, ở Đảo Ngư này, 5 người đàn ông bám trụ ở đây mỗi người một quê, một người một hoàn cảnh. Người có thâm niên cao nhất ở đảo là đồng chí Nguyễn Bằng Thưởng đã có thâm niên gần 30 năm trên đảo. Còn “thổ dân” trẻ nhất năm nay mới 27 tuổi. Cuộc sống của 5 người đàn ông ở đảo như một gia đình sớm hôm rau cháo có nhau.
Những ngày mưa bão, biển động hàng tháng trời, thức ăn dự trữ cạn dần, tiếp tế từ đất liền không ra được, họ lại phải chuyển khẩu phần ăn từ cơm sang cháo để cầm hơi. Có thời gian, họ phải ăn cơm với muối trắng và rau rừng để chống chọi với cuộc sống tách rời đất liền. Thậm chí là phải ăn những thứ trên đảo có thể ăn được để cho qua bữa. Chưa kể, có những trường hợp bị ốm đau đột xuất, thuốc men thiếu thốn, họ chỉ biết động viên nhau bằng tinh thần mà vượt qua hoạn nạn.
Anh Kiên làm công việc đo độ mặn, nhiệt độ nước biển.
“Trạm khí tượng hải văn Đảo Ngư được xây dựng từ năm 1958 để làm nhiệm vụ đo gió, đo bão, đo mưa…nhằm truyền số liệu thời tiết về Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ. Trải qua hơn nửa thế kỷ, trạm vẫn kiên cường bám trụ để hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Trạm luôn xác định nhiệm vụ chính của mình là rất quan trọng nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải vượt qua” – “Ba Thưởng”, cái tên thân mật của người trạm trưởng trạm khí tượng hải văn Đảo Ngư cho biết.
Cũng như 4 người con người còn lại, “Ba Thưởng” có nước da sậm đen, khuôn mặt rám nắng hiện lên rõ trước mắt chúng tôi một vẻ đậm mùi mặn mòi của biển cả giống như cây lá ở đây phải oằn mình, rắn rỏi hứng chịu phong ba bão táp vậy. “Ba Thưởng” kể, những năm 1968 – 1969, khi Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để đánh phá miền Bắc, trạm khí tượng ở Đảo Ngư cũng bị phá hủy hoàn toàn. May mắn, những người làm công tác khí tượng trên đảo ngày ấy không ai bị thương nhưng cơ sở, máy móc của trạm bị hư hỏng hết. Sau đó, Đảng và Nhà nước ta lại phải bắt tay xây dựng lại để thực hiện nhiệm vụ dự báo thời tiết cho nhân dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Và cả suốt thời gian từng ấy năm đến nay, công tác dự báo thời tiết vẫn được duy trì đều đặn.
“Ba Thưởng” nói về công việc của mình.
Nay, trạm đã được trang bị những dụng cụ quan trắc và đo đạc đầy đủ, hiện đại hơn. Công việc cũng đỡ vất vả hơn nhưng đời sống tinh thần của cán bộ ở đây còn nhiều thiếu thốn. Ít được tiếp xúc với sách báo, ngoài năng lượng điện mặt trời, ắc quy, máy nổ đều phải dùng tằn tiện đến mức có thể. Sống trên đảo, hàng mấy tháng trời mới được về thăm gia đình, vợ con.
Rồi chưa kể cuộc sống xa nhà, mỗi lúc mưa bão ập đến, họ chỉ biết làm sao nhanh chóng, tỷ mẩn những số liệu thật chính xác để báo về đất liền cũng là cách duy nhất để che chở cho người thân của mình ở nhà. Cuộc sống lâu dần thành quen, họ thường nói vui với nhau, ở đây chỉ biết làm bạn với khỉ, với chim muông trên đảo. Ngoài công việc thường ngày của mình, 5 “thổ dân” ở đây lại tự tay mình chăm sóc vườn rau xanh tăng gia trên đảo để cải thiện khẩu phần ăn của mình. Nước ngọt cũng phải chắt chiu từng giọt. Việc tắm rửa, sinh hoạt cũng phải có “quy chế” riêng để giữ gìn sự sống lâu dài trên đảo.
“Lính canh trời” tăng gia chăm sóc rau xanh trên đảo.
Trong câu chuyện của những người “soi mắt bão”, giữa âm thanh hòa lẫn tiếng chim muông và sóng biển vỗ vào chân đảo, cuộc sống của con người ở đây hiện lên trong âm thầm, lặng lẽ. Như những “Rô bin sơn ngoài đảo hoang”, dù khắc nghiệt đến đâu, con người nơi đây vẫn bám trụ để thích ứng với cuộc sống cách xa đất liền. Vẫn làm tốt công việc của mình “lặng thầm soi mắt bão”.
Và, có ra đây, chúng tôi mới hiểu rằng, đằng sau những bản tin dự báo thời tiết, mưa bão được phát đi là mồ hôi, là sự lặng thầm của những người làm công tác khí tượng hải văn như các anh. Biển động, gió giật mạnh, bão sắp vào đất liền, các anh là những người chủ động nắm rõ để báo về đất liền trước tiên.
Giao lưu trên Đảo Ngư với Đài khí tượng hải văn và Đại đội 33 đóng trên đảo
Nguyễn Duy
Theo Dantri
Đưa xuân về với xã đảo duy nhất của TPHCM
Ngày 16/1, hàng trăm người dân, học sinh xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM) nô nức kéo nhau về Đồn biên phòng đảo Thạnh An để tham dự 1 ngày vui đặc biệt của dân đảo.
Chiếu sáng xã đảo
Xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã duy nhất của TPHCM nằm tách biệt hoàn toàn với phần đất liền. Để đến xã đảo Thạnh An phải mất gần 1 tiếng đồng hồ đi thuyền từ thị trấn Cần Thạnh. Do cách trở địa lý, lâu nay mọi sinh hoạt trên đảo vẫn rất thiếu thốn, thiệt thòi nhiều so với cư dân thành phố ở đất liền, đặc biệt là về nước sạch, điện chiếu sáng...
Xã đảo Thạnh An nằm tách biệt hoàn toàn với thành phố
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết: "Xã đảo Thạnh An cách trung tâm thành phố đến 100km, bị cô lập hoàn toàn về mặt địa lý với huyện Cần Giờ và phần còn lại của thành phố, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, nhất là không có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng vào ban đêm nên không đảm bảo an toàn giao thông".
Trong điều kiện kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, Sở GTVT đã kêu gọi chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng cho xã đảo Thạnh An bằng hình thức xã hội hóa. Lời kêu gọi này được nhiều doanh nghiệp như công ty Lữ Gia, công ty Tân Nghệ Nam, công ty Thiên Minh hưởng ứng ủng hộ 1,1 tỷ đồng xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng cho con đường trung tâm kéo dài toàn đảo (2km).
Ngày 16/1, Sở GTVT đã chính thức bàn giao chìa khóa vận hành hệ thống đèn chiếu sáng này cho UBND xã Thạnh An, đưa hệ thống đèn chiếu sáng vào hoạt động. Ông Huỳnh Tấn Thạnh, người dân xã đảo cho biết: "Có điện chiếu sáng sẽ giúp dân xã đảo bớt khổ rất nhiều, bà con có thể làm thêm nhiều việc".
Cả xã chỉ có con đường chính kéo dài suốt đảo
Nay đường đã có đèn chiếu sáng
Chú Nguyễn Văn Thắng thì mừng rỡ nói: "Tầm chiều nhà tôi thu mua cá bà con đánh bắt về rồi làm sạch, làm khô... Thường công việc kéo dài gần đến đêm nên nhà tôi phải bắt điện ở ngay sân để làm cá. Nay có đèn đường rồi tôi dẹp cái đèn đó đi, mỗi tháng đỡ tốn 30 ký (KW) điện".
Còn cô Bảy Trang vui vẻ cho hay: "Trước không có đèn đường, cứ tối đến là cả xã tối om, ai ở nhà nấy chứ có vui vẻ như bây giờ đâu. Cả xã có 1 con đường nhỏ này thôi, đường hẹp, nhà cửa san sát nhau nằm cạnh mặt đường nên tụi nhỏ chạy ra chạy vào cùng lo lắm. Nhiều khi xe cộ chạy qua không thấy là tông tụi nó hoài. Nay có đèn rồi đỡ lo, tết tụi nhỏ vui chơi cũng thoải mái rồi".
Tết này vui hơn
Ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: "Dù chính sách của thành phố dồn lực để chăm lo đời sống cho bà con, nhưng do điều kiện địa lý trở ngại, thiếu việc làm nên đời sống bà con xã đảo vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu sinh sống là dựa vào ngư nghiệp. Nếu tính theo tiêu chí hộ nghèo mới của thành phố thì tỷ lệ hộ nghèo của xã là 22,7% với 272 hộ".
Nên ông rất vui mừng khi Sở GTVT và các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố ủng hộ xây dựng hệ thống chiếu sáng cho xã đảo. Ông Huỳnh Cách Mạng cho biết: "Hệ thống chiếu sáng này sẽ đảm bảo an toàn giao thông cho bà con rất nhiều. Tuy xe trên đảo ít, nhưng đường hẹp, nhiều khúc quanh mà không có đèn cũng rất nguy hiểm".
Vui hơn nữa là trong ngày bàn giao hệ thống chiếu sáng, các doanh nghiệp còn ủng hộ 200 suất quà tết, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các hộ nghèo của xã. Cũng cùng ngày, Bộ đội Biên phòng TP và Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP cũng đem theo 100 phần quà là tập sách tặng cho 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 4 cái tivi lớn tặng cho 4 trường trên địa bàn xã.
Bộ đội biên phòng chuyển quà từ đất liền ra đảo cho bà con
Hàng trăm hộ nghèo của xã đảo Thạnh An nô nức đến tham dự lễ bàn giao hệ thống đèn chiếu sáng và nhận quà tết
Do đó trưa 16/1, hàng trăm bà con nghèo và các em học sinh trên địa bàn xã nô nức kéo đến Đồn biên phòng đảo Thạnh An để chứng kiến lễ bàn giao hệ thống chiếu sáng và nhận quà tết. Cô Bùi Thị Thuận phải chèo ghe từ ấp đảo Thiềng Liềng về đảo Thạnh An từ sáng sớm để nhận quà tâm sự: "Nhà tui thuộc diện nghèo, cả tháng cũng chỉ kiếm được hơn triệu bạc. Có món quà này thì tết nhà tui đầy đủ hơn rồi, có tiền mua sắm cho tụi nhỏ".
Cô Hiếu, cô giáo trường mầm non của xã cho hay: "Ở xã em nhiều thầy cô đến từ các tỉnh xa, không thể về quê ăn tết nên ở đây buồn lắm. Có cái tivi để ở trường xem thì tết này vui hơn rồi".
Tùng Nguyên
Theo dantri
Cứu thành công tàu chở người gặp nạn trên biển Chiều 24-12, Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi cho biết, vừa cứu thành công một tàu chở cát, sỏi mang theo 13 người từ Lý Sơn về đất liền gặp nạn trên biển. Trước đó, khoảng 12h ngày 24-12, khi tàu kéo chở cát, sỏi của ông Nguyễn Văn Pháp, thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn chở khoảng 13 người dân...