Rộ tin Zack Snyder bị sa thải khỏi Vũ trụ Điện ảnh DC Comics
Số nhọ” vẫn tiếp tục đeo đám DCEU khi nhiều nguồn tin cho biết Zack Snyder đã bị sa thải.
Đêm qua, cựu biên tập viên của Variety và Mashble, Josh L. Dickey đã chia sẻ một dòng trạng thái rất thú vị trên tài khoản Twitter cá nhân, cung cấp nhiều thông tin chi tiết về những điều thực sự xảy ra tại Warner Bros. và DC Films vào năm ngoái.
Dòng Tweet gây bão của Josh L. Dickey
Theo Dickey, đạo diễn Zack Snyder – người đã cầm trịch một loạt phim của DCEU như Man of Steel (2013), Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) và Justice League (2017) – đã bị ngừng mọi hoạt động tại DC Films vài tháng trước khi tuyên bố rời khỏi dự án Justice League vào tháng 5. Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào nhưng ngụ ý rằng, vào thời điểm này năm ngoái, ông không được phép chia sẻ bất cứ điều gì.
Thông tin này đã xác thực vô số tin đồn hồi năm ngoái khi nhiều người cho rằng vụ “chia tay” giữa Zack Snyder và DC Films không hề êm ả tí nào. Nó cũng giải thích vì sao không có bất kỳ bản phim “Snyder Cut” được tung ra bởi nó chẳng hề tồn tại.
Như vậy, Justice League có “công” của Joss Whedon nhiều hơn Zack Snyder
Snyder vẫn sẽ được liệt lê là nhà sản xuất của một vài tác phẩm sắp tới của DC Films như Wonder Woman 2, Aquaman và Suicide Squad 2 bởi dàn diễn viên trên đều do ông tuyển chọn. Tuy nhiên, vị đạo diễn của 300 sẽ chẳng còn liên quan bất cứ thứ gì tới DCEU nữa.
Có thể nói Zack Snyder là một trong những người đặt nền móng cho DCEU với Man of Steel (2013). Theo đó, ông dự tính thực hiện Man of Steel 2 trước khi cho Batman đụng độ Superman trên màn ảnh rộng. Song, sự nóng vội của Warner Bros. bắt Snyder phải cho ra mắt Batman v Superman: Dawn of Justice sau đó. Với việc ông bị sa thải khỏi Justice League rất sớm, người hâm mộ nên xem xét lại lỗi lầm thuộc về ai khi DCEU có quá nhiều “bom xịt”.
Theo Trí Thức Trẻ
12 lời thoại "hài hước" mang dấu ấn của Joss Whedon trong "Justice League"
Joss Whedon, người từng rất thành công với loạt bom tấn "The Avengers" vừa hứng chịu hàng loạt chỉ trích khi cố gắng thay đổi màu sắc cho vũ trụ DCEU. Nhưng liệu tất cả những gì ông ta đã làm với "Justice League" đều là thảm họa?
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Đạo diễn Joss Whedon được biết đến với phong cách viết hài hước đặc trưng, và không khó để cảm nhận điều này len lỏi ở Justice League. Tuy nhiên, không phải tất cả những gì ông đưa vào đều đem lại hiệu ứng mong muốn cho bộ phim vốn dĩ phảng phất dấu ấn của Zack Snyder từ trước. Bài viết dưới đây sẽ tiết lộ danh sách các phân đoạn lẫn câu thoại trong phim chắc chắn thuộc về Joss Whedon.
12. "Anh thơm lắm" - Louis Lane
Video đang HOT
Câu thoại này thuộc về nữ phóng viên nhà báo Louis Lane sau khi cô cùng Superman trở về lại căn nhà quan thuộc của anh. Lúc này, Luois Lane đã thốt lên rằng sao anh lại thơm thế. Superman hỏi lại một cách bâng quơ vậy trước giờ anh không thơm sao. Vâng, chẳng ai lại đi nhận xét về một người chết sống dậy là anh thơm quá phải không nào?
11. "Hy vọng... giống chiếc chìa khóa xe vậy" - Superman
Không mất nhiều thời gian để khán giả nhận ra Justice League đã bắt đầu có màu sắc khác biệt so với Man of Steel. Mở đầu phim là đoạn video footage quay bằng điện thoại phỏng vấn Superman do một nhóm trẻ em thực hiện. Lũ trẻ đặt câu hỏi về biểu tượng chữ S trên ngực anh ta, vốn tượng trưng cho niềm hy vọng trong ngôn ngữ Kryton.
Lần đầu tiên khái niệm trừu tượng ấy được người đàn ông thép giải thích thật đơn giản, dễ hiểu: như chiếc chìa khóa xe hơi, thường dễ đánh rơi, nhưng nếu bạn chịu khó tìm kiếm thì nó cũng chỉ quanh quẩn gần đấy thôi. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận nhằm tạo nên hình tượng Superman cởi mở, thân thiện hơn, thay thế phiên bản u buồn, tăm tối thời kì Zack Snyder.
10. "Một tên trinh sát... từ vũ trụ? Đội quân người ngoài hành tinh ư?" - Tên trộm quần chúng
Quá trình cắt bỏ gần 50 phút kịch bản gốc của Zack buộc Joss Whedon phải thiết lập mối nguy người ngoài hành tinh xâm lược trái đất càng sớm càng tốt. Điều này được rút ra qua đoạn hội thoại giữa tên trộm vô danh cùng Batman trên nóc nhà khu ổ chuột Gotham. Sau khi giải thích cho tên trộm rằng hắn bị dùng làm mồi nhử bọn parademons, Batman tìm cách bắt giữ con quái vật và chứng kiến nó tự phát nổ, để lại biểu tượng ba chiếc hộp Motherbox.
Đây là một chiêu trò "đi tắt" được sử dụng nhằm giới thiệu người xem vấn đề ngay lập tức. Đáng tiếc, hành động đó đã hoàn toàn phá hủy hình tượng Batman gây dựng ở Dawn of Justice. Thật không thể tin nổi gã tư hình Gotham lại đối xử nhẹ tay với bọn tội phạm như vậy, thậm chí còn vô tư tiết lộ thông tin mật cho chúng. Joss thực sự khiến các fan Batman thất vọng nặng nề.
9. "Người đàn ông mạnh mẽ sẽ mạnh nhất lúc họ đơn độc" - Aquaman
Khi Bruce Wayne tìm gặp Aquaman Arthur Curry tại làng chài ven biển, Bruce nỗ lực thuyết phục tay hải vương bướng bỉnh gia nhập liên minh công lý nhưng không thành công. Arthur nhấn mạnh rằng anh ta thích hoạt động độc lập hơn qua câu nói: "Người đàn ông mạnh mẽ sẽ mạnh nhất lúc họ đơn độc", trích dẫn từ vở kịch Wilhelm Tell của nhà thơ danh tiếng nước Đức Friedrich Schiller. Nó đã khắc họa sâu sắc tính cách nhân vật Aquaman. Trớ trêu thay, rất nhiều khán giả nhầm tưởng chi tiết ấy ám chỉ Superman, do đúng là một mình anh ta có thể gánh được hết cả nhóm siêu anh hùng thật.
8. "Nữ phóng viên "thèm khát" nhất thế giới" - Martha Kent
Sau khi Zack Snyder rời bỏ ghế đạo diễn, Justice League phải quay lại một số cảnh để cải thiện tông màu tươi sáng, bổ sung thêm yếu tố hài hước, thì dấu chẩm hỏi về cuộc sống cô nàng phóng viên Lois Lane kể từ Dawn of Justice trở thành thách thức lớn bởi cô đã rất suy sụp trước cái chết người yêu.
Vì thế, trò đùa Joss cài cắm vào phân đoạn người mẹ Martha an ủi Lois Lane rất đáng chê trách. Ý tưởng đem các chi tiết khơi gợi chuyện nhạy cảm gây cười hướng tới đối tượng giới trẻ chỉ phù hợp với Marvel (thuật ngữ "thirsty" hàm ý thèm khát chuyện "yêu đương"). Hơn nữa, việc so sánh khập khiễng khả năng "đánh hơi" thông tin của Lois Lane xa hơn tầm nghe thấy của Superman mang hơi hướng định kiến bất bình đẳng giới.
7. "Brunch là gì?" - The Flash
Brunch (breakfast-lunch) là một bữa ăn trễ hơn bữa sáng, nhưng chưa đến giờ ăn trưa rất phổ biến ở các nước phương Tây. Việc The Flash (Barry Allen) cố gắng cắt nghĩa cho Bruce: "Brunh là gì? Ý tôi là, bạn xếp hàng chờ đợi hơn 1 tiếng đồng hồ thì cũng chẳng khác gì bữa trưa cả" thể hiện óc hài hước điển hình của Joss Whedon và nhằm thiết lập cuộc chạy đua thú vị với Superman tại mid - credit cuối phim.
Có điều, đoạn đối thoạn trước đó giữa hai người họ đã tràn ngập tiếng cười vui tươi vô tình khiến thông điệp chủ đạo The Flash muốn gửi gắm trở nên lạc lõng: sở hữu siêu tốc độ đồng thời làm anh cảm thấy cô đơn, lạc lõng hơn trong thế giới này, một cái giá đánh đổi quá đắt.
6. "Tôi không đem theo gươm... Chúa ơi, hắn cao thật" - Batman
Cộng đồng fan mộ thực sự hoang mang khi nhìn thấy gã ỷ phú Bruce Wayne giờ đây... vui tính hơn, cộng thêm bộ đôi vui nhộn The Flash và Aquaman làm Justice League trở nên hài lố quá mức cần thiết.
Đơn cử cảnh người dơi nhảy vào điều khiển cỗ máy chiến đấu Nightcrawler, tiến tới giải cứu Wonder Woman khỏi Steppenwolf. Câu thoại cực chất tràn đầy tự tin "My turn" ở bản trailer đầu tiên khiến các fan Batman mất ăn mất ngủ. Những tưởng Bruce sẽ tỏa sáng với kho khí tài công nghệ hiện đại chẳng hề thua kém mấy thế lực siêu nhiên. Buồn thay, trong bản chiếu rạp, cũng phân cảnh ấy, phần thoại bị thay thế hoàn toàn bằng cái chất Joss Whedon sến súa: "Xin lỗi, tôi không đem theo gươm... Chúa ơi, hắn (Steppenwolf) to thật".
5. The Flash "đè" Wonder Woman
Trận chiến đấu khốc liệt giữa liên minh công lý và bọn quái vật parademons tại cảng Gotham là trường đoạn hành động dài hơi đầu tiên trong Justice League. Barry The Flash đã thực sự nổi trội qua màn trình diễn slow motion đưa gươm tới tay Wonder Woman chỉ bằng một cú chạm... trước khi vấp miếng bê tông ngã sấp mặt. Lúc đám mảnh vỡ rơi xuống đầu cô nàng, Barry cũng kịp thời chạy đến cứu Diana rồi vô ý té lên người cô với mặt vẻ lúng túng.
Nhiều nguồn tin điện ảnh đáng tin cậy xác nhận khoảnh khắc trên do Whedon thực hiện bởi ông từng áp dụng cách thức tương tự với gã khổng lồ xanh The Hulk trong The Avengers: Age of Ultron. Tuy nhiên, đáng sợ ở chỗ cơ thể nằm dưới đất thực ra là nữ diễn viên đóng thế Gal Gadot chứ không phải cô. Vì thế, người này không thể cử động hay để lộ mặt thật. Biểu lộ cảm xúc cho Gadot được máy tính ghép vào sau đó.
4. "Steve Trevor đã nói như vậy à?" - Batman
Chàng phi công Steve Trevor là người mà Diana từng hết mực yêu thương trong phần phim riêng thành công vang dội vào đầu mùa hè 2017. Cái chết của anh đã khiến cô bị sốc suốt thời gian dài.
Lúc cả nhóm tranh cãi nhau liệu có nên hồi sinh Superman để đối đầu Steppenwolf hay không? Diana khuyên nhủ Bruce nên vượt qua mặc cảm tội lỗi nơi bản thân, đáp lại, anh hỏi thẳng Diana: "Steve Trevor đã nói như vậy à?" và nhận phải cú đấm mạnh mẽ từ cô. Tình tiết hẳn làm cộng đồng fan hâm mộ Wonder Woman khá hài lòng. Họ kì vọng Justice League sẽ tiếp nối, mở rộng hoặc chí ít gợi mở tuyến truyện về nữ anh hùng.
3. "Thế giới cần Superman, cả đội cần Clark" - Batman
Với văn hóa đại chúng Hoa Kỳ, chàng Superman Clark Kent không đơn thuần là một siêu anh hùng ngoài hành tinh thuộc hàng bất khả chiến bại, anh ta còn mang tinh thần Mỹ Quốc, biểu tượng hy vọng đại diện cho giấc mơ Mỹ kết nối mọi người lại cùng nhau.
Vì vậy, Joss Whedon đã xuất sắc ghi điểm trong lòng cộng đồng hâm mộ truyện tranh qua đoạn hội thoại đắt giá giữa Bruce và ông quản gia Alfred. Chính cái đầu tính toán thiên tài Bruce Wayne cũng phải thừa nhận liên minh không chỉ cần sức mạnh phi thường nhằm đánh lui bè lũ Steppenwolf, họ cần một nhà lãnh đạo sở hữu nhân tính có khả năng dẫn dắt.
2. Cảm giác "ngứa ngáy" khi được sống lại của Superman
Một trong nhiều thay đổi khiến Joss Whedon lẫn Warner Bros. hứng chịu búa rìu dư luận là trường đoạn Superman phục sinh từ cõi chết rồi đánh nhau tưng bừng với liên minh công lý. Bản trailer cuối cùng trên nền nhạc Heroes mở đầu bằng cảnh Lois Lane bước đến cánh đồng ngô và nhìn thấy Clark đang đứng đợi. Thay vì tâm tình chuyện yêu đương, đính ước, cô nàng lại tò mỏ hỏi han cảm giác của Clark hiện tại. Khỏi cần bàn cãi nhiều, "ngứa ngáy" kì quặc không phải điều mà khán giả mong đợi.
Việc Superman giải thích hời hợt cảm nhận về cái chết bản thân gây thất vọng khá lớn bởi còn vô số thắc mắc đáng để giải thích như liệu anh thực sự biết mình đã chết bao lâu không? Linh hồn anh ta du hành nơi đâu suốt khoảng thời gian này?... Thay vào đó Joss Whedon chỉ xào nấu lại miếng hài cũ kĩ từng dùng ở series truyền hình dài tập Buffy the Vampire Slayer.
1. "Tôi mua luôn trọn cái ngân hàng" - Batman
Ngay cảnh mở màn, người xem nhìn thấy Martha Kent lên xe kéo rời bỏ ngôi nhà, nông trại mình từng gắn bó. Phân cảnh nói chuyện "thèm khát" giữa bà và Lois Lane đã giải thích tường tận mọi khúc mắc.
Martha xác nhận ngân hàng hiện chiếm hữu toàn bộ nông trại do sau khi Clark mất đi, gia đình bà chẳng còn ai chi trả tiền cầm cố. Vào cuối phim, Bruce thông báo cho Clark rằng anh đã giải quyết tận gốc vấn đề tài chính của mẹ Martha thông qua biện pháp... mua trọn cái ngân hàng đó. Mặc dù Bruce giải thích rằng đó chỉ như phản xạ thông thường nhưng nó làm anh giống hệt tay ăn chơi tỷ phú Tony Stark, The Iron Man bên MCU.
Theo Trí Thức Trẻ
Black Panther - Chiêu trò gây shock hay thông điệp bình đẳng chủng tộc từ Marvel? Lần đầu tiên trong vũ trụ MCU, một siêu anh hùng da màu có hẳn tác phẩm điện ảnh vô cùng hoành tráng. Liệu Marvel đã thật sự chịu bước ra khỏi vùng an toàn bấy lâu nay của mình với "Black Panther"? 2018 kỉ niệm cột mốc 10 năm vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng MCU hình thành, phát triển, với...