Rổ thực phẩm của người Việt: Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cảnh báo người Việt tiêu thụ thịt lợn tăng gấp 5 lần
Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Quốc hội ngày 13/6 về sự bất hợp lý trong rổ thực phẩm của người Việt, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Theo ông Tuyên, người Việt đang tiêu thụ thịt lợn nhiều gấp 5 lần so với trước.
GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Trên quan điểm của một chuyên gia dinh dưỡng, rổ thực phẩm của từng gia đình người Việt đã thực sự cân bằng chưa, thưa ông?
- Theo quan điểm của các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn hợp lý là bữa ăn đa dạng, có nhiều loại thực phẩm và với tỷ lệ thích hợp.
Tuy nhiên, có một xu hướng hiện nay ở các gia đình cả ở nông thôn và thành thị là đang sử dụng các loại thịt nhiều hơn cá, tôm, cua, hải sản, điều này về lâu dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010, lượng thịt tiêu thụ của người Việt đã tăng lên gấp 5 lần so với năm 1985, ngược lại mức tiêu thụ cá lại ở mức trung bình thấp, chỉ 50g/ngày. Tỷ lệ sử dụng cá trên 3 lần một tuần còn thấp.
Nếu sử dụng thực phẩm không đảm bảo sự cân bằng thì có thể gây ra những tác động gì, thưa ông?
- Theo thống kê, bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư,…đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Ở Việt Nam các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, là nhóm bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất, chiếm 73% các trường hợp.
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh mạn tính không lây ngày càng nhiều là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng thuốc lá thường xuyên.
Có 2 nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể là chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản) và chất đạm thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc).
Để cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng và phòng bệnh tim mạch, bệnh mạn tính không lây, bữa ăn nên phối hợp cả hai nguồn đạm động vật và đạm thực vật, nên tăng cường sử dụng cá và thực phẩm nguồn thủy hải sản.
Video đang HOT
Theo GS. TS Lê Danh Tuyên, cần ăn đa dạng 5 – 8 nhóm thực phẩm. Ảnh: I.T
Hiện, trong bữa ăn của nhiều gia đình người Việt, thịt lợn vẫn chiếm đa số do dễ ăn, dễ chế biến. Ông có lời khuyên gì cho từng gia đình trong bối cảnh thịt lợn đang rất đắt đỏ?
- Để cung cấp đủ chất các chất dinh dưỡng cho cơ thể, bữa ăn gia đình cần có thực đơn đa dạng hợp lý, luôn thay đổi món ăn, đa dạng các thực phẩm cung cấp chất đạm (mỗi bữa ăn nên có ít nhất 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm từ các loại thịt, cá, trứng, sữa, thủy hải sản và các loại hạt).
Thực phẩm nguồn thủy hải sản ngoài cung cấp chất đạm còn cung cấp những chất dinh dưỡng rất quý cho cơ thể: Tôm, cua, cá đồng là nguồn cung cấp canxi quan trọng cho cơ thể. Thủy hải sản có nhiều omega và một số chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Cơ thể chúng ta hàng ngày cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Do mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng (ít nhất có 5 trong 8 nhóm thực phẩm, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc) và phối hợp nhiều loại thực phẩm (10-15 loại thực phẩm).
Vậy theo ông, thế nào là một bữa ăn hợp lý?
- Bữa ăn hợp lý là bữa ăn đa dạng từ 8 nhóm thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng như sau:
Nhóm 1 – lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ngoài ra, ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.
Vitamin B1 thường nằm ở lớp vỏ ngoài của hạt gạo, nếu gạo xay sát quá kỹ sẽ làm vitamin này giảm đi đáng kể.
Nhóm 2 – nhóm hạt các loại: Đậu, đỗ, vừng, lạc là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.
Nhóm 3 – nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi.
Nhóm 4 – nhóm thịt các loại, cá và hải sản cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Các thực phẩm này thường có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối.
Nhóm 5 – nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý.
Nhóm 7 – nhóm rau củ quả khác như su hào, củ cải cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ.
Nhóm 6 – nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu. Các loại rau, quả có màu vàng đỏ có nhiều -caroten (tiền vitamin A).
Các loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay có nhiều vitamin C, sắt và canxi.
Cần lưu ý là vitamin C sẽ bị mất mát khi rau bị dập nát, vì thế, nên sử dụng rau tươi, nấu xong ăn ngay là cách tốt nhất để bảo toàn lượng vitamin C trong rau. Rau củ còn là nguồn cung cấp chất xơ quý, có tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch.
Nhóm 8 – nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể. Nên ăn phối hợp cả dầu và mỡ.
Xin cảm ơn ông!
Rổ thực phẩm của người Việt: Báo động việc ăn quá nhiều thịt lợn, Nhật, Úc ăn hải sản nhiều hơn
Tiếp chuyên đề về thay đổi cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn trong rổ thực phẩm của người Việt, nhất là sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường ngày 13/6 tại Quốc hội, PV Dân Việt đã trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng và tất cả đều có chung nhận định: Người Việt đang ăn quá nhiều thịt lợn.
Người dân mua thịt lợn tại một quầy thịt ở chợ dân sinh thuộc khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Thịt lợn hiện đang là thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong giỏ tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tiêu dùng và phụ thuộc quá nhiều vào thịt lợn đang gây ra nhiều hệ lụy đang báo động về mất cân đối dinh dưỡng, cung cầu thị trường.
Báo động thói quen ăn quá nhiều thịt lợn
Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, thịt lợn chiếm tới 65 - 70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15 - 20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản.
Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: "Khi làm chính sách, chúng tôi đều muốn cân đối, hài hoà giữa các loại thực phẩm, nhưng do thói quen tiêu dùng, thịt lợn vẫn là thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ nhiều nhất nên có những biến động như dịch tả lợn châu Phi như vừa qua thì áp lực lên thị trường thịt lợn và ngành chăn nuôi là rất lớn".
Dù các nhà chuyên môn, người đứng đầu ngành nông nghiệp, thị trường đang rất muốn thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì việc thay đổi này không thể một sớm, một chiều được mà cần phải có thời gian.
Ths.Bs. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế) cho hay: Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng một số sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, sữa giá lại cao hơn các nước công nghiệp. Một trong những nguyên nhân do cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, việc lưu thông phân phối của ngành công thương. Đồng thời, thói quen tiêu dùng của người Việt đã làm chi tiêu cho ăn uống tăng lên, trong khi đó thu nhập của người dân thì thấp mà lại phải mua với giá cao như: giá thịt lợn, giá sữa,...
Theo ông Tiến, vì vậy, người Việt cần thay đổi thói quen tiêu dùng để thích ứng giá cả thị trường, cũng như thích ứng với túi tiền của mình để đỡ khó khăn hơn. So sánh về giá trị dinh dưỡng của một số loại thực phẩm, để người tiêu dùng có cách lựa chọn thực phẩm thay thế để việc chi tiêu hợp lý cho bữa ăn của gia đình.
Hiện nay, do nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá thịt lợn tăng lên rất cao, thậm chí cao gấp hơn 2 lần so với các loại thực phẩm khác như cá, trứng các loại, thịt gà, đậu đỗ,... "Người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe", ông Tiến khuyến cáo.
Chuyên gia dinh dưỡng: Giảm ăn thịt lợn, tăng ăn hải sản, thịt gà, bò
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Chuyên gia dinh dưỡng, Nguyên Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), bữa ăn truyền thống của người Việt Nam trước kia là cơm rau, cá tôm và đậu phụ, đậu đỗ... Chỉ khi có dịp lễ, tết người dân mới ăn thịt gà.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lâm cũng dẫn chứng, trong cuộc tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia từ năm 1980 trở lại đây đã phát hiện ra một thực trạng rất đáng báo động về việc tiêu thụ thịt, nhất là việc tiêu dùng thịt lợn của người Việt Nam đang gia tăng cao. Đơn cử, trong cuộc tổng điều tra gần đây nhất cho thấy mỗi người dân của chúng ta đã ăn 85 gam thịt/ngày, trong khi đó cá , hải sản chỉ có trên 50garm/người/ngày.
"Thực tế, khẩu phần ăn của người Việt Nam qua các thời kỳ về mặt năng lượng không tăng nhưng biến thiên thì thịt tăng nhiều. Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông về dinh dưỡng để người dân Việt Nam cần cân đối lại việc tiêu dùng các thực phẩm thịt, cá, đậu phụ, đỗ... nhằm góp phần phòng bệnh tật hiệu quả", bà Lâm chia sẻ.
Về mặt dinh dưỡng các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn đa dạng các thực phẩm, trong mỗi bữa ăn mọi người ăn càng đa dạng các loại thực phẩm thì càng tốt. BS.Nguyễn Thị Lâm cho rằng, trong các bữa ăn mỗi ngày chúng ta nên ăn từ 15-20 loại thực phẩm khác nhau, ăn mỗi thứ một ít sẽ đảm bảo giúp cho cơ thể đủ chất hơn.
Các chuyên gia khuyên người dân nên ăn hải sản nhiều hơn
Chuyên gia Nguyễn Thị Lâm khẳng định, hiện thịt gà và các loại thịt gia cầm cũng có những ưu điểm nhất định. Như thịt gà cũng là thức ăn cung cấp đạm giống như thịt lợn nhưng chất béo từ thịt gà, gia cầm lại tốt hơn loạt chất béo từ thịt lợn. Bởi, thịt gà có chứa nhiều omega 3 và ít cholesterol hơn thịt lợn, trong khi đó, các vi chất tốt cho sức khỏe có trong thịt gia cầm như sắt, kẽm, vitamin nhóm B...
"Trong 100gam thị lợn cho 18gam chất đạm song trong 100gam thịt gà cũng chứa 18gam chất đảm. Chính vì thế mà chúng ta không nhất thiết phải ăn nhiều thịt lợn mà nên cân đối 1 tuần ăn từ 1-2 bữa thịt lợn, còn lại chúng ta nên ăn nhiều các loại thịt gà, ngan, vịt, bò, cá... sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho chúng ta hơn", bà Lâm phân tích thêm.
Dẫn chứng về thói quen ăn uống của người dân các nước phát triển, bà Lâm cho hay: Nhìn sang Nhật Bản chúng ta thấy người dân của họ ăn rất ít thịt, trung bình mỗi người bên nước bạn ăn 300gam cá, đậu phụ hơn 100 gam, thịt các loại có 63 gam. Hay tại Úc, người dân nước bạn ăn nhiều thịt bò nên da của mọi người luôn hồng hào, không bị thiếu máu, trong khi người dân ăn Việt Nam ăn nhiều thịt lợn vẫn bị thiếu máu và nhiều người còn bị mỡ máu.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá gà thịt, gà cầm đã tăng lên dần. (Ảnh: Ông Đặng Quang Tiến chăm sóc đàn gà đồi đặc sản tại trại của gia đình ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
"Để thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân thì bên cạnh việc các cơ quan báo, đài, mạng xã hội... tích cực thông tin, truyền thông về dinh dưỡng của các loại thịt gà, bò, cá... thì các cơ quan liên quan như Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia... cần giảm cơ cấu chăn nuôi lợn, đồng thời tăng cơ cấu chăn nuôi gia cầm, cá... để đảm bảo cung cấp cân đối thực phẩm cho người dân".
(PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm)
Trung Quốc "đói" thịt lợn nghiêm trọng, 4 tháng nhập khẩu 1,35 triệu tấn Theo số liệu hải quan, trong tháng 4 đầu năm 2020 Trung Quốc đã nhập khẩu trên 400.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu 4 tháng đạt 1,35 triệu tấn. Theo số liệu hải quan, trong tháng 4 Trung Quốc đã nhập khẩu trên 400.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 170%...