Rộ chiêu lừa bán xe máy xịn hàng lậu trên mạng
Hầu hết các thông tin bán xe máy lậu không giấy tờ, mất giấy tờ, hay xe nhập lậu… trên mạng xã hội internet chỉ là chiêu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hầu hết các thông tin bán xe máy lậu không giấy tờ, mất giấy tờ, hay xe nhập lậu… trên mạng xã hội internet chỉ là chiêu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chỉ cần gõ từ khoá “ bán xe máy lậu không giấy tờ”; “bán xe máy no pp” vào mạng tìm kiếm google.com.vn, lập tức sẽ xuất hiện hàng trăm lời mời gọi khác nhau, rất hấp dẫn. Ví dụ như: Bán xe ga không giấy SHi, PS, LX, Nouvo LX chính hãng giá rẻ, uy tín, yên tâm (không phải đặt cọc, không phải nạp thẻ, chúng tôi cũng không giao xe tận nơi khách hàng, mua thì đến tận nơi xem, thoả thuận mua khi xem xe)…
Cá biệt hơn, nhiều đối tượng còn liều lĩnh tạo ra những chiêu trò như; Bán các loại xe không giấy tờ tại Hà Nội, TP HCM… hàng mới nguyên bản của Cty Liên hệ 0917765…; mình có con SHi 150 màu đen không giấy tờ (xe lậu xịn) giá 15 triệu, cần bán để trả nợ. Ai muốn mua liên hệ số ĐT 0902050…, mình tên Nghĩa (ở Quảng Bị); cần bán xe không giấy hoặc có giấy đập hộp Nouvo LX 135, SH, AIR, LX, FLY xe mới, nếu mua xin liên hệ qua số 01652300… để trao đổi, thỏa thuận giá . Xe giao tận nơi người đặt…
Các đối tượng rao bán xe máy nhập lậu, không giấy tờ nhưng hầu hết không hề có xe bán.
Các đối tượng rao bán xe máy nhập lậu, không giấy tờ nhưng hầu hết không hề có xe bán. Theo cung cấp của cơ quan quản lý thị trường, các cơ quan chức năng chưa bao giờ bắt giữ được xe máy mới nhập lậu, đặc biệt là loại xe máy tay ga hàng hiệu như; SH, PS, LX và cũng không có xe Air Blade, Nouvo LX 135 (sản xuất tại Việt Nam của nhà máy bị tuồn ra ngoài không có giấy tờ. Hiện, ở Việt Nam chỉ có một số loại xe không giấy tờ thông qua đường tiểu ngạch được nhập lậu từ Campuchia, Lào vào các tỉnh miền trong, sau đó được bán ra tại TP HCM, Hà Nội, Đà nẵng… Hầu hết những loại xe này là các loại xe dung tích nhỏ, hoạc các loại xe đã qua sử dụng…
Theo điều tra của PV, việc giao bán những chiếc xe ăn cắp trên mạng internet cũng không phải là ít. Mặc dù việc mua bán này khá nguy hiểm vì rất dễ bị CA “sờ gáy”" nhưng trong những lúc đói ma túy và đường dây tiêu thụ xe gian bị “sập” thì bọn trộm cắp vẫn phải liều. Tất nhiên, để mua được những chiếc xe gian này cũng không hề đơn giản vì những đối tượng bán xe rất cảnh giác, phải thử thách và quan sát kỹ người bán, thấy an toàn mới giao hàng.
Việc các đối tượng giao bán những chiếc xe ăn cắp trên mạng internet cũng không phải là ít.
Người tiêu dùng cũng phải tính đến một dạng xe gian khác được bán công khai và có vẻ “hợp pháp” trên mạng, đó là xe ăn cắp đã bị đục lại số khung, số máy rồi sử dụng đăng ký và BKS giả. Những chiếc xe này được rao bán với giá chỉ thấp hơn xe cùng loại khoảng 2 triệu – 5 triệu đồng để khách hàng không nghi ngờ. CA TP Hà Nội đã bắt giữ hàng trăm xe máy loại này trong vài năm gần đây.
Video đang HOT
Cũng trên mạng internet, những thông tin kiểu như “Cần mua xe không giấy tờ để đi làm …” ; “có ai bán xe no pp hãy liên lạc với số ĐT… “; “có bác nào bản xe PS, SH không giấy, mất giấy không nhỉ. Em muốn mua 1 con cho vợ đi chợ, em ở tỉnh lẻ nên các bác đừng ngại”… Chính những “thượng đế” này đã tự “đút đầu vào rọ” để trở thành những con mồi béo bở của bọn bất lương. Sau khi bị một đối tượng rao bán xe Nouvo LX 135 lừa mất 300 nghìn đồng (nạp tiền điện thoại để đặt cọc) anh Dũng (Quang Trung, Hà Đông) tâm sự :”Tôi nghĩ lại mới thấy may, chỉ mất có 300 nghìn đồng. Mua phải xe ăn cắp thì không chỉ mất tiền, có khi lại phải bóc vài quyển lịch trong tù”.
Nhiều đối tượng còn lập cả website để bày bán xe lậu trên Internet.
Tại nhiều diễn đàn trên mạng internet cũng xuất hiện rất nhiều lời than phiền, thậm chí chửi tục vì bị bọn bán xe không giấy tờ lừa mất tiền đặt cọc, tiền nạp thẻ điện thoại. Điều đó cho thấy bọn lừa đảo đã kiếm được những khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, những hành vi lừa đảo công khai này sẽ không bị xử lý nếu các bị hại không đến CA trình báo, kể cả có trình báo thì chưa chắc bắt được kẻ lừa đảo vì chúng thường xử dụng sim rác, không đăng ký.
Theo luật pháp Việt Nam, tất cả các hành vi mua bán xe không giấy tờ đều là vi phạm pháp luật. Hầu hết mọi người đều biết điều này nhưng vì lòng tham nên nhắm mắt làm liều. Nhẹ thì bị lừa mất tiền, “may mắn” mua phải xe trộm cắp thì đi tù vì tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tốt nhất hãy nói không với các loại xe máy không giấy tờ, dù giá rất rẻ để tránh hậu họa.
Tất cả các hành vi mua bán xe không giấy tờ đều là vi phạm pháp luật.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Tổ trưởng tổ Xử lý vi phạm, đội CSGT số 1, Công an TP. Hà Nội) khuyến cáo, “Người dân không nên hám lợi nhuận để mua, bán những chiếc xe nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã được làm giả giấy tờ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp bị lực lượng công an phát hiện, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt, tịch thu phương tiện và thậm chí trong trường hợp vi phạm nặng có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Mặt khác, bên cạnh việc xử phạt mạnh đối với các chủ phương tiện sở hữu xe nhập lậu, làm giả giấy tờ thì các ban ngành chức năng khác cũng cần phải tích cực vào cuộc bịt những lỗ hổng, ngăn chặn xe lậu ngay từ biên giới”.
PV (Tổng hợp)
Theo_Kiến Thức
Mánh khóe của những đường dây rao bán xe xịn nhập lậu trên mạng
Dạo một vòng trên mạng xã hội, đập ngay vào mắt PV là hàng loạt các trang facebook cá nhân, fanpage quảng cáo, rao bán xe nhập lậu, trốn thuế... một cách công khai và táo tợn. Hàng trăm chiếc xe máy từ bình dân tới đắt tiền như SH, LX, Excite, Dream... được rao bán với mức giá rẻ bằng 1/4 thị trường. Câu hỏi đặt ra là: Những thương buôn đó tại sao lại dám công khai phạm pháp như vậy? Hãy cùng PV bóc trần sự thật những chiêu trò, mánh khóe ẩn sâu sau đó.
Loạn "xế" bán rẻ như cho...
Từ bao giờ mạng xã hội facebook cũng tựa như "chợ trời" trên không gian ảo. Người ta có thể dễ dàng tìm mua, rao bán đủ mọi mặt hàng từ đồ ăn, quần áo, nhà cửa, điện thoại... đến phương tiện đi lại một cách công khai, nhanh chóng và chẳng tốn một đồng chi phí quảng cáo nào. Ấy thế là những mặt hàng "đen", nhập lậu càng có cơ hội và nguy cơ bùng phát. Dạo một vòng trên mạng xã hội, đập ngay vào mắt PV là hàng loạt các trang facebook cá nhân, fanpage quảng cáo, rao bán xe nhập lậu, trốn thuế... một cách công khai và táo tợn với giá rẻ chỉ bằng 1/4 thị trường.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng ham rẻ, muốn dùng xe xịn nhưng lại ít tiền, những topic như: "Chuyên bán xe nhập khẩu không thuế hải quan toàn quốc", "Buôn bán các loại xe lậu không giấy tờ", "Xe nhập lậu biên giới trốn thuế giá rẻ"... mọc lên như nấm sau mưa, thu hút đông đảo bạn trẻ, người tiêu dùng đang có nhu cầu tìm phương tiện đi lại.
Xe bọc sẵn sàng để vận chuyển.
Những chiếc xe máy từ bình dân tới đắt tiền đều được chào bán với giá rẻ như cho: "Admin sắp nhập một lô hàng về mới 99% nguyên zin bạn nào có nhu cầu LH anh Niên: 0971... Chúng tôi chuyên nhập khẩu và kinh doanh các loại xe gắn máy không thuế hải quan giá rẻ, được nhập về từ các cửa khẩu mà không chịu bất cứ khoản thuế nào. Vui lòng chọn loại xe ưng ý rồi gọi điện cho chúng tôi để đặt hàng, xe không giấy nên các bạn vui lòng mua trong phạm vi kín. Cảm ơn! (Toàn bộ các sản phẩm đều chính hãng 100% nguyên bản chưa đập hộp)...".
Theo đó một số xe nhập khẩu không giấy tờ được liệt kê như sau: Exciter chỉ có giá 7 triệu đồng, Xipo giá 15 triệu đồng, Liberty 15 triệu đồng, Axelo 5 triệu đồng, Wave, Dream 5 triệu đồng, Airblade 8 triệu đồng, Vespa LX 15 triệu đồng". Một chiếc SH mới nguyên tem giá thị trường khoảng gần 200 triệu đồng cho xe ngoại nhập, xe nội cũng có mức giá trên dưới 80 triệu đồng mà tại các trang này cũng chỉ có mức giá 15 đến 20 triệu đồng.
Giá bán rẻ "không ngờ" tới mức nhiều người tiêu dùng biết rằng mua bán như vậy là phạm pháp nhưng cũng "đành liều" vì biết đâu vớ bở tiết kiệm được cả một khoản tiền chênh lệch to.
Những chiếc xe mới cáu cạnh, đủ mọi thể loại, mẫu mã, màu sắc được chụp ảnh từ mọi góc độ đăng lên mạng xã hội đầy đẹp đẽ. Thậm chí để tăng uy tín, người bán còn chụp ảnh những "phi vụ" buôn bán thành công, những chiếc xe đã giao về chủ mới ra sao để tạo niềm tin với khách hàng. Những chiếc xe bọc bìa, nilon kín đáo sẵn sàng cho chuyến "du hí" đến với chủ nhân ở khắp mọi miền đất nước khiến không ít những người tiêu dùng nhẹ dạ, cả tin hoặc cũng có chút nghi ngờ nhưng vì khoản lợi to đùng vẽ ra trước mắt nên cũng cố thử vận may.
Các trang quảng cáo xe nhập lậu công khai.
Quảng cáo công khai nhưng giao dịch thì "kín"
Vào vai một vị khách có nhu cầu, PV chủ động gọi điện đến số điện thoại được đăng công khai trên facebook, đầu dây bên kia một người đàn ông giọng ồm ồm trả lời. Sau khi bày tỏ nguyện vọng muốn mua một chiếc xe SH và hỏi cách thức giao dịch, người đàn ông đó rất chuyên nghiệp bảo sẽ gửi tin nhắn theo cách thức đã soạn sẵn trước đó cho tiện.
Chỉ ít phút sau, hòm thư facebook của PV nhận được một loạt tin nhắn gửi đến chỉ rõ đường đi nước bước: "SH giá 14 triệu có giấy tờ bạn nhé, tiền xe đã bao gồm tiền ship, bạn chỉ việc trả tiền xe thôi bên mình liên kết với nhà vận chuyển lớn nhất nước Proship. Bạn chỉ cần đặt cọc 500.000 VNĐ, bên mình sẽ làm hồ sơ rồi tiến hành bọc xe gửi qua cho bạn, sau 12 đến 24 tiếng xe sẽ được giao đến tận nhà theo đúng địa chỉ bạn đưa, bạn có thể xem xe và đi thử. Bạn được đi thử xe khi nhận. Nếu xe mới và đúng như trong hình thì bạn trả tiền, nếu xe cũ và bị xước 1 vết thì bạn trả lại bên mình, người vận chuyển sẽ trả lại bạn tiền cọc đấy".
Sau khi PV hỏi lấy gì để đảm bảo số tiền cọc nếu gửi đi không thì nhận được câu kể khổ: "Niềm tin bạn ạ. Đi giao dịch trực tiếp nguy hiểm lắm, làm ăn vớ vẩn mấy bạn hẹn mình tới rồi "phang" mình thì hết đường về quê mẹ? Có nhiều anh em không biết có thực sự muốn mua không mà thỉnh thoảng lại gặp phải người ở TP.HCM, ở Đắk Lắk, Đà Lạt, Cà Mau, Bình Dương... inbox và gọi điện nói: "Bạn đem xe ra đây giao dịch trực tiếp tôi mới mua, không thì thôi". Xin thưa các bạn là: Mình chả biết các bạn là ai cả và các bạn cũng chả biết mình là ai, cứ đặt hàng bừa, cho địa chỉ ảo. Mình mang hàng đi rồi lại phải mang về rất tốn kém và nguy hiểm, bán một sản phẩm giá 5 triệu đến 10 triệu đi tới đó giao trực tiếp? Xe cộ, ăn uống nghỉ ngơi, rồi vận chuyển, bị bắt... Không đủ tiền vốn, chứ đừng nói là tiền lãi. Nên anh em nào có thiện chí mà ở xa thì đặt cọc cho mình tiền vận chuyển trên mỗi xe rồi mình mới chuyển hàng đi. Sau khi đặt, sẽ có người bên công ty vận chuyển gọi cho bạn thông báo xe đã gửi thành công và xác nhận thông tin. Bên mình rất tiếc nhưng đều có quy tắc hết rồi, phải đặt cọc thì bên mình mới vận chuyển xe cho bạn được. Bên mình không muốn mạo hiểm giao dịch trực tiếp, công an ập vào thì khổ cả hai hoặc gửi xe trước mà nhỡ bạn không lấy xe, tiền đâu mà chúng tôi bù ra. Mong bạn thông cảm và hiểu cho chúng tôi".
Cảnh giác kẻo mắc lừa
Trao đổi qua lại một lúc, PV giả vờ sập bẫy và hỏi tài khoản ngân hàng để chuyển tiền thì bắt đầu lộ ra mánh khóe lừa lọc quen thuộc: "Bên mình dùng tích hợp thanh toán bằng thẻ cào để an toàn cho cả hai bên chứ không dùng chuyển khoản. Ví dụ bây giờ bạn thanh toán 500.000 VNĐ, bạn mua 5 thẻ cào điện thoại của Viettel hoặc Mobi hay Vina mệnh giá 100.000 VNĐ. Hoặc một cái 500.000 VNĐ. Bạn mua rồi chụp ảnh mấy cái thẻ đó lại gửi cho mình, bên mình sẽ gửi lại cho bên vận chuyển tiến hành thanh toán rồi đóng thùng xe gửi cho bạn - Sau khi đặt cọc sẽ có nhân viên gọi điện cho bạn xác minh thông tin, địa chỉ đóng gói xe và chuyển cho bạn luôn. Đảm bảo uy tín nhé!".
Liên hệ thêm một vài trang đăng bán xe nhập lậu khác, có trang có số điện thoại liên hệ trực tiếp, có trang không. Nhưng tựu trung họ đều rất cẩn thận, đòi đặt cọc bằng cách chụp thẻ cào điện thoại trước mới cho xem hàng, giao hàng. Có nơi bắt đặt cọc 500.000 VNĐ, có chỗ lại đòi cọc đến 2.000.000 VNĐ. Chưa biết có ai đến được bước giao hàng, nhận xe như quảng cáo không nhưng hẳn đã không ít bạn trẻ đã mắc lừa.
Trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Tổ trưởng tổ Xử lý vi phạm, đội CSGT số 1, Công an TP. Hà Nội) khuyến cáo, người dân không nên hám lợi nhuận để mua, bán những chiếc xe nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã được làm giả giấy tờ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp bị lực lượng công an phát hiện, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt, tịch thu phương tiện và thậm chí trong trường hợp vi phạm nặng có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Mặt khác, bên cạnh việc xử phạt mạnh đối với các chủ phương tiện sở hữu xe nhập lậu, làm giả giấy tờ thì các ban ngành chức năng khác cũng cần phải tích cực vào cuộc bịt những lỗ hổng, ngăn chặn xe lậu ngay từ biên giới.
Quỳnh Bùi
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Giáo viên bị chồng chém vì tình tứ trên mạng xã hội? Nữ giáo viên bị chém vì bị chồng nghi ngờ do nhiều lần có những lời lẽ tình tứ trên mạng xã hội. Khoảng 9g sáng 18/8, nhiều người dân nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ nhà Hà Thanh Long (41 tuổi, ở tổ 7, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Khi mọi người chạy tới...