River’s Edge Khúc nhạc cầu siêu cho những tháng ngày tươi đẹp của tuổi trẻ
Đó là một tuổi trẻ đau đớn đầy những vết sẹo chằng chịt nơi thể xác và tâm hồn. Đó là ba người bạn kết thân với nhau bằng một báu vật tang tóc: xác người vô danh chết khô trên đồng cỏ hoang bên bờ sông.
River’s Edge ( Những Câu Chuyện Bên Sông) là tác phẩm ra mắt công chúng trong năm nay của đạo điễn tài ba Isao Yukisada được chuyển thể từ manga cùng tên do tác giả Kyoko Okazaki chấp bút. Với lần tái xuất này Isao Yukisada đã mang đến cho khán giả một áng văn học đường mang sắc thái kỳ dị với nhiều mối trăn trở đau đớn, miên man và lạc lối. Một cuốn phim đầy chất tự sự, gây sốc với sự thật trần trụi về cách sống của người trẻ trong đầu những năm 1990.
Chuyện bắt đầu từ cuộc phỏng vấn với cái nhân vật, những học sinh đang vật lộn để học cách trưởng thành. Theo những lời tâm sự, câu chuyện được kể diễn ra tại vùng ngoại ô thành phố Tokyo, nơi nhịp sống vội vã trôi đi theo dòng sông bao quanh miền quê nhỏ.
Tại đây có cô gái Wakakusa Haruna ( Fumi Nikaido), miệng đầy khói thuốc, cá tính với lối sống như một nữ cường nhân tính cách mạnh mẽ, gặp chuyện bất bình là hành sự. Haruna kết bạn và bảo vệ nam sinh Yamada Ichiro ( Ryo Yoshizawa), một học sinh gương mẫu, chuyên bị bạn bè bắt nạt vì là kẻ đồng tính. Hai con người khác biệt nhau về mọi mặt đã liên kết với nhau bằng một bí mật kinh dị khi phát hiện ra tử thi đã mục rữa, héo khô bị lãng quên bên bờ sông.
Đứng trước cái chết, sự xấu xí ghê rợn đầy kinh dị nhưng hai con người vị thành niên đó không hề sợ hãi, run sợ mà ngược lại họ trân quý “cái xác” như một kỷ vật lưu giữ thời thanh xuân dữ dội đầy rẫy tệ nạn và bạo lực. Những đứa trẻ sống như những xác sống khi linh hồn đã mất chỉ còn lại thể xác nương lại nơi thế gian. Bộ phim chính là một bức tranh đen tối của tuổi trẻ với quan hệ đồng tính, rối loạn cảm xúc, bắt nạt và có thai ngoài ý muốn. Một thế hệ thanh niên người Nhật bơ vơ, lạc lõng và cô đơn tự mình vùng vẫy, kêu gào giữa những cám dỗ của cuộc đời.
Nhà trường, xã hội và người lớn đã thờ ơ, bỏ mặc người trẻ tự hành quyết chính mình. Vì vậy mà chúng sống quá vô cảm đến độ không cảm thấy đau đớn hay sợ hãi trước sự xấu xa của cuộc sống. Như Ichiro, cậu như thể chai lì, không hề run sợ mà ung dung, ngoan cường trước cảnh bị đánh, bắt nạt hay cô người mẫu Yoshikawa Kozue (Sumire) có thói quen ăn rất nhiều để rồi nôn ra hết vì không giải tỏa được căng thẳng và áp lực.
Tình yêu trong phim lại là điều quá xa xỉ khi học sinh đến với nhau chỉ vì tò mò và thỏa mãn ham muốn quan hệ để rồi cay đắng nhận lấy những hệ quả nguy hiểm, đầy bất hạnh. Còn tình bạn thì thật giả lẫn lộn, hòa quyện giữa cái xấu và cái tốt. Chỉ có cái tử thi khô là thứ cảm xúc duy nhất mà những đứa trẻ nương tựa vào để tìm thấy một chút đồng cảm và thấu hiểu.Tử thi vô danh chính là một cái kết cô độc báo hiệu cho tương lai, kết cục đầy bi thương và phẫn uất của những số phận trong phim.
Một bộ phim buồn, một thanh xuân đầy ám ảnh bởi những hoang mang, lo lắng và băn khoăn về hiện tại và tương lai, về sự sống và cái chết, về yêu và hận. Một bức tranh xám xịt, đầy sắc tối nhưng len lỏi trong đó là những sắc màu sáng bởi sự ấm áp từ sự chia sẻ đồng cảm đầy bản năng của những người bạn cùng cảnh ngộ.
Những trái tim trống rỗng được lấp đầy bởi những mảnh vá bé nhỏ nhưng lại có một sức mạnh kỳ diệu từ tình thương của đồng loại. Ít nhất giữa thế gian hỗn loạn, giữa sự lạnh lùng, thờ ơ của trường học, gia đình và xã hội thì những học sinh cá biệt như Haruna, Ichiro hay Kozue đã tìm thấy sự bình yên khi ở bên nhau, khi cùng nhau chia sẻ một cái xác nơi đồng hoang mênh mông, lạnh lẽo.
Với những góc quay hẹp, tù túng và bức bối trong nhịp phim chậm rãi man mác những nỗi buồn không tên River’s Edge hiện hữu với chất hiện thực đậm tính nhân văn sâu sắc hướng đến cho người trẻ. Không lãng mạn, mơ mộng phim chính là những lát cắt sắc bén về thực trạng nghiệt ngã về đời sống trưởng thành của tầng lớp thanh thiếu niên. Xem phim khán giả sẽ bị “sốc”, rợn người bởi sự vô tình, “máu lạnh” của con người, bởi sự phát triển đô thị hóa ô nhiễm của môi trường sống xung quanh.
Phim tựa như một bản nhạc cổ điển buồn, da diết đầy âm hưởng của thời đại. Những gương mặt điện ảnh trẻ trung với lối diễn đa dạng, đầy biến hóa như Ryo Yoshizawa, Fumi Nikaido… đã tạo nên một bức tranh thanh xuân đa sắc màu với những biến chuyển tâm lý nhân vật phức tạp. Một tổng thể hài hòa từ kịch bản đến bối cảnh, diễn xuất. Mỗi khung cảnh chính là mỗi câu hỏi để khán giả phải băn khoăn, suy nghĩ tìm đáp án từ tận sâu trái mình. Để đến khi kết thúc chúng ta sẽ cảm thấy bàng hoàng và sống chậm lại nhìn nhận về sự đời, phận người khi dòng thời gian lặng lẽ trôi đi.
River’s Edge chính là một vết cắt sâu với sự thương tổn đau đớn cứ dai dẳng bám vào thể xác và tâm hồn con người. Một tác phẩm điện ảnh “rất đời” với những kiếp người đáng thương hơn là đáng trách. Con người chỉ là một sinh vật yếu đuối luôn khao khát sự yêu thương, chúng ta chiến đấu và tồn tại cũng chỉ vì được công nhận và được yêu.
Trailer “River’s Edge
Theo Trí thức trẻ
Nhật Bản báo động tình trạng học sinh tự sát cao nhất 30 năm qua
Báo cáo mới đây của chính phủ Nhật Bản cho thấy số trẻ em và trẻ vị thành niên tại nước này tự sát giữa năm 2016 và 2017 đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Có 250 học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học tự sát trong giai đoạn giữa năm 2016 và 2017, theo các khảo sát mới nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Con số này đạt mức cao nhất kể từ năm 1986 với số trường hợp khi đó là 268 học sinh.
"Tình trạng học sinh tự sát tiếp tục tăng cao. Đây là vấn đề đáng báo động chúng ta phải giải quyết", Bộ trưởng Giáo dục Noriaki Kitazaki ngày 5/11 khẳng định.
Bộ Giáo dục Nhật Bản vẫn chưa nghiên cứu được nguyên nhân khiến số trường hợp trẻ em tự sát tăng cao, theo CNN.
Trong các trường hợp đáng tiếc nói trên, khảo sát ghi nhận học sinh thường chọn cái chết làm lối thoát do bị bắt nạt tại trường, căng thẳng tâm lý hoặc các rắc rối trong gia đình. Phần lớn trường hợp tự sát được ghi nhận là học sinh trung học.
Các bé học sinh tiểu học tại quận Ebisu, thành phố Tokyo. Ảnh: Getty.
Chính phủ Nhật Bản trước đó đã phát hiện tình trạng số ca tự sát tăng cao vào ngày 1/9 hàng năm khi bắt đầu năm học mới.
"Giai đoạn nghỉ hè cho phép bạn được trốn ở nhà. Đó thật sự là thiên đường cho những bạn trẻ thường xuyên bị bắt nạt ở trường", Nanae Munemasa, 17 tuổi, trả lời phỏng vấn của CNN vào năm 2015. "Khi mùa hè kết thúc, họ lại phải đến trường. Một khi bạn quá lo lắng về việc bị bắt nạt thì bạn dễ nghĩ đến lối thoát là tự sát".
Bản thân Munemasa cũng từng nghĩ đến cái chết làm lối thoát cho những tháng ngày bị bắt nạt tại trường học. Cô gái quyết định công khai câu chuyện của mình để giúp đỡ những bạn trẻ khác cùng hoàn cảnh.
Trong khi số người trẻ tự sát tăng cao vào năm ngoái, số ca tự sát trên toàn Nhật Bản lại có chiều hướng giảm với 21.321 trường hợp được ghi nhận trong năm 2017. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Nhật Bản, 2003 là năm có số trường hợp tự sát cao nhất Nhật Bản với 34.427 người.
Chính phủ của Thủ tướng Shizo Abe năm 2016 đặt mục tiêu giảm 30% số trường hợp tự sát tại nước này vào năm 2026, chú trọng vào người trẻ tuổi, theo Japan Times. Nhật Bản cũng tuyển thêm chuyên viên tư vấn tâm lý tại tất cả trường tiểu học và trung học trên cả nước và thiết lập một đường dây nóng hỗ trợ tư vấn tâm lý túc trực 24/7.
"Chúng tôi muốn chấm dứt tình trạng đau lòng này. Thực tế đáng buồn là mỗi năm có hàng trăm trẻ em tự sát", Koju Matsubayashi, một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản, cho biết.
"Việc dạy trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ (tâm lý) sớm là vô cùng quan trọng. Một khi các em bị lún sâu vào những rắc rối của mình, việc tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ trở nên khó khăn hơn. Ánh sáng phía cuối đường hầm tắt dần đi, cho đến một lúc các em nghĩ rằng lối thoát chính là cái chết", ông cho biết.
Học sinh trung học phổ thông chiếm phần lớn trong các trường hợp trẻ dưới tuổi vị thành niên tự sát ở Nhật Bản. Ảnh: Getty.
Không chỉ riêng Nhật Bản, nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đau đầu trước tình trạng số ca tự sát tăng cao. Tỉ lệ người tự sát tính trên 100.000 dân tại Hàn Quốc trong năm 2017 là 26,9. Con số này cao hơn cả Nhật Bản trong cùng năm là 18,5. Tự sát cũng chiếm phần lớn số ca tử vong được ghi nhận tại Hong Kong.
Có ý kiến cho rằng văn hóa làm việc căng thẳng của các nước Đông Á là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca tự sát tăng cao. Trong khi đó, theo một số chuyên gia, thực trạng đáng báo động nói trên một phần do người dân các nước châu Á còn định kiến với việc tìm kiếm giúp đỡ và điều trị bệnh trầm cảm hoặc các biện pháp can thiệp tâm lý.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cảnh báo rằng tự sát là một vấn đề có khả năng "lây nhiễm" về mặt tâm lý. Cái chết của một người hoặc nhiều người có thể làm tăng khả năng tự sát đối với người khác, đặc biệt những trường hợp đã từng có suy nghĩ tự sát hoặc dính đến các yếu tố có khả năng dẫn đến tự sát.
Thanh Danh
Theo baotintuc
Người đàn ông sống chung cùng xác của vợ suốt 2 tháng Người đàn ông bị nghi giấu xác vợ trong suốt 2 tháng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới cái chết của nạn nhân. Ngày 23/10, cảnh sát thành phố Tokyo (Nhật Bản) tiến hành bắt giữ Hiroshi Inoue, một người đàn ông 72 tuổi, sau khi phát hiện nơi cư trú của ông ta tại phường Shinjuku có chứa thi thể...