Rio Ferdinand, hay hơn cả những lời ngợi khen
Ai cũng khen ngợi Rio Ferdinand. Kỳ thực, không phải lời khen ngợi nào cũng diễn tả được hết cái hay của trung vệ xuất sắc này. Có vẻ như đấy là tượng đài… nhỏ nhất, trong các tượng đài ở Premier League.
Ví dụ về sự thua sút “oan uổng” của Rio Ferdinand, trong cái nhìn của giới quan sát về các tượng đài trên sân cỏ Anh: anh không bao giờ là một “ông chủ”, như tư thế “ông chủ” của Steven Gerrard ở Liverpool hoặc John Terry ở Chelsea. Chẳng qua, Ferdinand không gắn bó cả đời với đội bóng nào, chứ đâu phải anh chưa đủ tài để vươn lên tầm thủ lĩnh!
Cái nhìn tổng quát cũng chẳng khác mấy. NHM Anh hay gọi ĐTQG của họ trong những năm đầu thế kỷ 21 là “thế hệ vàng”. Chỉ riêng ở M.U, thế hệ vàng đã gồm David Beckham, Paul Scholes và anh em nhà Neville. Ngoài ra là Gerrard, Terry, Frank Lampard, Ashley Cole, Michael Owen… Tất cả đều có nét riêng. Kỳ thực, chưa chắc đã có ngôi sao nào trong số ấy hay hơn Ferdinand, nếu chỉ bàn về khả năng chuyên môn. Khác biệt là Ferdinand không có mác “thần đồng” như Owen, không phải là một siêu sao “ăn khách” trên bìa báo như David Beckham. Hoặc, như đã nêu, anh không đi vào huyền thoại ở một CLB duy nhất, như Gerrard hoặc Terry.
Tóm lại, Ferdinand không thuộc mẫu ngôi sao “triệu view”, loại ngôi sao có thể làm ngất xỉu thể loại fan… không biết đội bóng có bao nhiêu người. Anh chỉ có khả năng chuyên môn, vươn lên bằng thực tài. Mới 19 tuổi, Ferdinand đã là cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng ở West Ham. Anh chuyển sang Leeds với hợp đồng kỷ lục và mang băng thủ quân ở tuổi 22. Rồi anh lại phá các kỷ lục chuyển nhượng của chính mình, khi đến M.U và ổn định sự nghiệp trong 12 năm.
Beckham, Gerrard, Terry làm giới hâm mộ M.U, Liverpool, Chelsea tự hào bởi đấy là những ngôi sao do chính CLB đào tạo. Ferdinand thuộc mẫu ngược lại. Cái thiếu của Ferdinand hóa ra cũng là cái hay. Anh không làm giới hâm mộ M.U tự hào về khâu đào tạo cầu thủ trẻ. Vậy hãy bàn thêm: anh phải có giá trị chuyên môn như thế nào để M.U phải trải thảm rước đón – điều mà Gerard không có ở Liverpool, hoặc Terry không có ở Chelsea.
Không phải là một mẫu cầu thủ bóng bẩy song về chuyên môn, Rio Ferdinand thực sự là một tượng đài tại Anh
Kỹ thuật và sự tinh tế trong cách chơi của Ferdinand làm anh trông giống một trung vệ giỏi “kiểu châu Âu”, hơn là mẫu ngôi sao Anh quốc (thường trông cậy vào sức vóc). Mặt khác, Ferdinand tỏa sáng ngay từ khi còn rất trẻ, trong một đội bóng chỉ ở đẳng cấp trung bình (West Ham). Đây là chi tiết rất khác, so với tình trạng các trung vệ xưa nay thường chỉ trở nên thật sự chắc chắn khi đã già dặn, tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Video đang HOT
Trên sân cỏ Anh, hậu vệ giỏi xưa nay thường chỉ đạt mức tuyệt luân về một trong hai khía cạnh: tấn công hoặc phòng ngự (tất nhiên, một hậu vệ giỏi tấn công thì ít ra khả năng phòng ngự cũng phải ở mức “xem được”). Ferdinand rất giỏi trong cả hai việc, nên trở thành “hàng hiếm”. Ngoài chuyện công, thủ đều giỏi, Ferdinand còn có đặc điểm là anh chơi được trong mọi chiến thuật. Khi Ferdinand giải nghệ, tờ Mirror bàn: chắc phải chờ khoảng 10-15 năm thì bóng đá Anh mới sản sinh được một trung vệ tương tự như thế. Tờ Telegraph gọi Ferdinand là “chiếc Roll Royce của các hậu vệ”. BBC thì cho rằng Ferdinand đã định nghĩa lại vai trò trung vệ, làm thay đổi cách chơi của các trung vệ Anh sau này.
Ferdinand xuất sắc đến mức anh dễ dàng tạo nên một thế giới riêng cho mình, ngay trong hàng ngũ M.U. Ngay mùa đầu tiên (2002/03), anh đã góp công quan trọng vào chức vô địch Premier League. Ở mùa bóng được xem là thất bại nhất của M.U từ khi Premier League ra đời (2004/05), Ferdinand vẫn là ngôi sao. Khi M.U vô địch cả Premier League lẫn Champions League 2007/08, Ferdinand cũng là ngôi sao nổi bật.
Trước đó, anh góp công lớn giúp M.U đoạt lại quyền lực từ tay Arsenal và Chelsea (2006/07). Còn sau đó, anh vẫn tỏa sáng khi M.U bị cho là hết động lực (2008/09). Cái hay của Ferdinand luôn được thể hiện rất rõ ràng, độc lập với thành công hoặc thất bại chung của toàn đội. Trớ trêu thay, bàn kỹ thì đây lại cũng là chi tiết khiến Ferdinand không có tính chất “biểu tượng”, như nhiều ngôi sao khác. Khi nói Ferdinand là trung vệ vào loại hay nhất trong thế hệ của mình, người ta không phải gắn kết điều gì với West Ham, Leeds hay M.U!
Những vụ chuyển nhượng kỷ lục
Khi chuyển từ Leeds sang M.U năm 2002 với giá 30 triệu bảng, Rio Ferdinand vừa trở thành cầu thủ Anh đắt giá nhất lịch sử, vừa trở thành hậu vệ đắt giá nhất thế giới. Thú vị thay, chính Ferdinand cũng đã lập được cả hai kỷ lục ấy từ trước đó, khi anh chuyển từ West Ham sang Leeds vào năm 2000. Sau này, Ferdinand thừa nhận: anh đã ngồi lì 6 giờ trong văn phòng Peter Risdale để buộc chủ tịch Leeds bán anh sang M.U.
Ferdinand chưa biết VCK EURO là gì!
Tháng 9/2003, Rio Ferdinand vắng mặt trong một cuộc kiểm tra doping định sẵn tại sân tập Carrington. Quên hẹn, Ferdinand đi shopping, và khi sực nhớ thì đã muộn. Anh tình nguyện kiểm tra vào hôm sau và đề nghị được kiểm tra cả bằng mẫu tóc (phương pháp có thể phát hiện doping trong vòng 6 tháng trước đó). Nhưng tất cả đều không thay đổi được hình phạt 8 tháng treo giò. Ferdinand mất luôn cơ hội dự EURO 2004. Thế là cả đời Ferdinand chưa từng tham dự EURO.
19 – Rio Ferdinand từng là hậu vệ trẻ nhất trong lịch sử đội tuyển Anh. Khi gặp Cameroon ngày 15/11/1997, Ferdinand mới 19 tuổi, 8 ngày (kỷ lục này sau đó bị Micah Richards vượt qua). Nếu không bị phạt vì lái xe quá tốc độ, Ferdinand đã xuất hiện trong ĐTQG sớm hơn nữa.
Ashley Cole, hậu vệ trái hay nhất lịch sử Premier League
Ngoài vấn đề số liệu, mọi cái "nhất" trong môn bóng đá thường chỉ mang tính tương đối.
Nói Ashley Cole là hậu vệ trái hay nhất trong lịch sử Premier League cũng không đến nỗi vô lý, bởi nhiều nhân vật trong làng bóng Anh còn sẵn sàng khẳng định: Cole là hậu vệ cánh hay nhất mà họ từng biết!
Nói về "thế hệ vàng" của bóng đá Anh, nhiều người sẵn sàng phản biện: Steven Gerrard, Frank Lampard, David Beckham, Paul Scholes, cả Wayne Rooney sau đó, đều được phóng đại, chứ không quá xuất sắc như sự tô vẽ của báo chí. Gary Neville có lẽ là trường hợp rõ ràng nhất. Nhưng với Ashley Cole, phải đặt vấn đề ngược lại: thực tài của anh có vẻ cao hơn so với sự cảm nhận chung của dư luận.
Đây là một vấn đề xã hội. Có thể xếp Ashley Cole vào nhóm ngôi sao bị ghét bỏ nhiều nhất ở Anh, chủ yếu vì các scandal ngoài bóng đá, thường xuyên xuất hiện trong sự nghiệp đỉnh cao của Cole. So với các ngôi sao khác, Cole có vẻ thua sút về khả năng đối phó với scandal. Có cả trường hợp không hẳn là "ngoài bóng đá". Chẳng hạn như Cole đã bị giới hâm mộ Arsenal gọi là "Cashley", ý nói anh quá ham tiền khi bỏ đội này, chuyển sang Chelsea (và đấy là một vụ chuyển nhượng sai luật, khiến Cole cùng khá nhiều nhân vật liên quan bị phạt).
Nói về chuyên môn bóng đá thuần túy, thì Ashley Cole quá "đỉnh". Mấy ai từng thắng cả Lionel Messi lẫn Cristiano Ronaldo trong bóng đá đỉnh cao! Tình trạng Cole "bỏ túi" Ronaldo đã xuất hiện nhiều lần, do Ronaldo từng có một thời gian dài chơi bóng ở Premier League. Với Messi, Cole đã thắng trong mùa bóng mà Chelsea vô địch Champions League, loại Barcelona trên đường tiến vào chung kết.
Gần như không có điểm yếu, Cole vừa bền bỉ vừa khéo léo, công thủ toàn diện, tốc độ tuyệt vời trong khi kỹ thuật cũng rất điêu luyện. Nhiều HLV khác nhau, từ CLB đến ĐTQG, đều xem Cole là ngôi sao không thể thiếu trong đội bóng của mình. Carlo Ancelotti (Chelsea) và Fabio Capello (đội tuyển Anh) đều đã có lúc khẳng định Cole là hậu vệ trái hay nhất thế giới. Thậm chí đã có đề tài: đâu là hậu vệ Anh hay nhất kể từ sau chức vô địch World Cup 1966 của đội tuyển này. Người ta tranh luận và không tìm ra cái tên nào có thể xếp trên Ashley Cole. Stuart Pearce gọi Cole là hậu vệ trái hay nhất mà quê hương bóng đá từng có. Trên thực tế, con số 107 lần khoác áo "tam sư" của Cole là kỷ lục đối với một hậu vệ cánh.
Cole nói anh vô cùng tự hào về số lần chơi cho đội tuyển, dù đấy là nơi mà Cole hoàn toàn không có danh hiệu gì (thậm chí chưa bao giờ đội tuyển Anh của Ashley Cole vào đến bán kết một giải đấu lớn). Ở CLB, câu chuyện khác hẳn. Cole là thành viên của Arsenal trong chức vô địch "bất bại" ở Premier League mùa bóng 2003/04 và mùa bóng vào chung kết Champions League 2005/06. Anh là trụ cột của Chelsea trong mùa bóng duy nhất đội này có "cú đúp" (2009/10) và mùa bóng vô địch Champions League 2011/12.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Ashley Cole (phải) chơi cho cả Arsenal lẫn Chelsea (ảnh trên) và từng khiến những siêu sao hàng đầu thế giới ngán ngại
Một ngôi sao lớn phải có cả hai đặc điểm quan trọng: vừa chiến thắng đối thủ, vừa chơi hay hơn đồng đội. Cole thuộc mẫu này, và hơn thế nữa. HLV Arsene Wenger phân tích lối chơi của Cole: anh phòng thủ rất chắc, nhưng cũng rất thích tấn công. Đội vừa có bóng là Cole lập tức đã ở tình trạng sẵn sàng cho pha tấn công. Đội vừa mất bóng là Cole đã ở tư thế sẵn sàng phòng ngự.
Do vậy, Cole làm cho lối chơi toàn đội trở nên dễ dàng hơn. HLV Capello thì đánh giá cao cách chuyền bóng của Cole khi anh tiếp cận khu 16m50. Ông khẳng định: mẫu hậu vệ hiểu rõ những đường chuyền quyết định hoặc biết cách chuyền bóng ngay trong vùng cấm là không nhiều. Đấy là các đặc điểm có tính chuyên môn cao, cần đến Capello hoặc Wenger giải thích. Trong mắt khán giả thông thường thì những pha cứu nguy ngay trên vạch vôi của Cole là đã đủ thuyết phục rồi. Cole có rất nhiều pha bóng đặc trưng như thế.
Cuối cùng, Cole tỏ ra xuất sắc một cách bền bỉ. Anh luôn trụ vững ở đẳng cấp cao nhất trong hơn chục năm. Tiếc tay, một tượng đài lớn như Ashley Cole xem ra lại không được bóng đá Anh quá trọng vọng như Gerrard, Beckham hoặc John Terry.
Cole đánh giá cao lò trẻ Chelsea
Ashley Cole đã nói rõ sau khi treo giày rằng, anh rất muốn tham gia công tác huấn luyện. Nhưng trước mắt, sẽ chưa có HLV Ashley Cole trong làng bóng đỉnh cao. Cole chỉ đang hướng dẫn các cầu thủ U-15 trong hệ thống đào tạo trẻ của Chelsea. Theo sát diễn tiến của Premier League mùa này, Cole tỏ ra đặc biệt hào hứng về các ngôi sao trẻ trong đội 1 Chelsea, do Frank Lampard huấn luyện. Anh khẳng định: "Chelsea chỉ cần thêm vài hảo thủ để có thể tranh ngôi vô địch!".
Nạn nhân của... chính mình
Ashley Cole dường như chưa tiến được đến đẳng cấp huyền thoại, kiểu Paolo Maldini hoặc Roberto Carlos. Giới nghiên cứu cho rằng Cole không tỏa sáng một cách rực rỡ vì anh quá toàn diện. Ví dụ như Cole không có những pha "tắc" bóng xuất thần vì anh "đọc" tình huống tốt và chơi quá hợp lý. Anh không tấn công ào ạt như Roberto Carlos vì anh quá chặt chẽ trong nhiệm vụ phòng ngự. Cole không thường xuyên thể hiện kỹ thuật như Roberto Carlos hoặc tỏ ra tinh tế như Maldini, chẳng phải vì anh không có khả năng.
7. Với 7 lần đăng quang (4 cùng Chelsea, 3 với Arsenal), Ashley Cole là cầu thủ giữ kỷ lục đoạt Cúp FA nhiều nhất trong lịch sử bóng đá. Anh cũng là một trong hai cầu thủ hiếm hoi (cùng Nicolas Anelka) đoạt "cú đúp" tại Anh tới 2 lần, với 2 CLB khác nhau.
Lý do Man United chưa trở lại Indonesia CLB Manchester United từng lên kế hoạch du đấu mùa hè của mình đến Indonesia nhưng mối nguy hiểm đánh bom tự sát khiến đội bóng nước Anh không chọn Indonesia. Trong quá khứ, Man United có kế hoạch du đấu châu Á qua những quốc gia như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngày 14/1/2009, Sir Alex Ferguson mang theo dàn...