RFI: Vụ Chu Vĩnh Khang Thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc rơi vào thế bí?
Cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc đang vào phút gay cấn nhất. Chu Vĩnh Khang bị bắt. Và ai cũng biết người đứng sau Chu Vĩnh Khang trước kia là cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Liệu Tập Cận Bình – đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc có dám đi tới bước cuối cùng này hay không?
Tờ Minh Báo của Hồng Kông bình luận rằng, Chu Vĩnh Khang bị hạ bệ là tin tức khá sốc đối với các quan chức của Đảng Cộng sản, nhất là ở hai khía cạnh:
Thứ nhất, từ trước đến nay luôn có một quy tắc bất thành văn đối với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ cần đã từng là cựu quan chức của Bộ Chính trị, đều không bị truy cứu; do đó, từ khi Đảng Cộng sản được thành lập 65 năm nay, chưa có một ủy viên bộ chính trị nào bị điều tra vì tội tham nhũng, việc Chu Vĩnh Khang bị điều tra sẽ tạo ra một tiền lệ mới.
Thứ hai, một vị quan chức của bộ chính trị đã nghỉ hưu, chỉ cần có liên quan đến tham nhũng đều sẽ bị xử lý, vụ án của Chu Vĩnh Khang được xem là một thay đổi lớn trong nội bộ Đảng Cộng sản”.
Video đang HOT
Tập Cận Bình đang tạo ra một tiền lệ mới ở Trung Nam Hải
Tờ Thái Dương Báo của Hồng Kông cũng nhận định: “Cách đây không lâu sau khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 18 kết thúc, Bí thư Ủy ban Kỷ luật trung ương Trung ương Trung Quốc Vương Kỳ Sơn bắt đầu bắt tay điều tra Chu Vĩnh Khang, và sau đó là các tay chân, người thân của vị quan chức này. Đây là phương thức “nhổ cỏ tận gốc”, không chỉ tạo thành một chuỗi các bằng chứng vững chắc mà còn cho thế giới thấy được quyết tâm chống tham nhũng tuyệt đối của Tập Cận Bình”.
“Vụ án Chu Vĩnh Khang cho thấy được quyết tâm đánh hổ của trung ương, cũng phản ánh quyền lực vô hạn mà các quan chức tham nhũng liên kết gây tai họa, đồng thời cũng cho thấy rằng phòng chống tham nhũng mới là con đường cứu đảng cứu nước”.
Ngoài ra, theo Nhật báo Kinh tế của Hồng Kông, vào năm 2012, khi Tập Cận Bình chuẩn bị tiếp quản chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng nhận định rằng nếu trong vòng 3 năm mà không giành được lòng dân thì chỉ trong 10 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ bị lưu vong. Tập Cận Bình cũng tuyên bố chỉ có tiến hành chống tham nhũng mạnh mẽ và nhanh chóng đưa ra những thành tựu lớn mới có thể giảm bớt được sự bất mãn của người dân đối với tệ nạn tham nhũng của Đảng, tiếp tục đảm bảo vị thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ Tín Báo của Hồng Kông thì lại cho rằng, bên cạnh những ý kiến tích cực, cũng không thiếu nghi ngờ chiến dịch “diệt cả ruồi lẫn hổ đặc sắc Trung Hoa” nhuốm màu sắc tranh giành quyền lực. Lấy trường hợp của Chu Vĩnh Khang làm ví dụ. Các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc ngay cả Tân Hoa Xã đều chỉ trích nặng nề Chu Vĩnh Khang nhưng không chỉ rõ vi phạm pháp luật cụ thể, đã khiến các nhà phân tích dự đoán là sự kiện này liên quan đến nhân tố chính trị chứ không chỉ là vấn đề kinh tế.
Do đó, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn bị cuốn vào cuộc vận động của chính trị, người dân quan ngại rằng sau cuộc vận động này sẽ lại lặp lại một quá khứ sai lầm, tham nhũng sẽ tiếp tục và càng nghiêm trọng hơn nữa. Từ tấm gương tham nhũng Chu Vĩnh Khang, muốn giành được lòng dân, tạo niềm tin về Đảng Cộng sản, ngoài việc mạnh tay tấn công các con hổ lớn, còn cần thiết lập một cơ chế bao gồm các quan chức trong sạch, không tham ô.
Chu Vĩnh Khang đã là đích ngắm, liệu Tập Cận Bình có tiếp tục với Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân?
Tờ Đông Phương Nhật Báo của Hồng Kông thì bình luận rằng: “Mặc dù Chu Vĩnh Khang đã bị lập hồ sơ điều tra, nhưng thế hệ lãnh đạo thứ năm vẫn đối mặt với ba vấn đề.
Một là vụ án Chu Vĩnh Khang liệu có được xét xử công khai? thế hệ lãnh đạo thứ năm muốn mạnh tay trừng trị Chu Vĩnh Khang, thì cần phải xét xử công khai như vụ án của Bạc Hy Lai, nhằm loại bỏ tận gốc sự hoài nghi về một cuộc thanh trừng chính trị. Nhưng vấn đề là, liệu Chu có sẵn sàng hợp tác hay không? Nếu tòa án đưa ra được các bằng chứng chứng minh tội tham nhũng của Chu, thì lãnh đạo thế hệ thứ năm sẽ phải xử lý như thế nào?
Hai là lãnh đạo thế hệ thứ năm sẽ giải thích với thế giới bên ngoài như thế nào về vấn đề của Chu Vĩnh Khang? Chu Vĩnh Khang bắt đầu tham nhũng từ khi giữ chức Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, trong 10 năm giữ chức vụ này ông nhận được sự chống lưng mạnh mẽ của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, quá trình thăng quan tiến chức của Chu lên nhanh như diều gặp gió. Theo quy định của Đảng Cộng sản thì những người có liên quan như Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cũng phải chịu trách nhiệm. Liệu lãnh đạo thế hệ thứ năm có dám quy trách nhiệm cho họ?
Cuối cùng là làm thế nào tạo niềm tin của toàn dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc? Chu Vĩnh Khang bị bắt giam, chứng minh quyết tâm chống tham nhũng, nhưng niềm tin của người dân Trung Quốc về một “Đảng Cộng sản không tham nhũng” vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Mai Thanh (dịch từ RFI)
Theo Dantri