Rau quả Việt Nam gặp hạn vì Trung Quốc
Trước những biến động kinh tế, nông sản Việt Nam dần “đuối sức”, gặp khó trong vấn đề cạnh tranh và liên tục bị các nước trong khu vực “cướp” mất thị trường. Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh cả lượng và chất.
Nông sản Việt mất dần thị trường
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết, một thập kỷ trở lại đây kinh tế thế giới biến động mạnh, gần đây nhất là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam thường xuyên nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. 20% nông sản Việt cũng là xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, biến động từ Trung Quốc tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp tới thương mại nông sản của Việt Nam.
Trong khi đó, tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nông sản nhưng suốt từ cuối năm 2014 đến nay, xuất khẩu nông sản sụt giảm mạnh và dần mất sức cạnh tranh – ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (IPSARD), nói thêm.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam đang giảm mạnh
Ông Kiên dẫn chứng, trước đây, gạo 25% và gạo 5% tấm của Việt Nam có giá bán khá cạnh tranh so với gạo của Thái Lan, Ấn Độ thì nay, giá đã xấp xỉ bằng nhau. Thị phần xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc rộng lớn cũng theo đà “tuột dốc”.
“Năm 2012-2013, Việt Nam chiếm trên 65% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc nhưng đến năm 2014 giảm xuống còn 53%, và tính hết 4 tháng đầu năm 2015 con số này chỉ còn là 47%. Đối thủ thế chân Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chính là Thái Lan, Campuchia và Pakistan”, ông Kiên nói.
Tương tự, với mặt hàng cà phê, ông Kiên cho hay giá Arabica (cà phê chè) của Brazil và Colombia giảm mạnh cũng gây sức ép lớn với xuất khẩu cà phê Robusta (cà phê vối) của Việt Nam.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá trong thời gian tới. Cụ thể, đến năm 2020, gạo sẽ giảm giá 7, cà phê Robusta và tôm giảm 13%, cao su chạm đáy năm 2015 rồi dần tăng trở lại nhưng rất khó quay lại mức giá trước năm 2013.
Video đang HOT
Các mặt hàng thủy sản cũng không khá hơn khi tôm xuất khẩu của Việt Nam có giá bán cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Ấn Đô, Thái Lan và Indonesia. Chúng ta đang mất thị phần tôm vào tay Ấn Độ, Indonesia trên các thị trường lớn như Mỹ.
Thị trường Mỹ: Cứu cánh?
Tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế” do IPSARD tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD vẫn giữ mức giá cao. Cụ thể, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Ngoài ra, nhanh chóng kết nối để có các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chính ngạch sang Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể xuất khẩu như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ,…
Việt Nam đang mất thị phần tôm vào tay Ấn Độ, Indonesia trên thị trường lớn như Mỹ
Về xúc tiến thương mại, chuyên gia cà phê Đoàn Triệu Nhạn nhận định, cần phải thay đổi theo hướng xác định cụ thể, rõ ràng đối tượng và cách thức xúc tiến.
Hiện nay, Đức, Italya, Mỹ là các thị trường nhập khẩu cà phê truyền thống của Việt Nam thì không cần năm nào cũng tiến hành đi xúc tiến thương mại theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Thực tế, Việt Nam cũng đã hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu mới, thậm chí có đi khảo sát nhưng khảo sát chưa thực sự đến nơi đến chốn để hình dung rõ thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu cho phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, lại cho rằng, chiều sâu của “bức tranh” phải xem xét theo chuỗi giá trị.
Ông Tài nói rằng, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về chuỗi giá trị nông sản nhưng dừng lại khi sản phẩm mới đi đến cửa khẩu. Lẽ ra, doanh nghiệp cần cái nhìn tường tận khi hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng. Do đó, quan trọng là Việt Nam phải nghiên cứu hình thành các chuỗi giá trị nông sản ổn định từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, có như vậy mới tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu.
Đơn cử, ngành chè có doanh nghiệp quy mô nhỏ, một năm xuất khẩu khoảng 1.000 tấn nhưng chỉ bán cho hai khách hàng trên thế giới. Tuy nhiên, điểm khác biệt là doanh nghiệp này bán tới tận khách hàng cuối cùng mà không qua kênh trung gian nào. Nhờ vậy, trong bối cảnh xuất khẩu chè khó khăn, doanh nghiệp vẫn bán được mức giá cao, thậm chí còn được đối tác ứng trước tiền, ông Tài dẫn chứng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý nông nghiệp Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất, vẫn duy trì các hộ nhưng phải đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm đồng bộ. Trước mắt, làm tốt các khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất rồi mới bàn tới thị trường.
Bảo Hân
Theo_VietNamNet
Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Lối thoát cho nông sản Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thương hiệu nông sản đang trở nên cấp thiết.
Mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Điều này là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Tại thị trường trong nước, có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.
Nông sản nhiều khi rất "bí" đầu ra. (Ảnh: KT).
Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Nguyên nhân của tình trạng này là công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu; Việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...
Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Công ty tư vấn thương hiệu quốc tế tại Việt Nam cho rằng, thực tế hàng nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu dưới dạng sản phẩm rời để các thương hiệu khác đóng gói và bán dưới thương hiệu khác của họ.
"Dường như có một vấn đề là nông sản Việt Nam chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới 1 cái tên riêng nào đó của Việt Nam. Hoặc nếu có thì điều đó là chưa đủ để quảng bá cho nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng như chúng ta có những vùng nguyên liệu rất thơm ngon thì chúng ra sẽ xây dựng những thương hiệu riêng cho những vùng sản phẩm đó để đưa thương hiệu của sản phẩm đó ra thị trường nước ngoài quảng bá và giới thiệu," ông mạnh nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, trường Đại học Thương mại, Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong hội nhập, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, phát triển để các sản phẩm nông sản của Việt Nam khẳng định được uy tín, vị thế và thương hiệu của mình trên thương trường quốc tế.
TS Thịnh cho rằng, để nâng cao được giá trị cho nông sản Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì một trong những vấn đề quan trọng là chúng ta phải tạo dựng được thương hiệu tập thể.
"Chỉ có thương hiệu tập thể thì lúc này chúng ta mới giải quyết được và nâng cao được giá trị cho nông sản của Việt Nam, gắn với các chỉ dẫn địa lý, mang đặc trưng cho các đặc sản của Việt Nam. Thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp sẽ không được thể hiện trong trường hợp này," vị tiến sĩ này nhấn mạnh.
Hàng nông sản muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cần phải cải tiến từ khâu giống, thuốc bảo vệ thực vật, các quy trình phân bón từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng cũng như thiết kế bao bì bắt mắt, đồng thời, đáp ứng được yêu cầu bảo quản và giữ được chất lượng sản phẩm là hết sức quan trọng.
"Còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mặc dù có những chuyển biến về nhận thức đối với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nhưng tiềm lực, điều kiện kỹ thuật và năng lực còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề trong quá trình chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp trực tiếp và thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam," ông Sơn lưu ý.
Việc tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được xem là lối mở cho hàng nông sản trong thời gian tới. Do đó, cần đầu tư mạnh hơn cho nông nghiệp để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, hướng đến tăng trưởng bền vững, đồng thời hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng nông sản sạch, an toàn sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp./.
Chung Thủy
Theo_VOV
TP.HCM tăng cường xúc tiến thương mại- du lịch tại Nga Ngày 15/09, tại Trung tâm Thương mại Hà Nội Moscow (Incentra) đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến Thương mại Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tại Nga. Hội nghị do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức. Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chương trình...