Rau câu dừa
Rau câu dừa là món ăn khoái khẩu của nhiều người, hấp dẫn cả trẻ con và người lớn. Khi ăn, bạn sẽ dùng muỗng để “tháo gỡ” từng lớp hương vị một. Đầu tiên là phần nước cốt dừa béo ngậy và thơm phức trên mặt, sau đó là phần rau câu trong suốt rất mềm chứ không cứng đặc như các loại rau câu thông thường.
Món ngon ngoại nhập
Ở thành phố vào những ngày hè nóng nực mà được thưởng thức món rau câu dừa thì ngọt mát không gì bằng. Thứ rau câu ấy mềm, thơm và tan ngay trong miệng. Cái vị ngọt thanh thanh của nước dừa tươi, thêm chút béo ngậy của lớp nước cốt dừa trên mặt sẽ làm người ta ăn một lần nhớ mãi.
Đi dọc các quán giải khát ở thành phố hay tạt vào một gian hàng trái cây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những thùng hay tủ đá đề bảng “có bán rau câu dừa trái và ly”. Nếu bạn không đủ tiền mua ngay một trái hay chỉ muốn ăn thử một lần cho biết thì hãy lấy một ly nhưng đảm bảo rằng bạn sẽ không phải hối hận khi mua về nhà cả trái.. Đây là món ăn mang tính giải khát, ăn chơi nhưng rất ngon và dễ “ghiền”. Giữa trưa hè oi bức, tấp vào một nơi nào đó, gọi món rau câu dừa và cùng bạn bè thưởng thức thì thú vị không gì bằng. Cảm giác lành lạnh, mềm nhưng giòn, ngọt thanh mà không gắt sẽ làm tê ngay đầu lưỡi của bạn. Thông thường, gọi một trái rau câu dừa lớn, một mình sẽ không hết, do đó hai người cùng thưởng thức chung thì vui hơn. Món này được làm khá đơn giản, giống như các loại rau câu thông thường nhưng chính nguyên liệu từ nước dừa đã làm nên vị riêng đặc biệt của nó. Món ăn này có xuất xứ từ Malaysia và được “du nhập” vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Trước đây, người ta quen gọi rau câu dừa Mã Lai nhưng giờ thì hầu như hễ có dừa là làm được, công thức cực kì đơn giản. Bến Tre là quê hương xứ dừa, nơi này cũng đã nhanh chóng học hỏi cách làm và góp thêm một món mới cho quê hương mà bấy lâu nay không ai nghĩ ra.
Video đang HOT
Ảnh: Kênh 14
Ở thành phố bây giờ, rau câu dừa là món ăn khoái khẩu của nhiều người, hấp dẫn cả trẻ con và người lớn. Khi ăn, bạn sẽ dùng muỗng để “tháo gỡ” từng lớp hương vị một. Đầu tiên là phần nước cốt dừa béo ngậy và thơm phức trên mặt, sau đó là phần rau câu trong suốt rất mềm chứ không cứng đặc như các loại rau câu thông thường. Vừa ăn vừa nhâm nhi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt mát đang thấm dần. Món này thường cho thêm đường nhưng không quá đậm vì nước dừa đã ngọt tự nhiên, cho nhiều đường sẽ mất đi vị thơm riêng của dừa và đặc biệt, thêm vào chút mằn mặn của muối sẽ làm món ăn đậm đà hơn.
Cách làm đơn giản
Đây là món ăn ưa thích của các cô cậu học sinh, sinh viên. Tan học, họ cùng rủ nhau đến một quán giải khát nào đó hay chỉ đơn giản mua vài ly, vài trái vào công viên, ngồi ghế đá rồi cùng nhau ăn chung, vừa ăn vừa chuyện trò rất thú vị. Mỗi trái rau câu dừa có giá từ 10 đến 12 ngàn đồng là đủ cho một người ăn no. Chính vì thế, có thêm rau câu đựng trong ly sẽ tiện hơn cho những ai có nhu cầu ăn ít nhưng ăn rau câu trong ly có cảm giác không ngon bằng vì khi đựng trong trái dừa, để nguyên lớp cơm bên trong, rau câu sẽ dậy mùi dừa hơn. Vả lại, ăn rau câu trong trái dừa ta sẽ có cảm giác “thật” hơn, tức cảm giác được ăn cái phần nước ngọt mát đã được cô đặc.
Hỏi những người bán về cách làm, họ đều nói đơn giản lắm, chỉ cần bịch rau câu, vài trái dừa là xong nhưng theo bài bản thì phải như thế này: nước dừa tươi (tốt nhất là dừa xiêm) hoà với rau câu agar – agar (Malaysia), tuỳ theo muốn ăn mềm tan ngay trên lưỡi hay cứng giòn (thường mềm sẽ ngon hơn) mà cho định lượng nước dừa thích hợp. Thông thường, bạn nên đong khoảng 8 chén ăn cơm nước dừa nếu muốn ăn mềm và 9 chén nếu muốn ăn giòn để hoà cùng 1 bịch rau câu 25g. Ngâm hỗn hợp khoảng 1 giờ, bắc lên bếp để lửa riu riu, khuấy thật đều cho đến khi bột rau câu tan hẳn trong nước dừa, nên lược lại để hỗn hợp không bị cợn. Sau đó, muốn ngọt thì cho thêm đường nhưng đừng quá ngọt sẽ mất đi vị nước dừa, dằn thêm chút muối để có vị đậm đà, tiếp theo cho vani vào để hỗn hợp dậy mùi thơm. Khi nồi rau câu bớt nóng, múc hỗn hợp đổ vào trong trái dừa, cho thêm nước cốt cũng được nấu với rau câu tương tự như nấu với nước dừa lên trên mặt, đợi nguội đem cất tủ lạnh. Thế là đã có món rau câu dừa hấp dẫn. Đây là công thức học lõm được từ một người bán trên đường Điện Biên Phủ. Chị nói: “Làm cái này thì dễ lắm nhưng đôi khi người ta mua về cho tiện, được ướp đá sẵn, ăn ngay”. Theo nhiều người thì món này giải nhiệt rất tốt, không thua gì các thức uống giải khát vì nó là nước dừa cô đặc.
Ảnh: i4vn.com.vn
Hiện nay, rau câu trái dừa không còn là món ngon lạ lẫm nữa mà được bày bán ngày càng nhiều hơn. Người ta có thể mua nó ở dọc các vỉa hè nhưng muốn mua ở một vài địa chỉ tin cậy thì có thể đến quán cơm gà Đông Nguyên ở đường Nguyễn Trãi quận 5. Đến đây, bạn có thể vừa ăn cơm, vừa gọi món tráng miệng rau câu dừa hay tiệm Bangkok trên đường Nguyễn Trãi (ngay ngã ba Nguyễn Trãi – Bùi Hữu Nghĩa) và hầu như ở các tiệm bánh Kinh Đô, nơi nào cũng có bán, tuỳ loại lớn nhỏ mà giá có thể dao động từ 10 đến 12 ngàn một trái.
Vào những ngày đầu tiên khi rau câu dừa xuất hiện, nó được quảng cáo khá rầm rộ vì đây là “món ăn ngoại”, xuất xứ từ Mã Lai. Bạn có thể bắt gặp poster quảng cáo cực sốc như : “Ăn một trái, muốn mua về 10 trái” . Và quả thật, nếu ăn được một lần, bạn sẽ nghĩ đến lần thứ 2, thứ 3 và nhiều lần khác nữa. Khi ăn, có thể nhiều người không thích lớp nước cốt trên mặt vì nó quá béo, tạo cảm giác hơi ngán, họ chỉ thích cái vị ngọt thanh của nước dừa thuần túy. Tùy sở thích mà có thể gạt bỏ lớp mặt này đi nhưng dù sao khi thưởng thức được trọn vẹn từng lớp hương vị của nó sẽ ngon hơn nhiều. Trời Sài Gòn những ngày này thật oi bức và ngột ngạt, tìm cho mình một khoảng không gian yên tĩnh nào đó quả không dễ gì nhưng cứ thử thưởng thức rau câu dừa một lần, ít ra bạn sẽ cảm nhận được chút mát dịu trong lòng để cho cảm giác lành lạnh, thanh mát tan ngay trên đầu lưỡi. Bạn sẽ thấy lòng lắng lại đôi chút trong cái nhịp sống đang hối hả ấy…
Rau câu trái dừa khi cho vào tủ lạnh có thể giữ được 3 ngày. Thông thường, những trái dừa được chọn để cho rau câu vào phải có cơm hơi cứng một chút vì chính lớp cơm này sẽ tiếp tục làm món rau câu thơm hơn sau khi để lạnh. Khi ăn hết phần rau câu, người ta cũng thường cạy lớp cơm bên trong này để thưởng thức tiếp vì nó giòn và béo, giống như kiểu ăn cơm dừa sau khi uống hết nước vậy.
Theo PNO