Răng voi chục triệu không bán và đặc sản lạ ở Hội chợ xuân Gia Định
Ngay đêm đầu khai mạc hội chợ xuân Gia Định ngày 9.1 ở Gò Vấp (TP.HCM), đã có nhiều người trả giá từ 2 triệu, 5 triệu rồi hơn chục triệu đồng cho bộ răng voi hóa thạch nhưng anh Nguyễn Đức Minh vẫn không bán vì “nó thuộc tâm linh”.
Sản phẩm răng voi hóa thạch
Cơ sở của anh Minh (huyện Hóc Môn) là gian hàng mỹ nghệ sừng duy nhất ở hội chợ này. Bộ răng voi hóa thạch của anh là một trong những món hàng đặc biệt, chìm khuất giữa nhiều mặt hàng sừng, móng chế tác và hàng trăm gian hàng nổi bật khác.
Mang theo nghề truyền thống từ quê hương miền Bắc vào Nam lập nghiệp, anh Minh đã từng trao đổi, mua bán rất nhiều mặt hàng, nhưng anh quý nhất bộ hàm răng voi hóa thạch này.
Anh kể mua lại bộ răng từ một già làng ở Tây Nguyên, gồm 14 chiếc màu trắng ngà, to hơn lòng bàn tay người lớn, xếp đều khít nhau. Bộ răng được anh Minh giữ nguyên, đặt trên bục gỗ sang trọng, không cần phải chế tác nhiều.
“Răng voi tượng trưng cho may mắn nên đi buôn bán ở đâu cũng mang theo. Khách có trả giá cao hơn, mình cũng từ chối vì mình coi nó thuộc về tâm linh”, anh Minh chia sẻ.
Đêm khai mạc Hội chợ xuân Gia Định 2017
Gần 9 giờ tối mới khai mạc nhưng càng về đêm hàng trăm lượt khách vẫn nườm nượp kéo về Hội chợ xuân ở công viên Gia Định. Sống gần đó, ông Nguyễn Trung (phường 3, quận Gò Vấp) nhận xét hội chợ năm nay nổi bật hơn mọi lần vì thể hiện đúng tên gọi Hội chợ xuân Gia Định 2017 – Tự hào hàng Việt và sản phẩm truyền thống.
Video đang HOT
Gà được chế tác từ các loại gỗ quý
“Đồ mỹ nghệ tinh xảo, thực phẩm chất lượng Việt cùng hàng chục sản phẩm truyền thống là đặc sản các tỉnh thành cùng tề tựu về đã tạo nên nét hấp dẫn, mới lạ. Nhiều mặt hàng độc, lạ cũng có mặt”, ông Trung nói.
Gà làm bằng đá cẩm thạch
Tại các gian hàng mỹ nghệ gỗ, ngoài những bộ bàn, ghế, tủ quen thuộc, các tác phẩm tạo hình gà cho năm Đinh Dậu đã tạo nên nét mới. Từ gà một con, gà có đôi đến cả đàn gà được chế tác sinh động. Tùy chất liệu (gỗ hương, gỗ gõ đỏ hay đá cẩm thạch) và quy mô mà giá bán cũng khác nhau từ 5 – 8 triệu đồng.
Quả dừa tươi được trang trí họa tiết
Đến tác phẩm mỹ nghệ gà bằng chất liệu tổng hợp khắc trên quả dừa cũng thu hút không kém. Anh Tùng, chủ gian hàng, cho biết quả dừa già được phủ một lớp sơn xanh rồi mới ép lên hình chạm trổ con gà, chữ tài lộc hay ba ông Phúc, Lộc, Thọ. Tất cả hàng được lấy từ Cà Mau về được bán 580.000 – 750.000 đồng/sản phẩm.
Kế bên đó là các gian hàng đặc sản địa phương. Từ trà Thái Nguyên, tỏi Phan Rang, tré bình Định, bánh ngũ cốc Hà Tây… cho đến gốm Bàu Trúc của Ninh Thuận lúc nào cũng rộn rã tiếng trầm trồ của khách hàng. Hội chợ còn tạo nhiều không gian văn hóa, giải trí thu hút đông đảo người lớn và trẻ em.
Sản phẩm trà Thái Nguyên
Hướng dẫn người dùng phân biệt tỏi Việt Nam và Trung Quốc
Đến tham gia sự kiện, bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết chương trình nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp và cổ vũ người Việt dùng hàng Việt. “Các mặt hàng truyền thống đa dạng của hội xuân năm nay cũng góp phần thể hiện niềm tự hào của hàng Việt trong mắt bạn bè quốc tế”.
Hội chợ xuân Gia Định 2017 do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp công ty thương mại quốc tế Expo tổ chức. Hội chợ lần này thu hút 500 gian hàng tham gia, mở cửa từ ngày 9 đến 15.1.2017.
Một số hình ảnh tại Hội chợ được phóng viên Dân Việt ghi nhận:
Khách hàng thích thú với bánh, mứt và nhang trầm
Bánh ngũ cốc Hà Tây được chế biến nóng hổi ngay tại chỗ
Bà Nguyễn Hồng Lý thưởng thức trà của Tây Ninh
Nét độc đáo của sản phẩm gốm Bàu Trúc từ chum, vại, ấm chén đến bộ sinh thực khí đều được chế tác và nung nóng thủ công nên màu sắc thô mộc và không đồng đều
Nem, tré của Bình Định
Rượu cao thực vật đến từ Yên Bái
Các gian hàng thổ cẩm, may mặc cũng thu hút đông khách hàng
Theo Danviet