Rận mu tái xuất
Loài rận tưởng chừng bị tuyệt diệt đã xuất hiện trở lại tại địa bàn Hà Nội…
Rận mu được phóng lớn lên – Ảnh T.L từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư
Rận tấn công cả mi mắt
Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, gần đây viện tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp rận mu (còn có tên gọi là rận càng cua, rận bẹn…) ký sinh trên cơ thể. Hầu hết bệnh nhân đều sống tại TP.Hà Nội và mới nhất là trường hợp Trần Đình H. (nam, 19 tuổi, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội). Suốt 3 tuần liên tục, anh H. này bị ngứa vùng kín, khi đến khám còn mang theo hai con rận nhỏ đựng trong lọ thủy tinh. “Hai côn trùng này được chúng tôi xác định đúng là rận bẹn”, PGS-TS Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, cho biết. Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn T. (45 tuổi, ở Q.Hà Đông, Hà Nội) đến điều trị trong tình trạng lông ở vùng kín đã được cạo sạch, nhưng vẫn bị ngứa và gãi suốt về đêm. Sau đó, bệnh lây sang cả người vợ. Ông T. cũng bắt được hai con rận đưa đến cho bác sĩ.
Rận mu ký sinh ở vùng kín cơ thể người – Ảnh: T.L
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y VN) cho biết thêm: “Thời gian qua chúng tôi tiếp nhận 8 trường hợp mắc rận bẹn, gồm 2 nữ, 6 nam, đều là người lớn. 3 trường hợp gần nhất là bệnh nhân P.T.N (nữ, 35 tuổi, ngụ Tuyên Quang), Phạm Văn N. (nam, 41 tuổi, ngụ Hà Đông) và T. (nam, 32 tuổi, ngụ H.Kim Động, Hưng Yên), đều có rận ở vùng bẹn (vùng kín), phải gãi liên tục gây lở loét. Rận bám rất chắc ở chân lông, có những vết thâm đen ở da vùng bẹn do rận hút máu để lại… Có nam bệnh nhân rất lo lắng vì cứ nghĩ rằng mình mắc bệnh về nam khoa!”.
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cũng cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường gặp những bệnh nhân bị rận bẹn ký sinh trên người, nhưng về sau này, ở phía nam tình trạng này ngày càng ít gặp hơn. Có thể là do điều kiện vệ sinh của người dân ngày càng tốt hơn”.
Không chỉ ký sinh ở người lớn, rận bẹn còn có thể ngụ trên cơ thể trẻ em. Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhi T.V.A (5 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội), vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi của cháu nổi cộm. “Chỉ trên một bên mi mắt mà mẹ của cháu bé bắt được gần 20 con rận bẹn!”, PGS-TS Nguyễn Văn Châu cho biết.
Rận mu ký sinh ở mi mắt – Ảnh: T.L
Video đang HOT
Nam bị nhiều hơn nữ
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cho hay: “Loài rận bẹn thường xảy ra khi điều kiện vệ sinh của ta kém và chỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc, nhất là tiếp xúc qua đường tình dục”. Còn theo lương y Vũ Quốc Trung: “Rận mu khoái ký sinh trên cơ thể nam nhiều hơn nữ, bởi vì do yếu tố lông của phái nam thường cứng, khô và rậm hơn. Ngoài thích sống ở vùng lông mu, rận bẹn còn sống ở tóc, lông mi mắt, lông vùng nách. Rận nằm sâu trong lỗ chân lông, chỉ ló phần đầu ra ngoài và chúng bám rất chặt vào da người. Có bệnh nhân chúng tôi phải dùng vật cứng cạy rận mới bong tróc ra được. Ngoài lây qua đường tình dục, rận bẹn còn có thể bám trên tấm trải giường, quần áo nên cũng lây qua những người khác trong gia đình”. Tương tự, PGS-TS Nguyễn Văn Châu cũng cho biết rận bẹn bám rất chắc vào các gốc chân lông nhờ chúng có chân như chiếc càng cua.
Theo các chuyên gia, rận bẹn có tên khoa học là Phthirus pubis, gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 2% dân số thế giới. Loài côn trùng này không có cánh, ký sinh và hút máu cơ thể người, hút nhiều lần trong ngày, sau khi hút máu thường để lại những vết thâm đen và chai cứng; chúng sinh sản rất nhanh (đẻ trứng). Triệu chứng thường gặp là gây ngứa dữ dội, bắt buộc người bệnh phải gãi, nhiễm trùng da…
PGS-TS Nguyễn Văn Châu cho biết thêm, rận bẹn chỉ gây ngứa về ban đêm, sau khi cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi, ngủ say rận mới cào cấu da, hút máu gây ngứa ngáy, khó chịu. Về điều trị, theo ông Châu: “Nếu được xác định chính xác, việc điều trị không khó khăn, nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn”. Còn bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cảnh báo: “Điều trị không khó, nhưng loại bệnh này dễ tái phát”.
Rận bẹn Phthirus pubis – Ảnh: Nguyễn Văn Châu
Theo thanh niên
Ăn ốc sên bị viêm não
Để giúp bạn đọc hiểu biết nguy cơ viêm não do ăn ốc sên và cách phòng tránh, xin giới thiệu bài viết sau đây giải thích cơ chế vì sao con người bị viêm sao sau khi ăn ốc sên.
Một nạn nhân của ốc sên
Từ đầu tháng 7/2014, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một số người bị viêm não do ăn ốc sên. Nhưng đây không phải lần đầu, từ trước đến nay, đã có nhiều người ăn ốc sên phải nhập viện này điều trị viêm não. Thực tế đau lòng: nhiều người dân ăn ốc sên bị viêm não.
BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết: Có trường hợp trẻ bị viêm màng não do nướng ốc sên ăn, cũng có trường hợp chỉ cầm ốc sên chơi và bị nhiễm ký sinh trùng từ ốc này.
Ông nói: "Ốc sên thường bò dưới đất và nhiễm ký sinh trùng. Loại ký sinh trùng này vào con vật thì không sao nhưng khi vào cơ thể người, chúng sẽ lên não, tấn công làm tổn thương não. Triệu chứng thường gặp là đau nhức đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê. Một số trường hợp sau đợt điều trị để lại di chứng thần kinh, ký sinh trùng có thể gây ra vết sẹo trên não, gây gánh nặng điều trị".
Ông cũng cho biết: Bình quân mỗi năm, nơi đây tiếp nhận vài chục bệnh nhi bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên.
Vì sao ăn ốc sên bị viêm não?
Đường đi của giun tròn gây viêm màng não do ốc sên
Loại ốc sên có thể gây viêm não là do chúng bị nhiễm ấu trùng của giun tròn có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis. Ấu trùng giun tròn nếu còn sống, khi vào cơ thể người, chúng sẽ tấn công lên não gây viêm não và màng não.
Giun tròn có ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á và có phổ biến ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đã phát hiện giun tròn phân bố từ Bắc đến Nam, có ở cả người và động vật; trong đó nguồn bệnh chủ yếu là các loại ốc, tôm, cua, cá... bị nhiễm ấu trùng giun tròn.
Người bị nhiễm bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn phải các loại thức ăn, nước uống bị nhiễm ấu trùng giun tròn chưa được nấu chín kỹ.
Con giun tròn trưởng thành có màu trắng đục, dài từ 17 - 25mm, nhỏ như cái tăm, đầu giun tròn, có miệng nhỏ, hơi lõm vào, có 3 răng. Giun tròn thường ký sinh ở động mạch phổi của chuột; trứng giun theo máu đi đến các phế nang và nở ra ấu trùng; ấu trùng bò lên cuống phổi (phế quản), lên họng rồi sang thực quản, đi xuống ruột, theo phân chuột thải ra ngoài.
Từ đất, ấu trùng giun tròn xâm nhập vào ký sinh ở ốc sên. Nếu ấu trùng giun tròn xuống nước thì đến ký sinh ở các loại ốc sống dưới nước và các loài thủy sản khác như tôm, cua, cá. Trong cơ thể ốc, ấu trùng giun biến thành kén. Chuột ăn phải ốc, tôm, cua, cá, rau... có nhiễm ấu trùng giun tròn thì bị nhiễm bệnh. Vào cơ thể chuột, ấu trùng giun sẽ phát triển thành giun trưởng thành và ký sinh ở động mạch phổi của chuột.
Người bị nhiễm ấu trùng giun tròn do ăn phải ốc sên hay các loại ốc khác, tôm, cua, cá... hoặc ăn rau sống, uống nước lã có ấu trùng. Ấu trùng giun tròn vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, chúng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc đến các phủ tạng khác. Ấu trùng giun tròn gây ra bệnh viêm não, màng não rất nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Khác với ở chuột, ở người, giun tròn chỉ ký sinh ở hệ thần kinh trung ương, không đi đến phổi được nên không thể hoàn thành chu kỳ phát triển. Nhưng trên thực tế, ở nước ta đã gặp trường hợp giun tròn ở phổi của người; ấu trùng giun lạc chỗ vào gây bệnh ở mắt.
Dấu hiệu viêm não, màng não do nhiễm giun tròn
Một người bị viêm não, màng não do nhiễm ấu trùng giun tròn thường có các dấu hiệu như sau: có ăn ốc sên hay các loại ốc khác hoặc ăn tôm, cua, cá chưa nấu chín kỹ. Sau một thời gian, ấu trùng giun tròn xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra triệu chứng viêm não, viêm màng não với các triệu chứng: bệnh nhân bị nhức đầu dữ dội nhưng chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt; một số bệnh nhân bị kích thích màng não.
Bệnh nhân có thể bị liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác. Có hội chứng não, tâm thần: nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê... Xét nghiệm thấy: bạch cầu ái toan tăng cao trong dịch não tủy và trong máu. Protein trong dịch não tủy cũng tăng.
Điều trị sớm là quan trọng
Nếu phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng bị viêm màng não, viêm não như đã nêu trên, cần phải đến khám ngay ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các loại thuốc có thể dùng để diệt ấu trùng giun tròn là: thiabendazole là loại có hiệu lực cao đối với ấu trùng giun mới xâm nhập vào cơ thể. Nếu đến giai đoạn muộn, phải điều trị triệu chứng kết hợp với thuốc corticoid.
Lời khuyên của bác sĩ
Thực tế ở nước ta, bệnh nhân bị viêm não, màng não do nhiễm ấu trùng giun tròn chủ yếu do ăn ốc sên, vì vậy, biện pháp phòng tránh quan trọng nhất là mọi người dân không ăn ốc sên. Đồng thời, cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây: không nên ăn ốc, tôm, cua, cá... còn sống hoặc chưa nấu chín kỹ.
Không ăn hoặc hạn chế ăn rau sống, nhất là rau trồng dưới nước như rau muống, rau cần, rau ngổ (ngò trâu), rau răm, sen, súng...Không uống nước lã, nước đá nguồn gốc không bảo đảm vì đá có thể làm từ nước chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng giun.
Tích cực diệt chuột bằng mọi phương pháp để tránh nguy cơ chuột sống gần khu dân cư thải phân lẫn mầm bệnh ra môi trường sống; Không nên tắm ở ao, hồ, sông, suối, đặc biệt không để nước xâm nhập vào miệng, mũi khi tắm rửa ở những nơi này.
Theo SKĐS
7 vùng da có nguy cơ dễ phát triển ung thư Có những vùng da trên cơ thể ít được chăm sóc và kiểm tra đều đặn như mí mắt, lòng bàn chân, kẽ chân... Nhưng dấu hiệu bệnh ung thư da có thể xuất phát từ những vùng da bị lãng quên này. Hãy đừng quên thoa kem chống nắng để bảo vệ da đồng thời kiểm tra thường xuyên để phát hiện...