Rắn lục đuôi đỏ cắn không nguy hiểm như rắn hổ mang
“Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 30.000 ca do rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng đều được chữa khỏi”, TS Trần Quang Bính, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết.
Sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bà Thân không cố định vết thương mà lại chạy đi đập rắn khiến nọc độc phát tán nhanh khắp cơ thể.
Thời gian gần đây hàng loạt người dân miền Trung bị rắn lục đuôi đỏ cắn đã gây hoang mang dư luận. Ngày 7/12, tiến sĩ Bính cho rằng, người dân không nên quá lo lắng vì hiện Việt Nam là một trong 4 nước trên thế giới sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn.
Bác sĩ này lý giải, theo các nghiên cứu và thực tế chữa bệnh về rắn thì có thể khẳng định rắn lục đuôi đỏ cắn không nguy hiểm bằng rắn chàm quạp hay gặp ở Bình Phước, Đồng Nai; rắn hổ đất, rắn hổ chúa hay thấy ở Tây Ninh.
Bị các loại rắn độc kể trên cắn, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy thận cấp, nhiễm trùng do nhiễm độc nặng và dẫn tới tử vong nhanh. Ví dụ, rắn biển có thể làm nạn nhân bị nhiễm độc thần kinh và hủy hoại cơ toàn thân, không khác gì bệnh tai biến mạch máu não.
Hổ mang chúa, hổ mèo, cạp nia, đẻn biển hay rắn lục đuôi đỏ đang được nuôi dưỡng và trưng bày tại trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang).
Theo số liệu thống kê, mỗi năm bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 800 – 1.000 ca bị rắn cắn, trong đó, 50% là nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ. Nhưng theo bác sĩ Bính, hầu hết các ca bị loại rắn này cắn đều được chữa khỏi. Bệnh nhân chỉ tử vong khi đến bệnh viện quá trễ và đã sử dụng các loại lá đắp vết thương rắn cắn không đúng cách.
Tháng 12/2013 – 11/2014, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 779 ca nhập viện do rắn cắn, trong đó riêng rắn lục đuôi đỏ cắn là 492 trường hợp. Đáng lưu ý, tháng 10 năm nay, số ca nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn tăng cao đột ngột, lên đến 90 ca. Điều này được cho là vào mùa mưa nên có thể làm gia tăng lượng rắn này.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Bính, TP.HCM là địa phương dẫn đầu về số lượng bệnh nhân nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn, sau đó là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An… Đa số các trường hợp nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn đều được chữa khỏi do đã có huyết thanh điều trị. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn dẫn đến có trường hợp bị hoại tử.
Một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn vẫn khỏe mạnh và chuẩn bị được xuất viện sau 2 ngày truyền huyết thanh kháng nọc độc.
Vị trưởng khoa này khuyến cáo: “Trước tiên phải trấn an để bệnh nhân khỏi lo lắng. Sau đó, nếu có điều kiện thì rửa sạch vết thương. Tiếp theo là băng ép bất động không cần garo để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh trung ương. Nguyên tắc bất động là trên 1 khớp, ví dụ bị cắn ở bàn chân thì bất động đến trên đầu gối. Sau đó đưa đến cơ sở y tế để điều trị”.
“Khoảng 1 tháng trở lại đây bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân bị rắn cắn/1 ngày – cao gấp rất nhiều lần so với trước, nhưng tất cả đều được điều trị khỏi”, bác sĩ Bính thông tin.
Theo các nhà khoa học, ngoài việc biến đổi khí hậu, một nguyên nhân quan trọng là các loài thiên địch của rắn như cầy, cáo, mèo rừng… đã dần biến mất do trở thành “mồi nhậu”.
Theo NTD
Tìm nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường
Các chuyên gia Tổng Cục lâm nghiệp phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về Quảng Ngãi tìm nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều.
Các chuyên gia thu thập mẫu vật rắn lục đuôi đỏ do người dân ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, phát hiện trong vườn nhà.Ảnh: Trí Tín.
Ngày 5/12, đoàn công tác đã về huyện Mộ Đức, địa phương có hàng chục người dân bị rắn cắn phải cấp cứu trong hai tháng qua. Các chuyên gia lần lượt ghi nhận thông tin từ những nạn nhân bị rắn cắn và thu thập mẫu vật để phân tích nguyên nhân loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường ở khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, đoàn về miền Trung lần này là để xác định sinh cảnh sống của loài, nguyên nhân khiến rắn tấn công, thời điểm chúng gây ảnh hưởng cuộc sống người dân... Sau chuyến công tác, các chuyên gia tập trung phân tích, nghiên cứu để đề xuất giải pháp phù hợp cho người dân ứng phó với loài rắn lục đuôi đỏ.
"Chúng tôi kết hợp hướng dẫn địa phương, người dân cách phòng tránh, ngăn chặn và sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn đề phòng nguy hiểm tính mạng", ông Đoàn nói.
Rắn lục đuôi đỏ mang thai do người dân bắt được ở giữa khu dân cư huyện Mộ Đức. Ảnh: Trí Tín.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cho hay muốn biết rõ nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường trong thời gian gần đây cần phải có nghiên cứu cụ thể. Song, giả thuyết được đặt ra là nguồn thức ăn dồi dào và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng, khu vườn rậm rạp.
TS Trường cho rằng, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Đáng ngại hơn là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ đến 90 phút sau khi nó chết.
Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, không được ga-rô bằng dây cao su vì dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể dưới ga-rô. Không đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Các chuyên gia thu thập thông tin từ người dân Quảng Ngãi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: Trí Tín.
Các chuyên gia cũng đặt giả thuyết, có thể đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 đã đưa loài rắn này từ các đồi cao về khu vực đồng bằng trú ngụ. Đến mùa mưa năm nay, thời tiết thuận lợi giúp chúng sinh sản nhanh, đi tìm thức ăn vô tình "trùng khớp" gần sát các khu dân cư.
Thống kê của các bệnh viện khu vực miền Trung, hai tháng qua, ít nhất 400 người đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, may mắn chưa có trường hợp nào tử vong. Quảng Ngãi là địa phương có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường, khoảng 150 người bị cắn nhập viện cấp cứu thời gian qua. Riêng huyện Mộ Đức của tỉnh này, trong tháng qua, chính quyền địa phương cùng người dân đã phát hiện, giết chết hơn 300 con rắn lục đuôi đỏ ở các khu dân cư.
Trí Tín
Theo VNE
Chuyên gia lí giải hiện tượng bùng phát rắn lục đuôi đỏ GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cùng các chuyên gia sinh thái khác lí giải nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ bùng phát cắn người bất thường và đưa ra các gợi ý kiềm chế. Người dân phường Phước Mỹ (Sơn Trà, Đà Nẵng) rải ớt, tỏi, sả và giăng lưới phòng rắn lục đuôi đỏ vào...