Radar Mỹ trang bị cho Nhật chỉ là thứ vô dụng?
Hệ thống radar có giá 2 tỷ USD, được Mỹ biệt phái tới Nhật Bản để trông chừng Trung Quốc, nhưng thực tế thì..
Tờ Los Angeles Times cho biết, được Lầu Năm Góc thiết kế và chế tạo, hệ thống radar đặt trên biển X-Band (SBX) mang rất nhiều kỳ vọng, nhưng trên thực tế, nó không chỉ là một dự án tốn tiền thuế mà còn cho thấy lỗ hổng an ninh nghiêm trọng của Mỹ.
“Trong trường hợp bị tấn công bất ngờ, SBX sẽ phát hiện tên lửa đang bay tới, theo dấu chúng và định vị để hệ thống tên lửa đánh chặn hạ mục tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống radar nổi khổng lồ trị giá 2,2 tỷ USD chỉ là một thất bại.
Mặc dù radar này có thể phát hiện được mục tiêu từ xa, nhưng nó dường như ít phát huy tác dụng trước đợt tấn công của nhiều tên lửa, trong đó có xen kẽ mồi nhử”.
Video đang HOT
Theo kế hoạch SBX được đưa vào hoạt động từ năm 2005, nhưng thực tế là hệ thống này đã bị bỏ xó tại Trân Châu Cảng, Hawaii phần lớn thời gian trong năm đó. Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã chi khoảng 10 tỷ USD vào những chương trình mà theo báo này là “vô dụng” trong những năm qua.
Một hệ thống radar X-Band của Mỹ di chuyển trên biển
Ít nhất 3 dự án khác đã thất bại, trong đó có dự án Laser Airbone, với mục tiêu tiêu diệt tên lửa đối phương ngay khi nó mới được phóng đi (dự án này có trị giá 5,3 tỷ USD, bị loại bỏ năm 2012), Kinetic Energy Interceptor (bị huỷ bỏ năm 2009 sau 6 năm phát triển, tốn 1,7 tỷ USD) và dự án Multiple Kill Vehicle (bị huỷ bỏ sau 4 năm phát triển, trị giá 700 triệu USD).
Tuy nhiên, X-Band Radar vẫn được Mỹ sử dụng trong một số nhiệm vụ và được tung hô như át chủ bài trong các chiến dịch quân sự như vậy. Đặc biệt, vào tháng 10/2014, Mỹ đã bắt đầu lắp ráp một hệ thống X-Band tại căn cứ quân sự Mỹ ở Kyoto (Nhật Bản).
Theo thông tin mà Mỹ cung cấp, hệt thống X-Band được lắp đặt ở Nhật nặng 34 tấn, bức xạ điện từ là 8-12 GHz, có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ngoài 4.000km, đồng thời có khả năng theo dõi đường đi của tên lửa đạn đạo, cho phép triển khai các tên lửa đánh chặn, tiêu diệt tên lửa đối phương từ mặt đất hoặc từ biển.
Hiện Mỹ đã có tất cả 3 hệ thống X-Band ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á: X-Band 1 được xây dựng ở quận Aomori miền bắc Nhật Bản vào năm 2006, X-band 2 ở miền Nam Nhật Bản và X-band 3 đặt ở khu vực Đông Nam Á.
Lý do mà Mỹ đưa ra là tăng khả năng phòng thủ cho đồng minh và bản thân trước những mối nguy từ Triều Tiên. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích rằng Mỹ đang giúp Nhật Bản đối đầu với quốc gia này.
Và nhiều nhà phân tích quân sự đã cho rằng nếu không có một hệ thống radar đủ thông minh và hiệu quả để theo dõi nhiều mục tiêu tên lửa, phân biệt tên lửa thật hay mồi nhử thì Nhật Bản nhỏ bé sẽ bị Trung Quốc nướng chín bằng chiến thuật mưa tên lửa nếu có xung đột thực sự. Bất chấp việc vũ khí phòng không của Nhật Bản có hiện đại đến đâu.
Bản thân chiến thuật đánh phủ đầu Nhật Bản cũng đã nhiều lần được tướng tá phái diều hâu của Trung Quốc nhắc đến. Và Bắc Kinh thực sự tức giận khi Nhật Bản và Đông Nam Á ngày càng xuất hiện nhiều X-Band. Tuy nhiên, với yếu điểm mà Los Angeles Times chỉ trích nêu trên, có lẽ Nhật Bản cần tìm một mắt thần mới cho mình.
Theo Đất Việt