Rà từng ngõ nhắc lao động đăng ký gói hỗ trợ 500.000 đồng
Sau một tuần triển khai chính sách hỗ trợ 500.000 đồng cho lao động, sinh viên, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội nhận hơn 180.000 đơn đăng ký.
Chiều 16/9, đơn đăng ký gửi về cơ quan Mặt trận tiếp tục tăng khi các quận, huyện vẫn đang rà soát hồ sơ và liên tục bổ sung danh sách. Số đơn gửi về lớn do thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ 500.000 đồng đơn giản, không phân biệt hộ khẩu hay người chưa đăng ký tạm trú.
Mặt trận thành phố sẽ kiểm tra lại một lượt nữa thông tin trước khi cấp kinh phí. Một số đơn chưa rõ ràng có thể bị trả về, yêu cầu kiểm tra lại hoặc bổ sung thông tin cho người lao động chứ không loại bỏ. Song hồ sơ cơ bản đã qua nhiều cấp xét duyệt nên đều sẽ được hỗ trợ.
Hai nữ cán bộ Tổ dân phố 22, phường Quan Hoa tìm đến tận khu trọ rà soát người lao động, sinh viên khó khăn để làm đơn đăng ký nhận hỗ trợ 500.000 đồng, chiều tối 15/9. Ảnh: Phạm Chiểu
Hai ngày qua, chị Đoàn Thị Thanh Nhi và bà Phạm Thị Hằng, cán bộ Tổ dân phố 22, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) nhiều lần đi gõ cửa từng nhà trọ, kiểm tra xem còn ai trong diện đủ điều kiện chưa làm đơn đăng ký.
“Em ơi, cháu ơi, lấy đơn đăng ký nhận 500.000 đồng chưa?”, “Còn bạn nào trong khu trọ chưa lấy giấy không?”, tiếng gọi vọng lên trong ngách 40, ngõ 79 Dương Quảng Hàm. Tổ dân phố có gần 300 hộ, chủ yếu là chung cư mini, khu phòng trọ cho người lao động, sinh viên thuê. Bấm chuông cửa mấy lần không thấy ai, chị Nhi lần tìm số điện thoại gọi người thuê phòng quen xuống.
Chị Lê Thu Thủy, người thuê trọ, cho biết trong nhà đều đã làm xong đơn cách đây ba hôm, không còn sót ai. Bốn phòng trọ với 5 người ở yên trong nhà suốt hai tháng qua, chỉ 2 trong số đó làm việc online, còn lại đều đang thất nghiệp.
Ở trọ lâu, Thủy trở thành người kết nối của cán bộ tổ dân phố với lao động, sinh viên thuê nhà. Trong đợt dịch, có quà hỗ trợ của phường hay thông báo đi xét nghiệm, tiêm vaccine, chị Nhi đều nhắn tin cho Thủy báo người thuê lên danh sách. Hai tháng qua, xóm trọ nhận hai lần nhu yếu phẩm và mong chờ sẽ nhận được tiếp đợt này. Họ cũng đã tiêm xong mũi 1 vaccine, xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại phường.
Video đang HOT
Một dãy khác có 28 phòng trọ, 30 người ở lại nhưng chỉ có 3 người đi làm gồm một nhân viên ngân hàng và hai lao động trong doanh nghiệp nước ngoài. Hỏi thông tin một lượt nữa từ người quản lý, chị Nhi chắc chắn những người dừng việc đều đã nộp đơn đăng ký, mới yên tâm rời đi.
Có những dãy trọ, chị Nhi, bà Hằng phải rà đi rà lại mấy lần vì sợ bỏ sót. Bởi khi tổ dân phố tìm đến, thì họ đi tiêm phòng, hoặc đi chợ, không gặp được. Tự tin từng học luật, nhưng nhiều lúc chị Thanh Nhi phải trổ hết khả năng ăn nói để thuyết phục người khó khăn thực sự đăng ký hỗ trợ. Có người từng làm hồ sơ xin trợ cấp gói trước nhưng không được hưởng vì vướng mắc khâu nào đó, nên giờ nản lòng. Chị lại bày cách kê rõ thông tin, khó khăn ra sao, vì lần này không cần thêm bất kỳ giấy tờ gì, thậm chí cả photo chứng minh thư.
“Các trường hợp đó khó khăn thực sự và chưa được hỗ trợ tiền mặt, tổ dân phố đều nắm rõ và xác nhận danh sách để chuyển lên phường”, chị giải thích.
Ông Thái Chung, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận Tổ 22 , nói cán bộ tổ dân phố xuống tận nơi, mắt thấy tai nghe hoàn cảnh người lao động, xét duyệt sẽ nhanh hơn. Theo ông, nhiều lao động, sinh viên thuê trọ thường không đăng ký tạm trú và sẽ thiệt thòi khi chính quyền triển khai các gói an sinh xã hội. Trong đợt dịch này, nếu có tạm trú, người lao động sẽ được hưởng gói hỗ trợ khác cao hơn so với gói 500.000 đồng này. Vì vậy, ông khuyến cáo người thuê trọ khi hết giãn cách nên ra công an phường để làm tạm trú.
Nhận đơn ngày nào, tổ dân phố sẽ xét duyệt luôn ngày đó. Đơn chưa rõ thông tin, cán bộ tổ trả về, nhắn người lao động kê cụ thể hơn. Ông Chung nhờ hai sinh viên thạo máy tính nhập dữ liệu rồi chuyển luôn lên phường, tránh cho cán bộ mặt trận quá tải. Tính tới chiều 16/9, Tổ dân phố 22 xét duyệt được 323 đơn đăng ký. Một số đơn bị loại do người lao động đã được nhận hỗ trợ từ gói khác hoặc nhóm đăng ký không hợp lệ.
“Số tiền 500.000 đồng không lớn, nhưng đến với người lao động thời điểm này cực kỳ quan trọng. Nhiều người nói với tôi nếu được nhận, họ sẽ để dành làm lộ phí về quê sau hai tháng mất việc”, ông Chung kể.
Cán bộ Tổ dân phố 1, phường Phú Đô hướng dẫn sinh viên thuê trọ ghi cụ thể thông tin, hoàn cảnh khó khăn trước khi nộp đơn, chiều 14/9. Ảnh: Phạm Chiểu
Theo công văn của Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, các đơn vị thống kê và gửi danh sách về trong ngày 14/9, nên trong khi một số địa bàn, cán bộ tổ dân phố đang rà tìm từng người để “mời” đăng ký hỗ trợ, thì nhiều nơi đã “chốt sổ”.
Tối 14/9, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, tạm dừng việc tiếp nhận đơn đăng ký của người lao động, sinh viên. Trước đó, phường in mẫu đơn và gửi xuống cho các tổ để phát cho người có nhu cầu. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Phú Đô cho biết sau khi rà soát, xét duyệt đã chuyển lên quận Nam Từ Liêm 439 trường hợp, trong đó có 201 đơn của sinh viên và 238 người lao động.
Một số địa bàn có số lượng đăng ký đông như Tổ dân phố 1 nhận gần nghìn đơn sau hai ngày, xấp xỉ số người thuê trọ trên địa bàn. Trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, tổ dân phố đã lọc và nộp lên phường 700 đơn.
Ông Ngô Văn Ký, Tổ trưởng dân phố 2, phường Phú Đô, nói thời gian để hoàn tất thủ tục quá gấp gáp. Hôm trước thống kê danh sách, ngày hôm sau đã phải nộp nên không kịp, nhiều người dân chưa biết để đăng ký. “Sinh viên còn dễ rà soát, nhưng người đi làm thì rất khó, không có thời gian để đối chứng khi làm gấp rút như vậy”, ông nói.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc một phường thuộc quận Hà Đông, cho biết quận “vùng đỏ”, nên cán bộ tổ dân phố đang bị quá tải, không đủ thời gian thống kê hết chỉ trong 2- 3 ngày cho kịp thời hạn. Mặt trận phường liên tục đôn đốc, nhưng tổ dân phố làm không xuể khi địa bàn cùng lúc tiêm, xét nghiệm, hỗ trợ an sinh và phòng chống dịch. Theo ông, từ nay đến 21/9, Ủy ban Mặt trận TP Hà Nội nên tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ để cấp cơ sở rà soát thêm, không bỏ sót người khó khăn.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, thông báo đến ngày 14/9 là hoàn thành đợt thống kê đầu tiên để các đơn vị sớm chuyển danh sách về, thành phố cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời chứ không phải “khóa sổ”. Dự kiến đến 21/9 khi thành phố kết thúc Chỉ thị 16 mới dừng tiếp nhận đơn đợt này. Thực tế nhiều địa bàn xử lý linh hoạt, vẫn rà soát tiếp và liên tục bổ sung sau thời điểm ấn định trong công văn.
“Mặt trận thành phố vẫn tiếp nhận vì biết cấp cơ sở đang quá nhiều việc”, bà Hương nói.
Lãnh đạo cơ quan này cho biết thêm, tiền hỗ trợ từ vận động xã hội hóa nên phụ thuộc vào nguồn lực đang có. Song số lượng đăng ký cho thấy nhu cầu lao động cần hỗ trợ rất lớn. Sau ngày 21/9, nếu nguồn lực vẫn còn, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội sẽ tiếp tục thống kê và hỗ trợ bằng tiền mặt đợt 2. Danh sách hỗ trợ sẽ được công khai.
Chính sách hỗ trợ 500.000 đồng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội dành cho lao động bị dừng việc, mất việc làm trong thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, tính từ ngày 24/7 đến hết giãn cách xã hội; sinh viên thuê trọ khó khăn; người nước ngoài có nhu cầu được hỗ trợ.
Các nhóm trên liên hệ tổ trưởng dân phố hoặc làm đơn theo mẫu, có đóng dấu của Ủy ban MTTQ xã, phường. Cấp này tổng hợp rồi gửi lên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, thị xã trong ngày 14/9. Mặt trận cấp thành phố căn cứ đề nghị để chuyển kinh phí về. Nguồn hỗ trợ trích từ Quỹ phòng chống Covid-19 của Hà Nội.
Hà Nội: Hơn 150 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hỗ trợ
Tính đến hết ngày 15/9, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho 154.083 lao động tự do với số tiền 231,12 tỷ đồng. 132.725 lao động tự do đã được nhận hỗ trợ với số tiền 199,08 tỷ đồng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến chiều ngày 15/9, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,622 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do với kinh phí 551,187 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,597 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 506,171 tỷ đồng.
Tính đết hết ngày 15/9, có trên 150 nghìn lao động tự do trên địa bàn TP. Hà Nội nhận được gói hỗ trợ do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 89.501 đơn vị với 1,423 triệu lao động, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 147,3 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Thành phố cũng đã ra quyết định và thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 95 đơn vị với 6.827 người lao động, số tiền tạm dừng đóng là 48,61 tỷ đồng.
Các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 17.443 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với kinh phí là 69,95 tỷ đồng, đã chi trả cho 15.516 lao động với số tiền 62,2 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã quyết định hỗ trợ cho 336 lao động ngừng việc với số tiền 441 triệu đồng. 296 lao động ngừng việc đã được nhận hỗ trợ với số tiền 401 triệu đồng.
Đáng chú ý, các chính sách gặp nhiều vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện đã được các bên liên quan chủ động gỡ vướng, nhằm đưa chính sách đến với người thụ hưởng, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ lao động tự do được nới lỏng một số thủ tục, có thể xác nhận thủ tục theo hình thức trực tuyến, qua bưu điện hoặc nộp tại nhà cho đại diện chính quyền cấp cơ sở nên số người thụ hưởng chính sách ngày càng tăng.
Đến hết ngày 15/9, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho 154.083 lao động tự do với số tiền 231,12 tỷ đồng. 132.725 lao động tự do đã được nhận hỗ trợ với số tiền 199,08 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh đã có 5.636 trường hợp thụ hưởng với số tiền 16,9 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội cũng được các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện, tổng số gần 1,2 triệu lượt người, hộ gia đình được hưởng các chính sách này. Trong đó, toàn Thành phố có hơn 285.000 người, hộ kinh doanh được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với kinh phí hơn 289 tỷ đồng; có hơn 910.000 lượt người, hộ gia đình được hỗ trợ khó khăn đột xuất bằng hàng hóa, nhu yếu phẩm với số tiền hơn 270 tỷ đồng.
Tính chung, tổng nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội mà các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và cộng đồng đã trợ giúp cho người dân, người lao động, hộ gia đình bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19 từ đầu tháng 7/2021 đến nay là hơn 1.112 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách là hơn 840 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa là gần 272 tỷ đồng). Nguồn lực này đã đến với hơn 2,8 triệu lượt người, hộ gia đình.
Công đoàn TP.HCM kiến nghị hỗ trợ thêm 31.000 lao động '3 tại chỗ' Liên đoàn Lao động TP.HCM kiến nghị Công đoàn Việt Nam hỗ trợ thêm cho 31.000 lao động tại siêu thị, trường học thực hiện "3 tại chỗ", kiến nghị nâng gói an sinh cho công nhân lên mức 250.000 đồng. Đó là những kiến nghị được ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, chia sẻ tại...