Rà soát pháp luật, chỉnh sửa phù hợp với cam kết thương mại quốc tế
Chiều 3.6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ đã chủ trì phiên họp nhằm đánh giá công tác này trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp chiều 3.6. Ảnh: T.Chung.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá tình hình kinh tế thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế trong nước, đồng thời khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế để góp phần cơ cấu lại nền kinh tế trong nước, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác. Nếu được phê duyệt và đưa vào thực thi đầy đủ, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước trong khu vực có được quan hệ FTA cùng lúc với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Nga và nhiều đối tác khác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các bộ, ngành phải triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các khu vực, quốc gia như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Nga,… để giảm thiểu các ảnh hưởng của xung đột thương mại quốc tế. Đồng thời tiếp tục đa dạng hoá thị trường, quan tâm tới các khu vực mới như khối Mecosur,…
Đồng tình với Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh thêm rằng: “Các nội dung cam kết trong các hiệp định FTA có tiêu chuẩn cao và yêu cầu thực thi mạnh mẽ. Do đó, mọi vấn đề có thể là đối tượng tranh chấp khiếu kiện nên các bộ và địa phương phải xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn tham mưu, trong thực thi chính sách”.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, khi tới nay, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các FTA trong giai đoạn 2016- 2020. Ngoài ra, các bộ, địa phương cũng thực hiện hiệu quả công tác chuẩn bị và triển khai các cam kết trên thực tiễn.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương coi trọng, tăng cường nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế tác động tới Việt Nam. Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì nâng cao năng lực Tổ công tác dự báo để cập nhật, báo cáo kịp thời tới Thủ tướng Chính phủ thực trạng nền kinh tế, xu hướng chuyển dịch, cấu trúc dòng thương mại thế giới nhất là các tác động tới Việt Nam.
Video đang HOT
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá việc thu hút, sử dụng FDI thời gian qua và làm rõ các cơ hội, thách thức với Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước báo cáo việc tham gia đầu tư, mua trái phiếu, cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế về quốc tế phối hợp cùng các bộ, ngành tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp, địa phương,…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, tập trung tổ chức Diễn đàn hội nhập quốc tế về kinh tế quốc tế lần thứ 3 với các nội dung cụ thể, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 72 của Quốc hội phê duyệt Hiệp định thương mại CPTPP và Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 72 của Quốc hội; tiếp tục rà soát pháp luật trong nước để chỉnh sửa cho phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế.
HẢI CHUNG
Theo Laodong
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện, xử nghiêm sai phạm nếu có
Mặc dù theo kết quả kiểm tra ban đầu của Bộ Công Thương, cách tính và việc thu tiền điện của EVN chưa có sai phạm, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Thanh tra Chính phủ phải sớm công bố kết luận thanh tra, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội chiều 30/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giải đáp những thông tin liên quan đến việc tăng giá điện được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ việc rà soát tổng cơ cấu các nguồn điện từ điện than, thủy điện, điện mặt trời, điện gió... cũng như chi phí đầu vào như than, khí đều tăng giá theo thị trường, nhằm đảm bảo bù đắp chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho ngành điện là 3%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá điện là 7,31%, 8,36% và 9,26%.
"Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Thường trực Chính phủ đã họp thảo luận kỹ với nhiều Bộ ngành và EVN, đi đến kết luận chọn mức điều chỉnh tăng 8,36% và chọn thời điểm điều chỉnh là khoảng ngày 15 - 30/3", Phó Thủ tướng cho biết.
Lý do là bởi thông thường, sau khi tăng trong tháng 1 và 2, thì CPI thường giảm trong tháng 3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh giá điện, đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn thì CPI có thể tăng cao hơn.
Tiền điện tăng cao trong tháng 4, theo báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng, sơ bộ do 3 nguyên nhân: Giá điện tăng, số ngày ghi công tơ nhiều hơn 3 ngày và do thời tiết nắng nóng bất thường.
"Theo kết quả kiểm tra, cách tính và việc thu tiền điện của EVN chưa có sai phạm gì. Sắp tới, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan tiếp tục giảm chi phí, tiết giảm tổn thất điện năng, minh bạch các yếu tố đầu vào. Rà soát thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện phù hợp với điều kiện Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Chính phủ cũng chỉ đạo EVN tiếp thu ý kiến chuyên gia và người dân, sớm trình Chính phủ sửa đổi biểu giá điện bậc thang hiện hành sao cho hợp lý hơn, theo hướng vừa hỗ trợ người thu nhập thấp, vừa đảm bảo nhu cầu đời sống tăng cao hiện nay với số hộ sử dụng trên 200 kWh/tháng ngày càng tăng lên; đảm bảo hài hòa lợi ích các hộ tiêu dùng điện.
"Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước sớm nghiên cứu để đưa vào kế hoạch năm 2019 chuyên đề kiểm toán về giá điện của EVN", Phó Thủ tướng đề nghị.
Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phản ánh tâm tư của cử tri cả nước về việc tăng giá điện của EVN.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: Từ thuở khai sinh ra ngành điện Việt Nam, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi". Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Kỳ tăng giá điện vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ.
"Người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện 8,36% là không chuẩn xác bởi số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên sau khi tăng giá điện nhiều gấp đôi, gấp ba. Một số chuyên gia cho rằng, với việc chia bậc của EVN, bao gồm nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm điện, bên có lợi vẫn là doanh nghiệp, không phải người dân", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Đại biểu đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để "thấy bức tranh đầy đủ về một doanh nghiệp độc quyền như EVN".
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho biết: Hiện giá điện đã được Bộ Công Thương rà soát, có sự giám sát của Chính phủ. Việc tăng giá điện mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế, tuy nhiên những người có thu nhập thấp không đồng tình vì nó chưa đúng thời điểm.
"Đầu vào và đầu ra của ngành điện cần được xem xét kỹ để cân nhắc khi nào tăng giá và tăng ở mức nào mà người dân chấp nhận được. Ngành điện cũng không thể chủ quan nói rằng có bị lỗ hay không và việc tăng giá điện cần lựa chọn thời điểm thích hợp, đánh giá chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện, sau đó chuyển đổi và bán cho dân, công bằng giữa thu và chi mới tạo sự đồng thuận trong nhân dân", đại biểu Trần Tất Thế đề nghị.
Nam Hoàng - Viết Tôn - Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Theo Tintuc
Tuổi nghỉ hưu tăng chậm để tránh gây 'sốc' Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến người dân, trong đó đáng lưu ý tuổi nghỉ hưu sẽ tăng chậm từ năm 2021. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nam nâng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Tăng chậm theo lộ trình Theo dự...