Rà soát lại hơn 51.000m2 đất sau cổ phần hóa tại Lào Cai
Việc xác định diện tích đất làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính hàng năm đến 2017 còn chênh chệch số liệu…
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2017 tại tỉnh Lào Cai.
Trong đó kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, rà soát, thu hồi và quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất các đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Kiểm toán tổng hợp cho thấy, các doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn trước năm 2011 có 15 doanh nghiệp nhà nước; giai đoạn 2011 – 2017 có 16 doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này đều thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm, không xác định giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp, không có doanh nghiệp cổ phần hóa nào chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nhiều con số chênh lệch
Theo kết quả kiểm toán tổng hợp và chi tiết, việc xác định diện tích đất làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính hàng năm đến 2017 còn chênh chệch số liệu giữa Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, chênh lệch do Sở Tài nguyên và Môi trường chưa gửi phiếu chuyển thông tin địa chính cho cơ quan thuế 4 thửa đất với diện tích 840m2; chênh lệch do đất đã hết thời hạn thuê đất, chưa làm thủ tục thuê lại với Sở Tài nguyên và Môi trường là 2 thửa đất có tổng diện tích gần 10.000m2; chênh lệch do cơ quan thuế tính thiếu 5 thửa đất 4.293m2; chênh lệch do cơ quan thuế tính thiếu 8 thửa đất với diện tích 75.793m2; chênh lệch do cơ quan thuế đã thu (nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường không có hồ sơ quan lý các thửa đất này) là 5 thửa với diện tích 1.623m2.
Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai chưa tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước không có nhu cầu sử dụng sau cổ phần hóa (các doanh nghiệp đã có văn bản trả lại đất) để quản lý theo quy định với tổng diện tích đất khoảng 51.000m2 như của các Công ty cổ phần Đường bộ Lào Cai; Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lào Cai…
Video đang HOT
Chưa tham mưu cho tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất đối với các đơn vị đã nộp hồ sơ thực hiện chuyển nhượng tài sản trên đất thuê của Nhà nước; không theo dõi, không đòi hồ sơ 5 thửa đất diện tích 1.623m2 của Công ty cổ phần vật tư Nông nghiệp.
Trong khi đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thu hồi diện tích đất khi doanh nghiệp tự nguyện trả lại để thực hiện theo quy định và xây dựng công trình công cộng cao hơn diện tích trên quyết định cho thuê; trong đó, của Công ty cổ phần Liên Sơn 4.790m2; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lào Cai hơn 1.400m2.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ quan thuế chưa thu thuế 4 thửa đất diện tích 1.432m2 của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp. Công ty này còn sử dụng đất không đúng mục đích như cho đơn vị khác thuê và để các hộ lấn chiếm chưa đảm bảo theo đúng quy định.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện điều chỉnh thông tin trên hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
Chưa có cơ sở được miễn, giảm tiền đất
Cũng theo kết quả kiểm toán, số tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2011- 2017 của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là trên 25 tỷ đồng, đã nộp gần 19 tỷ đồng, còn hơn 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực từ 1/7/2006), kết thúc thời gian kiểm toán, Cục thuế Lào Cai và các doanh nghiệp cổ phần hóa được đối chiếu không cung cấp được thủ tục hồ sơ đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.
Do đó, chưa đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng kiểm toán để xác nhận số tiền miễn, giảm tiền thuê đất trên 5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Một số đơn vị thì chưa thực hiện kê khai nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích đất đang sử dụng theo quy định…
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định số tiền trên 5 tỷ đồng đối với 5 doanh nghiệp cổ phần hóa; báo cáo kết quả về Kiểm toán Nhà nước; đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đối với việc sử dụng đất nhưng không có hồ sơ về đất đai, cho thuê lại, bị lấn chiếm; xem xét, thu hồi và quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích của Công ty cổ phần Đường bộ Lào Cai gần 9.000m2; Công ty Cổ phần Thương mại Lào Cai 1.000m2; Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền 38.030m2; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lào Cai 2.842m2…
Về xử lý tài chính, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ đạo Cục Thuế tỉnh xác định nghĩa vụ tài chính phải nộp Ngân sách Nhà nước, truy thu tiền thuê đất, phạt chậm nộp theo quy định đối với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Lào Cai đối với 4 thửa đất tổng diện tích 1.432m2; thực hiện kiểm tra, rà soát xác định đối tượng được miễn, giảm của 5 doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính, xin ý kiến chỉ đạo đối với những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, đảm bảo phù hợp với quy định và thực tiễn tại địa phương…
Phan Dương
Theo Vneconomy
Hàng loạt DN chi tiêu tiền cổ phần hóa sai mục đích
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017.
Báo cáo cho thấy, số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp tại SCIC và tại các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến 31/12/2017 là 112.513 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt thiếu sót trong việc quản lý và sử dụng Quỹ.
Cụ thể, một số địa phương hạch toán số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các tổng công ty trực thuộc UBND tỉnh, thành phố tại tài khoản ngân sách địa phương hoặc tài khoản tạm thu ngân sách, đến 31/12/2017 chưa nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp là 1.544 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh, nhưng kinh doanh thua lỗ tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Ảnh: Lương Bằng
Một số doanh nghiệp chậm nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ và chưa tính, hạch toán lãi chậm nộp theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa theo dõi phải thu khoản tiền ứng cho ngân sách nhà nước để sử dụng cho 5 bệnh viện, không theo dõi đầy đủ đối tượng và hạch toán kịp thời số tiền phải nộp về Quỹ; hạch toán không đúng tiền lãi chậm nộp, không xử lý dứt điểm việc thu hồi nợ gốc và lãi chậm nộp.
Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, một số tập đoàn, tổng công ty chưa tính và hạch toán đầy đủ lãi chậm nộp theo quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BTC số tiền 7,9 tỷ đồng; chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp, hạch toán không đúng các khoản thu khác về Quỹ, không mở tài khoản tiền gửi riêng của Quỹ tại ngân hàng thương mại theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước cho biết: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy và Tổng công ty Lương thực miền Nam sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng kinh doanh thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn.
Còn Tổng công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sử dụng 45 tỷ đồng của Quỹ để góp vốn vào Cảng Đình Vũ không đúng quy định...
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Tập trung nguồn thu Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển để quản lý và sử dụng hiệu quả, tạo nguồn lực lâu dài để chi đầu tư phát triển, các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, bổ sung vốn điều lệ và duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, không sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.
Lương Bằng
Theo vietnamnet.vn
Hà Nội: Cận cảnh đoạn đường 3,5km gây thất thoát ngân sách hàng trăm tỉ Báo cáo kết quả kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội mới đây chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án này có tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt...