Ra mắt đã 3 năm, “Inside Out” vẫn khiến Disney và Pixar khổ sở vì bị kiện bản quyền
Hai ông lớn Disney và Pixar đang phải đối mặt với lần thứ ba bị kiện ăn cắp bản quyền đối với bom tấn hoạt hình “Inside Out”.
Inside Out (Những Mảnh Ghép Cảm Xúc) có thể là bộ phim thành công cả trên mặt trận phòng vé lẫn đánh giá từ giới mộ điệu, nhưng cũng là trường hợp khiến Disney và Pixar rất đau đầu khi lần thứ ba bị kiện vì tội đạo nhái.
Cặp đạo diễn Pete Docter và Ronnie del Carmen đã khẳng định họ tự tạo ra câu chuyện về cô bé Riley Anderson và những cảm xúc sống động: vui vẻ, buồn bã, tức giận, sợ hãi… Thế nhưng có vẻ như nó không hẳn “nguyên gốc” như những gì người ta quảng cáo. Vào đầu tuần này, một người đàn ông Canda tên là Damon Pourshian đã gửi hồ sơ kiện bộ phim Inside Out và hãng sản xuất. Theo đó anh ta đã gửi một kịch bản cùng tên vào năm 1999 mà sau đó một năm đã được chuyển thể thành phim khi còn học tập tại Đại học Sheridan.
Hồ sơ khiếu kiện gửi lên Tòa án Hoa Kỳ quận Bắc California chỉ ra những “điểm cực kỳ tương đồng” giữa hai tác phẩm cũng như “các mối liên hệ” giữa studio và ngôi trường Damon theo học. Vào khoảng thời gian chiếu bộ phim ngắn của anh này, rất nhiều sinh viên đang làm việc trong lĩnh vực hoạt hình hoặc các vị trí liên quan.
Một số hình ảnh được lấy ra để so sánh giữa hai phim:
Bản báo cáo dài tới 20 trang chỉ ra hơn 20 điểm tương đồng từ nhân vật, tính cách, bối cảnh tới chủ đề, thậm chí còn được minh họa bằng hình ảnh. Trước khi khởi kiện, Pourshian đã nhận được hàng loạt cuộc gọi từ những người bạn học cũ, họ chỉ ra những điểm tương đồng giữa Inside Out của anh và phim của Disney. Có một điểm đáng lưu ý là ngoài những bạn học cũ của Damon tham gia vào thực hiện Inside Out của Disney, ngôi trường Sheridan cũng đã và đang hợp tác với Disney/Pixar. Thời điểm bộ phim ngắn của Damon được chiếu, hãng hoạt hình của Mỹ cũng đang ráo riết tuyển dụng tại Sheridan.
Kịch bản của Inside Out của Pourshian được anh phát triển trong lớp học viết kịch bản tại đại học Sheridan vào mùa thu năm 1999, xuất phát từ ý tưởng anh nung nấu từ hồi trung học.
Kỳ học tiếp theo lớp sản xuất truyền hình đã chọn kịch bản này để làm một bộ phim ngắn. Tác phẩm đã chiến thắng mùa đầu tiên của giải thưởng People’s Choice tại Hội chợ giải thưởng nghệ thuật truyền thông tại Sheridan vào tháng 4 năm 2000.
Vụ ồn ào này là trường hợp tiếp theo mà Inside Out vướng vào sau hai vụ kiện bản quyền trước đó, một diễn ra vào năm 2017 từ chuyên gia phát triển trẻ em Denise Daniels đã bị bác bỏ vào tháng 5 năm nay và một diễn ra vào đầu tháng 6 từ tác giả Carla J. Masterson cho rằng Inside Out đã ăn cắp ý tưởng từ sách của bà.
Theo Trí Thức Trẻ
Trước 'The Incredibles 2', đừng bỏ qua 'Bao' - phim ngắn mang đậm bản sắc văn hoá phương Đông
Câu chuyện về bé tiểu Bao đáng yêu và người mẹ "bất đắc dĩ" cam đoan sẽ khiến cho trái tim của người xem phải lỡ nhịp.
Từ lâu, việc trình chiếu phim ngắn trước khi bước vào sự kiện chính đã trở thành truyền thống của Disney, chứng tỏ hãng điện ảnh lớn có khả năng sản xuất những sản phẩm đa dạng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
The Incredibles 2 ra mắt vào ngày 15/6 tới cũng không phải ngoại lệ, khi trước đó khán giả sẽ được thưởng thức bộ phim ngắn mới của Pixar mang tên Bao. Đây là tựa phim ngắn gốc thứ 20 của hãng phim hoạt hình danh tiếng, đồng thời đánh dấu lần thứ 18 của "tập tục" ra mắt phim ngắn cùng dự án phim chính trên màn ảnh rộng.
Poster chính thức của phim ngắn Bao.
Câu chuyện gia đình gần gũi, bình dị xoay quanh "tiểu bánh bao"
Bao lấy bối cảnh một gia đình châu Á mẫu mực gồm đôi vợ chồng độ tuổi xế chiều cùng nhau sống dưới một mái nhà đơn sơ sau khi cậu con độc nhất của mình đã dọn ra ở riêng. Hằng ngày, người chồng vẫn bị cuốn theo guồng quay công việc bận rộn và áp lực, còn người vợ thì ở nhà quán xuyến bếp núc, nhà cửa.
Một ngày nọ, bà nội trợ đã xắn tay làm điểm tâm bánh bao hấp cho chồng ăn trước khi đi làm. Qua bàn tay khéo léo và đảm đang của bà, những chiếc bánh trắng nõn, gọn nhẹ và xinh đẹp dần thành hình, khi hấp thì toả ra hương thơm nghi ngút khó cưỡng.
Chiếc bánh bao cuối cùng bỗng "sống dậy" khiến người mẹ đột nhiên thót tim.
Tưởng chừng bữa sáng ngon lành sẽ trải qua bình thường, nhưng bất ngờ thay chiếc bánh bao còn sót lại trong xửng lại hoá thành "tiểu bánh bao" kháu khỉnh, có đầy đủ đầu, mình, tứ chi. Sự việc khiến bà mẹ trung niên không khỏi sốc, nhưng sau đó nhanh chóng bị nét đáng yêu của bé làm mềm lòng. Người phụ nữ đã yêu thương và cưng chiều tiểu Bao như con của mình, từng ngày chứng kiến bé lớn lên.
Bé Bao đáng yêu trong như một tiểu hài tử vừa chào đời.
Niềm hạnh phúc không kéo dài bao lâu thì bé Bao rồi cũng phải lớn và bị những cám dỗ xã hội lôi cuốn, khiến bé ngày càng xa cách với "mẹ" của mình. Bé có hội bạn riêng, dần theo đuổi những sở thích mới, và cuối cùng là có bạn gái. Hành trình của bé Bao khiến người mẹ xót xa, không khỏi nhớ đến đứa con trai ruột tha hương của mình, đê rồi trở nên đau đớn, dằn vặt.
Mỗi người mẹ đều có một "bé Bao" mà mình yêu thương bằng cả tấm lòng
Sự xuất hiện của bé Bao tưởng chừng sẽ là nỗi an ủi cho sự trống trải bên trong trái tim của người mẹ có con xa nhà, thế nhưng bé rồi cũng lớn, cũng trải qua độ tuổi thanh xuân bốc đồng, nổi loạn. Ngược lại, hình tượng "tiểu bánh bao" không khác gì người con trai lớn của bà, khiến cho nỗi cô đơn của bậc làm mẹ càng lớn hơn.
Lấy cốt truyện bình dị, dễ hiểu nhưng chắc chắn phần lớn khán giả khi xem qua Bao đều đã từng trải nghiệm cảm giác của người mẹ hoặc bé bánh bao trong phim. Trong mỗi gia đình, khoảng cách thế hệ là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là ở phương Đông nơi mà truyền thống yêu thương gia đình được đề cao hết mực. Một khi đủ lông đủ cánh, những đứa con rồi sẽ có cuộc sống riêng, hoài bão riêng, chứ không còn là đứa con bé bỏng của cha mẹ nữa.
Người phụ nữ thương yêu bé Bao, một lần nữa làm tròn thiên chức người mẹ.
Bao nhắn nhủ người xem bài học nhân văn về tình gia đình, nhấn mạnh tầm quan trọng của "nhà" - nơi để trở về, nơi an yên nhất cho những tâm hồn lạc lối bên ngoài xã hội phồn hoa, đua tranh khốc liệt. Cái kết của phim mang nhiều xúc cảm, không cần hiệu ứng dồn dập hay tình huống chồng chất, chỉ một cảnh phim đoàn tụ đã khiến bất cứ ai khi xem cũng phải rơi nước mắt.
Những thước phim mang đậm nét đẹp Á Đông
Bên cạnh một cốt truyện ý nghĩa, dễ thấm và dễ đi vào lòng người, Bao còn khắc hoạ bức tranh lối sống phương Đông tấp nập, hào sản và đầy màu sắc. Đó là từng ngóc ngách của khu chợ sầm uất, là cách bày trí nhà cửa ấm cúng, có chữ Hán dán tường, có bàn thờ tổ tiên, có góc bếp nhỏ của mẹ,...
Tiệm bánh có đầy đủ các món bánh trái thơm lừng khiến tiểu bánh bao thích mê.
Căn nhà mang màu sắc ấm áp, trên bàn ăn có chén, đũa, xửng, trên tường thì treo ảnh gia đình, còn có treo chữ "Phúc" tượng trưng cho hạnh phúc, ấm no.
Vốn dĩ như vậy, vì Bao là sản phẩm phim ngắn mới nhất được cầm trịch bởi Domee Shi - nữ đạo diễn châu Á đầu tiên của Pixar. Khi quảng bá cho phim của mình, Shi đã chia sẻ "Bánh bao hấp giữ vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi từng hay làm bánh với mẹ khi nhỏ cho đến khi lớn lên, nên tôi muốn gửi lời tri ân đến món ăn này qua phim ngắn đầu tay của mình."
Domee Shi là đạo diễn trẻ tuổi mang 2 dòng máu Trung Hoa - Canada.
Nữ đạo diễn cũng cho biết hình ảnh người mẹ ôm ấp, nâng niu tiểu bánh bao trên tay bỗng hiện lên trong đầu cô một cách ngẫu nhiên khi cô đang dang dở với dự án Inside Out. Đặc biệt, để có thể thực hiện chuẩn xác cảnh làm bánh của người mẹ, Shi đã mời hẳn mẹ của mình đến trường quay để làm bánh bao hấp cho nhóm sản xuất. Bánh bao hấp không chỉ là món ăn được yêu thích khắp thế giới, mà còn là nét đẹp đậm chất Á Đông, thể hiện tài hoa của người làm ra nó bằng cả tâm huyết và tình yêu.
Bao là nét chấm phá đặc sắc về ẩm thực phương Đông vốn mang tình yêu và tấm lòng của người đầu bếp.
Nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả và giới chuyên môn, Bao được dự đoán sẽ là đối thủ đáng gờm tranh đấu hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất tại Oscars năm sau. Liệu câu chuyện về tiểu bánh bao có nối gót thành công của Tin Toy, Geri's Game, For the Birds và Piper trước đó?
Cùng xem lại teaser của phim ngắn Bao.
The Incredibles 2 và phim ngắn Bao chính thức công chiếu vào ngày 15/6 tại Việt Nam.
Theo Saostar
15 nhân vật phản diện bị Walt Disney loại khỏi phim trong phút chót (Phần 1) Những nhân vật cực thú vị nhưng bị loại bỏ trong giai đoạn phát triển và thiết kế phim của hãng Walt Disney. Ai ai cũng có một nhân vật phản diện mà mình yêu thích, đặc biệt là các vai phản diện của Disney. Những vai ác của họ có một điều gì đó khá đặc biệt, khiến cho người xem thích...