Quýt đường rớt giá, nhà vườn lao đao
Hiện nay, nông dân trồng quýt đường xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục sụt giảm, một số hộ đành giữ lại trái trên cây chờ được giá mới thu hoạch.
Một số hộ khác thì đành phải bán và chấp nhận thua lỗ. Mấy ngày qua anh Phạm Quang Trường, ở xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đứng ngồi không yên vì hơn 2 ha quýt của gia đình với khoảng 25 tấn trái đã đến ngày thu hoạch, nhưng việc bán gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là do thương lái trả giá quá thấp. Anh Trường cho hay, hiện thương lái vào vườn xem quýt và chỉ đưa ra giá 15.000 – 16.000 đồng/kg, với giá này thì xem như không có lợi nhuận.
Bởi theo anh Trường, giá cả phân bón ngày càng tăng, nhất là tình hình dịch bệnh trên cây quýt ngày một nhiều nên đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Do đó, giá thu mua phải ở mức 20.000 đồng/kg thì nông dân mới hòa vốn đầu tư chứ chưa có lãi. Chính vì vậy, hơn 1 tháng qua kể từ khi quýt cho thu hoạch, gia đình anh vẫn chưa đồng ý bán cho thương lái mà vẫn đang giữ trái lại trên cây chờ giá cao hơn.
Anh Phạm Tấn Sang cũng ở ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc trồng 1,2 ha quýt cũng trong tình cảnh tương tự đã chín vàng cây nhiều ngày qua nhưng gia đình vẫn chưa thể cắt bán, bởi lý do giá quá thấp. Anh Sang cho biết, cách nay khoảng 1 tháng, giá quýt còn dao động từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi vì nghĩ rằng vào thời điểm này giá sẽ còn cao, nhưng ai ngờ lại giảm mạnh.
Do giá thấp và chưa thấy có lợi nhuận nên khoảng hơn 25 tấn quýt của anh Sang tuy đã chín, nhưng anh vẫn để trên cây và cố gắng giữ thêm một thời gian nữa với hy vọng giá sẽ được cải thiện. Anh cho biết thêm, “Giờ chúng tôi cố giữ lại trái trên cây chờ đến giữa tháng 2 âm lịch không được giá cũng phải bán thôi, vì đến lúc đó không thể giữ lại trái trên cây nữa nó chín quá rồi”.
Video đang HOT
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Chép, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc thì vừa chấp nhận bán hết 1,5 ha quýt với giá 15.000 đồng/kg. Do quýt trong vườn của gia đình bà đã chín rộ không thể giữ lại trên cây nữa. Với giá bán này, gia đình bà đã bị lỗ đến 100 triệu đồng. Bà Chép chia sẻ, “Do giá phân bón, thuốc trừ sâu ngày một tăng cao, chi phí đầu tư chăm sóc cây quýt rất nặng nên với giá bán này chúng tôi cầm chắc lỗ. Biết lỗ nhưng tôi vẫn phải bán vì quýt đã chín rộ không thể giữ trên cây được nữa rồi”.
Qua khảo sát của chúng tôi, hiện thương lái mua quýt loại 1 tại vườn chỉ có giá 16.000 – 17.000 đồng/kg, loại 2 từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, giảm 8.000 – 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ, còn so với thời điểm cách nay khoảng 1 tháng thì giảm khoảng 10.000 đồng/kg.
Theo một số hộ trồng quýt trên địa bàn xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, nguyên nhân giá quýt giảm là do đang vào mùa thu hoạch quýt chính vụ ở nhiều nơi, từ đó nguồn cung dồi dào. Ngoài bị ép giá, hiện còn xuất hiện tình trạng thương lái mua theo hình thức lựa trái quýt, nghĩa là chỉ đồng ý mua những trái quýt loại 1 chứ không mua xô (mua cào bằng) như trước kia.
Cách mua này đã gây nhiều bức xúc cho người dân. Bởi mọi năm, thị trường đầu ra của trái quýt rất thuận lợi. Quýt chín bao nhiêu đều có thương lái mua xô hết bấy nhiêu, không có chuyện đặt điều kiện chỉ mua trái to đạt yêu cầu như vụ này. Đặc biệt, nếu như mọi năm thương lái nhiều nơi vào tận đây cạnh tranh mua quýt với lái địa phương, nhưng riêng năm nay, chỉ có lái địa phương nên không tránh khỏi tình trạng nhà vườn bị ép giá, đặt điều kiện trong quá trình thu mua.
Theo Hội Nông dân xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, hiện toàn xã Tân Lâm có khoảng 150 ha quýt đường; trong đó khoảng 90% diện tích đang cho trái. Mùa thu hoạch quýt đường chính vụ nơi đây thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch). Nhưng năm nay do quýt trễ vụ Tết nên ra đến giữa tháng giêng mới cho thu hoạch.
Giá thành thu mua của quýt đường giảm như hiện nay khiến cho các hộ nông dân lo lắng trong việc đầu tư trong thời gian tiếp theo. Do giá phân bón càng tăng, mà giá thành sản phẩm lại giảm, vì vậy nhiều hộ dân không dám mạo hiểm tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây quýt đường.
Thời gian gần đây, ngoài việc cây quýt đường liên tục bị nhiễm bệnh chết, thì nay lại thêm mất giá đã khiến cho nông dân trên địa bàn trồng quýt tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều hộ nông dân đã mất dần niềm tin vào việc phát triển cây quýt đường.
Để người dân có thể yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào loại cây trồng này, đây thật sự là vấn đề cần được các ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần quan tâm hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, cũng như tìm lời giải về đầu ra ổn định cho sản phẩm quýt đường của tỉnh trong thời gian tới, để giúp nông dân vùng quýt đường lớn của tỉnh ổn định sản xuất và phát triển vùng quýt.
Theo Hoàng Nhị (TTXVN)
Quýt đường xanh tốt, quả sum suê trên đất bạc màu, khô cằn
Trên vùng đất bạc màu, khô cằn, những cây quýt đường được trồng thí điểm ở xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn vươn lên xanh tốt, cho quả sum suê.
Vừa đặt chân đến nhà bà Võ Thị Thê ở thôn Đông Thuận (Bình Trung), ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là vườn quýt đường chi chít trái, với nhiều quả chín căng mọng. Bà Thê phấn khởi cho biết, đúng một tháng nữa là sẽ vào vụ thu hoạch chính đầu tiên, sau 3 năm trồng. Đây là vùng đất khô cằn, vừa pha cát, đất sét lại bạc màu.
Thế nhưng, khi được Trạm Khuyến nông Bình Sơn chọn trồng thử nghiệm cây quýt đường, thì loại cây này đã "trụ được", sinh trưởng tốt. "Từ vườn tạp, trồng cây chỉ lấy củi, giá trị kinh tế rất thấp, nay 1 sào đất vườn nhà tôi đã được phủ kín bởi 150 cây quýt đường. Vườn cây xanh tốt, cho quả ngọt, nên vợ chồng tôi vui lắm", bà Thê cho hay.
Sau 3 năm chăm bón, vườn quýt đường nhà bà Thê đã cho trái trĩu cành.
Chọn giống cây ghép để trồng nên chỉ sau 1 năm chăm sóc, quýt cao đến chừng 1m đã cho quả, nhưng theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, hai năm đầu phải bấm hoa, ngăn quá trình tạo quả, để cây tập trung nuôi cành, lớn nhanh. Bắt đầu từ năm thứ 3, khi cây lớn và có tán rộng mới cho đậu trái và thu hoạch. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, tích cực chăm bón, nên đến nay gần 500 gốc quýt đường được trồng thử nghiệm ở 4 hộ gia đình đã đến kỳ cho quả.
Ông Trịnh Phú Đô, một trong 4 hộ trồng quýt đường cho biết: "Dù là năm đầu tiên bắt đầu để quả, nhưng trung bình một cây đã ra từ 30 - 40 quả, tương đương khoảng 4kg. Một tháng nữa thu hoạch rộ, ước chừng 150 gốc thu hơn 500kg quýt. Hiện cây phát triển, sinh trưởng khá tốt, phù hợp với chất đất và khí hậu nơi đây, nên những năm tiếp theo, tôi tin năng suất cây quýt đường sẽ cao hơn nữa".
Dù chưa đến ngày thu hoạch, nhưng dạo quanh vườn quýt đã thấy những trái quýt đường da căng láng, mỏng vỏ, màu xanh ngả sang vàng. Những hộ dân trồng quýt ở đây cho hay, đó là dấu hiệu để nhận biết trái chín, có thể ăn được. Quýt đường chín có vị ngọt thanh, thơm và vỏ mỏng, rất dễ bóc vỏ nên so với các loại trái cây thuộc họ nhà cam, chanh, thì quýt đường được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo bà Võ Thị Thê, cây quýt đường dễ trồng nhưng muốn cây cho quả ngọt, mọng nước thì phải bón phân đủ liều lượng urê, lân, kali để giúp cây phát triển cành, tưới đủ nước, giữ ẩm cho cây và tuyệt đối không để ngập úng. Còn gần nửa tháng nữa mới xuất bán lứa đầu tiên ra thị trường, nhưng bà Thê tin tưởng cho biết, với giá thu mua như hiện nay từ 20 - 30 nghìn đồng/kg thì gần 150 gốc quýt đường, cũng thu về ít nhất hơn 10 triệu đồng.
Ông Vũ Thế Sơn - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bình Sơn cho biết: Quýt đường là loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao và đầu ra rất ổn định, nên Trạm đã quyết định chọn trồng thí điểm. Sau 3 năm trồng, cây sinh trưởng tốt và bắt đầu cho quả ngọt. Hy vọng giống cây mới này có thể giúp người dân Bình Trung phát triển kinh tế bền vững, cải tạo từ vườn tạp thành vườn cây ăn trái, từng bước chuyển đổi thành vùng chuyên canh quýt đường.
Theo Hiền Thu (Báo Quảng Ngãi)