‘Quỳnh búp bê bị cưỡng hiếp, làm gái năm 15 tuổi là chuyện kinh khủng’
15 năm sau khi nghe cuộc đời đầy bi kịch và nước mắt của một cô gái tên Quỳnh (khi ấy còn đang ở trung tâm giáo dục), nhà báo Kim Ngân đã quyết định đưa câu chuyện ấy lên phim.
Hiện Quỳnh (nhà báo Kim Ngân đặt biệt danh Quỳnh búp bê cho cô) đã ngoài 30 tuổi, có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, mọi nỗi đau của cô đều được chôn vùi trong quá khứ.
Bởi thế, thuyết phục Quỳnh búp bê để cô đồng ý đưa cuộc đời mình lên màn ảnh nhỏ, để hàng triệu khán giả biết được những gì cô phải trải qua là điều không dễ dàng với biên kịch.
Cuối cùng, cuộc đời ấy khi lên phim đã tạo nên những luồng dư luận khác nhau trên mạng xã hội. Trong khi khán giả còn đang tranh cãi thì biên kịch Kim Ngân khẳng định rằng “nhìn càng gần sự thật càng tốt, chỉ như vậy mới hiểu chân tơ kẽ tóc và rút ra kinh nghiệm”. Cuộc đời Quỳnh, bộ phim về Quỳnh búp bê chính là bài học mà bất cứ ai cũng nên biết để tự bảo vệ chính mình.
- “Quỳnh búp bê” là bộ phim được viết kịch bản từ câu chuyện có thật của một cô gái cùng tên. Chị gặp gỡ và thuyết phục Quỳnh như thế nào để đưa được câu chuyện này lên phim?
- Mùa đông năm 2000, khi tới trung tâm giáo dục số 2 để triển khai đề tài mại dâm của chương trình Người xây tổ ấm, tôi lập tức bị ấn tượng bởi Quỳnh. Nếu 10 cô gái mà giám đốc trung tâm sắp xếp để phỏng vấn rất hợp tác, thậm chí kể hết những câu chuyện thâm cung bí sử, thì riêng Quỳnh ngồi một góc, chăm chú nghe cuộc phỏng vấn nhưng lại tỏ ra không quan tâm.
Cô ấy mang nét đẹp chân phương, trẻ trung, má phúng phính, tóc đen, da mịn và môi đỏ. Nhìn như búp bê vậy. Tôi ngạc nhiên tại sao một cô gái trẻ, xinh đẹp như vậy lại vào trại nên vừa phỏng vấn tôi vừa liếc nhìn Quỳnh.
Cô ấy lảng tránh ánh mắt của tôi, sau đó dứt khoát trả lời “Cháu không có gì để nói với cô cả” khi tôi tỷ tê hỏi chuyện. Cô gái trẻ thậm chí quắc mắt, tỏ ý tức giận khi tôi nhắc đến gia đình. Phải mất thời gian dài tâm sự, Quỳnh mới chịu kể về cuộc đời mình.
Quỳnh vốn có một gia đình rất hạnh phúc, khá giả cho đến khi bố qua đời. Mẹ cô ấy sau đó yêu người đàn ông trẻ tuổi rồi đưa người này về nhà sống. Không chỉ lấy hết đồ đạc, nhà cửa, người đàn ông còn nhiều lần sàm sỡ, cưỡng hiếp và đe dọa Quỳnh không được nói với ai. Ông này cũng tạo dựng nhiều tin đồn rằng Quỳnh hư hỏng, đi theo trai.
Người mẹ hoàn toàn tin tưởng chồng trẻ. Nhiều lần con gái hé lời, bà ấy mắng té tát, và kết cục Quỳnh bị cưỡng hiếp trong một thời gian dài. Đến khi có bầu, Quỳnh chém bố dượng và bỏ ra khỏi nhà. Trên đường bỏ trốn, cô ấy gặp hai kẻ buôn người, bị bán vào động mại dâm và bi kịch cuộc đời tiếp tục diễn ra từ đây. Khi đó, Quỳnh chỉ mới 15 tuổi.
- Khi chị đưa cuộc đời Quỳnh lên phim, cô ấy phản ứng như thế nào?
- Đầu tiên cô ấy không đồng ý, cũng không cho tôi dùng tên Quỳnh. Tôi phải hứa hẹn sẽ giấu kín mọi thông tin thì mới thuyết phục được cô ấy. Hiện tại, đã ngoài 30 tuổi nhưng Quỳnh vẫn trẻ con, khi xem phim, cô ấy nhận xét phim chưa thật như cô ấy tưởng tượng, bài trí phòng không giống, rồi “hồi ấy con có mặc đồ thế này đâu”, “Chị Lan nhiều lúc tình cảm lắm”…
Quỳnh không đủ khả năng để phản biện sâu vào tình tiết mà chỉ nói về những gì cô ấy nhìn thấy. Chồng của cô ấy cũng xem nhưng không hiểu nhiều về nội dung, và không biết đó là cuộc đời của vợ (chồng của Quỳnh búp bê là người Trung Quốc – PV).
- Khi lên sóng, phim vấp phải chỉ trích bởi có nhiều cảnh bạo lực, thậm chí mới đây bị tạm dừng phát sóng. Nhiều khán giả cho rằng nội dung “Quỳnh búp bê” có tác hại với một số đối tượng khán giả, chị đã lường trước được kịch bản này?
- Có rất nhiều luồng ý kiến, đại đa số cho rằng phim nhiều cảnh bạo lực, số khác thì nhận xét nội dung lỗi thời, không phù hợp với thực tế hiện tại. Ở đây, bố mẹ có một phần trách nhiệm, nếu không muốn con xem thì hãy giảng giải, giải thích.
Quan điểm của tôi là nhìn càng gần sự thật càng tốt, chỉ như vậy mới hiểu chân tơ kẽ tóc và rút ra kinh nghiệm. Ví dụ nếu muốn nhìn vào tệ nạn mại dâm để hiểu tác hại thì hãy nhìn trực diện, miễn sao ở chừng mực chấp nhận được, tức không có cảnh lõa lồ hay quá phản cảm trên phim.
Phim có thể ảnh hưởng đôi chút tới những khán giả quá nhỏ hoặc sinh sống tại vùng quê nhưng tôi nghĩ cách xây dựng tình tiết là cần thiết bởi cuộc đời rồi cũng đưa chúng ta đến với những thứ ta không hề mong muốn.
Xã hội hiện giờ, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, rất nhiều cạm bẫy giăng ra cho trẻ em mà bố mẹ không thể lường trước. Do đó, nếu mình cứ né, không nói hoặc nói không tới thì rất nhiều thứ mà trẻ con không hiểu được bản chất.
- Có những người để khai thác đề tài này đã phải vào vai gái mại dâm hoặc tú bà, tôi không có điều kiện làm việc đó. Tuy nhiên, trí tưởng tượng của tôi tốt và lời kể của Quỳnh cũng rất chân thực, chi tiết, không hề giấu giếm khiến tôi lập tức hình dung.- Với một biên kịch, để câu chuyện đời hơn và thật hơn, thì ngoài ngồi nghe kể chuyện từ một người sa ngã còn cần sự xâm nhập thực tế. Với “Quỳnh búp bê”, có hay không sự xâm nhập thực tế của chị?
Ở chương trình Người xây tổ ấm, các đồng nghiệp khi đi triệt phá động mại dâm trong một thời gian dài cũng quay hình. Đây là những tư liệu quan trọng giúp tôi khai thác đề tài.
Tất nhiên, phim chưa hoàn hảo 100%, có những nhân vật tôi thấy không đúng lắm với lời kể của Quỳnh. Nhưng tựu trung, phim đã nói được phần nào của thế giới ngầm mà chúng ta tò mò.
- Có thể thấy, chị tin tuyệt đối vào lời kể của Quỳnh. Tuy nhiên, mọi câu chuyện qua lời kể của một người thì đều nhuốm màu chủ quan. Quỳnh kể nhưng sự thực chưa hẳn đã vậy. Đã bao giờ, chị có sự phản biện, lật đi lật lại để câu chuyện được khách quan nhất?
- Quỳnh có rất nhiều ý kiến chủ quan và thắc mắc sai lệch của một cô bé chưa hiểu đời. Cô ấy sẵn sàng khen vợ của ông chủ tốt nếu bà ấy mang đến váy áo hay tỷ tê vài câu, chẳng hạn: “Thôi con ơi, mày đã vào đây thì ở với cô chú”, “Mày cứ chịu khó làm việc rồi cô chú sẽ đưa mày lên bậc cao”…
“Con thấy ông ấy ác chứ bà tốt lắm, sao bà ấy lại lấy ông ấy nhỉ”, Quỳnh từng thắc mắc với tôi như vậy. Tôi trả lời: “Họ cùng một giuộc, người đàn ông đánh thì người phụ nữ xoa, họ khiến con cảm thấy bầm dập với người này thì được an ủi bởi người kia. Khiến con tin bà ấy, nhưng thực sự không phải thế”.
Quỳnh căm thù mọi thứ bởi những ký ức đau buồn đã hằn sâu trong tim. Cô ấy căm thù bố vì mất quá sớm khiến bản thân phải khổ hay thậm chí coi mẹ không bằng con người. Trong nhiều lời chia sẻ của Quỳnh, tôi đều có sự phản biện chứ không hoàn toàn đồng tình.
- Trong câu chuyện của chị, các nhân vật Quỳnh, Cảnh, Lan hay My sói đều có thật. Theo chị trên phim, họ được chuyển tải bao nhiêu phần trăm sự thật?
- Số phận có thể đem con người tới bất cứ đâu, nhưng một khi không đủ bản lĩnh chống lại số phận, vào động mại dâm nhơ nhớp nhưng góp bàn tay khiến tệ nạn đó thêm hoành hành thì đã trở thành tội lỗi. Tôi không phản đối việc Lan tìm đến con đường mại dâm để nhanh chóng kiếm ra một số tiền lớn phụ giúp gia đình, nhưng cô ấy đã không đủ bản lĩnh để dừng chân.
- Cảnh cũng vậy, hoàn toàn có thể thoát ra ở một điểm nào đó nhưng anh ấy không làm được. Tôi là người nghiêm khắc nên khi nhìn vào những số phận đó, phần giận nhiều hơn phần thương. Kể cả với Quỳnh, tôi cũng không đồng tình, nhất là những lúc Quỳnh buông xuôi, chỉ để trêu tức My sói và đã sẵn sàng dấn thân, cặp kè đàn ông có gia đình.
Có những lời của tôi, Quỳnh mới được như ngày hôm nay. Quỳnh không thể bấu víu vào ai để làm lại cuộc đời, thậm chí, khi cô ấy chuẩn bị ra trại, đã có người ở động khác đứng chờ sẵn ở cổng. Quỳnh lúc đó mới 17 tuổi, nhan sắc đẹp rực rỡ, lại có chút tiếng tăm và kinh nghiệm hành nghề, do đó có động khác săn đón cũng dễ hiểu.
Hầu hết cô gái khi rơi vào tình huống của Quỳnh đều sẽ trở lại con đường cũ. Bởi với họ, việc hoàn lương vô cùng khó khăn, phải đối mặt với những lời đàm tiếu, dị nghị về quá khứ.
Quỳnh thì khác, sau khi ra trại, cô ấy làm việc chăm chỉ trong nhà hàng cơm bình dân tại Hà Nội một thời gian dài. Sau này, cô ấy về Lạng Sơn, lập gia đình, sinh con với chàng trai trí thức người Trung Quốc và sống êm ấm đến bây giờ.
- Khán giả cũng đánh giá tình tiết trong phim chưa thật đắt, dù khai thác đề tài gai góc. Chị có thấy rằng việc chỉ nghe chuyện từ một người, thiếu xâm nhập, thiếu những câu chuyện của nhân vật khác, đã khiến phim thiếu thuyết phục?
- Đương nhiên, khi phim lên sóng, rất nhiều chữ “nhưng”, “nếu như” được đặt ra, bao gồm cả việc “nếu như” được trò chuyện với Cảnh, Lan hay My sói. Càng gần sự thật, càng biết nhiều về nhân vật thì viết sẽ càng tốt hơn.
Bản thân tôi, khi viết và khi ngồi trước màn hình là những con người khác nhau. Lúc đó, chúng ta có thể bình tĩnh, tỉnh táo, công bằng và nhìn được nhiều thứ chưa ổn mà ta không thể nhận ra lúc viết.
- Về diễn xuất của dàn diễn viên, nhân vật My sói của Thu Quỳnh được khen ngợi hơn cả, trong khi đó Phương Oanh và Thanh Hương bị nhận xét là đóng còn kịch. Chị nhận xét như thế nào khi ngồi trước màn hình?
- Khi đảm nhận vai diễn nhạy cảm, Phương Oanh và Thanh Hương đã hết sức cố gắng. Phương Oanh thậm chí bị ám ảnh, rùng mình mỗi khi nghe thấy tiếng roi điện. Đủ thấy Oanh đã sống với vai diễn như thế nào, cái cô ấy thiếu có chăng chỉ là trải nghiệm và thời gian. Hơn nữa, đã không phải là Quỳnh thì không thể nói giọng giống y như Quỳnh nên Phương Oanh khó tránh khỏi nói lời kịch.
Khán giả Việt Nam dù 80% sống ở nông thôn nhưng là những nhà phản biện tuyệt vời, ý kiến dù khen hay chê đều rất hay. Về phần tôi, tôi cảm thấy ưng với những gì đang có, đương nhiên vẫn còn những hạt sạn không tránh khỏi bởi ê-kíp trong quá trình vừa học vừa làm.
- Từng được biết đến và gây ấn tượng qua chương trình Người xây tổ ấm, nhưng sau đó, chị dừng lại tất cả. Khi đó có rất nhiều lời đồn thổi về quyết định của chị, chẳng hạn, chị không được các sếp tạo điều kiện, hay cá tính của chị với nhà báo Lại Văn Sâm không hợp nhau… Khi mọi việc đã trôi qua, chị có thể một lần nói về sự việc?
- Tin đồn thì nhiều lắm, chẳng hạn tôi ngoại tình rồi bị đánh ghen hay cùng lúc cặp kè với nhiều đồng nghiệp. Tuy nhiên, tất cả đều không phải sự thực, nhất là những thông tin về VTV3. Đây là một môi trường tuyệt vời với người sếp luôn thấu hiểu và biết đặt nhân viên vào đúng vị trí, khả năng mà họ tỏa sáng nhất, là anh Lại Văn Sâm.
Thế nhưng, tôi vẫn quyết định thay đổi bởi công việc này tốn quá nhiều thời gian, thường xuyên phải công tác xa khiến tôi chểnh mảng với người thân, cuối cùng gia đình đổ vỡ.
Khi làm việc tôi luôn cố gắng hết sức, sẵn sàng đi các tỉnh xa để dẫn hiện trường, phóng sự… trong khi nhiều MC khác chỉ ở nhà dẫn. Mãi sau này, tôi mới nhận ra nếu cứ như vậy, tôi không thể tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống, bởi không một người đàn ông nào chấp nhận vợ mình một tháng đi công tác 20 ngày.
- Chị đang thừa nhận mọi lỗi lầm về mình trong cuộc hôn nhân đổ vỡ?
- Lỗi là do tôi. Hôn nhân cũng như cái duyên vậy, khi tôi cảm thấy anh ấy quá mệt mỏi vì phải chịu đựng một người như tôi thì coi như duyên hết. Tôi đi suốt ngày, ít quan tâm gia đình, sau này, khi có chút nổi tiếng thì bắt đầu có những ứng xử không phù hợp. Tôi cho phép mình cao giọng, có quyền lơ là những người thân yêu một chút.
Những người đàn ông tinh tế như chồng tôi rất dễ nhận ra điều đó, lâu dần thành chán và chúng tôi xa nhau, mối quan hệ giữa hai người không thể cứu vãn được. Chúng tôi chia tay nhẹ nhàng, bởi cả hai hiểu mình không thể tồn tại với nhau được nữa dù trước đó, đôi bên đã mất rất nhiều năm hàn gắn.
Rất khó để nói ra điều này, nhưng quả thực mất đi cái gì quý giá thì mình mới tiếc nuối. Làm người nổi tiếng tôi được nhiều nhưng mất cũng rất nhiều. Do đó, tôi quyết tâm từ bỏ nghề MC và trở thành biên kịch, bởi tôi muốn nắn chỉnh bản thân.
- Vào thời điểm đó, chị là Người đi xây tổ ấm, nhưng lại không giữ được tổ ấm của mình?
- Bạn bè tôi cũng trách móc việc gì phải ly hôn, rồi khuyên tôi nên nhún nhường để giữ gìn tổ ấm, thế nhưng vì cá tính quá mạnh nên tôi không thể tiếp tục nhìn anh ấy phải chịu đựng mình. Tôi muốn anh ấy có một cuộc sống mới, chịu đựng tôi bằng ấy năm đã là quá đủ rồi.
Nếu bạn muốn xây tổ ấm thì hãy hỏi những người từng đổ vỡ. Có rất nhiều bài học được tôi rút ra từ cuộc hôn nhân đầu tiên, chẳng hạn trong cuộc sống, không ai hoàn hảo. Có những điều mình chưa hài lòng ở người đàn ông nhưng nhìn từ góc độ của bản thân họ, họ lại cảm thấy ổn.
Vậy tại sao, mình phải quy chụp những thứ mình mong muốn vào người đàn ông mình yêu quý, trong khi chưa chắc họ đã cảm thấy thoải mái với điều đó. Tôi là người phụ nữ may mắn khi từng có được người chồng tuyệt vời…
- Người đàn ông đến sau có tuyệt vời như anh ấy?
- Tôi hài lòng với người đàn ông đến sau, hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Theo Zing.vn
Đạo diễn "Quỳnh búp bê": Tôi bật khóc khi xem Phương Oanh diễn
Đạo diễn Mai Hồng Phong cho biết, trong quá trình quay "Quỳnh búp bê", anh đã nhiều lần bật khóc trước monitor khi thấy Phương Oanh diễn.
Có một câu nói đại loại rằng: phim ảnh có thể làm cuộc sống của chúng ta bớt khó khăn hơn, nếu mỗi người nghệ sĩ biết tự vấn, biết quan tâm đến số phận con người khi tìm kiếm đề tài.
Không rõ đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong đã nghe câu nói ấy hay chưa, nhưng có thể khẳng định, Mai Hồng Phong là vị đạo diễn của những bộ phim về số phận con người. Nhân vật trong phim của anh luôn gặp lắm gian truân nhưng gan góc và giàu nghị lực. Xem phim của anh bao giờ cũng thế, miệng cười thì ít mà trán nhăn thì nhiều.
Mai Hồng Phong - vị đạo diễn của những bộ phim về số phận con người.
Tiếp xúc với Mai Hồng Phong sẽ thấy anh là vị đạo diễn chứa đầy những mâu thuẫn. Anh có ánh mắt dữ dội nhưng nụ cười ấm áp. Anh khắc nghiệt đến nỗi không đếm xuể đã làm bao nhiêu diễn viên phải khóc trên trường quay, nhưng chính anh cũng nhiều lần bật khóc khi thấy diễn viên của mình hoá thân trọn vẹn vào nhân vật.
"Quỳnh búp bê" đang thu hút được sự chú ý lớn. Người ta bàn tán về những chiêu trò của gái "ngành", về số phận cô Quỳnh từ công sở đến quán nước vỉa hè. Một bộ phim có tính xã hội "nặng đô" như vậy, tôi tin không có gương mặt đạo diễn nào phù hợp hơn Mai Hồng Phong...
Khi đọc kịch bản "Quỳnh búp bê", tôi thấy gai ốc mình nổi lên
PV: Lúc nghe tin "Quỳnh búp bê" bị tạm dừng phát sóng, cảm xúc của anh khi ấy như thế nào?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Ngay từ lúc bắt tay vào sản xuất "Quỳnh búp bê", tôi đã nói với anh em đây là canh bạc. Tôi thích chọn những đề tài hóc búa, vì tôi quan niệm phim ảnh là chính kiến của cá nhân người đạo diễn nhằm phản ánh và phản biện xã hội.
Tôi cũng đã nghĩ đến trường hợp "Quỳnh búp bê" sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng thú thực khi biết tin phim bị dừng phát sóng cũng buồn chứ. Lúc ấy, mấy anh em thân tình ngồi lại với nhau, tôi khẳng định: "Quỳnh búp bê" sẽ trở lại. Cảnh nóng hay bạo lực không hề bị lạm dụng trong "Quỳnh búp bê" mà nó chỉ là chất liệu để lý giải vì sao những đường dây buôn bán phụ nữ lại tồn tại, vì sao những cô gái lại sa chân vào chốn đấy, vì sao họ không thoát ra được?
Mai Hồng Phong kể, khi đọc kịch bản "Quỳnh búp bê" thấy "gai ốc nổi lên".
PV: Quá trình anh tiếp cận với kịch bản "Quỳnh búp bê" như thế nào?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Trước đây, tôi từng được giao những đề tài giải trí thuần tuý, yêu đương lãng mạn. Thậm chí, tôi từng cầm trên tay kịch bản "Tuổi thanh xuân", nhưng xét đi xét lại, tôi nghĩ Khải Anh làm hợp hơn.
Tôi luôn quan niệm cuộc sống này rất khó khăn. Sự khắc nghiệt luôn rình rập, thử thách bản lĩnh của chúng ta. Vì vậy, nhân vật trong những bộ phim của Mai Hồng Phong luôn phải trải qua những hoàn cảnh khắc nghiệt. Cách họ nhìn nhận cuộc sống, cách họ vượt qua thử thách như thế nào..., tôi nghĩ những trải nghiệm đó rất đáng quý với các bạn trẻ. Phim của Mai Hồng Phong cũng không có lắm sự lãng mạn, nếu chăng cũng chỉ là chút ít thôi. Phải chăng vì cái màu sắc như vậy nên tôi thường được giao những đề tài chính luận, gia góc chăng?
Khi đọc kịch bản "Quỳnh búp bê", tôi thấy gai ốc mình nổi lên. Tôi đi vòng quanh phòng, cố lắng suy nghĩ lại một chút mới đọc tiếp, rồi lại thả hồn tưởng tượng. Tôi cũng có linh cảm đây là một bộ phim rất vất vả, nhưng sẽ được đón nhận.
PV: Phim của Mai Hồng Phong không có lắm sự lãng mạn. Phim cũng là người, phải không anh?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Từ bé tôi đã ham đọc sách, ham đọc đến nỗi quên ăn quên ngủ, thích thả hồn mình vào những cuốn sách, để tâm trí tự do bay bổng. Thế nên, tôi muốn đi học đại học thật nhanh để thoát ly gia đình. Tôi học cơ điện trên Thái Nguyên, đúp lên đúp xuống, đúp 2 năm liên tiếp thì bị đuổi học, rồi làm đủ thứ nghề như quay nhựa, thụt lốp, vá xe... Sau tôi xin vào Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thuỵ Khuê làm phụ động.
Nói phụ động cho oai nhưng thực chất là làm osin cho đoàn phim. Tôi không nề hà bất cứ công việc gì: từ giặt quần áo, rửa bát chén, bê chân máy... Ngày ấy làm gì có tiền. Thấy các anh quay phim, chỉnh ống kính, tôi thèm lắm. Thấy mỗi đoàn làm phim đến Thuỵ Khuê, tôi lại chạy ra cười một cái, hy vọng họ nhớ mặt mình, giao cho vài việc lặt vặt là may. Sau có ông anh động viên tôi đi học quay phim, đến năm 1993 tôi ra trường, cũng lăn lộn nhưng gần như không tiền, không việc.
Mai Hồng Phong và đồng nghiệp trên phim trường.
Có một hôm, anh Nguyễn Hữu Phần thấy tôi lang thang ngoài quán trà đá mới dẫn tôi đến gặp anh Khải Hưng. Hồi ấy Văn nghệ Chủ nhật mới hình thành, lúc đầu tôi chỉ được phân công quay tin tức. Một thời gian sau, anh Hưng bảo cho thử sức quay phim truyền hình. Dần dà một thời gian, tôi nhận thấy mình muốn làm đạo diễn, không phải để oai mà có nhiều tình huống ở hiện trường, mình cảm thấy như thế hay hơn nhưng là quay phim, mình không quyết định được.
Thế là tôi và Đỗ Đức Thành đến gặp anh Hưng xin làm đạo diễn. Ban đầu anh phản đối, về sau anh đồng ý cho thử sức với phim "Con nhện xanh" dài 5 tập. Phim thành công, rồi tôi được giao tiếp "Những ngọn nến trong đêm". Làm xong, anh bảo: "Chúng mày xuống núi được rồi".
Đời tôi như vậy, nên những nhân vật trong phim của tôi luôn trải qua những ngày tháng lận đận, nhưng không bao giờ từ bỏ ước mơ. Khi chúng ta lâm vào những ngày tháng khốn cùng, điều quan trọng nhất là chúng ta không bao giờ được từ bỏ hy vọng.
Phương Oanh gần như làm nền để My Sói, Lan cave, Cảnh và các nhân vật khác nổi lên
PV: Diễn viên Minh Tiệp từng chia sẻ thích diễn xuất của Thu Quỳnh (My Sói) nhất. Vậy trong 3 nữ diễn viên Phương Oanh, Thu Quỳnh, Thanh Hương, đạo diễn Mai Hồng Phong ấn tượng với ai nhất?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Ngồi ở minotor, tôi đã nhiều lần khóc khi thấy Phương Oanh diễn. My Sói (Thu Quỳnh), Lan cave (Thanh Hương) là những vai có bề nổi về tính cách, cộng với nội lực và cá tính mạnh của các bạn ấy nên dễ thu hút sự chú ý của khán giả.
Tuy nhiên, Quỳnh "búp bê" (Phương Oanh) trong những tập đầu chỉ như nô lệ cho người khác mắng chửi. Cô bé như cái bóng, không có cơ hội bộc lộ chính kiến, hoàn toàn bị động. Quỳnh "búp bê" gần như làm nền để My "Sói", Lan "cave", Cảnh và các nhân vật khác nổi lên. Đến những tập sau, Phương Oanh mới có cơ hội để bộc lộ tính cách. Đôi khi tuyến chính lại phải làm nền cho tuyến phụ nổi bật. Đã có một My "Sói", Lan "cave" cá tính thì phải có một cô Quỳnh búp bê ngơ ngác, ngây ngô mới tạo nên thế cân bằng.
PV: Dường như anh rất có cảm tình với nữ chính Phương Oanh?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Khi lựa chọn nữ chính vào vai Quỳnh "búp bê", thực ra chúng tôi xét thấy nhiều nữ diễn viên có cá tính hơn, nổi trội hơn. Nhưng để đồng hành một quãng đường dài cần thể lực, cần sự an toàn, bản lĩnh và dũng cảm, thì tôi nghĩ Phương Oanh vẫn vượt trôi hơn tất cả.
Phương Oanh là người rất thông minh. Ngày xưa tôi làm phim "Lời thì thầm quá khứ", Phương Oanh chỉ đóng vai phụ, có một cảnh phải đánh nhau với bọn sàm sỡ. Tôi nói với Oanh, tôi muốn cảnh ấy phải diễn thật, nếu được thì em nên đi học võ. Chẳng ngờ Phương Oanh bỏ ra vài tháng trời đi học võ chỉ để quay một cảnh. Sự dũng cảm và tận tâm với nghề ấy khiến tôi có ấn tượng và cảm tình với Oanh.
Phương Oanh, Thanh Hương và Thu Quỳnh.
PV: Có thời điểm Phương Oanh bức xúc tố cáo nhiều người trong đoàn phim "Quỳnh búp bê" đồn đoán cô ham sex, ham đóng cảnh nóng để tiến thân. Trên cương vị đạo diễn, anh thấy thế nào?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Tôi nói với Phương Oanh, em càng thành công, em càng nổi tiếng thì thị phi không có mới lạ. Đấy mới là cuộc sống muôn màu, có người này người kia. Cũng giống như trong phim "Quỳnh búp bê", khi My "Sói" bị phát hiện chơi xấu các cô gái trong xóm trọ, My "Sói" mới trả lời: Vì tao thấy chúng mày đoàn kết, yêu thương nhau nên tao muốn phá.
PV: Một câu hỏi cuối, anh sẽ làm việc đến năm bao nhiêu tuổi?
Đạo diễn-NSƯT Mai Hồng Phong: Theo quy định của Nhà nước thì 2 năm nữa tôi về hưu rồi. Nhưng cái nghề của tôi, tuổi hưu căn cứ vào sản phẩm của bạn có còn được đón nhận nữa hay không. Nếu đến một ngày, bộ phim tôi làm ra nhanh chóng bị khán giả quên lãng, thì lúc đó là gọi là tuổi hưu được rồi.
PV: Xin cảm ơn anh./.
Clip "Quỳnh búp bê" ngoại truyện
Theo VOV.VN
"Lan Cave" - Bảo Thanh hội ngộ sau khi trắng tay tại VTV Awards 2018 Dù không giành giải thưởng năm nay nhưng cả hai nữ diễn viên đều vui vẻ khi có dịp ngồi cùng nhau tại một sự kiện. Là gương mặt được chú ý thời gian qua sau thành công của một số bộ phim như Người phán xử, Thương nhớ ở ai và mới đây là Quỳnh búp bê, Thanh Hương nhanh chóng trở...