Quyết tâm thu hồi tiền bị tham nhũng
Phải mạnh dạn tước đoạt lại những tài sản mà những người tham nhũng đã tước đoạt của xã hội, không thể cứ đi tù là không thực hiện nghĩa vụ bồi thường”.
Quyết tâm cao, hành động thiếu quyết liệt
Tại buổi tập huấn Thông tư 02 về thẩm quyền của thanh tra trong phòng, chống tham nhũng cũng như thông tin kết quả 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức hôm nay (6/9), một trong những điều khiến cán bộ thanh tra địa phương băn khoăn là tỉ lệ thu hồi tiền bị tham nhũng về ngân sách nhà nước quá thấp.
Theo một báo cáo gần đây của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Thường vụ QH, trong năm 2011, hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra có tổng giá trị lên đến trên 11 nghìn tỷ đồng, nhưng số thu hồi được chỉ là 300 tỉ đồng, đạt 2,6%.
Phó Tổng Thanh tra CP Nguyễn Văn Sản: Không phải cứ sai phạm bao nhiêu thì phải thu hồi bấy nhiêu. Ảnh: Chung Hoàng
Video đang HOT
Trước con số từng khiến các ĐBQH “sốt ruột” này, ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng nhận định nguyên nhân là “quyết tâm chính trị cao nhưng hành động thiếu quyết liệt”.
“Phải mạnh dạn tước đoạt lại những tài sản mà những người tham nhũng đã tước đoạt của xã hội, không thể cứ đi tù là không thực hiện nghĩa vụ bồi thường”, ông Tuyền nói.
Chánh Thanh tra Đà Nẵng còn nhấn mạnh: Trung ương phải quyết tâm thu hồi tiền bị tham nhũng trong những vụ án lớn, công khai và bám sát, thì địa phương mới theo gương làm được, mới lấy lại được niềm tin ở nhân dân.
Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng của Thanh tra CP, ông Ngô Mạnh Hùng thừa nhận tỉ lệ thu hồi như vậy là quá thấp, song nhấn mạnh đây cũng là vấn đề mà quốc gia nào cũng phải đối mặt.
Phó Tổng Thanh tra CP Nguyễn Văn Sản, khi trao đổi bên lề với báo chí, cũng lưu ý: Trong các kiến nghị của thanh tra, không phải cứ sai phạm bao nhiêu thì phải thu hồi bấy nhiêu, có những khoản xuất toán, hoặc giảm từ quyết toán…. cũng là đem về cho ngân sách nhà nước.
Công khai kê khai tài sản
Theo phản ánh của Trưởng phòng Chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh Quảng Bình, có một số điều khoản trong quy định về kê khai tài sản chưa thực sự hợp lý. “Quy định cho phép không phải kê khai những biến động tài sản dưới 50 triệu đồng dẫn đến nhiều đối tượng báo không có biến động để không kê khai bổ sung”, vị này lấy ví dụ.
Thanh tra các địa phương thấy còn vướng trong việc phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Chung Hoàng
Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Thiêm, còn mạnh dạn chỉ ra vướng mắc lớn trong kê khai tài sản là “ngoài bộ máy nhà nước còn có bộ máy đảng và đoàn thể”. “Khi có các nghị định, văn bản, ta cứ đinh ninh rằng luật pháp là thống nhất, các cơ quan đều phải thực hiện, nhưng làm rất hạn chế”, ông Thiêm nói và nhận định điều này làm cho “toàn bộ việc kê khai tài sản chỉ là hình thức, không có tác dụng gì, có chăng chỉ hữu ích trong các quy trình bổ nhiệm cán bộ”.
“Chưa kể còn thiếu các điều khoản yêu cầu lý giải nguồn gốc tài sản biến động khiến việc xác minh bị vướng”, Chánh Thanh tra Thanh Hóa nói.
Ông Phan Tấn Tuyền cho rằng việc kê khai tài sản hiện nay cũng có tác dụng tích cực, đặc biệt khi phát hiện vi phạm, các kê khai hàng năm sẽ là căn cứ hữu ích cho công tác điều tra. Song Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng nhấn mạnh đến yêu cầu công khai các kê khai tài sản này.
“Cần công khai những kê khai cả lần đầu cũng như các lần bổ sung mỗi năm, vấn đề này không có gì vướng mắc cả, chỉ là văn bản chưa có quy định”, ông Tuyền nói. Cho biết Đà Nẵng đã thực hiện yêu cầu công khai này “không có ảnh hưởng gì”, ông Tuyền bày tỏ “hơi buồn” khi thấy “chỉ đạo không dứt khoát”.
Theo Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng của Thanh tra CP Ngô Mạnh Hùng, việc này năm trong một lộ trình và cần thực hiện từng bước vì “hiện trạng kinh tế xã hội của ta chưa đủ để dùng những liều thuốc mạnh”.
“Đây phải là một quá trình chuyển dần từ hình thức đến nội dung, từ chỗ kê khai như hiện nay đến công khai kê khai, sau đó là giải trình nguồn gốc tài sản biến động và hình sự hóa tài sản tăng thêm không hợp pháp như nhiều nước hiện đang làm”, ông Hùng cho biết.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng, đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can, truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can, xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo, thu hồi về cho ngân sách nhà nước 1.061,6 tỷ đồng và 218,8 ha đất.
Trong 5 năm, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Thanh tra CP nhận định con số này còn ít so với số vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý.
Theo Dantri