“Quyết” phạt xe không chính chủ!
Theo dự thảo lần thứ 2 Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xử phạt cả chủ xe khi tài xế lái xe vi phạm một số quy định giao thông đường bộ.
Tài xế vi phạm, chủ xe bị phạt từ 2 – 8 triệu đồng
Dự thảo Nghị định này có 1 điểm mới là tài xế (người làm công) lái xe ô tô, ô tô chở khách, ô tô tải, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô mà vi phạm quy định giao thông đường bộ thì ngoài việc tài xế bị phạt theo lỗi của mình, chủ phương tiện vi phạm cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể mức phạt là 2 – 4 triệu đồng nếu chủ phương tiện là cá nhân, 4 – 8 triệu đồng nếu chủ phương tiện là tổ chức.
Chủ xe ô tô, xe khách, xe tải cũng sẽ bị phạt nếu tài xế vi phạm các quy định giao thông đường bộ (Ảnh: Tùng Nguyên)
Chủ xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) sẽ bị xử phạt theo quy định trên nếu tài xế điều khiển phương tiện vi phạm các quy định sau: Chở quá số người quy định trên phương tiện; Chở hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải theo thiết kế của xe hoặc quá kích thước bao ngoài của xe; Điều khiển xe ô tô liên tục quá thời gian quy định.
Video đang HOT
Chủ xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng hóa sẽ bị xử phạt theo quy định trên nếu tài xế điều khiển phương tiện vi phạm các quy định sau: Chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Xếp hàng trên nóc thùng xe, xếp hàng vượt quá bề rộng thùng xe, xếp hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe; Điều khiển xe liên tục quá thời gian quy định.
Chủ xe ô tô sẽ bị xử phạt theo quy định trên nếu tài xế điều khiển phương tiện vi phạm các quy định sau: Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép; Chở hàng siêu trường, siêu trọng có giấy phép nhưng tổng trọng lượng, kích thước xe vượt quá quy định trong giấy phép.
Chủ xe bánh xích, xe ô tô tải, ô tô khách sẽ bị xử phạt theo quy định trên nếu tài xế điều khiển phương tiện vi phạm các quy định sau: Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; Chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ; Xe vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy phép; Điều khiển xe bánh xích tham gia giao thông không có giấy phép hoặc lưu thông trực tiếp trên đường…
Phạt xe không chính chủ, xe không nộp phí đường bộ
Cũng theo dự thảo Nghị định này thì những cá nhân, tổ chức là chủ phương tiện giao thông cơ giới nhưng không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản sẽ bị xử phạt (thường gọi là xe không chính chủ).
Cụ thể, người dân sau khi mua, bán, tặng, cho… phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan chức năng đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu.
(Ảnh: Trung Kiên)
Nếu xe lưu thông trên đường mà bị CSGT kiểm tra, phát hiện người lái xe không phải là chủ phương tiện theo giấy tờ xe, không chứng minh được người chủ trên giấy tờ xe là thân nhân, bạn bè cho mượn xe (tức là mua xe mà chưa sang tên, chuyển quyền sở hữu) sẽ bị xử phạt vì lỗi không chính chủ.
Quy định xử phạt xe không chính chủ đã có trong Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19/12/2012 và được áp dụng từ đầu tháng 11/2012. Tuy nhiên, chỉ mới thực hiện được vài ngày thì Chính phủ quyết định tạm dừng. Đến dự thảo lần này, bộ GTVT vẫn giữ nguyên quy định này. Chỉ có khác là mức phạt lỗi này theo dự thảo Nghị định mới giảm nhẹ hơn rất nhiều so với trong Nghị định 71.
Cụ thể, theo Nghị định 71 thì mức phạt là 6 – 10 triệu đồng với ôtô và 800.000 – 1.200.000 đồng với xe mô tô, xe gắn máy. Còn theo dự thảo Nghị định mới, mức phạt đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô chỉ là 100.000 – 200.000 đồng; đối với chủ xe là tổ chức thì mức phạt là 200.000 – 400.000 đồng. Mức phạt đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô là 2 – 4 triệu đồng; đối với chủ xe là tổ chức thì mức phạt là 4 – 8 triệu đồng.
Mức phạt 100.000 – 8.000.000 đồng trên cũng được áp dụng cho những phương tiện cơ giới không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Đây là cơ sở để CSGT có thể xử phạt các phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ được áp dụng từ đầu năm 2013
Tùng Nguyên
Theo dân trí
Sẽ xử phạt cả người chăn nuôi nếu vi phạm
Lần đầu tiên sẽ có một Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi (TACN) nhằm siết lại các hoạt động này. Tuy nhiên, làm thế nào để xử phạt, chế tài nào để buộc người vi phạm phải thực hiện vẫn là câu hỏi khó trả lời.
Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đang chủ trì soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi. Dự thảo Nghị định đang trong quá trình soạn thảo, đóng góp ý kiến của các ngành liên quan. Nhiều quan điểm đã tỏ ra đồng tình vì lĩnh vực này bấy lâu nay còn bị bỏ ngỏ. Dù Pháp lệnh Thú y đã có từ lâu song đang trong tình trạng có mà như không. Thức ăn chăn nuôi lâu nay cũng không được quản lý chặt chẽ, không có sự phân cấp quản lý, trách nhiệm cụ thể. Hậu quả trong năm 2011, TACN nhiễm các chất cấm đã bị phát hiện tại nhiều tỉnh, thành, gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, không nên xử phạt người bán TACN nếu cơ sở này vi phạm, vì hàng được lấy từ nhà máy.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, các cơ sở bán TACN dù lấy từ nhà máy nhưng không biết mình bán gì là không thể chấp nhận được. "Họ phải có hợp đồng ràng buộc với nhà máy sản xuất, nếu không sẽ khó xử lý được vi phạm. Bên cạnh đó, người trung gian cũng phải liên đới trách nhiệm nếu TACN bán ra không đảm bảo".
Mức phạt tiền tối đa vi phạm trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi áp dụng với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với lĩnh vực TACN, áp dụng đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng... như, người dân không báo cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y ở địa phương khi nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc khi thấy động vật bị mắc bệnh, chết nhiều mà không rõ nguyên nhân; không chấp hành tiêm phòng bắt buộc vaccine hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác trong vùng ổ dịch cũ, vùng đã bị dịch uy hiếp; thả rông chó nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị...
Hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu giết mổ để kinh doanh ở những địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật. Đặc biệt, sẽ phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trong vòng 24h trước và sau khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh. Phạt tiền từ 10 tới 20 triệu đồng đối với hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Theo ANTD
Thông tin sai về giá hàng hóa sẽ bị phạt 150 triệu đồng Những hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường có thể bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Sắp có Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí và hóa...