Quyết liệt giải bài toán hụt thu ngân sách
Ngày 11-10, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã khai mạc hội nghị lần thứ 14. Nói về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2013 và dự báo giai đoạn tiếp theo, hầu hết ý kiến đều chung nhận định: “vô cùng khó khăn”.
Doanh nghiệp đến nộp thuế tại điểm thu ngân sách huyện Từ Liêm
Theo Ban cán sự Đảng UBND TP, tổng sản phẩm trên địa bàn quý III-2013 tăng 8,3%. Dù tình hình rất khó khăn, nhưng 19/23 chỉ tiêu kinh tế – xã hội của TP năm 2013 dự báo đạt kế hoạch đề ra. Do đó, UBND TP nhận định kết quả 9 tháng đầu năm kinh tế Thủ đô vẫn duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá, dự kiến đạt từ 8 đến 8,5%. Thách thức lớn nhất là kinh tế tuy đã phục hồi nhưng chưa thật vững chắc. Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với kế hoạch năm. Thêm vào đó, bài toán cân đối thu – chi ngân sách đang khá căng thẳng khi tổng thu ngân sách địa phương dự báo giảm tới 12.088 tỷ đồng.
Để bù đắp con số hụt thu khổng lồ nói trên, TP buộc phải tiến hành hàng loạt giải pháp “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên và xây dựng cơ bản, giãn tiến độ các dự án có thể giãn, hoãn…
Ông Vũ Đức Bảo, Bí thư Quận ủy Long Biên đề xuất, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Ông nói: “Nhiều doanh nghiệp thừa khả năng thanh toán tiền thuê đất, tiền sử dụng đất nhưng cố tình nợ dây dưa. Chúng tôi mời họ tới để trao đổi thẳng thắn và kết quả chỉ trong 1 tuần, quận Long Biên đã thu được hơn 500 tỷ đồng tiền đất. Ở đây, không phải họ không có tiền mà do thái độ của chúng ta chưa quyết liệt…”.
Video đang HOT
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, kết quả tăng trưởng kinh tế xã hội phản ánh nỗ lực rất lớn của Hà Nội, cho thấy những giải pháp TP thực hiện đang phát huy hiệu quả. Yêu cầu các cấp, ngành cố gắng hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2013, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh 4 vấn đề trọng tâm cần được các cấp, các ngành tích cực thực hiện. Riêng về vấn đề cân đối thu – chi, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần tiếp tục cân nhắc việc huy động, điều hòa các nguồn vốn để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh: “Từ đầu năm tới nay, TP Hà Nội đã xử lý nghiêm khắc các vụ việc sai phạm, tiêu cực được báo chí, dư luận nhân dân phản ánh, từ vụ “ăn bớt vaccine”, vụ sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, tới việc một cán bộ quản lý đi chơi golf có vi phạm về đạo đức, ứng xử, TP cũng đã lập hội đồng kỷ luật xử lý rất nghiêm khắc”.
Chính Trung
Theo ANTD
Khó cân đối ngân sách
Ngày 26-9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã có cuộc giao ban quý III-2013 với cán bộ chủ chốt các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành. Nội dung duy nhất của cuộc giao ban là kết quả nhiệm vụ thu, chi ngân sách 9 tháng đầu năm và giải pháp điều hành những tháng cuối năm 2013.
Hà Nội lần đầu tiên không hoàn thành kế hoạch thu ngân sách trong 15 năm qua
Cực kỳ khó khăn
Ban Cán sự Đảng UBND TP cho biết, 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt gần 80.000 tỷ đồng (bằng 16,5% tổng thu ngân sách của cả nước), bằng 49,5% dự toán và bằng 93,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 28.768 tỷ đồng, bằng 50% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 11.119 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán; chi thường xuyên là 17.559 tỷ, bằng 55,9% dự toán.
Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND TP Hà Nội dự báo, tổng thu NSNN trên địa bàn trong năm 2013 ước 120.672 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán HĐND TP giao. Trong đó, thu ngân sách địa phương theo phân cấp là 45.101 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán. Như vậy, tổng thu ngân sách địa phương năm 2013 của TP dự kiến giảm 11.824 tỷ đồng, trong đó cấp TP giảm 10.900 tỷ đồng, cấp quận, huyện, thị xã giảm 924 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, 15 năm qua, đây là năm đầu tiên Hà Nội không hoàn thành kế hoạch thu ngân sách: "Hà Nội luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Năm 2012 dù rất khó khăn nhưng TP vẫn vượt 0,5%". Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt đánh giá, tình hình "cực kỳ khó khăn": "Chưa năm nào cân đối ngân sách khó như năm 2013. Chúng tôi vô cùng lo lắng...". Nhiều ý kiến khác cho rằng, kết quả công tác thu, chi ngân sách của TP phản ánh thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là tại các lĩnh vực chủ chốt như ngân hàng, xây dựng, bất động sản. Cùng với đó, việc thực hiện miễn, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí và việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của TP. Theo Cục trưởng Cục Thuế TP Phi Vân Tuấn, chỉ tính riêng khối ngân hàng và bất động sản, TP đã hụt thu trên 5.300 nghìn tỷ đồng. Còn ở khối doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm nay, thu thuế VAT cũng giảm 266 tỷ so với cùng kỳ, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 4.600 nghìn tỷ.
Tăng thu, giảm chi
Để đảm bảo cân đối ngân sách, UBND TP cho biết, sẽ sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng (sau khi đảm bảo cải cách tiền lương theo lộ trình); tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm; sử dụng 50% dự phòng ngân sách năm 2013; 30% Quỹ dự trữ tài chính. Nếu các biện pháp trên chưa đảm bảo cân đối, TP báo cáo Bộ Tài chính cho tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước và phát hành trái phiếu Thủ đô để đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; ứng trước dự toán 2014 giải ngân cho các dự án trọng điểm.
Ông Phi Vân Tuấn đề nghị các địa phương cùng các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ chống thất thu và đôn đốc nợ đọng thuế. Bên cạnh các biện pháp tăng thu, các ý kiến cho rằng, cần quyết liệt rà soát các nhiệm vụ chi (kể cả chi thường xuyên, chi xây dựng cơ bản) trên tinh thần cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cấp bách. Các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên đến 30-9-2013 chưa được phân bổ hoặc phân bổ chưa đúng quy định sẽ được thu hồi để bổ sung cho cân đối thu chi của TP.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND TP chỉ đạo quyết liệt, tập trung để các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành thuế, quản lý thị trường, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế, hạn chế nợ mới phát sinh. Bí thư Thành ủy chỉ đạo, quản lý, điều hành chi ngân sách cần phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn nữa. Phải tập trung ngân sách cho các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm an sinh xã hội; đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn thiết yếu. Cùng với đó, phải kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa, xử lý kịp thời đối với những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách...
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Hà Nội đã hạn chế tối đa các khoản chi
"Hà Nội thường xuyên yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách. Hạn chế tối đa các khoản chi không cần thiết. Từ đầu năm tới nay, TP hầu như không mua sắm các phương tiện, xe cộ, trừ xe cứu hỏa, cứu thương, phục vụ các nhiệm vụ cấp bách. TP cũng chưa bố trí ngân sách xây dựng, sửa sang trụ sở làm việc dù rất nhiều trụ sở cơ quan của Hà Nội, từ phường, xã tới thành phố, đều chật hẹp hoặc cần nâng cấp, tu sửa. Hai nhiệm kỳ gần đây, TP đã dự định xây dựng khu liên cơ quan nhưng do tình hình khó khăn, đã phải tạm dừng. TP cũng rất tiết kiệm và hạn chế chi cho hội họp, công tác nước ngoài, kể cả tham quan, du lịch trong nước hay hoạt động kỷ niệm nhân các sự kiện...".
Thành Nam
Theo ANTD
Tạo đột phá trong hỗ trợ doanh nghiệp Hôm qua, 11-12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức giao ban kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán thu chi ngân sách TP năm 2013. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá, trong năm qua, mặc dù một số chỉ tiêu của TP không đạt so với kế hoạch, tuy nhiên với kết quả đạt được...